Gameshow truyền hình: Cuộc "chạy đua" vì... khán giả?!

Thứ Sáu, 19/01/2007, 15:00

Bên cạnh các gameshow mang tính giáo dục cao như “Vui để học” do HTV thực hiện hay “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận thì hiện tại, cơn sóng gamashow đang có xu hướng đơn thuần là giải trí. Chất lượng (hay nội dung) của nhiều chương trình cũng là vấn đề đáng báo động…

Ngay từ năm 2002, Đài Truyền hình (ĐTH) TP HCM - HTV đã lập hẳn một tiểu ban chuyên thực hiện các chương trình trò chơi truyền hình, với quyết tâm đưa gameshow trở thành một trong những mục tiêu chính của truyền hình hiện đại. Với sự thành lập tiểu ban này, hàng loạt gameshow đã được thực hiện và phát sóng với tốc độ… ánh sáng, như: “Vui để học”, “Trúc Xanh”, “Rồng vàng”, “Siêu thị may mắn”, “Đi tìm ẩn số”, “Nốt nhạc vui”, “Hát với ngôi sao”, “Chung sức”, “Vượt lên chính mình”… Ngoài ra, còn nhiều chương trình dành cho thiếu nhi khác: “Chuyện nhỏ”, “Bí mật gia đình” hay “Vườn cổ tích”…

“Bội thực” gameshow

Khi mà khán giả xem đài còn chưa hết bất ngờ trước sự phát triển “thần kỳ” của số lượng và thời lượng phát sóng của các gameshow ở HTV, thì VTV ngay lập tức vào cuộc. Vẫn giữ nguyên những gameshow đang có sẵn, VTV tăng cường thêm các gameshow mới, như: “Ai là triệu phú?”, “Đấu trường 100”, “Hãy chọn giá đúng”, “Tam sao thất bản”… Các ĐTH địa phương dường như cũng không chịu lép vế. ĐTH Đồng Nai tăng tốc với hàng loạt gameshow gắn với hình bóng các ca sĩ, ĐTH Bình Dương cũng cố gắng hút khán giả bằng cách làm những gameshow tương tự…

Vấn đề cơ bản hiện tại là các gameshow đang được thực hiện ở các ĐTH đều có bản quyền từ nước ngoài. Nghĩa là, ĐTH mua bản quyền từ nước khác, đem về Việt Nam biên soạn lại sao cho phù hợp với khán giả Việt và đưa lên sóng. Chính vì vậy, nhiều ĐHT đã cho ra đời hàng loạt gameshow tương tự nhau. Có thể thấy điều này cụ thể thông qua các gameshow trên HTV và VTV. Nếu như HTV có “Rồng vàng” thì VTV lại có “Ai là triệu phú?”, VTV có “Ở nhà chủ nhật” thì ở HTV là “Bí mật gia đình”, hay “Hãy chọn giá đúng” ở VTV được thay khẩu hiệu tại HTV là “Siêu thị may mắn”…

Chương trình "Tam sao thất bản".

Công bằng mà nói, bên cạnh các gameshow mang tính giáo dục cao như “Vui để học” do HTV thực hiện hay “Đường lên đỉnh Olympia”… của VTV đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận thì hiện tại, cơn sóng gamashow đang có xu hướng đơn thuần là giải trí. Về vấn đề này, ông Xuân Quang - Trưởng tiểu ban các chương trình trò chơi truyền hình HTV đã có lần phát biểu: “Chúng tôi không ngại các đài khác tổ chức gameshow cạnh tranh với mình. Bởi điều quan trọng nhất không phải là tốc độ hay số lượng mà là “đường dài” của chương trình”. Hẳn là vì cái “đường dài” này mà khán giả xem truyền hình dù có bị bội thực gameshow cũng chưa dễ một sớm một chiều được “đổi món”...

“Nhảy múa” với gameshow

Sau sự đột biến về số lượng gameshow đã giới thiệu ở phần trên, thì chất lượng (hay nội dung) của chương trình cũng là vấn đề đáng báo động. Ở nhiều chương trình gameshow, không hiểu ĐTH xây dựng nội dung ở khâu kịch bản như thế nào khi liên tục đưa ra những đáp án phản cảm. Đơn cử như ở một chương trình gameshow “Chung sức” do HTV thực hiện, với câu hỏi “Người ta thường làm gì khi buồn?”, đáp án thu thập được (nói theo cách mà HTV giới thiệu) đạt số điểm cao nhất là “Đi nhậu”. Trong lúc các phương án người chơi đưa ra là đi thăm bạn bè, đọc sách… đều không chính xác. Chẳng lẽ, mọi người Việt khi buồn đều đi nhậu hết?

Vẫn với chương trình “Chung sức”, câu hỏi đưa ra là “Kể tên những loài chim ăn thịt?”. Câu trả lời “Đại bàng” không có trong đáp án. Không hiểu, chỉ với chừng đó hạt sạn thì HTV đã có dịp kiểm chứng lại trình độ của 100 người ngẫu nhiên được phỏng vấn hay chưa(?).

