Giáo sư Vũ Khiêu: Cổ tích tuổi 92

Thứ Sáu, 03/10/2008, 14:00
Vẫn biết câu thơ của thi hào Trung Quốc  Đỗ Phủ "nhân sinh thất thập cổ lai hy" (người thọ 70 xưa nay hiếm) đã không còn đúng với cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay nữa, nhưng khi được "bám càng" nhà văn Đoàn Minh Tuấn tới thăm Nhà văn - Giáo sư Vũ Khiêu, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước sự tường minh và phong thái trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của bậc bô lão được xem là cao niên nhất của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay.

Ở tuổi 92, khác với hai nhà văn hậu sinh là Tô Hoài và Nguyễn Xuân Sanh (hiện đều đã xấp xỉ 90 tuổi), cụ Vũ Khiêu còn "xài" cả… điện thoại di động. Điều này chứng tỏ cụ đi lại nhiều, bởi nếu chỉ lọm cọm buộc chân góc nhà thì nội chiếc điện thoại bàn đã là quá đủ (bình thường ở tuổi cụ, đến việc liên lạc bằng máy bàn, nhiều người cũng còn phải nhờ tới sự trợ giúp của cháu con).

Nghe giọng cụ Khiêu qua điện thoại, một chất giọng trong và truyền cảm - không ai có thể nghĩ rằng đó là giọng của một ông cụ chỉ còn ít năm nữa là tuổi… đầy trăm.

Khi tôi đưa ra nhận xét này, nhà văn Vũ Khiêu bật cười và kể một câu chuyện vui: "Có một phụ nữ trẻ đang làm nghiên cứu sinh gọi máy điện thoại bàn tới nhà tôi. Nghe tôi thưa máy, chị ta bảo: "Anh ơi, cho em gặp bác Vũ Khiêu với". Tôi mới đùa: "Anh đây! Anh là anh 90 tuổi đây".

Trong cuộc trò chuyện, nhà văn Đoàn Minh Tuấn luôn miệng "bái phục sư huynh" khi nhắc tới cuộc Hội thảo Khoa học Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Chèo (Hà Nội) hôm 16/8 vừa qua. "Bữa đó, cụ Khiêu được mời tổng kết hội thảo. Cụ không đeo kính, cứ thế phát biểu, đâu ra đấy, rành rẽ, linh hoạt" - Đoàn Minh Tuấn nắc nỏm.

Nhà văn Vũ Khiêu cười nhẹ: "Họ "bỏ bom" mình chứ có nói trước để mình chuẩn bị gì đâu. Chắc là để… nắn gân. Nhưng không sao".

Thấy cụ Khiêu loay hoay với ấm trà, nhà văn Đoàn Minh Tuấn gạ: "Anh ở tuổi này, có còn dám uống rượu với tụi tôi không?". Cụ Khiêu đáp, giọng nhẹ nhàng, thản nhiên: "Hôm nay tôi mời các anh đến chủ yếu là để uống rượu".

Sau tuần trà, cụ Khiêu gọi người nhà dọn mâm để chuyển sang… tiệc rượu. Cụ chỉ vào một dãy chai lọ xếp trên kệ tivi, nói: "Có đủ bia lon, rượu mạnh. Anh nào thích dùng gì thì dùng. Nhưng trước khi vào cuộc, nên làm một ly này đã". Cụ vừa nói vừa với lấy chai Black Label rót lần lượt mỗi người một ly.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn mừng luýnh quýnh vì đúng "món khoái khẩu", song nhìn ông cụ tuổi 92 với ly rượu mạnh, ông lại không khỏi… e ngại. Ông rào trước: "Tôi nói vậy thôi chứ anh đừng chạy đua với tụi tôi. Ngộ nhỡ… xảy ra điều gì chúng tôi lại ân hận". Nhà văn Vũ Khiêu phẩy tay: "Rượu đã rót thì phải uống hết. Nếu không hết, tôi sẽ… gội đầu các cậu".

Nghe chừng ly rượu mạnh làm ông lão 92 tuổi cảm thấy "nóng ruột" (tôi để ý thấy cụ vừa uống vừa vỗ vỗ bụng). Thế nên, sau vài ly đưa đẩy, cụ chuyển sang uống bia… cho mát. Chúng tôi vừa nhẩn nha uống vừa tranh thủ hỏi chuyện cụ. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn gợi ý: "Không biết cụ đã đọc tùy bút "Đi tìm cái tôi đã mất" được tải trên mạng chưa?".

