Giá trị sống

Thứ Năm, 18/12/2014, 08:00
"Giá trị sống" là một triển lãm lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh để gìn giữ bản sắc văn hoá trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại vừa diễn ra ở những ngày cuối tháng 11 này.

Một triển lãm đặc sắc khi kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong chuỗi hoạt động nghệ thuật của Davines và Tạp chí Đẹp mà họa sĩ Lê Thiết Cương với vai trò giám tuyển. Lý do để ý tưởng ''Giá trị sống'' trở thành hiện thực đó là sự vận động quá nhanh theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại và công nghệ để đáp ứng tốc độ của cuộc sống làm những yếu tố thiên nhiên, văn hoá và con người quanh chúng ta thay đổi một cách mãnh liệt. Thiên nhiên không còn như trước, môi trường đang biến đổi nghiêm trọng do sự khai thác quá mức của con người. Các giống loài động vật, thực vật bị lai tạo, những giống loài có năng suất thấp dần bị loại bỏ cho giống có năng suất cao, phù hợp với các nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Con người đã và đang can thiệp quá mạnh vào thiên nhiên. Quá trình biến đổi sinh học ngày càng chiếm ưu thế so với chọn lọc tự nhiên, sự mất cân bằng tự nhiên đang dần thấy rõ. Văn hoá đang chuyển dịch, các ngành nghề thủ công và truyền thống dần mai một và mất đi theo năm tháng để nhường chỗ cho các ngành có công nghệ tiên tiến cho năng suất và sản lượng cao. Các giá trị văn hoá gốc dần bị lu mờ trước những giá trị mới và thực dụng hơn, cuộc sống hiện đại đang đẩy lui dần những thói quen văn hoá mà con người hằng công xây dựng. Con người giờ đây nhanh nhạy hơn, thực dụng hơn và hiểu biết hơn về công nghệ nhưng họ lại bị đẩy xa hơn những giá trị văn hoá gốc.

Với sứ mệnh kết nối giữa văn hoá, nghệ thuật, nghệ sĩ với công chúng, triển lãm ''Giá trị sống'' hướng tới việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công gắn với một số làng nghề tiêu biểu ở Việt Nam. Các ngành nghề thủ công ở các làng nghề Việt Nam ra đời và phát triển hàng trăm năm nay và mang trong mình tinh hoa của dân tộc Việt, nó mang bản sắc văn hoá, tính truyền thống, tính nguyên bản và nói lên trình độ chế tác bậc thầy của cha ông ta. Nhưng giờ đây trong sự phát triển của cuộc sống hiện đại, việc gìn giữ và phát triển nó đặt ra nhiều thách thức. Cách gìn giữ tốt nhất ngành nghề truyền thống là phát triển và sáng tạo trên nó.

Tác phẩm Đầu lân làng Gạo. Tác giả: Lê Bích

"Giá trị sống" là sự kết hợp tinh tế của 7 nghệ sĩ đương đại với 7 loại hình nghệ thuật khác nhau. Là sự gợi mở của một hướng đi mới trong việc gìn giữ và phát triển các nghề thủ công truyền thống bằng cách sáng tạo trên các chất liệu, sản phẩm truyền thống. 6 nghệ sĩ đều là những tên tuổi nổi tiếng được mời sẽ trình bày các tác phẩm mới của mình, hướng sáng tạo mới của mình trên 6 ngành nghề và sản phẩm truyền thống bao gồm: nghệ sĩ Phạm Trần Quân với guốc mộc, Hoàng Phượng Vỹ với quạt giấy của làng nghề Chàng Sơn, nghệ sĩ Trịnh Bích Thuỷ với áo bông và lụa Vạn Phúc, nghệ sĩ Đinh Đức Hải với sơn mài của làng nghề Chuyên Mỹ, nghệ sĩ Lê Đình Nguyên với rối nước, nghệ sĩ Đoàn Xuân Tặng sáng tác trên cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ và cuối cùng là nghệ sĩ ảnh Lê Bích với các tác phẩm nhiếp ảnh chụp các làng nghề truyền thống Việt Nam. Đây chính là nét mới, một sự gợi mở về cách làm, một nhánh trong ngành công nghiệp sáng tạo, một con đường gìn giữ và phát triển những ngành nghề thủ công lâu đời tại Việt Nam. Ngay từ khi có người Việt, từ khi có nước Việt thì đã có nghề thủ công rồi. Khởi từ Đông Sơn đến Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cho tới hôm nay trải dài suốt mấy ngàn năm. Lịch sử của nước Việt, lịch sử của người Việt cũng là lịch sử của các nghề thủ công. Nghề đúc trống đồng, nghề đóng thuyền, nghề làm giấy, trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa, làm gốm là những nghề có từ rất sớm rồi đến các nghề sơn mài, mây tre đan, thêu ren, điêu khắc gỗ, đá, nghề kim hoàn vàng bạc...

