GS-TSKH Trần Ngọc Thêm

Thứ Năm, 20/11/2014, 08:00
Bức chân dung toàn diện hơn nữa về GS-TSKH Trần Ngọc Thêm còn phải có mảng ghép lớn của lĩnh vực nghiên cứu Ngữ pháp văn bản tiếng Việt. Nói vui thì "văn hóa học" và "ngữ pháp văn bản" song kiếm hợp bích lại làm nên tên tuổi GS Trần Ngọc Thêm trong nhiều thập kỷ qua...

Vì sợ mà… học giỏi!

Với GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nhiều năm trở lại đây, gần như ai cũng mặc định gắn ông với bộ môn văn hóa học, đặc biệt là cơ sở văn hóa Việt Nam. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông là một trong những người khai mở chuyên ngành văn hóa học ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ông cũng là người viết giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam", cuốn sách cùng song song tồn tại với giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam" do cố GS. Trần Quốc Vượng chủ biên qua nhiều lứa sinh viên ngành khoa học xã hội trong nước.

Bức chân dung toàn diện hơn nữa về GS-TSKH Trần Ngọc Thêm còn phải có mảng ghép lớn của lĩnh vực nghiên cứu Ngữ pháp văn bản tiếng Việt. Nói vui thì "văn hóa học" và "ngữ pháp văn bản" song kiếm hợp bích lại làm nên tên tuổi GS Trần Ngọc Thêm trong nhiều thập kỷ qua.

Thế nhưng, ngành học ông chọn ban đầu không phải văn chương hay ngôn ngữ. Thoạt đầu, Nhà nước cử ông đi học ngành kinh tế lâm nghiệp rừng. Tuy nhiên, sang tới Nga, lại có chủ trương chọn ra một số sinh viên giỏi cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội để đào tạo ngành ngôn ngữ toán học. Ông được chọn để theo học ngành này tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad.

Ông bảo cái thời đó không giống như bây giờ. Không phải mình muốn học gì thì học. Thành ra khi được lựa chọn, vì lo lắng trước ngành học mới, ông tập trung mọi sức lực vào, đâm ra lại… giỏi! Ông trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất thuộc nhóm các sinh viên giỏi ngôn ngữ toán học giai đoạn ấy.

GS - TSKH Trần Ngọc Thêm (thứ 2 từ phải qua) trong một cuộc hội thảo.

Trở về nước, lẽ  ra ông phải "đầu quân" cho các trường khoa học kỹ thuật. Nhưng vẻ như "máu khoa học xã hội" trong tâm huyết của giảng viên trẻ quê Đất Tổ này vẫn "rất nóng" nên ông xin về công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia  Hà Nội).

Sau 5 năm làm cán bộ giảng dạy tại trường, ông trở lại làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad. Luận văn Phó tiến sĩ của ông sau khi bảo vệ xuất sắc đã được đặc cách bảo vệ luôn tiến sĩ. Sau đó, ông tiếp tục trở về giảng dạy tại Hà Nội.

Thế rồi "con tạo" lại tiếp tục "xoay vần", từ năm 1992 tới nay, GS Trần Ngọc Thêm sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng như Trưởng khoa Đông phương học, Trưởng khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhiệm kỳ I (1990-1995), thành viên Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, thành viên Hội đồng xét duyệt đề tài khoa học nhà nước (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) v.v…

Giữa những bước chuyển đôi khi khá bất ngờ của cuộc sống, ông vẫn tin, sở dĩ ông làm tốt được nhiều việc khác nhau là bởi thời gian học tập ở nước ngoài đã tạo cơ hội để ông xây dựng được phương pháp làm việc, nghiên cứu khoa học tốt. Tất cả đều do quá trình tự học, tự đào luyện.

Muốn tự học thành công phải có phương pháp tư duy

Theo GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, muốn tự học thành công nhất thiết phải có phương pháp tư duy, gói lại chỉ ở hai từ "phản biện" và "hệ thống".

Không ít người đọc thiên kinh vạn quyển nhưng không nghĩ cho thấu đáo một vấn đề cụ thể. Lại có người lệ thuộc tri thức sách vở tới mức chỉ tin những điều trong sách. Với những cái đầu không chịu tư duy ấy, kiến thức lại trở thành gánh nặng và rào cản không dễ vượt qua.

Học trước hết phải có tư duy phản biện. Nhưng nếu phản biện quá cũng lại thành dở. Có những người nhìn đâu cũng ra khuyết điểm, tiêu cực. Họ không làm việc được với ai vì thấy xung quanh toàn thiếu sót, sai lầm. Ở khoảng trung dung giữa hai cực của phản biện, tư duy con người sẽ làm việc tốt nhất.

Cái mới không phải lúc nào cũng là cái lần đầu tiên tìm thấy. Cái mới đôi khi là sự kết hợp của những cái đã biết, hoặc là góc nhìn mới về một điều đã cũ. Học điều gì mới phải biết liên đới theo hệ thống tới những điều trước đó mới mong hiểu rộng và sâu sắc vấn đề.

Sợi dây nối giữa các lĩnh vực khác nhau là phương pháp. Hệ thống của GS Trần Ngọc Thêm trong cuốn "Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt" không giống ai và có tính liên hệ chặt chẽ. Đó là bởi ông đặt tất cả trong một hệ thống và trong hệ thống đó, ông xác định các yếu tố và mối quan hệ giữa chúng.

