Góp chuyện về một bài thơ “kiểu bút tre”

Thứ Sáu, 03/10/2008, 15:30
Trên trang web của nhà văn Trần Nhương, tôi được đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhan đề: "Làm thơ, nuôi chó, chọi gà...", viết về ông Nguyễn Bảo Sinh, trong đó có đoạn:

"Khi đọc Nguyễn Bảo Sinh, bạn đọc dễ có liên tưởng đến thơ Bút Tre. Tôi nghĩ, xét cho cùng, Bút Tre cũng là một kiểu thơ dân gian, nghệ thuật dân gian. Ở thơ Bút Tre, kiểu nửa đùa nửa thật trộn lẫn giữa hình thức và nội dung gây nên hiệu quả rất độc đáo:

Anh đi công tác Plây

Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra".

Trước hết phải nói rằng tôi rất thích thơ Bút Tre và rất cảm phục nhân cách của ông qua nhiều bài viết trên báo về ông, một người sống khảng khái, hết lòng vì công việc, vì mọi người, thanh bạch cho đến cuối đời. Thơ của ông được nhiều người, nhất là trong những năm tháng còn chiến tranh, yêu thích, không những thuộc mà còn sáng tác ra nhiều bài thơ kiểu "Bút Tre" mà nhiều người gọi là "thơ hậu Bút Tre".

Nhà thơ Ngô Quang Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thông tin, trong một cuốn sách viết về Bút Tre đã cho biết nhiều bài thơ không phải do Bút Tre sáng tác mà là của nhiều người khác làm ra theo kiểu thơ "Bút Tre", khi ông Bút Tre được nghe đã phải thốt lên "bái phục dân gian!”.

Tôi kể ra như vậy để nói rằng hai câu thơ mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dẫn ra trên đây tôi biết không phải là của Bút Tre mà là của những tác giả hậu Bút Tre.

Cuối năm 2007, tôi có viết bài báo về nhà báo lão thành Đặng Minh Phương, nguyên Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện báo Nhân Dân tại Quảng Nam - Đà Nẵng nhan đề "Cây bút nặng tình, "ông trạng" nói lái cự phách" (Báo An ninh thế giới, số cuối tháng 12/2007).

Tôi biết ông Đặng Minh Phương từ những năm chiến tranh chống Mỹ tại chiến trường Khu V, biết ông là một "ông trạng" nói lái cự phách, hay làm thơ và kể chuyện tiếu lâm nói lái, sau này một lần "suýt" bị kỷ luật vì làm một bài thơ nói lái đăng trên một tờ báo tết.

Ngày Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Khu V cũ) họp đại hội trên chiến khu, trong đêm văn nghệ mừng đại hội thành công, ca sĩ Thu Vân, diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Trung Trung Bộ dẫn chương trình (mà bây giờ người ta cứ thích gọi là M.C!), giới thiệu nhà thơ Thu Bồn ra đọc trích đoạn một trường ca ông mới sáng tác.

Đọc xong, nhà thơ Thu Bồn đi vào cánh gà cũng là lúc ca sĩ Thu Vân đi ra sân khấu. Ý chừng muốn cảm ơn Thu Vân và cũng là chỗ thân tình, Thu Bồn khẽ vỗ vỗ vào vai chị. Ngồi dưới hội trường xem biểu diễn, thấy cảnh này, nhà báo Đặng Minh Phương liền ứng khẩu hai câu thơ và đọc cho mấy "khán giả" ngồi cạnh nghe:

Thu Vân giới thiệu Thu Bồn

Thu Bồn cảm động sờ...vai Thu Vân.

Từ sau đêm liên hoan văn nghệ ấy, nhà báo Đặng Minh Phương còn được mọi người gọi là... "nhà thơ Bút Tre" của Khu V. 

Gần đây, đến thăm nhà báo Đặng Minh Phương, tôi lại được trò chuyện cùng ông về thơ nói lái và thơ Bút Tre. Bất ngờ ông hỏi tôi:

- Cậu có biết ai là tác giả của câu thơ: "Anh đi công tác Plây/ Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra..." không?

Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói luôn, ông chính là tác giả của hai câu thơ này, rồi kể cho tôi nghe hoàn cảnh ra đời của hai câu thơ đó.

Đó là vào dịp tết năm 1980, ông được một người bạn là Trưởng ty Lao động tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rủ lên Pleiku thăm một số bạn chiến đấu cũ. Tết năm đó, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do một Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu vào chúc tết đồng bào và chiến sĩ tỉnh Gia Lai - Kom Tum.

Tại nhà khách của tỉnh, nhà báo Đặng Minh Phương gặp ông N, một người bạn cùng quê, là thư ký riêng của Phó Thủ tướng. Vốn vui tính, hay kể chuyện tiếu lâm, lại gặp bạn cũ trong ngày tết, giữa lúc vui chuyện Đặng Minh Phương đùa đùa thật thật với ông N:

- Này, ông vừa vào đây mà bà vợ ông đã gửi thư theo, ghê thật!

Ông N. ngẩn người, chưa hiểu bạn mình nói gì thì Đặng Minh Phương đọc hai câu:

Anh đi công tác Plây

Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra...

Thế là ông N. và mọi người xung quanh cười ngặt nghẽo.

Chưa hết, hôm tiễn ông N. trở ra Hà Nội, nhà báo Đặng Minh Phương làm hai câu thơ tiếp theo tặng bạn và dặn bạn mình khi về nhà thế nào cũng phải đọc cho bà xã nghe:

Anh đi công tác Plây

Cu về anh lại đến ngay với nàng!

Nhà báo Đặng Minh Phương kể xong, tôi tủm tỉm cười "khoe" với ông, tôi cũng là "đồng tác giả" của bài thơ này.

Cuối năm 1980, trong một chuyến trở lại Quảng Nam - Đà Nẵng công tác, tôi được nghe một người bạn, cũng là nhà báo, đọc cho nghe hai câu thơ:

Anh đi công tác Plây

Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra...

Nghe xong hai câu thơ trên, tôi cảm thấy như thiêu thiếu thế nào, nhưng bạn tôi không biết hai câu thơ tiếp theo. Vốn quê Phú Thọ, đồng hương với nhà thơ Bút Tre, nên cũng có tính tếu táo, tôi nghĩ phải làm tiếp hai câu thơ là lời của ông chồng gửi vợ, nên sửa lại thành:

- Anh đi công tác Plây

Cu dài dằng dặc biết ngày nào vê (về)?

- Anh còn phải ghé Ban Mê

Thuột thêm một tối mới về với em!

Nhân đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi xin viết lại câu chuyện này để góp vui cùng nhà văn và bạn đọc về một bài thơ dân gian "kiểu Bút Tre", nhưng lại có tác giả hẳn hoi

.
.