Ghi ở một vùng công giáo

Thứ Ba, 20/11/2007, 10:10
Nam Định là một vùng đất có đông đồng bào theo đạo công giáo. Riêng giáo phận Bùi Chu, gồm 6 huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh có tới 148 giáo xứ với trên 390 ngàn tín hữu. Trong lịch sử, những năm chiến tranh đã có hàng nghìn thanh niên giáo phận Bùi Chu lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã vĩnh viễn để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường.

Ngày hôm nay, từng gia đình, từng dòng họ công giáo nơi đây đã và đang góp sức mình vào công cuộc làm giàu đẹp, ấm no cho quê hương. Trong công tác an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội và kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông ở địa phương, người công giáo Bùi Chu cũng đạt được những thành tích không nhỏ...

Cũng như nhiều miền quê khác, giáo phận Bùi Chu đều là những làng quê nghèo, người nông dân phải một nắng hai sương để làm ra hạt gạo, ít nghề phụ cải thiện đời sống. Vào thời điểm nông nhàn trong năm, đàn ông, thanh niên trong vùng thường đổ về những thành phố lớn để tìm kiếm công việc.

Rời bỏ nếp sống làng quê đến những đô thị lớn để tìm kế sinh nhai, không ít người khi trở về đã mang theo những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội. Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối, bức xúc với những người làm công tác an ninh trật tự ở địa phương.

Hội nghị "Người công giáo Bùi Chu đồng hành cùng dân tộc, tham gia phòng chống tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông" diễn ra tại huyện Xuân Trường, nơi có quần thể nhà thờ Bùi Chu rất đẹp nằm yên ả giữa một vùng quê mênh mông những cánh đồng đang vào mùa gặt tháng mười.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Vĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định phấn khởi thổ lộ rằng, nhờ sự ủng hộ hết lòng của đồng bào giáo dân mà trong những năm qua, tỉ lệ tội phạm, tệ nạn xã hội cũng như tai nạn giao thông ở vùng công giáo giảm hẳn.

3 năm trước, lực lượng Công an đã tổ chức hội thảo, phát động phong trào người công giáo góp phần đảm bảo an ninh xã hội và ký cam kết với giáo xứ không có ma túy và các tệ nạn xã hội.

Là người trực tiếp điều hành, theo dõi kết quả hoạt động này, Thiếu tướng Phan Vĩnh rất hài lòng khi thấy từng cá nhân, gia đình, dòng họ giáo dân giáo phận Bùi Chu đã tham gia thực sự vào việc giữ gìn an ninh trật tự với nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường sống không ma túy, tội phạm, không tệ nạn xã hội là cái gốc của sự bình yên, ấm no và hạnh phúc.

Phong trào "3 không" (không ma túy, không tệ nạn xã hội, không tội phạm) được nhân rộng trong các giáo xứ toàn giáo phận, trong đó đề cao vai trò của gia đình trong việc răn dạy, giáo dục con em mình không sa vào các tệ nạn cùng với đó là sự đôn đốc, giúp đỡ của các đoàn thể giáo xứ và các cấp chính quyền.

Ông Vũ Văn Cảnh, giáo xứ Sa Châu thuộc xã Giao Châu, huyện Giao Thủy cho biết: "Trước tháng 8/2005 tệ nạn ma túy ở Giao Châu  có nhiều điểm phức tạp. Trong xã có 13 người có hồ sơ nghiện ma túy, 13 người nghi nghiện, trong đó có 5 người nghiện nặng.

Số người nghiện ma túy này đã gây ra nhiều vụ cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, làm cho người dân hoang mang. Trước tình hình đó chính quyền và giáo xứ đã mở hội nghị bàn về biện pháp cụ thể giảm thiểu tệ nạn ma túy. Ban hành giáo xứ cùng chính quyền đã phân công cứ 1 người nghiện thì có 2 người (thuộc tổ chức chính quyền và tổ chức tôn giáo) đến phối hợp với gia đình, quản lý, giúp đỡ họ cai nghiện.

Bằng cách đó, số người nghiện hút ma túy ở địa phương đã giảm xuống hơn một nửa, các vụ trộm cắp, gây rối trật tự xã hội cũng không còn thường xuyên xảy ra".

Vẫn câu chuyện giúp người nghiện từng bước thoát khỏi bóng đen ma túy, một người công giáo ở xã Nam Thái,  huyện Nam Trực - ông Đào Xuân Đàm lại mang đến những tin vui khác.

Giáo dân Giáo họ Phú Hào trong 3 năm qua đã tận tâm giúp đỡ 2 trường hợp nghiện hút nặng là anh Nguyễn Đức Long, 29 tuổi và anh Nguyễn Văn Dũng, 27 tuổi, hoàn toàn rời bỏ được ma túy bằng việc cai nghiện tại nhà.

\Hiện nay hai anh Long và Dũng đã trở lại với cuộc sống đời thường, cả hai đều đã lập gia đình, sinh con và có một cuộc sống đầm ấm trong sự thương yêu của bà con, xóm giềng. Ngoài ra, chính Long và Dũng cũng đã tham gia cùng với chính quyền, giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi hòa nhập với cộng đồng.

Song song với việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bà con giáo dân toàn giáo phận Bùi Chu không ngừng mở rộng phong trào khuyến học trong các gia đình, dòng họ. Trên mảnh đất hiếu học Nam Định hôm nay có rất nhiều gương mặt học sinh, sinh viên giỏi, tiêu biểu, là con em công giáo.

