Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Ngọc:

Gìn giữ cho muôn đời sau

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:00
Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ Tiến Bộ, phố Khâm Thiên vừa là nơi gia đình ở, vừa là địa chỉ giới thiệu những sản phẩm mĩ nghệ được chế tác từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng. Dường như đã rất quen với những đoàn khách tới thăm nhà nghệ nhân nổi tiếng, được ví là "Đệ nhất Hà thành khảm tam khí" nên chỉ cần nói tên ông, những người dân đã tận tình chỉ lối tới tận nhà.

Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng, nhiều năm qua, hàng nghìn sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo không chỉ chinh phục được những khách hàng khó tính trong nước mà còn trở thành những "đại sứ" cho văn hóa Việt Nam tại các thị trường thế giới như Mỹ, Pháp, Italia, Australia... Ông cũng chính là người vinh dự được chạm khắc bức thư đồng "Thư gửi mai sau" nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Gần đây nhất, với những cống hiến cho Hà Nội, cho làng nghề truyền thống của đất nước, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng vinh dự là một trong mười "Công dân tiêu biểu Thủ đô 2014"...

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ Tiến Bộ, phố Khâm Thiên vừa là nơi gia đình ở, vừa là địa chỉ giới thiệu những sản phẩm mĩ nghệ được chế tác từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng. Dường như đã rất quen với những đoàn khách tới thăm nhà nghệ nhân nổi tiếng, được ví là "Đệ nhất Hà thành khảm tam khí" nên chỉ cần nói tên ông, những người dân đã tận tình chỉ lối tới tận nhà.

Đã gần bước vào tuổi bát thập nhưng nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, đặc biệt là đôi bàn tay vàng vẫn còn gắn bó nghệ thuật khảm tam khí - tinh hoa của nền thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ngoài khoảng thời gian ít ỏi ở nhà, hằng ngày, ông vẫn tự đi xe máy và dành nhiều thời gian dưới xưởng sản xuất. Ông bảo, dù các con cháu đã thạo nghề nhưng có những sản phẩm chính tay ông làm mới yên tâm. Hơn nữa xuống đó, ông còn vừa làm vừa chỉ bảo, truyền nghề cho những người thợ trẻ. Bên ấm trà đậm hương sen, nghệ nhân già chia sẻ, một ngày tay không chạm vào đồ nghề như cái đe, cái búa, là ông thấy bần thần, bứt rứt như thiếu vắng một điều gì đó. Ông giãi bày mà như nói với chính mình: "Tay còn khỏe, mắt còn nhìn được thì vẫn còn làm được nghề. Sinh nghề, tử vì nghề mà".

Vừa nhấp ngụm trà, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng chậm rãi tâm sự. Tháng 10 vừa qua, khi Thủ đô Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 60 năm giải phóng thì cũng là từng ấy năm ông gắn bó với nghệ thuật chạm khảm. Ông tự hào, nếu tính đến người con trai út của ông hiện nay thì gia đình ông đã có 4 đời theo nghề truyền thống. Đó hẳn là một niềm tự hào không nhỏ bởi nghề chạm khảm tam khí, ngũ khí tốn nhiều thời gian, tâm sức. Để đào tạo thành nghề cho mỗi học viên phải mất từ 3 đến 7 năm. Và để có thể thành công trong nghề, ngoài năng khiếu thì, người thợ cần đặc biệt kiên nhẫn, đam mê, say nghề mới có thể theo được.

