Giao cảm

Thứ Tư, 11/11/2015, 14:00
Chim khô rốc kêu - trả tôi về với tuổi thơ sớm chiều quấn quýt bên mẹ. Cây mít trong vườn có một cành khô (chết róc) chim khô rốc dùng mỏ đục lỗ tròn làm tổ. Hai chân bám vào cây như người ôm cây trèo, kiên trì đục để chờ ngày đẻ trứng. Tiếng mỏ đục vào cây nghe xa như tiếng đục thợ mộc.
1.Bỗng nghe tiếng chim khô rốc kêu, tôi nhìn lên lùm cây trong khu vườn. Chim khô rốc kêu, âm thanh vẫn như xưa, lưu giữ ký ức con người và thời đại. Một quá khứ theo về cùng tiếng chim. Loài chim ít thấy ít nghe ấy làm nên đặc trưng của vùng đồi núi trung du.

Chim khô rốc kêu trong sáng mùa xuân, thời tiết non tơ. Tiếng chim đã lặn vào tâm hồn tôi từ ngày rời mẹ ra đi cùng với những kỷ niệm thuở ấu thơ. Dân gian phỏng theo tiếng kêu nên đặt tên chim khô rốc - âm vang như tiếng mõ rộn ràng. Như một nhạc cụ gõ vào không gian tinh khôi thúc giục, cổ vũ muôn loài. Hình như cây cối trong vườn cũng lắng nghe trong trạng thái bình yên.

Chim khô rốc (hay còn gọi cu rốc) bám vào vỏ, thân cây kiếm mồi.

Chim khô rốc kêu - trả tôi về với tuổi thơ sớm chiều quấn quýt bên mẹ. Cây mít trong vườn có một cành khô (chết róc) chim khô rốc dùng mỏ đục lỗ tròn làm tổ. Hai chân bám vào cây như người ôm cây trèo, kiên trì đục để chờ ngày đẻ trứng. Tiếng mỏ đục vào cây nghe xa như tiếng đục thợ mộc.

Về quê, nghe nhiều tiếng chim quen thuộc. Mỗi loài chim tiếng hót đều mở ra một không gian huyền thoại tuổi thơ. Không gian trong tiếng chim khô rốc đưa đến một cảm giác bàng hoàng, nhớ tiếc. Nó đánh thức trong tôi thời gian không mất, tình thương cha mẹ mãi còn. Tôi vẫn dại khờ trong vòng tay mẹ như chưa một lần xa quê hương. Tiếng chim khô rốc - âm nhạc thiên nhiên mang theo cả bầu trời tuổi thơ trở về.

Chim khô rốc kêu. Thế giới bắt đầu chuyển dạ. Khai phóng, triệt tiêu, khai phóng. Chim khô rốc kêu. Mở mang, mở mang, triển khai các giác quan. Thu nhận, lĩnh hội tinh hoa của trời đất. Chim khô rốc kêu. Tâm hồn tôi hòa cùng sự vật, hòa thành nhất thể.

2. Nhằm vào lúc nửa đêm về sáng, khi không gian bốn bề vắng lặng mênh mông, người ta thấy giữa lưng chừng núi như ngôi sao từ từ đi xuống rồi đi lên một lúc thì biến mất. Hiện tượng đó phải chờ đến mùa thu mới thấy.

Thuở nhỏ, tôi theo cha ra sân nhìn lên núi với tâm trạng tò mò háo hức, dõi theo một vật sáng như đèn không một phút đứng yên. Người làng gọi một cách thân quen là nguộc đi ăn đêm. Nguộc đi ăn đêm trên núi Kê Quan. Núi tự nhiên có tinh thần từ khi có nguộc mang ánh sáng đến ẩn cư. Người xưa nói, núi không cần cao, núi có tiên ở sẽ trở nên danh tiếng.

Tương truyền, trong lòng núi có ngọc (nguộc) nên phát ra ánh sáng vào đêm. Cả nghìn năm ngọn núi mới luyện được ánh sáng của nguộc đã cất giữ chờ thời cơ bộc lộ. Núi trong đêm đã lẫn vào đêm, chỉ có ánh sáng của nguộc dẫn đường. Nguộc truyền đời như một vật sống huyền bí, linh thiêng. Ngọn núi quê nhà in bóng trong tâm tưởng tôi những năm tháng đi xa vừa thực vừa mơ. Thuở chăn bò trên núi, ngọn lau trắng phất phơ khơi gợi nỗi buồn, nỗi nhớ bâng quơ. Có tảng đá phẳng lì là nơi bạn bè xúm xít vui chơi những giây phút giao du cùng thiên nhiên độ lượng. Núi về đêm, lại trở thành cổ tích với chòm sao nhấp nháy trên bầu trời cùng với nguộc cầm đèn đi giữa núi.

Tôi rời làng ra đi năm mười tám tuổi trong bom đạn chiến tranh. Ngày trở về nhìn lên núi Kê Quan, tuổi thơ như gần lắm chưa xa. Núi trò chuyện với tôi về tuổi học trò, tuổi chăn bò cùng bè bạn trong làng. Mùa hoa sim nở tím giữa một không gian trong suốt tiếng ong bay. Tôi chìm trong miên man ý nghĩ, trong niềm hân hoan không rõ ngọn nguồn, trong tự do cuộc sống, trong mong ước xa xôi, trong khao khát giải phóng năng lượng tinh thần.

Ngẫm lại, nghiệp văn chương cũng từ núi non, sông nước quê hương tạo nên. Cũng là sự ẩn mình của một vùng đất vùng trời. Ngọn núi Kê Quan mang trong mình ánh sáng của nguộc cất lên tiếng hát suối khe băng qua những tảng đá chặn dòng để về cùng biển lớn.

Vinh, 9/2015
Phan Quốc Bình
.
.