Mỗi một nghề lại có nhiều nhánh nhỏ, ví dụ nghề mộc thì có mộc làm nhà, đình chùa miếu mạo, mộc khắc ván in, mộc tạc tượng, mộc làm nông cụ. Nghề sơn ta thì có nghề chế tác đồ thờ, chế tác đồ gia dụng, nghề sơn quang dầu, nghề làm vàng bạc quỳ... Mỗi nghề lại có nhiều làng nghề, phường nghề, phường thợ khác nhau ở mọi miền đất nước. Ví dụ nghề gốm có ở Bát Tràng, Thổ Hà, Hương Canh, Phù Lãng, Quế Quyển, Chu Đậu, Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa, Vĩnh Long. Nghề chạm khắc đá ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng... Mỗi một làng nghề lại có một ông tổ nghề với những kỹ năng, kỹ nghệ khác nhau nên các sản phẩm rất phong phú, đa dạng, khác biệt - cho dù là cùng làm chung từ một chất liệu. Bất kể một sản phẩm thủ công, mỹ nghệ nào từ đôi guốc mộc, cái quạt, cái bát gốm, một lọ hoa bằng gỗ phủ sơn, một mảnh lụa tơ tằm, một cái khay bạc, một con chó đá... cũng đều gói trong nó cả truyền thống, lịch sử, quan niệm thẩm mỹ, cả tay nghề, cả văn hóa, tri thức, cả tập tục, cả tạng tính của người Việt. Nói cách khác, thông qua đồ thủ công mỹ nghệ, người ta có thể thấy được tâm tính và bản sắc của người Việt. Đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống là một kho tàng đầy ắp giá trị sống của người Việt. Tuy nhiên để giá trị sống đó sống tiếp được trong đời sống hôm nay thì lại là một câu chuyện khác. Không có cách gì để có thể bảo tồn truyền thống một cách bền vững nhất, đẹp nhất hơn là bằng cách làm mới nó, sáng tạo lại nó. Phải hiện đại truyền thống, phải đưa hiện đại vào truyền thống để truyền thống có một đời sống khác và sống được trong cuộc sống hiện đại.

Họa sĩ Đinh Đức Hải là người con của làng nghề sơn mài Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội), chính vì vậy mà hơn ai hết anh nhìn thấy sự đi xuống của nghề sơn mài nếu không đổi mới. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, anh đã đưa ra một bộ sưu tập lọ hoa, hộp bằng chất liệu sơn mài với những trang trí hoàn toàn hiện đại.

Tác phẩm “Áo bông” của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy.

Họa sĩ Phạm Trần Quân chuyên về chất liệu sơn dầu trên vải. Sau nhiều thể nghiệm, hôm nay anh trưng bày một nhóm tác phẩm "Những đôi guốc mộc" được vẽ bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Quân hy vọng những đôi guốc mộc mộc mạc ấy sẽ sống lại và sống một đời sống khác, mơ lại một giấc mơ khác, một giấc mơ mới để đi tới những con đường mới, dài rộng hơn.

Cùng với những đôi guốc là những chiếc quạt giấy đều của các nghệ nhân làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội). Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đã thổi một luồng gió mới để trang trí lại những chiếc quạt giấy bằng những hình, những mầu thiên về lối đồ họa hiện đại của mình. Những chiếc quạt của Vỹ không chỉ còn là những chiếc quạt thông thường, thêm vào yếu tố dùng là yếu tố nhìn. Vỹ đã cho ta một cái nhìn đẹp và bay bổng hơn.

Họa sĩ Đoàn Xuân Tặng gọi cảm hứng từ những bức tranh dân gian Đông Hồ quen thuộc. Tặng đã tạo ra một cuộc sống mới mang hơi thở đương đại cho những Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen, Ngựa hồng, Hiếu học.

 Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy có một cách tiếp cận khác với những chiếc áo bông truyền thống. Chị chỉ dựa trên truyền thống để thiết kế lại, cắt lại, may lại, trang trí bằng những hình thêu mới để những chiếc áo bông vốn quen thuộc ấy lạ hơn, đẹp hơn và vừa vặn hơn với đời sống hôm nay.

Nhà tạo hình rối Lê Đình Nguyên đã hơn 30 năm gắn bó với nghề rối và các làng nghề rối nước ở đồng bằng Bắc bộ cũng chỉ để tìm ra được một cách tạo hình rối mới và riêng cho mình. Những con rối mới của anh sẽ bước ra khỏi những câu chuyện cổ tích quen thuộc, sống một đời sống khác, mới hơn, hiện đại hơn và đi xa hơn. Lê Bích là người chụp chuyên nghiệp, anh đi nhiều chụp nhiều, nay đây mai đó, từ miền núi xuống đồng bằng, từ tỉnh về quê. Nhưng hai đề tài mà anh đau đáu nhất là những cái giếng cổ và các làng nghề thủ công truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có thể nói Lê Bích là người nghiện làng, nghiện làng nghề. Chả còn thiếu một làng nghề, một phường nghề nào mà không có dấu chân anh. Anh là nhà nhiếp ảnh sở hữu một kho tư liệu bằng hình ảnh về các nghề thủ công truyền thống đầy đủ nhất.

Với bất kể một nghệ sĩ nào thì truyền thống cũng luôn là một cái nền, là ga khởi hành, là mảnh đất tạo đà cảm xúc, là động lực để họ sáng tạo, để họ kể một câu chuyện mới, mong tạo ra một truyền thống mới.

Lê Thiết Cương
.
.