Duyên nợ Việt Nam qua những bức hình… chụp thẳng

Thứ Ba, 20/11/2007, 09:45
Bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh từ năm 16 tuổi, 50 năm qua Julian Guisado Arnaste đã đi nhiều nơi trên thế giới, với vô vàn trải nghiệm làm phong thú thêm khả năng văn hoạ và sức nhạy bén của ông trước trăm mối cuộc đời. Hai lần tới Việt Nam, ông gắn bó với vùng đất nên thơ này và quyết tâm dành tặng những năm tháng cuối cùng của cuộc đời cho sự nghiệp quảng bá du lịch của đất nước hình chữ S.

Mới đây, ông đã hợp tác với Đại sứ quan Tây Ba Nha tại Việt Nam, mở một cuộc triển lãm(4/10 đến 4/11) tại phòng trưng bày của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Cảm xúc từ những ô cửa

Khó có thể tả được cảm xúc của những người đến xem triển lãm. Phần lớn họ đều ngỡ ngàng, khâm phục trước những bức ảnh chụp Chùa Một Cột, cô bé người Mông ở Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Lăng Minh Mạng ở Huế, mặc dù trước đấy đã được thưởng thức nhiều bức hình về đề tài này của các nghệ sĩ trong nước…

Nhiều khách đến tham quan còn ngạc nhiên và hạnh phúc khi được thấy hình ảnh của chính mình. Có thể nói, để có được những bức ảnh mê hồn này, Julian Guisado Arnaste đã mất gần 1 tháng trời lang thang khắp nơi từ  Hà Nội lên Sa Pa, xuống Quảng Ninh, vòng sang Ninh Bình rồi chạy tuốt tới Huế trước khi dừng chân ở Nha Trang.

Đi đâu ông cũng cầm chiếc máy ảnh. 6.000 bức ảnh ra đời từ đó và Julian Guisado Arnaste đã kỳ công chọn ra 50 bức mà ông thích nhất.

Khác với những nhiếp ảnh gia nổi tiếng, Julian Guisado Arnaste bao giờ cũng chuộng cách chụp thẳng. Ông cho rằng đó là sự thể hiện chính trực nhất về hình ảnh và nó giúp người xem có cái nhìn chính diện hơn. Vì thế, ngoài những bộ sưu tập ảnh như Nghệ thuật La Mã thời Trung cổ, Cảnh đẹp của vùng Girona, Nghệ thuật rượu vang của Cataluna..., Julian Guisado Arnaste còn tạo lập riêng cho mình một album những ô cửa.

Với ông, những ô cửa luôn có một vẻ hấp dẫn không gì sánh được và gợi ra nhiều cảm xúc mới lạ. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông tâm sự: "Mỗi khi đứng trước một cánh cửa, bao giờ tôi cũng mường tượng ra những bước chân đã qua, những số phận cuộc đời, nỗi đau, sự dằn vặt và cả nước mắt nữa.

Nhiều khi tôi không dám mở cửa vì nếu mở rồi, tất cả những câu chuyện nhân văn kia sẽ ập đến và tôi khó có thể chịu đựng nổi". Phải thế chăng mà khi đứng trước cửa Lăng Minh Mạng, Julian Guisado Arnaste đã lặng hồi lâu rồi mới bấm máy. Dường như ông muốn hòa mình trong khung cảnh đó để cảm nhận những gì đã xảy ra và hiểu sâu hơn về số phận của một vị vua nước Nam.

Duyên nợ Việt Nam

Lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam (năm 2005), Julian Guisado Arnaste đã có dự định làm một phóng sự ảnh về đất nước "đã đem lại cho ông nhiều cảm hứng nhân văn và nghệ thuật".

Nhưng, như ông tiết lộ, kế hoạch suýt bị đổ bể do hành lý bị thất lạc. Mặc dù chỉ giữ được duy nhất một máy ảnh cơ loại cũ, ông vẫn mải mê tìm và chụp cho bằng được những cảnh chỉ có thể có ở Việt Nam.

Khi phát hiện ra căn bệnh ung thư máu, những tưởng Julian Guisado Arnaste sẽ không quay trở lại Việt Nam nữa. Nhưng không phải vậy, ông đã gắng mình chống chọi với bệnh tật, quyết chiến thắng nó để thực hiện mục tiêu của mình. Quả là một thử thách lớn.

Gia đình đã cổ vũ Julian Guisado Arnaste, bạn bè ủng hộ ông trong đó có rất nhiều người bạn Việt Nam gửi e-mail thăm hỏi sức khỏe và động viên. Bất chấp lời khuyên của bác sĩ là không được đi xa, Julian Guisado Arnaste vẫn thuyết phục vợ và con gái tháp tùng mình trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai.

Sinh tại thị trấn Cardona, Barcelona, Tây Ban Nha, từ khi còn rất trẻ, Julian Guisado Arnaste đã bắt đầu các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh, điện ảnh và văn học. Ông từng nhận giải thưởng Văn học trẻ do Ngân hàng La Caixa tổ chức, Giải thưởng vàng "La Catalina de Oro" về ảnh tốt nhất trong Liên hoan điện ảnh Cartagena de Indias (Colombia).