Sinh ra ở làng gò đồng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, một ngôi làng nổi tiếng và "độc quyền" về đồ khảm tam khí đã trở thành vật phẩm ngự dụng và từng được đem tham gia Hội chợ đấu xảo tại Pháp. Dòng họ Nguyễn Ngọc của ông từ xa xưa đã từng làm ra những sản phẩm phục vụ cung đình triều Nguyễn. Những đứa trẻ sinh ra ở làng nghề như ông ngày ấy ngay từ nhỏ đã biết cầm cây búa, cây đục phụ việc giúp cha, giúp chú. Năm 1950, khi mới tròn 12 tuổi, Nguyễn Trọng Ngọc theo 2 người anh ra Hà Nội làm thuê cho các chủ hiệu gò đồng, khảm ghép tam khí, chạm bạc trên các phố Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Trống… Cũng như bao người dân trong làng khi ấy, cậu bé Nguyễn Ngọc Trọng ra Hà Nội với mong muốn được học thêm nghề. Thời đó, nhiều gia đình khá giả ở Hà Nội có thói quen sử dụng đồ dùng bằng bạc nên nghề chạm bạc ở đây có cơ hội phát triển. Trong khi, ở làng ông, chủ yếu chỉ sản xuất những sản phẩm gia dụng đơn giản như mâm, ấm, lư hương…

Ông nhớ lại, dù sinh ra ở làng nghề, 10 phần công việc thì đã thành thạo 3- 4 phần, thế nhưng những ngày đầu tiên học nghề, Nguyễn Ngọc Trọng vẫn phải học từ những việc đơn giản nhất như làm quen với các dụng cụ, giữ đồ nghề cho sạch sẽ, sau đó mới tiến tới thực hiện những kỹ năng đầu tiên như giát một miếng bạc thật thẳng… Công việc lặng lẽ, làm bạn với những chiếc đe, chiếc búa, với những thỏi đồng, miếng bạc vô tri vô giác nhưng lại có sức cuốn hút kỳ lạ với người thanh niên mới lớn Nguyễn Ngọc Trọng. Anh có thể ngồi hàng giờ liền, thậm chí cả buổi để tạo ra được những hoa văn ưng ý mới thôi. Sự nhanh nhạy trong nắm bắt ý tưởng, thuần thục trong thao tác của Nguyễn Ngọc Trọng luôn khiến các chủ hiệu hài lòng.

Giải phóng Thủ đô, Nguyễn Ngọc Trọng vào làm việc tại Hợp tác xã Tinh Hoa - nơi hội tụ những nghệ nhân tài hoa đến từ các làng nghề Đại Bái (Bắc Ninh), Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương)… Những tháng ngày làm việc ở đây cũng là thời gian ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nghệ nhân làng nghề truyền thống, có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhiều nhà văn hóa cũng như nền văn hóa các nước. Đây cũng chính là cơ hội giúp ông rèn rũa tay nghề và phát huy được sự tài hoa của mình. Trước khi về nghỉ hưu, ông từng giữ chức vụ Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ (Artexport) thuộc Tổng công ty Thủ công mỹ nghệ, nhưng ông bảo, công việc yêu thích nhất vẫn là thả hồn mình vào những hoa văn trên những sản phẩm đúc đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng chia sẻ, khảm tam khí, ngũ khí là nghệ thuật phối kết hợp các kim loại quý như vàng, bạc trên đồ đồng. Sau công đoạn đúc, gò, người thợ tài hoa sẽ vẽ lên trên đó những hoa văn, đường nét tinh xảo. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và tinh tế của người thợ bởi nếu một nhát đục phạm một chút thôi sẽ để lại dấu vết, thậm chí làm hỏng cả sản phẩm. Những sản phẩm càng nhỏ, càng đòi hỏi sự tinh vi, chuẩn mực.

Những người sành chơi đồ thủ công mỹ nghệ, khi nhắc tới những sản phẩm của nghệ nhân "bàn tay vàng" Nguyễn Ngọc Trọng đều nhớ tới vẻ đẹp sang trọng, tinh túy, có dấu ấn riêng, cầu kỳ, tỉ mỉ từ tranh phong cảnh của đất nước, con người Việt Nam đến những mặt trống đồng giả cổ, bộ ấm tách cầu kỳ đến vòng cổ, hoa tai là những trang sức của phụ nữ. Ở lĩnh vực nào của nghề nghiệp, ông cũng đạt tới đỉnh cao. Không chỉ phát huy lối đục, chạm truyền thống, ông còn sáng tạo phối hợp giữa các chất liệu như bạc với sừng, sơn mài với gốm, thủy tinh với bạc, đồng với bạc… tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị. Bộ tách cà phê chạm bạc quai sơn mài, ấm trà gò búa quai sừng… là những tuyệt phẩm được làm ra từ bàn tay, khối óc của người thợ tài hoa. Những sản phẩm ấy không chỉ đa dạng, phong phú về chủng loại, thể hiện được tài nghệ của người thợ giàu kinh nghiệm mà còn lắng đọng hồn Việt. Đó là lý do để những sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các vị lãnh đạo Việt Nam khi đi công tác nước ngoài hay làm quà cho các vị khách quốc tế khi đến thăm Việt Nam.

