Đừng nhìn đâu cũng thấy bệnh

Thứ Hai, 10/10/2011, 08:00
Thời gian gần đây, nếu ai đó chịu khó vào các trang báo mạng, hẳn sẽ luôn bắt gặp những vụ - tạm gọi là scandal - liên quan đến những nghi vấn "đạo ý tưởng" xảy ra trong làng biểu diễn nghệ thuật, nhất là ở lĩnh vực giải trí...

Những tít bài kiểu như: "Họa Bích bị tố đạo ý tưởng poster phim Mỹ", "Điệu sampa của Thu Minh bị nghi đạo ý tưởng", "Đạo ý tưởng - chiêu scandal mới của phim Việt", "Cao Thái Sơn bị tố đạo ý tưởng clip", "Hoàng Thùy Linh đạo ý tưởng clip nước ngoài?"… tràn ngập trên các màn hình vi tính. Nó làm cho bạn đọc có cảm giác chúng ta đang sống trong một thời đại mà những người làm nghề luôn tìm các chiêu thức để chôm chỉa ý tưởng của nhau. Tất nhiên, thực tế không phải không có những người thường xuyên duy trì cách "tồn tại" của mình bằng việc biến "tài sản tinh thần" của người khác thành ra của mình, song nếu bình tâm suy xét, ngẫm nghĩ thật thấu đáo vấn đề, ta sẽ thấy không ít điều bị dư luận công kích chỉ là… báo động giả.

Trước khi nói về lĩnh vực giải trí, xin nhắc lại một sự cố "nóng hổi" vừa xảy ra trong làng nhiếp ảnh: Đó là việc nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc lên tiếng tố giác, rằng bức ảnh "Mặt trời trong Lăng sáng tỏa" của tác giả Trần Lam (được chủ một doanh nghiệp mua với giá 1 triệu USD trong một phiên đấu giá hồi cuối năm 2008) đã "giống tới 98%" bức ảnh "Đêm trăng Lăng Bác" của ông. Vì bức ảnh của ông  Minh Lộc chụp trước bức ảnh của ông Trần Lam tới 7 năm, nên ngay từ cuối năm 2008, khi vụ bán đấu giá bức ảnh của ông Trần Lam hoàn tất (số tiền thu về được dùng cho các hoạt động từ thiện), ông Minh Lộc đã "tố" với báo giới về nghi án đạo ảnh này. Ông Minh Lộc cũng lưu ý mọi người về khả năng ông Trần Lam đã copy các mảng ảnh của ông để làm nên bức "Mặt trời trong Lăng sáng tỏa". Vụ việc nhùng nhằng đến độ, sau gần ba năm, vào ngày 28-9 vừa qua, Hội đồng thẩm định - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, sau khi tiến hành các thao tác xác minh cần thiết, đã phải ra "phán quyết", khẳng định: Đây là hai tác phẩm khác nhau, không có thành phần nào của ảnh này được sử dụng trong ảnh kia.

Hai bức ảnh này từng bị quy là giống nhau đến độ "không thể chối cãi".

Được biết, để đi đến kết luận này, Hội đồng thẩm định đã phải tiến hành các thao tác khoa học: Như so sánh phối cảnh về góc máy, vị trí đặt máy, ánh sáng, chi tiết ảnh…Thật ra, với những khán giả bình thường, bằng cách quan sát thông thường cũng dễ dàng nhận thấy, không có chuyện hai bức ảnh trên "giống nhau tới 98%". Nó chỉ gợi một nét gì đó phảng phất giống nhau mà thôi. Mà nếu từ đó qui buộc nhau tội "đạo ảnh" thì khó có tác giả nào (dù là cỡ bự) tránh được việc bị… "dính chưởng". Những nét đẹp trong cuộc sống thường phảng phất giống nhau như vậy, nhất là ở phong cảnh.

Chuyển sang lĩnh vực giải trí. Gần đây, trong một bài viết có tên gọi "Sao Việt đạo ý tưởng, căn bệnh khó chữa" được tải trên một số trang web, tôi đọc thấy những dòng nhận định rất nghiêm khắc đi kèm với những bức ảnh được đưa ra làm đối chứng về cái sự "đạo" của các nghệ sĩ trẻ của chúng ta, trong đó có những trường hợp khiến tôi rất băn khoăn. Ví dụ, so bức ảnh chụp hai ca sĩ Yến Trang - Yến Nhi nằm dưới hồ bơi với bức ảnh hai thiếu nữ nước ngoài cũng trong môi trường tương tự, người xem chỉ thấy các nhân vật trong hai bức ảnh giống nhau ở tư thế nằm lộn chiều nhau, đỉnh đầu người nọ ghếch vào vai người kia chứ ngoài ra, về hướng xoay của gương mặt, cách vận y phục không mấy giống nhau, vậy mà dòng chú thích đi kèm ảnh lại là "Hai hình ảnh này giống nhau hoàn toàn". Không hiểu "giống nhau hoàn toàn" là như thế nào?

Cũng vậy, trong bài viết nói trên, tác giả còn đưa ra để đối sánh hai bức ảnh khác (một của ta, một của Tây), với dòng chú thích chắc như đinh đóng cột "Và những bằng chứng không thể chối cãi", trong khi xem ảnh, người ta chỉ thấy nó "giống" nhau ở chỗ cùng có ba người đang… túm chân túm tay nhau, còn nhân vật và cách ăn vận thì hoàn toàn khác nhau (người váy ngắn, người váy dài; người áo đen, người áo màu sáng), và các tư thế đặt tay đặt chân cũng ở những vị trí khác nhau. Nói "bằng chứng không thể chối cãi" thật oan cho tác giả ảnh. Và nếu cứ đà này thì có lẽ, chỉ nên sắp xếp mọi người trong ảnh "đứng nghiêm như duyệt binh" may ra mới không bị qui là "đạo ý tưởng"?

Thiết nghĩ, yêu cầu các nghệ sĩ nghiêm khắc hơn nữa để tạo nên những nét độc đáo, riêng biệt trong sáng tạo là cần thiết, song ít ra với những nét phảng phất giống nhau nếu có thì cũng đừng nên hô hoán là "giống y chang", "giống 99%", "sao chép hoàn toàn". Bởi suy cho cùng, như con người với nhau, nếu nói có một đầu, hai tay, hai chân là giống nhau thì chúng ta giống nhau hết.

Đừng để tâm lý "nhìn đâu cũng thấy bệnh" chi phối công luận…

Trần Hữu Thanh
.
.