Gác lại dịp sau...

Thứ Sáu, 17/07/2009, 14:00
Dự án phim "Lý Công Uẩn" vì nhiều lý do nên chưa thành. Phim truyện "Thái sư Trần Thủ Độ" (30 tập, đạo diễn Đào Duy Phúc, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn) đã được chọn và khởi quay vào đầu tháng 6 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không ít người cho rằng, việc "lựa chọn" này... chưa ổn. Chúng ta cùng ôn lại sử sách để xem ý kiến nêu trên có hợp tình, hợp lý không.

Ai cũng biết, công lao của Thái tổ Lý Công Uẩn đối với đất nước, đặc biệt với Hà Nội thật to lớn. Không chỉ là người khai sinh ra triều đại nhà Lý, ông còn là người quyết định việc lựa chọn và đặt tên Thủ đô là Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Trong "Việt Nam sử lược", sử gia Trần Trọng Kim ghi: "Lý Công Uẩn bèn lên ngôi hoàng đế, tức là vua Thái tổ nhà Lý. Thái tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp không có thể mở mang ra làm chỗ đô hội được, bèn định dời đô về La Thành. Tháng 7 năm Thuận thiên nguyên niên (1010), thì khởi sự dời đô. Khi ra đến La thành, Thái tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại La thành là Thăng Long thành, tức là thành Hà Nội bây giờ. Cải Hoa Lư làm Trường An phủ và Cổ Pháp làm Thiên Đức phủ… Nhà Lý có công làm cho nước Nam ta nên được một nước cường thịnh: ngoài thì đánh nước Tàu, bình nước Chiêm, trong thì chỉnh đốn việc võ bị, sửa sang pháp luật, xây vững cái nền tự chủ".

Về Thái sư Trần Thủ Độ, mặc dù đánh giá đó là "một người đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng đáng bao nhiêu trọng sự, giúp Thái công bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại một việc, làm cho nước Nam ta bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với Mông Cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường", song Trần Trọng Kim vẫn không quên nhắc lại tội ác của Trần Thủ Độ đối với nhà Lý "Lý Huệ Tông tuy đã xuất gia đi chùa rồi nhưng Thủ Độ vẫn định bụng giết đi, cho khỏi sự lo về sau". Chưa hết "Thủ Độ đã hại hết cả dòng dõi họ Lý, lại muốn cho họ Lý không còn ai nhớ đến họ Lý nữa, mới nhân vì tổ nhà Trần tên là Lý, bắt trong nước ai là họ Lý đều phải cải là họ Nguyễn".   

Theo nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (người biên kịch bộ phim này) thì vì tư liệu lịch sử về Trần Thủ Độ quá ít ỏi nên "kịch bản của tôi về Thái sư Trần Thủ Độ đều phải hư cấu, nhưng là những hư cấu dựa trên logic của lịch sử. Tuy lịch sử đánh giá Trần Thủ Độ có nhiều điểm bị chê trách, nhưng tôi xây dựng nhân vật Trần Thủ Độ ở góc độ đó là một người tài, ông là người chuẩn bị nền móng cho một nhà nước Đại Việt vững mạnh để sau này 3 lần chiến thắng quân Nguyên".

Từ những ý kiến trên, cũng như các tài liệu khác về Trần Thủ Độ, ta có thể khẳng định, Trần Thủ Độ là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nước ta. "Ông đã góp phần xứng đáng mở đầu cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang thời Trần" ("Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam - Những gương mặt tiêu biểu"- Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, 1998), song riêng với triều đại nhà Lý, ông đã có những cách hành xử đáng lên án.

Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong khi chúng ta (vì nhiều lý do, có lẽ chủ yếu là về kinh phí và kịch bản) chưa làm được phim để tưởng nhớ, ghi công, tôn vinh người đặt ra Thăng Long - Hà Nội là Thái tổ Lý Công Uẩn thì chí ít cũng không nên đưa bộ phim "Thái sư Trần Thủ Độ" ra trình chiếu dịp này. Phim đã được khởi quay, ta cứ việc tiếp tục hoàn tất. Còn việc giới thiệu nó với khán giả Hà thành, thiết nghĩ nên gác lại vào một thời điểm hợp lý hơn?

Nguyễn Tý
.
.