Nhắc tới những tuyệt phẩm của nghệ nhân này, không thể không nhắc tới tượng Phật Bà khảm tam khí, đỉnh đồng khảm tam khí và tranh chạm đồng bốn tố nữ đã từng được Huy chương vàng tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ toàn quốc. Hay, tại tuần lễ Văn hóa Hà Nội - thành phố Toulouse, Pháp, tác phẩm cồng chiêng với đường kính 0,80m làm từ đồng thau và mặt trống đồng Ngọc Lũ của ông đã được chọn để gióng lên trong lễ khai mạc. Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội giao trọng trách đảm nhận thực hiện công trình "Thư gửi mai sau". Lá thư 1.000 chữ được khắc trên chất liệu đồng vàng. Mặt trước thư được chạm hoa văn hình con rồng thời Lý, mặt sau chạm hoa sen và cùng trên chất liệu đồng đỏ. Dù khi ấy đã hơn 70 tuổi nhưng những ngày thực hiện công trình "Thư gửi mai sau", ông cùng các cộng sự căng mình trong xưởng hàng tháng trời để đảm bảo tiến độ. Hiện nay, tác phẩm chạm bằng đồng này đang được Trung tâm lưu trữ Quốc gia bảo quản trong điều kiện tốt nhất, sau này sẽ mở giới thiệu cho con cháu xem vào năm 2110.

Có điều kiện đi nhiều nơi, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế, điều mà nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng nhận thấy là sản phẩm nào cũng đều thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân. Tuy nhiên, điều tạo nên sự độc đáo của mỗi quốc gia là những nét văn hóa thể hiện trên các sản phẩm. Điều mà ông tâm nguyện khi chế tác những sản phẩm của mình là không chỉ trang trí họa tiết sinh động, hợp thời trang mà quan trọng nhất là toát lên được sự thuần Việt trong từng đường nét, màu sắc. Chính vì thế ông luôn đưa vào những sản phẩm của mình nét sinh hoạt độc đáo của người Việt Nam như cấy lúa, kéo lưới, những phong cảnh thiên nhiên như chùa Một Cột, cầu Thê Húc, vịnh Hạ Long, cố đô Huế…

Từ năm 1986, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân" đợt đầu tiên và gần đây nhất là danh hiệu "Công dân Thủ đô tiêu biểu 2014". Hiện ông đang sở hữu bộ sưu tập hàng chục danh hiệu cùng rất nhiều giải thưởng có được trong 60 năm gắn bó với nghề. Là một trong 14 nghệ nhân tiêu biểu của thành phố Hà Nội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nhưng ông luôn tâm niệm "Những gì vinh quang tôi có được ngày hôm nay thuộc về công lao những người đi trước. Tôi may mắn vì được Tổ nghiệp phù hộ". Trong câu chuyện cuối với chúng tôi, nghệ nhân già không khỏi bùi ngùi chia sẻ điều ông lo lắng nhất hiện nay là ít người theo nghề này quá. Dù con cháu ông vẫn theo nghề truyền thống, dù từ năm 1990, cơ sở sản xuất của ông đã mở lớp dạy nghề nhưng đến nay, ở cả quê hương Bắc Ninh và Hà Nội, số gia đình còn giữ nghề truyền thống này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thảo Duyên
.
.