Tản văn

Giếng nước tuổi thơ tôi

Thứ Năm, 16/01/2014, 08:00
Ở xóm tôi, giếng khơi, giếng khoan mãi sau này, vào những năm 1970-1980 mới có. Còn trước đó, cả xóm tôi, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu trông vào một cái giếng đào. Cái giếng này có tự bao giờ, chẳng ai rõ. Khi tôi lớn lên, tôi thấy cái giếng đã cũ kĩ lắm rồi và nó là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân xóm tôi...

Cái giếng này rộng bằng một cái ao không to không nhỏ, hình tròn, đường kính khoảng 30-40 mét. Quanh bờ giếng, từ mặt nước lên là những bụi cây nhỏ mọc thưa thớt. Riêng bờ phía tây bắc, một nửa tiếp giáp bờ ao ông Cẩm, nửa kia giáp với vườn nhà ông Cẩm, ở đó có những cây ổi cành lá xòa xuống mặt giếng. Tôi lúc đó khoảng 10 tuổi đã có lần liều lĩnh lội xuống giếng, bơi về phía cây ổi trên đó có những quả ổi chín vàng đầy hấp dẫn. Hai tay bám những cành ổi, tôi đu mình lên, vạch lá tìm ổi chín, vừa thưởng thức những những quả ổi thơm giòn, vừa lấm lét sợ người lớn hoặc người nhà ông Cẩm phát hiện. Nhưng cái sợ không át được cái hào hứng, kì thú lạ lùng của con trẻ.

Trở lại cái giếng nước xóm tôi, trên mặt giếng là một lớp bèo ong bao phủ. Các cụ nói bèo ong có tác dụng lọc nước, làm cho nước giếng luôn trong vắt, đồng thời là loại bèo "quý tộc", ưa nhìn, ít sinh sôi, không thô thiển, sinh sôi nảy nở tràn lan như các giống bèo tây, bèo cái, bèo tấm… trong các ao đầm. Hồi đó, nhìn lớp bèo ong im lìm, bất động, lặng phắc trên mặt giếng, tôi có cảm giác chúng đã ngủ một giấc ngủ hàng trăm năm và mặt nước giếng tĩnh tại, tù đọng này có gì giống như cuộc sống tù đọng quanh năm suốt tháng trong lũy tre làng của người dân quê tôi.

Về vị trí, giếng nước này ở đầu xóm, cạnh con ngòi vốn là sông Nhuệ xa xưa, bên ngoài là cánh đồng làng. Tôi nghĩ khi đào con giếng này, chắc các cụ phải có những tính toán về phong thủy, chọn nơi có huyệt mạch, nguồn mạch dồi dào. Chả thế mà nước trong giếng không bao giờ vơi cạn. Không biết có phải vì thế không mà lũ trẻ chúng tôi thấy giếng nước có gì thiêng liêng, kì bí. Hồi đó, tôi luôn tưởng tượng đáy giếng sẽ rất sâu, thậm chí không có đáy và dưới đó là Thủy cung đầy bí ẩn. Ở đó là một thế giới khác, có vua Thủy Tề, có nhiều ma quái. Vì vậy khi nghịch ngợm lội xuống giếng để hái trộm ổi ở cây ổi ông Cẩm, tôi thấy nước giếng lạnh ngăn ngắt và dường như có ai đó muốn kéo chân mình lôi tuột xuống đáy giếng, xuống Thủy cung. Tôi rùng mình hoảng sợ…

Vì lòng giếng rộng nên muốn lấy nước, người ta thả một bè nứa trên mặt nước, nối bè nứa với bờ giếng (có bậc lên xuống) bằng một tấm ván dài (gọi là cầu cốn). Bà con muốn gánh nước, chỉ cần đứng trên tấm ván đó, khỏa thùng về hai bên là được hai thùng nước đầy. Tấm ván cong trĩu xuống dẻo dai và người gánh nước từ từ bước lên từng bậc. Hồi nhỏ, tôi đã từng đi lấy nước, mới biết gánh nước là một công việc nặng nhọc. Về cuối buổi chiều, người gánh nước tấp nập, chờ nhau lên xuống rất đông vui, rộn rã tiếng nói cười. Con đường ra giếng luôn ướt nhoèn vì nước trong thùng tràn ra. Đòn gánh trên vai trĩu nặng, đôi thùng nước sóng sánh theo những bắp chân trần dẻo dai, khỏe khoắn, thoăn thoắt tỏa về các ngả đường trong xóm.

Những năm 80- 90, khi gia đình nào trong xóm cũng có giếng khoan, cái giếng đào xóm tôi dần dần bị lãng quên, thảng hoặc mới có người ra lấy nước. Bờ giếng, mặt giếng và cả cây cầu cốn cũ kĩ trên mặt nước dường như đều buồn bã vì chẳng còn ai đoái hoài đến. Giếng nước xóm tôi một thời tấp nập, đông vui nay trở nên vắng vẻ, tàn tạ. Đến đầu những năm 2000, người ta đã lấp nó, kết thúc cái sứ mệnh thiêng liêng qua nhiều năm tháng của nó là cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong xóm. Riêng tôi, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của cái giếng nước này. Cái giếng nước đã tắm mát tuổi thơ tôi…

Lê Hữu Tỉnh
.
.