Giải thưởng Bông Sen Vàng 2007: Đã rõ ngôi đầu bảng?

Thứ Năm, 29/11/2007, 10:55
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 15 (sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24/11/2007 tại thành phố Nam Định) là một sự kiện văn hóa được nhiều khán giả yêu điện ảnh mong đợi. Với khoảng 40 phim truyện nhựa tham dự, LHP lần này được coi như một LHP khá xôm tụ. Nhưng liệu số lượng có đồng hành cùng chất lượng và liệu có bộ phim nào bước lên bục vinh quang nhận được sự đồng thuận của đông đảo khán giả?

Mặc dù mỗi LHP thường có nhiều thể loại phim tham gia tranh giải nhưng phim truyện nhựa luôn được coi như thể loại "đinh", là gương mặt của mỗi nền điện ảnh và thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Với khoảng 40 phim truyện nhựa tham dự LHP lần này thì đây là một con số không nhỏ. Chia cho 3 năm kể từ sau LHP lần thứ 14 (năm 2004) thì mỗi năm, trung bình cũng có hơn 10 phim "ra lò".

So với LHP lần trước thì ở LHP lần này sự dè dặt của các hãng phim tư nhân đã giảm đi đáng kể. Trong số 40 phim tham dự thì có đến 15 phim của các hãng tư nhân. Trong đó có một số phim được đánh giá có chất lượng nghệ thuật cao như: "Áo lụa Hà Đông", "Dòng máu anh hùng", "Hạt mưa rơi bao lâu"…

Bên cạnh đó, là một số phim ăn khách mang tính giải trí cao như: "Nữ tướng cướp", "2 trong 1", "Đẻ mướn", "Võ lâm truyền kỳ" và cả những phim còn chưa tạo được sức hấp dẫn với khán giả như: "1.735km", "Thập tự hoa", "Sài Gòn tình ca"… cũng hào hứng đăng ký. Điều này cho thấy bộ mặt của điện ảnh Việt Nam đã thêm phần phong phú với sự phát triển ngày càng nhiều của các hãng phim tư nhân.

Đối với những phim do các hãng nhà nước sản xuất thì một điều dễ nhận thấy là thường chú trọng nhiều tới yếu tố nghệ thuật như "Sống trong sợ hãi", "Chuyện của Pao", "Hà Nội, Hà Nội", "Sinh mệnh"… Nhưng không phải không có những phim giải trí nhẹ nhàng, mang yếu tố thương mại như: "Chuông reo là bắn", "Chiến dịch trái tim bên phải", "Giá mua một thượng đế", "Khi nắng thu về"…

Đặc biệt, LHP Việt Nam lần thứ 15 còn có sự góp mặt của những tác phẩm điện ảnh do đạo diễn Việt kiều thực hiện như: "Mùa len trâu", "Dòng máu anh hùng", "Sài Gòn nhật thực"… Những bộ phim chưa có dịp công chiếu vì vừa hoàn thành cũng không bỏ lỡ cơ hội ra mắt khán giả thành Nam như: "Trăng nơi đáy giếng", "Rừng đen"… Và sự tham dự của thể loại phim kinh dị với đại diện là phim "Mười" của Hãng Phước Sang cũng khiến LHP thêm phần rôm rả.

Một điều dễ nhận thấy, trong số những phim truyện nhựa tham dự LHP lần này, kể cả phim do nhà nước hay tư nhân sản xuất thì phần lớn đều là những gương mặt cũ.

Việc đề cử những phim cho giải Bông sen Vàng cũng không quá gay cấn, khi mà một số phim đã đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước trong suốt 3 năm qua như: "Mùa len trâu", "Chuyện của Pao", "Sống trong sợ hãi", "Hà Nội, Hà Nội", "Áo lụa Hà Đông"… Có chăng, cái khó cho Ban giám khảo nằm ở chỗ khi mà có tới 2 bộ phim cùng được nhận giải thưởng Cánh diều Vàng năm 2006 là "Áo lụa Hà Đông" và "Hà Nội, Hà Nội".

Tuy nhiên, một vài tiếng vang mà "Áo lụa Hà Đông" đạt được tại một số LHP quốc tế gần đây khiến nhiều người cho rằng ưu thế đang nghiêng dần về bộ phim này. Trong số những ứng cử viên nặng ký cho giải thưởng Bông sen Vàng thì "Dòng máu anh hùng" là bộ phim chưa từng tranh giải ở những giải thưởng trong nước nào nhưng được báo chí cũng như khán giả đánh giá cao.

Mặc dù ra rạp "trái vụ" nhưng bộ phim cũng đã thu về hơn 5 tỉ đồng. Việc nhìn rõ những ứng cử viên cho ngôi quán quân đã phản ánh đúng bản chất nền điện ảnh Việt Nam: còn quá ít phim hay cho khán giả.

Tiêu chí của LHP lần này là "Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập". Để thực hiện điều này, trước mắt, LHP vẫn duy trì giải thưởng Phim được công chúng yêu thích nhất nhưng chỉ khoanh vùng là công chúng tại LHP bởi vì thực tế, nhiều phim chỉ chiếu trong Nam hoặc một vài tỉnh thành nào đó, khán giả cả nước không có điều kiện xem hết. Việc mời chuyên gia nước ngoài ngồi ghế ban giám khảo vẫn còn là điều khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Thế nên, tìm kiếm một bộ phim thật sự đặc sắc, đáng được vinh danh vẫn còn khó đối với LHP lần này. Thôi thì, vẫn phải coi LHP như một cơ hội để được gặp gỡ, giao lưu, là ngày hội của những người làm nghề… như lâu nay vẫn thường nghĩ

Khánh Thảo
.
.