Bên cạnh đó, để thu hút khán giả ngồi lại với chương trình, ĐTH cũng thường tung tuyệt chiêu mời các ca sĩ làm người dẫn chương trình. Đương nhiên, ca sĩ đâu có nghiệp vụ làm MC. Thế nên, đã có lần cặp “MC” Nguyên Vũ và Yến Trang ở gameshow “Hát với ngôi sao”, khi bị người xem phản ứng sử dụng hai chữ “Đúng rồi” quá nhiều trong chương trình, đã thản nhiên nói: “Chúng tôi đã quyết định với nhau phương án sử dụng hai chữ “đúng rồi” là phương án tối ưu. Nếu như khán giả không thích nghe, cũng phải chịu khó nghe dài dài”. Đến đây, xin phép được đặt câu hỏi: “ĐTH nghĩ gì khi MC của mình phản ứng theo kiểu bất cần như vậy đối với những khách hàng của Đài”.--PageBreak--

Không dừng lại ở đó, “Hát với ngôi sao” không hiểu kiếm đâu ra nhiều “ngôi sao” đến như vậy để giới thiệu với người xem. Thậm chí, có “ngôi sao” người xem chỉ biết tên khi xem xong hết chương trình.

Vẫn là MC, điều lo ngại là ở những chương trình dành cho trẻ em, HTV đã mời những MC (cũng là nghệ sĩ biểu diễn) rất khó… phân biệt giới tính để dẫn chương trình. Ai cũng biết trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh như thế nào, nhất là khi xem “thần tượng” của mình ẻo lả trên sóng truyền hình? Ở chương trình “Thế giới vui nhộn”, HTV còn mời ba anh chàng bóng lưỡng làm MC. Anh chàng to con nhất có lẽ để tạo thêm “ngẫu hứng” cho người xem nên đã tình nguyện tô môi son đỏ chót và vận trang phục còn sặc sỡ hơn cả Alibaba.

Bên cạnh đó, việc lobby đánh bóng tên tuổi của một số nghệ sĩ thông qua các gameshow ở đài không hẳn là không có. Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ liên tục xuất hiện trên ĐTH không phải để biểu diễn mà với tư cách là người chơi. Có cô diễn viên chơi gameshow “Kim tự tháp” đã không biết gì ngoài việc lắc đầu và le lưỡi… nhát khán giả. Còn ở gameshow “Tam sao thất bản”, có anh ca sĩ khi chơi đến phần đoán tên đồ vật đã liên tục viết sai chính tả. Có lần, ca sĩ Tinna nói với tôi: “Em sợ nhất là những chương trình gameshow trên truyền hình. Vì nếu mình xuất hiện trên truyền hình để biểu diễn thì không sao, chứ xuất hiện để chơi, lỡ như mình “dốt” quá sẽ gây phản cảm”. Một người bạn khi tham dự xong chương trình gameshow tâm sự: “Mình biết hết mấy mánh lới để dàn dựng sao cho đội có “ngôi sao” dành chiến thắng”.

Không biết thực hư thế nào, song điều dễ nhận thấy là nếu như ĐTH chuẩn bị đưa lên sóng bộ phim nào đó do các nhà sản xuất tư nhân thực hiện, thì y như rằng cách đó vài ngày, sẽ có những diễn viên chính tham gia bộ phim thi gameshow. Trong lúc, ai cũng biết để đăng ký một chương trình gameshow, người bình thường phải mất rất nhiều thời gian và các giai đoạn thi cử khác.

Định hướng trong gameshow - chờ đến bao giờ?

Công bằng mà nói, không phải tất cả các gameshow đều “hầm bà làng”. Ta vẫn bắt gặp đây đó những gameshow mang tính giáo dục và định hướng cao, như: “Trúc xanh”, “Rồng vàng”, “Vui để học”, “Hành trình văn hóa”, “Đường lên đỉnh Olympia”, “Đấu trường 100”… Tuy nhiên, dường như phần nhiều gameshow vẫn tồn tại chỉ với mục đích để bán quảng cáo.

Một cảnh trong gameshow "Ai là triệu phú?"

Việc thực hiện gameshow đơn giản hơn các chương trình khác. Vì kịch bản chỉ là “xào” lại sau khi mua bản quyền, kêu gọi tài trợ dễ dàng, nội dung không cần đầu tư nhiều… Nếu như khán giả xem đài biết được một spot quảng cáo hiện tại có giá từ 25-45 triệu, tùy từng khoảng thời gian của sóng truyền hình, sản phẩm của nhà sản xuất chỉ có thể xuất hiện trong khoảng thời gian 30-45 giây, thì việc bỏ ra khoảng vài trăm triệu làm nhà tài trợ chính thức của một gameshow nào đó, nhà sản xuất sẽ quảng bá được sản phẩm của mình trên cả giờ đồng hồ và được MC luôn miệng cảm ơn, quả là “nhất cử lưỡng tiện”.

Tính định hướng trên các phương tiện truyền thông, nhất là ở các ĐTH, luôn được chú trọng. Nhưng việc mải mê chạy theo những giá trị khác, như cách mà các nhà đài đang thực hiện gameshow thì rõ ràng, tính định hướng đang phai nhạt dần

Ngô Kinh Luân
.
.