Giáo sư ĐH thành danh ở thể loại truyện trinh thám

Thứ Hai, 23/05/2005, 16:26
Ông được coi là “gạch nối” giữa truyền thống và hiện đại, được xếp ngang với các tiền bối lừng lẫy của văn học trinh thám như Hammett, Chandler và MacDonald. Càng già, bút lực của ông càng dẻo dai. Chỉ tính riêng tiểu thuyết, ông đã cho ra mắt 45 cuốn...

Robert Brown Parker sinh ngày 17/9/1932 ở Springfield, bang Massachusetts (Mỹ). Là con một, lại lớn lên sau chiến tranh, ông được thụ hưởng một nền giáo dục và học vấn khá chu toàn. Trong 15 năm (từ 1964 - 1978), ông đã tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học, năm 1968 trở thành phó giáo sư và từ năm 1971, ông đoạt học vị tiến sĩ, trở thành giáo sư Đại học Đông bắc.

Ở tuổi 45, Parker đã quyết định từ nhiệm, bỏ ghế giáo sư và nghề dạy học để chuyên tâm vào việc viết văn. Khi được hỏi tại sao ông lại bỏ cương vị này, vì mỗi tuần ông chỉ đến giảng đường vào ngày thứ tư, ông đã trả lời, rất giản dị nhưng cương quyết: “Vì tuần nào cũng phải đến trường vào ngày thứ tư!”.

Đến thời điểm từ nhiệm, trừ năm 1977, bắt đầu từ năm 1973, ông đã cho ra mắt bạn đọc 5 cuốn tiểu thuyết, mở đầu một văn nghiệp lừng lẫy. Và nhân vật thám tử Spencer đã gắn liền với tên tuổi của ông, xuất hiện hầu như rất đều đặn, ít nhất mỗi năm một cuốn, từ năm 1973 - 2004.

Parker sống rất điều độ, có kỷ luật, không hút thuốc, không uống rượu. Ông thường dậy vào lúc 8h, ăn sáng, đọc báo, đọc và trả lời thư điện tử. Rồi bắt đầu viết vào lúc 10 - 11 giờ. Sau đó là ăn trưa nhẹ và ngủ một giờ. Buổi chiều, ông viết kịch bản phim, truyền hình. Khi đã cầm bút, ông có thói quen viết liền mạch. Sau những hoạt động này là thời gian dành cho thể dục, thể thao.

Bìa một tác phẩm của ông.

Năm 1976, ở tuổi 44, tức là hai năm trước khi ông bỏ hẳn chức vụ giáo sư và ba năm sau khi tiểu thuyết đầu tay của ông ra đời, cuốn tiểu thuyết thứ tư, “Miền đất hứa” đã đoạt ngay giải Edgar Allan Poe cho cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất.

Ngày 17/2/2005, tờ “Trang sách”, có đăng bài phỏng vấn Robert B. Parker. Được hỏi là ông có chắt lọc gì nhiều từ kinh nghiệm sống của bản thân để viết tiểu thuyết không, Parker đã trả lời một cách hóm hỉnh, đầy hình ảnh rằng, thiên chức của tưởng tượng (hay sáng tạo), nói như đại thi hào J.S.Eliot, cũng tương tự như hai chất khí trơ trong một chiếc bóng đèn. Khi ta nối một mẩu dây dẫn vào bóng, hai chất khí nói trên hóa thành một chất khí thứ ba mà trước đó chưa có.

Parker cho rằng, phải sáng tạo ra một cái mới từ những gì đã có. Và ông đã vận dụng hoàn hảo phép ngoại suy này. Theo ông, thì một số khía cạnh nào đó trong các tiểu thuyết phản ánh cuộc sống riêng tư, nhưng “bằng những cách mà chỉ có tôi mới hiểu”, rằng “bạn không thể rút ra bất kỳ một kết luận thông thái nào về cuộc sống của tôi từ nhân vật của tôi”.

Spencer - nhân vật thám tử tư nổi tiếng hơn ba mươi năm nay của Parker, đã được nhà văn mượn danh của Edmund Spencer, người đồng đại với kịch tác gia Shakespeare. Nhưng nhân cách của nhân vật này lại có màu sắc của những câu chuyện cổ miền Cựu Tây Hoa Kỳ hơn là tính cách của các hiệp sĩ châu Âu.

Một điều khác biệt căn bản khác của nhân vật người hùng Parker là ở chỗ, anh ta không giống những tay súng đơn độc, “bắn bằng cả hai tay” mà là một nhân vật có tính cách xã hội. Spencer là một cựu cảnh sát bang, cựu võ sĩ quyền Anh, một đầu bếp cừ và là một độc giả của văn chương nghiêm túc.

