Gốm Thổ Hà chưa qua bĩ cực...

Thứ Năm, 27/02/2014, 08:00

Giờ đây, về thăm làng gốm Thổ Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, chẳng thể tìm đâu những hình ảnh "Làng gốm cữ này đang độ lửa/ Khói cỏ de thơm khắp cả làng/ Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến/ Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang" (bài ''Làng gốm Thổ Hà" của nhà thơ Vũ Quần Phương). Thay vào đó là những ngõ nhỏ phơi chật kín bánh đa nem.

Làng gốm Thổ Hà từng sánh vai cùng những trung tâm gốm nổi tiếng ở Việt Nam như Phù Lãng, Bát Tràng. Tiếc rằng, vào những năm 80 của thế kỷ XX, trước tác động bởi kinh tế thị trường, hàng chục lò gốm ở đây phải "tắt lửa", nhất là khi HTX gốm Thổ Hà giải thể. Đương nhiên, người dân Thổ Hà đã rất nhạy bén khi chuyển sang nghề làm bánh đa nem, nấu rượu kiếm kế sinh nhai. Bẵng đi một thời gian, người trong làng chẳng mấy ai còn thiết tha với gốm, thì đến năm 2006, nông dân Trịnh Đắc Tân được xem là "người hùng" của Thổ Hà khi đã dũng cảm bỏ tiền, công sức theo đuổi giấc mộng vực dậy nghề truyền thống mà cha ông tạo dựng mấy trăm năm trước.

Một nhiệm vụ cao đẹp được ông Tân ngày đêm miệt mài thực hiện và quả nhiên đất đã không phụ công người. Những tháng ngày tự tìm "công thức" làm gốm và tự mày mò với mức "học phí cao" cuối cùng cũng cho ra lò những sản phẩm gốm sành da lươn bóng nhoáng, chắc khỏe và chất lượng được đánh giá đạt tương đối chuẩn so với gốm Thổ Hà xưa. Ông Tân đã làm được điều mà nhiều người Thổ Hà trước đó vẫn cho là "không tưởng", nhưng để mỗi lò gốm được đỏ lửa, ông phải đổ vào đó mấy chục triệu đồng.

Anh Nguyễn Đăng Tập quyết tâm theo đuổi nghề gốm để giữ "nghiệp nhà".

Ấy vậy, niềm vui ngắn chẳng tày gang, trong khi phía trước vẫn còn ngổn ngang khó khăn và những món nợ khổng lồ, thì mấy tháng trước về Thổ Hà, tôi giật mình hay tin, nghệ nhân Trịnh Đắc Tân đã trút hơi trở cuối cùng bên lò gốm của mình với những nỗi niềm đau đáu bởi giấc mộng dở dang. Tiếc cho nghề gốm lại thương ông Tân nhiều, không ít người dân Thổ Hà đã bi quan cho rằng, gốm làng mình giờ chỉ còn trong sách sử…

Sự thể là cuối năm kia, ông Tân một thân hì hụi tháo tung cái lò gốm cũ để thiết kế lò nung gốm mới lớn hơn và có thể cho ra đời sản phẩm tốt hơn. Thương chồng vất vả, bà Biển khuyên ngăn chồng bỏ gốm để làm bánh tráng, tuy không giàu nhưng cũng có đồng ra đồng vào, ai ngờ lò chưa xây xong thì người đã đổ nhiều thứ bệnh...

Dân gian có câu "Người chết cái nết vẫn còn", trước lúc "xuôi tay", ông Tân vẫn cố gượng dậy thì thào với vợ con rằng: "Bằng mọi giá bà phải tiếp tục duy trì cái nghề của cha ông này, có như vậy tôi mới an tâm". Lúc đó có lẽ vì thương chồng, thương cha quá nên mẹ con bà Biển cứ đồng ý đại để cho ông an lòng, họ chẳng dám tin mình lại có đủ nghị lực, tâm huyết và tài năng để nối tiếp cái nghề ấy, nhất là khi người chồng, người cha của họ đã vì gốm mà phải bỏ mạng. Nhưng rồi như một sự "run rủi" khiến chính bà Biển - người đã từng khuyên ngăn chồng bỏ gốm lại mạnh mẽ động viên con rể và con gái làm gốm. Không ngại gian khó, mấy mẹ con bà lại bắt đầu loay hoay đắp lò, nhào đất, chuốt gốm…

Hậu sự của ông Tân vừa đúng 50 ngày cũng là khi mẻ gốm đầu tiên của mẹ con bà Biển ra lò thành công. Những chiếc chum, vại, chậu cảnh, tiểu sành màu nâu cánh gián kêu koong koong lại tiếp tục được sản xuất đại trà và đưa ra thị trường. Một niềm rưng rưng lại ứa ra trên khóe mắt của các thành viên trong gia đình…

Để tiếp tục thực hiện tâm nguyện của chồng, bao nhiêu vốn liếng bà Biển dồn cả cho các con làm gốm, bà bảo "Có phải thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng tôi vẫn chấp nhận". Cũng may, cậu con rể Nguyễn Đăng Tập, sau nhiều năm theo bố vợ học nghề đã kịp tích lũy cho mình những kiến thức cơ bản về gốm cổ nên khi bắt tay vào làm ít bỡ ngỡ. Anh Tập sẽ là người đứng mũi chịu sào xoay xở mọi chuyện từ nguyên liệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng đến đầu ra cho sản phẩm, trong đó khó khăn mà anh đang phải đối mặt là bài toán vốn và thị trường.

"Nghệ nhân" trẻ này cho biết: "Một số mặt hàng như tiểu sành, chậu cảnh đang bán khá chạy, tuy nhiên đây cũng chỉ là những đồ sản xuất mùa vụ. Muốn tồn tại và phát triển ổn định thì cần phải đa dạng hóa các sản phẩm để cuốn hút thị hiếu khách hàng. Nếu như trước kia, khi bố tôi còn sống, làm gốm khó khăn một thì giờ khó gấp mười".

Tôi đọc được trong ánh mắt chàng thanh niên tên Tập cả một khối tâm sự chưa thể giãi bày bởi con đường phía trước vẫn là những chông gai

Nguyễn Văn Hưởng
.
.