Ý kiến ngắn

Góp ý phải có tính chất xây dựng

Thứ Năm, 15/12/2011, 08:00

Theo Trung tá Vũ Quốc Tường - Đội phó Đội CSGT TP Thanh Hóa  việc "quăng lưới" để chống tình trạng đua xe không nằm trong bất cứ nghiệp vụ nào của ngành Công an mà chỉ là một công cụ trợ giúp người thực thi pháp luật nên ,mong muốn"có một cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá cụ thể" để nếu được thì "có thể nhân rộng".

Trong hơn tuần nay, có một vụ việc liên quan đến lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của công luận, với nhiều ý kiến trái chiều. Đó là cách thức mà Đội CSGT Công an Tp Thanh Hóa áp dụng để chống tình trạng đua xe: Dùng lưới đánh cá quăng vào gầm xe của đối tượng vi phạm, khiến xe giảm tốc độ dần rồi dừng hẳn. Theo thông tin mà Trung tá Vũ Quốc Tường - Đội phó Đội CSGT TP Thanh Hóa (tác giả của sáng kiến trên) cung cấp cho báo giới thì sau khi áp dụng biện pháp này, vì "những thanh niên đua xe thấy lưới là sợ nên đến giữa năm 2010, tình trạng đua xe tại TP Thanh Hóa đã chấm dứt". 

Mặc dù hiệu quả là vậy, song theo Trung tá Tường thì việc "quăng lưới" này không nằm trong bất cứ nghiệp vụ nào của ngành Công an mà chỉ là một công cụ trợ giúp người thực thi pháp luật. Bởi vậy, anh mong muốn "có một cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá cụ thể" để nếu được thì "có thể nhân rộng". Điều mà Trung tá Tường băn khoăn, cảm thấy chưa yên tâm là: Việc sử dụng biện pháp này vào ban ngày có thể khiến người bị quăng lưới sợ hãi phóng xe bỏ chạy, dẫn đến mất thăng bằng và va vào người tham gia giao thông khác (mặc dù trong thực tế, theo Trung tá Tường, đến nay mới có 5 trường hợp bị ngã, xây xước nhẹ).

Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra xung quanh sáng kiến này của CSGT TP Thanh Hóa. Người khen nhiều, người chê cũng lắm. Một số ý kiến lo ngại việc quăng lưới nếu không tính kỹ có thể gây tai nạn cho người vô tội.

Chúng ta đều biết, trong cuộc sống, thực tế vẫn có những hành động, tình huống diễn ra theo lẽ tự nhiên, như một phản xạ tự vệ mà chẳng ai lý sự phải áp dụng luật này, luật nọ, miễn là nó đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, khi tình huống, hành động ấy được đưa ra để bàn luận, lấy ý kiến thì vấn đề lại không hề đơn giản. Không chỉ đặt vấn đề về hiệu quả, người ta còn đặt vấn đề về khía cạnh… thẩm mỹ. Mà trong trường hợp cụ thể này, việc… quăng lưới chống đua xe rõ ràng là gặp nhiều bất lợi.

Dư luận có thể chấp nhận việc CSGT cho đặt bàn chông, đặt chướng ngại vật (từng gây tai nạn cho đối tượng như báo chí có lần phản ảnh), hoặc các biện pháp mạnh tay, khắc nghiệt hơn nữa, song với một hành động "nhẹ nhàng" hơn nhiều - như việc để những người thi hành công vụ lom khom chạy chặn đường kẻ đua xe rồi ôm cuộn lưới đánh cá đã được gắn mẩu gạch, hoặc đá ở đầu để… thia lia vào gầm xe của đối tượng (như CSGT TP Thanh Hóa đang áp dụng) thì hơi… khó. Đơn giản vì "trông nó thế nào ấy". Bản thân Trung tá Vũ Quốc Tường cũng nhận thấy biện pháp này "nhìn khá phản cảm".

Và thế là, sau một hồi dư luận ồn ào bình xét về cách thức "quăng lưới bắt quái xế" của CSGT TP Thanh Hóa, ngày 26/11, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho tạm dừng triển khai biện pháp nói trên để làm báo cáo luận chứng đánh giá rút kinh nghiệm và xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền.

Việc hai năm rõ mười là vậy, thiết nghĩ cả người ủng hộ và người không ủng hộ biện pháp nói trên cũng ít nhiều rút ra những kết luận riêng cho mình. Và, dù kết quả thế nào chăng nữa cũng không thể phủ nhận thiện chí mong muốn tình hình an ninh trật tự ngày một tốt đẹp lên của lực lượng chức năng.

Tiếc là không phải ai cũng thấy được như vậy.

Vừa qua, trên một trang web, tôi đọc được một bài viết có tiêu đề "Đã có kiệt hiệt xứ Thanh thời hiện tại" của tác giả PT, với lời lẽ mỉa mai, châm biếm cay nghiệt cách thức chống đua xe của CSGT Tp Thanh Hóa. Theo tác giả, việc làm đó là việc "quăng lưới bắt dân". Và, mặc dù thao tác quăng lưới đã được những người thực thi mô tả rõ ràng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng (chỉ quăng vào gầm xe), song, trong cách hình dung của ông PT thì việc ấy lại hóa như sau: "Một phương tiện giao thông đang chạy trên đường, bỗng bị một chùm lưới cá tung lên, nhào xuống, chụp toàn thân người và phương tiện, thì người và phương tiện không thể không đổ nhào". Từ đó, tác giả mỉa mai: "Ngăn chặn tai nạn bằng một biện pháp gây tai nạn thì chỉ có kiệt hiệt xứ Thanh mới nghĩ ra". Kết bài, tác giả PT đưa ra "sáng kiến" theo kiểu… phá bĩnh: "nên đòm hết những người vi phạm luật lệ giao thông thì hơn, nhưng điều kiện là đòm trúng vào tim hay cái đầu của họ" (để họ khỏi bị thương, tốn tiền chữa chạy).

Tôi không rõ tác giả PT có thuộc trong giới văn nghệ sĩ hay không, song với cách nêu vấn đề kiểu trên, theo tôi là thiếu tinh thần xây dựng. Thiết nghĩ, về việc làm của CSGT Tp Thanh Hóa, nhận định như Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng trong Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012 (tổ chức tại Hà Nội sáng 28/11 vừa qua) là thấu tình đạt lý hơn cả. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cần phải hoan nghênh tinh thần quyết tâm của Công an Thanh Hóa trong việc chống tội phạm đua xe. Bởi để chống tội phạm đua xe, cần phải tìm ra nhiều biện pháp khác nhau để làm. Có điều, cách làm đó cần tính đến yếu tố khả quan, có gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông hay không?

Linh Nguyên
.
.