Anh cũng không phải là một mô hình người hùng cô độc, thất bại trong cuộc đời mà là một người yêu cuộc sống, có năng lực. Bạn thân nhất của anh là một vệ sĩ người Mỹ gốc Phi, một kẻ giết thuê. Người yêu (Susan) là tiến sĩ tâm lý học, chuyên gia về bình đẳng giới gốc Do Thái. Spencer vừa có cái lạnh lùng, tàn nhẫn như Hammer, chất hiệp sĩ như Marlowe, cách nói năng hoạt bát như Travis McGee (ba nhân vật của các tiểu thuyết gia trinh thám tiền bối mà Parker yêu mến).

Theo giới phê bình, bản thân gần ba mươi tiểu thuyết về Spencer cũng đã đủ dựng một tiểu sử sáng danh cho Parker. Không có ai theo đuổi sự nghiệp tiểu thuyết trinh thám một cách có hệ thống như ông. Duyên nợ bắt đầu từ bản luận án tiến sĩ với tựa đề: “Nhân vật người hùng mạnh mẽ, di sản lớn và hiện thực đô thị: Công trình nghiên cứu về nhân vật thám tử tư trong các tiểu thuyết của Dashiell Hammett, Raymond Chandler và Ross MacDonald”.--PageBreak--

Parker tự đặt cho mình nhiệm vụ hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng bị bỏ dở của Chandler. Năm 1989, ông đã cho ra mắt cuốn “Những bước nhảy của chú chó xù”. Ngay năm sau, ông lại hoàn thành cuốn “Hậu giấc ngủ sâu” (cuốn tiểu thuyết đầu tay của Chandler) với tựa đề “Giấc mơ tình cờ”. Dường như chưa thỏa mãn với những thách thức trong văn nghiệp do chính mình đặt ra, bắt đầu từ năm 1997, ở tuổi 65, Parker lại cho ra đời một xêri tiểu thuyết với hai nhân vật hoàn toàn mới.

Một người là Jesse Stone, một thám tử bắt đầu gây dựng sự nghiệp của mình với vai trò cảnh sát trưởng một thị trấn nhỏ của bang Massachusetts. Nhân vật thứ hai là Sunny Randlall, một nữ thám tử ở Boston. Liên tục từ năm 1997 - 2004, cứ vào độ mùa xuân thì Parker cho xuất bản những cuốn tiểu thuyết về Spencer và đến mùa thu lại cho ra mắt các tiểu thuyết về hai nhân vật nói trên.

Nhà văn nổi tiếng Max Allain Collins thuộc thế hệ các tiểu thuyết gia sau chiến tranh (kém Parker 16 tuổi) nhận xét về ông như sau: "Dù tôi không phải là người quá hâm mộ Robert B. Parker, nhưng ông có vị trí quan trọng, và nhiều người trong chúng tôi, thế hệ các nhà văn của hai thập kỷ 80 và 90 có khả năng bán được tiểu thuyết trinh thám của mình là bởi có Bob Parker chỉ lối”.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 4/4/2000, khi được hỏi về các tác giả có ảnh hưởng đến mình, Parker đã trả lời một cách thú vị rằng, ông thường chịu tác động ở hai cấp độ. Cấp thứ nhất là các tạp chí giật gân, mà ông đọc như cách trẻ em ngày nay xem truyền hình, đọc truyện vui hay là chơi các trò chơi điện tử. Còn ở cấp độ thứ hai, theo ông, là những tác giả như E.Hemingway.

Đối với các nhà văn trẻ, ông có hai lời khuyên. Thứ nhất là hãy tập trung tối đa cho việc viết văn, như kinh nghiệm giành một chân giáo sư để tạo cơ hội ban đầu, tiến tới việc bỏ hẳn nghề dạy học để được rảnh tay viết văn của ông. Thứ hai là sau khi kết thúc tác phẩm, nên gửi thẳng cho một nhà xuất bản, không nên gửi nó cho bất kỳ ai có khả năng nhận xét rằng tác phẩm đó là tốt hay xấu. Nếu nhà xuất bản thứ nhất từ chối, thì gửi cho nhà xuất bản thứ hai, và cứ tiếp tục như thế. Nếu cứ thực hiện đúng quy trình đó, mà vẫn không có ai chịu xuất bản tác phẩm của mình, thì tốt nhất là hãy đi làm việc khác hơn là nghĩ tới việc viết văn.

Một nhà báo đã phát hiện ra một điều thú vị khác trong chính những cuốn tiểu thuyết về Spencer của Parker. Nghĩa là chỉ cần dựa vào những cuốn như “Bản thảo trời cho”, “Bữa tiệc”, “Bạn chơi”... của ông cũng có thể viết cả một pho sách về nghệ thuật nấu ăn, với trình độ ẩm thực rất cao, chẳng hạn như món ức gà rút xương nấu với rượu vang, bơ, kem, nấm, trộn với xalát tẩm dầu ôliu, dấm nho và mật ong

Tấn Phong
.
.