Giữ hồn quốc túy trên tờ lịch xuân

Thứ Sáu, 20/10/2017, 14:25
Hằng năm, tháng 10 dương lịch chạm ngõ cũng là lúc các gian hàng rục rịch bày bán lịch xuân. Lịch giờ đây không đơn thuần chỉ để xem ngày tháng kèm hình minh họa đèm đẹp mà nó đã thực sự trở thành ấn phẩm văn hóa đầy công phu, giàu sáng tạo được trông đợi mỗi dịp Tết đến xuân về...


Ngày trước, người ta quen thuộc với hình ảnh thiếu nữ, cỏ cây, hoa trái, nhà cửa, xe cộ, muông thú hoặc hình Phúc Lộc Thọ… trên lịch tờ, lịch bàn. Ở loại lịch bloc, ngoài phần ngày tháng âm dương, giờ lành tháng tốt, tra cứu tử vi, động thổ, sao hạn tỉ mỉ thì còn có thêm vài câu danh ngôn gọi là.

Một thời, nhờ ưu điểm có ngày tháng âm dương chi tiết nên lịch bloc được ưa chuộng, áp đảo lịch tờ, lịch bàn vốn chỉ dùng để trang trí là chính. Rồi theo thời gian, nhịp sống gấp gáp, người ta không còn thì giờ ngồi giở từng tờ lịch xem ngày. Việc ngày tháng đã có cái điện thoại thông minh. Lịch tờ, lịch bàn lại có cách in, phối cảnh gần như "xuân này giống xuân xưa" nên người mua chóng chán.

Tình hình đó buộc giới làm lịch phải tự làm mới mình. Mới từ khâu tổ chức in ấn, phát hành đến mẫu mã, nội dung. Từ mùa Tết Ất Mùi 2015 trở lại đây, lịch xuân (đặc biệt là lịch bloc) ngày càng chú ý về mẫu mã để biến nó trở thành một ấn phẩm văn hóa sang trọng, giàu tính mỹ thuật, đồng thời nâng cao chất lượng nội dung, giá trị tri thức, bồi đắp hiểu biết cho con người.

Gian hàng lịch xuân tại triển lãm "Lịch xuân 2018 - Những sắc màu sáng tạo" ở đường sách Nguyễn Văn Bình.

Với kích cỡ của lịch bloc cực đại  (25cm x 35cm),  lịch không còn kiểu in hình và vài chữ chú thích là xong mà có thể trình bày nội dung cụ thể để người đọc tỏ tường. Thậm chí, có những bộ lịch bloc được đầu tư công phu, tốn kém không khác một công trình với sự tham gia của hàng loạt nhà nghiên cứu, giáo sư, học giả, họa sĩ...

Nổi bật nhất hiện nay là phong trào tôn vinh giá trị truyền thống nhằm hun đúc tình yêu quê hương đất nước, hướng về nguồn cuội. Mùa lịch 2018, Công ty Song Hành cho ra đời bộ lịch bloc mang tên "Di sản Việt Nam" gồm những di sản được UNESCO công nhận như: Di sản văn hóa và thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An);  Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát Xoan,…); Di sản tư liệu thế giới; Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương...

Tương tự, 365 tờ lịch mang chủ đề "Văn hóa Việt Nam" của Công ty An Hảo là 365 giá trị di sản văn hóa truyền thống từ thắng cảnh, di tích, kiến trúc, lễ hội cho đến ẩm thực, trang phục, làng nghề, danh nhân...

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty An Hảo cho hay êkip phải mất 3 năm mới hoàn thành bộ lịch này. An Hảo đã mời PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức nội dung; PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Điệp đọc phản biện nội dung. Và đặc biệt, 365 bức tranh đều được họa sĩ Lê Phi Hùng cùng cộng sự vẽ tay.

Một tờ lịch tái hiện chợ nổi miền Tây Nam Bộ trong bộ bloc "Văn hóa Việt Nam".

Đây là tiến bộ rõ nét và chứng tỏ tâm huyết của An Hảo cho mùa lịch 2018. Bởi năm ngoái, bộ lịch "Truyện Kiều" của họ phải cầu cứu đến công nghệ vẽ tranh kỹ thuật số chứ không thể kham nổi 365 bức nếu vẽ tay trong 20 tháng. Việc vẽ tranh kỹ thuật số khiến tư thế nhân vật bị lặp, bức tranh gượng gạo như lắp ghép nên không đạt được hiệu ứng mỹ thuật như mong đợi.

Dẫu vậy, bộ lịch "Truyện Kiều" vẫn là ấn bản gây sốt năm 2017 vì đây là bộ lịch đầu tiên dám thử sức với Kiều. Tranh bị chê nhưng nội dung lại được đánh giá chuẩn mực. Êkip dựa vào "Từ điển Truyện Kiều" của học giả Đào Duy Anh (NXB Khoa học Xã hội in năm 1993) để trình bày thơ và phần chú giải. Cẩn thận hơn, họ còn mời TS Quách Thu Nguyệt tư vấn về nội dung, PGS.TS Thu Vân hiệu chỉnh một số chi tiết theo các nghiên cứu mới nhất.

