Đường làng ngõ xóm

Thứ Năm, 29/05/2014, 08:00
Đường làng là xương sống của làng, là nơi thể hiện nhịp đập, hơi thở, sức sống nội tại của làng. Từ sáng sớm tới tối khuya, từ xưa đã như vậy, trên đường làng lúc nào cũng tấp nập, người dân hối hả ngược xuôi. Vào mùa vụ, từ tinh mơ, trâu bò đã theo người cày ra đồng, gõ móng cồm cộp trên đường...

Đường làng

Khi tôi còn bé, vào những năm 60 của thế kỷ trước, từ đầu làng đến Xóm Lẻ là con đường đất, khá rộng, đi chân trần trên con đường ấy thấy êm mát lạ lùng. Còn con đường chính từ đầu làng đến cuối làng là đường gạch. Gạch lát đường là gạch nung bằng rơm rạ, chín kĩ, đỏ au. Đường làng lát gạch nghiêng, ken dày, vững chãi, không bị lún sụt. Chiều ngang đường gạch khoảng hai mét. Hai bên là vệ đường, cỏ mọc thưa thớt. Đường làng hơi quanh co, bên cạnh là dãy ao làng. Có lẽ xưa kia ao làng được đào để lấy đất đắp đường. Vì vậy, ao và đường như hình với bóng, quấn quýt bên nhau chạy dọc xóm làng.

Đường làng là xương sống của làng, là nơi thể hiện nhịp đập, hơi thở, sức sống nội tại của làng. Từ sáng sớm tới tối khuya, từ xưa đã như vậy, trên đường làng lúc nào cũng tấp nập, người dân hối hả ngược xuôi. Vào mùa vụ, từ tinh mơ, trâu bò đã theo người cày ra đồng, gõ móng cồm cộp trên đường. Các bà, các chị tíu tít gồng gánh mùa nào thức nấy đi chợ phiên. Lũ trẻ rủ nhau đi học. Đường làng rộn rã những âm thanh khác nhau. Tối mùa hè, những hôm nóng nực, cơm nước xong là bà con lại kéo nhau ra đường làng hóng mát, chuyện trò vui vẻ.

Khi chưa có xe máy và xe đạp cũng còn ít, người dân đi lại trên đường làng khá thảnh thơi và an toàn, phù hợp với khung cảnh làng quê thanh bình, êm ả. Bây giờ, người ta bê tông hóa đường làng. Con đường gạch đỏ au, tươi tắn xưa kia được thay bằng mặt đường bê tông xám mốc, khô khan. Xe máy phóng vù vù. Người dân đi trên đường làng mà cảm thấy bất an. Hình ảnh con đường của một làng quê thanh bình nay không còn nữa…

Ngõ xóm

Ngõ xóm ở đây chính là đường vào các xóm trong làng, là con đường xương cá nhỏ hẹp tỏa về các xóm. Ngõ xóm ở làng tôi quanh co, ngoằn ngoèo hơn đường làng. Mỗi ngõ có một vẻ riêng về diện mạo, về địa hình, cảnh quan, giúp người dân dễ phân biệt, dễ chỉ vẽ cho người ở vùng khác đến hỏi đường đi lối lại.

Có một điều rất lạ là ở nơi kinh thành, phố cổ thì chen chúc, chật chội là điều dễ hiểu. Đằng này ở nông thôn, ở một vùng quê, sao đường ngõ cũng rất chật hẹp? Các cụ bảo vùng này "đất lành chim đậu" nên đất chật người đông. Lại thêm người dân quê tôi có tập quán "kín cổng cao tường" nên lối đi trong xóm càng chật hẹp. Thật bất tiện. Vào mùa vụ, người dân ra đồng, vác cày, vác bừa kềnh càng trên vai, lại dẫn một con trâu to sụ đi trước, tránh nhau trong ngõ rất khổ. Các bà, các chị đi chợ cũng vậy. Sáng ra kĩu kịt đôi quang gánh, nào rau cỏ, hoa quả, thóc gạo, mùa nào thức nấy, quẩy đi bán ở chợ phiên… cũng tránh nhau, đụng nhau ở con ngõ chật hẹp này. Ngõ xóm gắn liền với cổng nhà của từng gia đình trong xóm, chứng kiến những vui buồn, chìm nổi trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê tôi từ bao đời nay… Ngõ xóm là sợi dây tình cảm gắn kết các gia đình trong một lối đi chung.

Gần đây, các ngõ xóm ở làng tôi đã được bê tông hóa. Việc đi lại có thể tiện hơn bởi mặt ngõ phẳng phiu và có cảm giác rộng rãi hơn. Nhưng các ngõ xóm trong làng đều có chung một diện mạo đơn điệu và vô cảm. Còn đâu vẻ riêng của từng ngõ xóm khi xưa. Còn đâu vẻ riêng cho sự neo đậu của nỗi nhớ, của tình cảm ở những người con xa quê mỗi khi nghĩ về con ngõ nhỏ bé thân thuộc của mình?

Lê Hữu Tỉnh
.
.