Kết hợp cả hai năng lực nhiếp ảnh và viết văn, ông còn biên tập, xuất bản 11 album ảnh với đề tài đa dạng. Các tác phẩm của ông cũng đã được đăng nhiều trên các tạp chí du lịch.

"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - tôi cho rằng mình có duyên nợ với Việt Nam" - Julian Guisado Arnaste nói: "Trước đây, Việt Nam đối với tôi là một xứ sở xa xôi. Tôi đã đi quanh khắp thế giới bốn phương mà vẫn không có cơ hội thăm Việt Nam.

Cho đến một ngày, tôi quyết định tiếp xúc với Đại sứ quán Việt Nam ở Madrid và được Đại sứ quán ủng hộ tổ chức chuyến đi đầu tiên sang Việt Nam. Hai cha con tôi hết sức bàng hoàng trước một đất nước mến khách, trước những con người đã đón tiếp chúng tôi bằng những tình cảm tốt đẹp nhất từ trái tim mình không một chút đòi hỏi gì”.

Có lần, khi vừa xuống sân bay Tây Sơn Nhất, đang ngồi uống cà phê, ông gặp một thiếu nữ đội chiếc nón có nụ cười rất tươi. Chỉ thoáng qua thôi nhưng đối với Julian Guisado Arnaste thì đó là người đẹp nhất Việt Nam. Ông đã đề nghị được chụp ảnh và cô gái nói là chưa có ai khen cô đẹp.

Rồi cô mời Julian Guisado Arnaste cùng con gái về nhà chơi, dẫn họ đi ăn tại một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Sài Gòn. Trong bữa ăn, hầu như cô gái chẳng ăn gì vì chỉ háo hức chờ xem bức ảnh chụp mình. Hay như lần lên Sa Pa vào sáng sớm, ông đã bắt gặp một cảnh rất đời thường.

Đó là bố con ông trưởng bản đang ngồi trên đồi chải tóc cho nhau. Chưa bao giờ được thấy một nụ cười thoải mái, vô tư đến vậy, Julian Guisado Arnaste đã bấm máy chụp ngay...

Hầu hết những bức ảnh trên con đường ông đi ở Việt Nam đều rất tình cờ nhưng lại rất thật và sáng trong như chính tấm lòng của những người dân nơi đây. Những cảm xúc ấy khiến nhiều khi ông tự trách mình, cảm thấy có lỗi với chính mình, sao không đến Việt Nam sớm hơn.

Thường xuyên tham gia làm 2 trang trên các tạp chí du lịch để giới thiệu cảm xúc về một vùng đất nào đó, Julian Guisado Arnaste là một trong những nhiếp ảnh gia bậc thầy về quảng bá du lịch. Nếu muốn đăng một bức ảnh của ông trên tạp chí, cơ quan đó phải trả thù lao ít nhất 2.000 euro.

Vậy mà, Julian Guisado Arnaste không màng danh lợi và tiền bạc khi tới Việt Nam. Ông chỉ chăm chăm một điều là làm sao để khách du lịch nước ngoài biết đến Việt Nam nhiều hơn. Tháng 1 năm nay, từ một thông báo của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội, ông đã gửi ảnh và viết một phóng sự dài 6 trang để kể về những cảm xúc lần đầu tới Việt Nam.

Ông kể, ở Barcelona, người ta rất chú trọng đến du lịch và có hẳn một tạp chí du lịch dày 25 trang. Mỗi tháng, tạp chí này giới thiệu về một nước và đang có nhã ý mời ông làm hẳn một chuyên san về Việt Nam. Những chuyện này khiến Julian Guisado Arnaste luôn mong mỏi được tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Du lịch - Thể thao Việt Nam để trao đổi phương cách quảng bá du lịch tốt nhất.

Ông có sáng kiến là khi cho đăng những bài và ảnh lớn về Việt Nam trong các tạp chí nói trên, tốt nhất là có cuộc thi và phần thưởng dành tặng cho độc giả, như tặng chuyến du lịch Việt Nam. Như thế sẽ hấp dẫn vô cùng các du khách Tây Ban Nha nói riêng và du khách thế giới nói chung.

Chia tay chúng tôi, Julian Guisado Arnaste cho biết, ông có thói quen "tức cảnh sinh tình". Cách đây một năm ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết mang tên "La hija del Narco" (tạm dịch là "Con gái của Tử thần trắng") và vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết "Matar al Presidente" (Sát hại Tổng thống).

Cuốn tiểu thuyết thứ 3, ông muốn viết về Việt Nam. "Tôi muốn mang lại một cái nhìn mới về Việt Nam chứ không phải những hình ảnh khói lửa, bom đạn trong chiến tranh như ngày xưa. Việt Nam trong tôi bây giờ là một đất nước không hận thù và chỉ hướng tới tương lai"

Huyền Chi
.
.