Mùa lịch 2018 còn xuất hiện nhiều bộ lịch độc đáo, đậm đà bản sắc Việt như: bộ lịch "Truyện cổ dân gian Việt Nam" (gồm 53 truyện dân gian tiêu biểu như thần thoại Thần Trụ Trời, truyền thuyết về Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, truyện cổ tích Trầu Cau, Sọ Dừa, Thạch Sùng, Cây khế...) ; bộ lịch "Trò chơi dân gian Việt Nam" tái hiện những trò chơi quen thuộc như ô ăn quan, trốn tìm, dung dăng dung dẻ, rồng rắn lên mây, chồng nụ chồng hoa… bằng nét vẽ vui tươi, tinh nghịch.

Ngoài nhắc nhớ lại giá trị truyền thống, nguồn cội quê hương, lịch xuân bây giờ còn tôn vinh những gương mặt đương đại, có đóng góp to lớn cho đất nước. Có thể kể đến bộ bloc cực đại khái quát về hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Công ty An Hảo kết hợp với NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh thực hiện.

Sự kết hợp này khiến bộ bloc được xem như một tập sách ảnh về "Đại tướng của nhân dân". Năm ngoái, Công  ty Lịch xuân Phương Nam cũng từng gây ngỡ ngàng trước bộ lịch 53 tuần độc lạ mang tên  "Nhân tài tuổi Dậu" khắc họa chân dung những nhân vật tài năng tuổi Dậu như giáo sư Trần Văn Khê, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết…

Tờ lịch giới thiệu trò chơi dân gian "Bắt chạch trong chum".

Ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty Lịch xuân Phương Nam cho biết, việc làm lịch giờ đây rất công phu. Hồi làm bộ lịch "Tuyệt tác Sơn Đoòng", đích thân ông đi trải nghiệm và bấm máy. Hoặc làm bộ "Đảo xanh nước Việt",  công ty hợp tác độc quyền với nhà báo Giản Thanh Sơn để có những bức ảnh chụp bảy đảo từ máy bay độc đáo. "Nêu cao tinh thần Việt, tôi cũng bỏ hết những hình ảnh ngoại lai, đưa chữ quốc ngữ, hình ảnh đất nước, quê hương và con người Việt Nam vào từng tờ lịch" - ông Nguyễn Hà Quốc Anh nói.

Ngoài đầu tư vào văn hóa Việt, nội dung lịch còn ưu ái cho những đề tài thiết thực, hữu ích với mọi người. Chẳng hạn như dạy nấu món ăn ngon, vị thuốc quý quanh ta, cách sống khỏe mỗi ngày, phong thủy, lịch thiền "Tâm Thanh Tịnh" và "Tâm An Lạc" truyền đi triết lý sống của Đức Phật, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Osho, Thích Nhất Hạnh…

Lịch được đầu tư chiều sâu ngày càng bài bản, dụng công chứng tỏ khách hàng đang đòi hỏi ngày càng cao. Chất lượng lịch cải tiến khiến công chúng rất hào hứng, kích thích nhu cầu mua sắm. Nó không chỉ giúp nhà cửa thêm trang trọng, thể hiện gu văn hóa của chủ nhân mà còn giúp họ có tài liệu sinh động để mở mang đầu óc, truyền dạy con cháu. Sở hữu bộ lịch ấn tượng này, hết năm, nhiều người không nỡ bỏ đi như trước đây mà cẩn thận giữ lại để ngâm cứu và nâng niu như một tác phẩm.

Hai năm trở lại đây, vào tháng 10 dương lịch, đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh trở thành địa điểm thường niên để lịch xuân khoe sắc. Sau một tuần triển lãm, khách tham quan chính là người chọn ra những tờ lịch đẹp nhất, sáng tạo và ý nghĩa nhất.

"Triển lãm là nơi khuyến khích tinh thần đua tranh, tìm tòi sáng tạo của các đơn vị xuất bản lịch.  Họ đã và đang làm thay đổi cách nhìn, tư duy của mọi người về một chủng loại văn hóa phẩm được sản xuất và kinh doanh theo mùa vụ. Chức năng của lịch được nâng lên. Các nhà sản xuất lịch đã thổi hồn vào đó những câu chuyện văn hóa về việc giữ gìn, phát huy, quảng bá những di sản văn hóa của dân tộc, về cách thức nâng cao chất lượng sống, quản trị bản thân... Mỗi ngày giở tờ lịch là mỗi ngày chúng ta cùng nhau giở một món quà của thời gian, cùng nhau học một điều hay" - ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam lạc quan.

Mai Quỳnh Nga
.
.