Lâu nay người ta vẫn nghĩ, văn hóa gồm nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội… tức là những yếu tố được ghép nối với nhau. Nhưng với GS Trần Ngọc Thêm, ông đi tìm trong đó một "tính hệ thống". Ông tìm xem cái nào là cái chung, nó chi phối lẫn nhau như thế nào và đó chính là phương pháp chung chi phối cả ngữ pháp văn bản lẫn văn hóa.

Khi nghiên cứu văn bản, ông nhận thấy, nói về nội dung của văn bản thì vô cùng vô tận, nhưng nó lại có giới hạn. Bất kỳ văn bản nào cuối cùng cũng phải nói về một một chủ đề hay đối tượng nào đó, với hoạt động của riêng nó. Hoạt động đó không thể ở ngoài không gian và thời gian. Như vậy tức là có một bộ ba làm gốc: chủ thể - không gian - thời gian. Đó là hệ tọa độ gốc. Khi chủ thể hoạt động trong hệ tọa độ gốc đó sẽ tạo ra nội dung, chính là văn bản.

GS Trần Ngọc Thêm cũng nhận thấy điều tương tự này khi nghiên cứu văn hóa. Ông bảo, mắm tôm trong bữa ăn của người người Việt là một yếu tố văn hóa. Nếu lược bỏ một trong 3 yếu tố đó, mắm tôm không còn là văn hóa nữa. Một bát mắm tôm với người Việt có thể rất hấp dẫn, nhưng nhiều người phương Tây lại ghê sợ. Bát mắm tôm chấm cà pháo trong bữa ăn người Việt rất ngon, nhưng đặt giữa bàn tiệc thì lại không ổn…

Văn hóa người Việt Tây Nam Bộ

Đi vào nghiên cứu văn hóa Tây Nam Bộ, lại là đặc trưng tính cách người Việt ở Tây Nam Bộ, có thể xem là công việc "táo bạo" của GS-TSKH Trần Ngọc Thêm. Dù sao ông vẫn là người gốc Bắc. Nhưng như ông chia sẻ, tuy không phải là người Nam Bộ, nhưng trải suốt mấy chục năm ăn cơm Nam Bộ, uống nước Nam Bộ, ông tự thấy mình phải làm gì đó để đáp đền bao ân tình ấy của đồng bào Nam Bộ. Những cộng sự của ông như TS Huỳnh Công Tín phải thừa nhận, ông luôn lắng nghe và chịu khó học hỏi những vấn đề văn hóa vùng miền khi bắt tay vào nghiên cứu.

Khác với quan điểm nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Tây Nam Bộ là một tiểu vùng văn hóa, GS Trần Ngọc Thêm khẳng định, đó là một vùng văn hóa riêng biệt với những đặc trưng lớn, khu biệt với vùng văn hóa Đông Nam Bộ.

Trong công trình "Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ" do ông chủ biên, phần viết về 6 đặc trưng tính cách người Việt ở Tây Nam Bộ là phần ông tâm đắc nhất. Chẳng hạn về tính cách đặc trưng nhất là tính sông nước. Về tự nhiên, Tây Nam Bộ là một vùng mênh mông sông nước, nên đặc điểm đầu tiên là sông nước. Người dân nơi đây đã vận dụng, tận dụng tính sông nước đó, vì thế trong tổng thể đời sống của người Nam Bộ, không chỗ nào không có yếu tố sông nước. Đây là tính cách đặc trưng đầu tiên và cũng khu biệt nhất văn hóa Tây Nam Bộ với văn hóa Đông Nam Bộ và các vùng miền văn hóa khác trong cả nước.

Từ việc lý giải tính thiết thực của người Tây Nam Bộ, GS Trần Ngọc Thêm đã "hóa giải" định kiến lâu nay cho rằng "người Tây Nam Bộ ít học". Trên thực tế, họ không lười học, mà do đặc trưng văn hóa vùng, họ chỉ học những gì đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, không ít nhà khoa học nông dân miền Tây trình độ văn hóa lắm khi chưa hết cấp 1 nhưng lại có thể làm những việc đáng nể như chế tạo máy móc, nghiên cứu giống lúa, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, xây cầu, di dời công trình kiến trúc xây dựng v.v…

Thêm nữa, về tính chất, tính bao dung thiên về tình cảm và cách ứng xử, trong khi đó tính mở thoáng thiên về lý trí và hoạt động. Tính bao dung mang tính thụ động, hướng nội, âm tính thì ngược lại, tính mở thoáng là chủ động, hướng ngoại và có phần dương tính. Giữa hai đặc trưng tính cách này có sự bổ sung cho nhau và tính bao dung ở Tây Nam Bộ điển hình hơn so với ở Đông Nam Bộ. Trong khi đó, tính mở thoáng điển hình hơn ở Đông Nam Bộ, nếu so với Tây Nam Bộ.

Trong cương vị Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (thuộc Trường ĐH khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), GS Trần Ngọc Thêm đang ấp ủ khát vọng đào tạo một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu kế cận trẻ trung, có trình độ. Dù nguồn tài chính còn eo hẹp, nhưng ông vẫn luôn tìm kiếm các phương thức hỗ trợ để học trò và cộng sự được làm nghiên cứu và có thể sống được (dù còn rất khiêm tốn) với chuyên môn của mình

Dương Kim Thoa
.
.