Mỗi gia đình đều hiểu rõ hơn ai hết rằng, nâng cao trình độ văn hóa cho con em chính là cách tốt nhất để bảo vệ con em thoát khỏi những cám dỗ, tệ nạn xã hội. Mọi lầm lỗi của con người cũng bởi do nghèo đói, thất học, thiếu hiểu biết mà ra.

Linh mục Vinh Sơn Ngô Viết Lục, giáo xứ Xuân Dục có một ưu tư rằng: "Cách đây không lâu có một người hỏi tôi, đâu là vấn đề cần quan tâm nhất của linh mục hiện nay. Tôi có một niềm băn khoăn lớn, là tình trạng tụt hậu quá xa của các con em vùng quê nghèo so với trẻ em thành phố, đô thị. Người dân quanh năm chân lấm tay bùn, lo cho gia đình có đủ cơm ăn áo mặc đã khó, huống hồ là chuyện đầu tư cho con cái học hành".

Biến băn khoăn thành hành động, linh mục Vinh Sơn Ngô Viết Lục lập ra quỹ khuyến học tại điểm đầu tiên là xã Xuân Dục. 10 năm qua, Xuân Dục đã có tới gần 200 sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Trong đó có cả một số em được đi du học ở các nước có nền giáo dục phát triển. Nhiều sinh viên đã trở về quê hương, trở thành các nhà kinh tế, các nhà khoa học, nhà giáo, giúp đỡ các thế hệ sau. Xuân Dục hôm nay không còn trẻ em thất học và cũng không có tệ nạn ma túy.

Tiêu biểu cho một gia đình công giáo gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chính sách pháp luật, nuôi dạy con ngoan, thành đạt phải kể tới gia đình ông Nguyễn Văn Huyên, ở xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy. Là một gia đình công giáo nghèo, sống bằng nghề nông, kinh tế khó khăn, nhưng ông bà Nguyễn Văn Huyên vẫn cố gắng nuôi con ăn học.

Gia đình có 5 người con thì 4 người đều đã học đại học, trong đó một người con được đi du học ở Nga về ngành Dược, và người con út đang là học sinh giỏi lớp 12 chuẩn bị thi đại học vào năm tới. Ông Huyên nói: "Gia đình tôi luôn tâm niệm rằng, muốn có cuộc sống chất lượng thì phải lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, để sau này các cháu có kiến thức giúp cho bản thân, gia đình và xã hội".

Ở vùng công giáo Bùi Chu, ngoài công tác phòng chống tệ nạn xã hội và khuyến học, còn có một hoạt động sôi nổi khiến nhiều người trong chúng ta phải xúc động khi nói đến, đó là hoạt động từ thiện. Bản thân tôi, người viết bài này đã không ít lần viết về những công việc nhân đạo âm thầm của người công giáo nơi đây.

Trong nhà thờ Bùi Chu có nhà Dục Anh, hay còn gọi là cô nhi viện Thánh An. Tới đây, lúc nào bạn cũng có thể gặp tới vài trăm em nhỏ thuộc mọi lứa tuổi. Các em đều là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, được đưa về chăm sóc bởi bàn tay của các chị thuộc nhiều dòng nữ tu đã tình nguyện tới đây làm việc thiện.

Rất nhiều chị đã quên đi chuyện riêng tư của mình, dành toàn bộ cuộc sống cho trẻ em ở cô nhi viện. Có chứng kiến những người phụ nữ vất vả miệt mài ngày cũng như đêm, chăm chút một lúc hàng chục trẻ sơ sinh, đa số là đau ốm, bệnh tật, suy dinh dưỡng mới thấy lòng từ bi của các chị lớn đến nhường nào.

Ở một vài giáo xứ khác như Liễu Đề, Phú Nhai, phong trào làm việc thiện cũng trở thành những điển hình tiên tiến được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận. Xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ các bệnh nhân phong ở huyện Xuân Trường, cấp thuốc và khám chữa bệnh cho người nghèo, người già neo đơn, mang gạo cứu đói người nghèo vào các kỳ giáp hạt là việc làm thường xuyên của các tổ chức từ thiện do chính bà con giáo dân nơi đây thành lập.

Ông Ninh Quốc Tịch, một giáo dân, cũng là một cựu chiến binh nay đã là một doanh nhân thành đạt ngay trên quê hương mình. Làm Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Cát Tường với tổng tài sản trị giá hàng trăm tỉ đồng, ông Tịch đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra ông Tịch còn bỏ tiền xây dựng hệ thống đường bêtông kiên cố cho địa phương, vận động thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng...

Những đổi thay từ một vùng công giáo vốn là mảnh đất thuần nông mà cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu nhiều đời đeo đuổi bà con nơi đây, cho thấy hiệu quả thực sự khi từng người dân có ý thức chung tay với nhà nước, chính quyền để nâng cao chất lượng đời sống ở các vùng nông thôn.

Nhiều ngôi làng văn hóa được công nhận. Nhiều gia đình văn hóa được cấp bằng khen. Nhiều cá nhân được vinh danh trong phong trào tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, làm ăn kinh tế giỏi và giúp đỡ người có hoàn cảnh không may mắn.

Đó chính là những tín hiệu tốt lành cho một cuộc sống bình yên, no ấm, tốt đời, đẹp đạo mà mỗi người dân giáo phận Bùi Chu đều có thể tự hào về quê hương mình...

Vũ Quỳnh Trang
.
.