Là hỏi hú họa vậy thôi, chứ Đoàn Minh Tuấn không nghĩ rằng ông cụ lại có thể "rành" cái món "mạng mủng" này. Không ngờ cụ Khiêu gật đầu ngay tắp lự, như thể chuyện đó đã… cũ quá rồi. Vừa gật đầu cụ vừa lẩm bẩm: "Có cái gì mà mất. Tất cả cái chúng ta có là của đời, của đất nước. Mất mất cái gì!".

Chừng như cảm thấy một đôi câu nhận xét như vậy chưa thể hiện được phần nào những điều mình suy ngẫm và cần trao đổi, cụ Khiêu lanh lẹ rời bàn ăn, bước tới bên kệ sách nhỏ. Chỉ trong nháy mắt, cụ đã có trên tay một tập bài viết đã được đánh máy sạch sẽ trên khổ giấy A4.

Đó là bài viết phản bác lại những quan điểm trong bài tùy bút nhắc tới trên. Chẳng khó khăn gì để chúng tôi nhận ra đây là bài viết được in lại từ một trang web cá nhân. Nội điều này cũng đủ cho thấy, về độ "cập nhật thông tin", so với cụ Khiêu, nhiều bạn viết trẻ còn… chạy xa.

Thiên hạ vẫn nhận định: "Người già thường khó tính". Đặc biệt, các cụ hay xét nét về lời ăn tiếng nói. Trò chuyện với cụ Vũ Khiêu, chúng tôi nhận thấy cụ rất thoáng tính và đại lượng. Như khi một người trong nhóm trót lỡ lời: "Trông vóc dáng cao lớn, gương mặt rất… châu Âu của bác, liệu hồi kháng chiến 9 năm, có khi nào bác bị du kích ta bắt nhầm vì nghi là… Tây lai không?", cụ Khiêu cười xòa, không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ khẽ khàng kể lại câu chuyện:

"Có lần, tại một cuộc hội thảo khoa học, có cậu phóng viên nhà ta đã lân la đến hỏi chuyện tôi bằng… tiếng Nga. Tôi nghe một lúc rồi nhẹ nhàng vỗ vai cậu ta, bảo: "Thôi! Ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt đi". Cậu chàng thốt lên ngạc nhiên: "Hóa ra bác là… người Việt à?".

Khi cuộc rượu sắp tàn, nhà văn Đoàn Minh Tuấn thay mặt anh em chúng tôi cụng ly với bậc tiên chỉ của làng văn: "Chúc cụ thọ trăm tuổi". Nhà văn Vũ Khiêu vờ nghiêm mặt: "Anh định rủa tôi đấy à?". Đoàn Minh Tuấn ngơ ngác. Chỉ chờ có vậy, cụ Khiêu bật cười sảng khoái: "Tôi năm nay đã 93 rồi (cụ tính theo tuổi ta - NV), anh chúc tôi thọ trăm tuổi, nghĩa là tôi chỉ sống thêm được có… mấy năm nữa thôi à?".

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn chống chế: "Là tôi bắt chước Cụ Tôn Đức Thắng. Khi có người chúc Cụ thọ trăm tuổi, Cụ nói: Tôi sẽ phấn đấu đến 95 rồi hẵng hay". Cụ Khiêu nghe vậy vỗ vai nhà văn đàn em: "Là tôi cũng bắt chước một vị cách mạng lão thành mà nói vậy thôi".

Trước khi chia tay Giáo sư Vũ Khiêu ra về, tôi không quên hỏi nhỏ đâu là bí quyết trường thọ của cụ? Cụ Khiêu trả lời ngay tắp lự: "Không khát khao danh lợi. Sống vui vẻ. Luôn xác định không có gì để mất". Cụ cũng cho biết thêm, với ai không biết, riêng với cụ thì cụ chẳng tập thể dục bao giờ. Trong ăn uống cũng chẳng kiêng khem gì.

Giáo sư Vũ Khiêu được giới trí thức nước ta đánh giá là một nhà văn hóa lớn. Cụ là người đầu tiên trong danh sách các nhà văn Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới. Bởi vậy, khi tiễn chúng tôi ra cửa, biết tôi làm ở báo Công an nhân dân, cụ đã nhờ tôi gửi lời chúc mừng tới Thiếu tướng - Anh hùng Lao động Hữu Ước, người vừa vinh dự trở thành nhà văn thứ hai được trao tặng danh hiệu cao quý nói trên

Phạm Khải
.
.