Dùng ngôn ngữ điện ảnh để vạch mặt kẻ xấu và ngăn ngừa tội phạm

Thứ Bảy, 30/03/2019, 08:08
Phim truyền hình Việt một thời từng nở rộ làm lưu làm phim hình sự. Tuy nhiên, những tác phẩm thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và khi bộ phim "Người phán xử" được làm lại từ kịch bản nước ngoài, thì nhiều người phải cay đắng thừa nhận những gì hiển thị trên màn ảnh của chúng ta quá… giả tạo...


Bộ phim "Hồ sơ tình án" trên sóng VTV9 gây hứng thú cho khán giả ngay từ những tập đầu tiên ra mắt. Bộ phim dài 26 tập (mỗi tập 20 phút) do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, là hành trình lật lại những vụ án về tình yêu không những gây đau đớn cho người trong cuộc mà còn tạo nên bi kịch cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, chương trình còn có những phân tích tâm lý tội phạm từ các chuyên gia tâm lý, luật sư để giải đáp những ẩn khuất, đồng thời gợi ra câu hỏi mở cho người xem suy ngẫm.

Mỗi tập phim của "Hồ sơ tình án" được kết cấu gồm ba phần: "Án tình đẫm lệ", "Diễn tiến ly kỳ" và "Thông điệp khắc sâu". Trong đó, "Án tình đẫm lệ" tái hiện vụ án tình bằng một đoạn trailer ngắn gợi nên sự tò mò, phơi bày nguyên nhân dẫn đến các nhân vật có hành vi phạm tội. Ở phần "Diễn tiến ly kỳ", những tình tiết của câu chuyện được hé lộ, những nút thắt của vụ án cũng liên tục xuất hiện. Và cuối cùng, hành vi vi phạm pháp luật của nhân vật sẽ được chuyên gia pháp luật phân tích kỹ càng.

Những cách xử lý khéo léo, bình tĩnh trong lúc mâu thuẫn để không vướng vào vòng lao lý cũng sẽ được chuyên gia tâm lý gợi mở đến người xem. Qua đó, thông điệp tích cực về đời sống tinh thần lành mạnh và tuân thủ quy định pháp luật sẽ được truyền tải đến khán giả truyền hình ở phần "Thông điệp khắc sâu".

Một cảnh trong phim "Hồ sơ tình án".

Có thể khẳng định, bộ phim "Hồ sơ tình án" là một thể loại mới nhưng không phải quá xa lạ với người yêu điện ảnh. Về mặt nội dung, bộ phim "Hồ sơ tình án" được xếp vào thể loại tác phẩm góp phần ngăn ngừa tội ác. Nói cách khác, đây là một nhánh nhỏ của dòng phim hình sự.

Những vụ án có thật được điện ảnh hóa, không chỉ hấp dẫn về mặt giải trí, mà còn nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân phẩm cho cộng đồng. Bộ phim "Hồ sơ tình án" là ví dụ thú vị, để những nhà làm phim tiếp tục mở rộng khai thác những vụ án khác, chứ không chỉ quẩn quanh "tình án".

Phim truyền hình Việt một thời từng nở rộ làm lưu làm phim hình sự. Tuy nhiên, những tác phẩm thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và khi bộ phim "Người phán xử" được làm lại từ kịch bản nước ngoài, thì nhiều người phải cay đắng thừa nhận những gì hiển thị trên màn ảnh của chúng ta quá… giả tạo.

Nhà văn Đào Trung Hiếu thẳng thắn đánh giá bất cập của những thước phim về các vụ án: "Tội phạm sử dụng bạo lực thái quá, xăm trổ là không đúng, vì tội phạm tầm cao bây giờ đa số là tri thức. Hay công an lúc nào cũng đẹp lại càng sai. Cảnh sát hình sự đôi khi phải giống tội phạm hơn tội phạm. Hãy làm phim đúng như thực tế cuộc sống, đừng né tránh những góc khuất và mặt trái. Bởi, nếu dám nói, dám đưa ra và xử lý tốt, người xem sẽ hiểu được sự cam go, khốc liệt của cuộc chiến đấu chống tội phạm, từ đó có thái độ ủng hộ và thêm tin yêu những chiến sĩ cảnh sát hình sự chân chính".

Còn NSƯT Khương Đức Thuận chia sẻ kinh nghiệm: "Hiện nay một số phim hình sự Việt Nam còn mang tính chất minh họa vụ án, thậm chí còn minh họa một cách qua loa, cẩu thả. Ít có phim đi vào giải phẫu một cách sâu sắc tâm lý tội phạm, tâm lý người chiến sĩ Công an khi đánh án, những mâu thuẫn, giằng xé của họ khi làm nhiệm vụ. Cách làm phim ẩu là có.  Tôi cố gắng làm phim phải chân thực, mộc mạc đời thường nhất có thể. Chính vì thế khi bắt tay thực hiện "Những đứa con biệt động Sài Gòn" về vụ án Năm Cam, chúng tôi đã làm mọi cách để thật tới từng chi tiết: Cảnh lúc khám nghiệm Phượng "Đê" do chính tổ khám nghiệm gồm 5 đồng chí Công an trước đây từng khám nghiệm Dung Hà ở 17 Bùi Thị Xuân đảm nhận nên trình tự và các bước tiến hành đều chuyên nghiệp 100%; Cảnh quay bắt Bảy Xoài cũng do các chiến sĩ đặc nhiệm từng bắt Năm Cam cách đây 10 năm thực hiện.

Trước đây, có một dự án hoành tráng được giới thiệu là "Hồ sơ lửa". Theo mong muốn của ê-kíp thực hiện, thì "Hồ sơ lửa" sẽ dài 1.100 tập, nhưng chỉ được 30 tập đã phải ngưng vì… thiếu vốn. Không cần tham vọng lớn lao như "Hồ sơ lửa", phim truyền hình chỉ cần những dự án nhỏ thôi, nhưng bổ ích cho xã hội. Thực tế chứng minh, điện ảnh góp phần chống lại cái ác, luôn được công chúng ủng hộ.

Thị trường phim châu Á từng có những bộ phim ăn khách như "Hồ sơ công lý" hoặc "Hồ sơ trinh sát", mà điện ảnh nước ta có thể học tập để có được những tác phẩm chinh phục khán giả Việt Nam. Đạo diễn Phương Điền từng thực hiện bộ phim "Nữ cảnh sát tập sự" cho rằng: "Để cải thiện chất lượng phim hình sự, nhà làm phim nên chú trọng đầu tư về kịch bản.

Nội dung mỗi tập phim có thể tung khoảng tám, mười sự kiện, thay vì năm sự kiện như phim thông thường và có thể đưa ra một cái kết mở để người xem tiếp tục suy đoán, kích thích sự tò mò của khán giả. Đạo diễn cần giúp khán giả hòa nhịp vào phim và tạo ra sự tương tác lớn để họ hiểu được câu chuyện. Làm được điều đó, phim hình sự Việt sẽ không thể nào nhàm chán".

Tuy nhiên, một nhà sản xuất lại lý giải theo chiều hướng khác: "Muốn có phim hình sự đúng tiêu chuẩn thì kinh phí rất lớn. Những cảnh xe cộ đuổi nhau, lộn nhào không đủ kinh phí để làm. Khi làm phim tôi đều phải trốn các cảnh đó, thành ra phim bị mất tính chân thực. Nghèo tiền bạc nên khâu xử lý cũng không đến cùng. Chưa kể nếu không có sự giúp đỡ của cơ quan trong ngành lại càng khó khăn".

Cảnh trong phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" khai thác nội dung từ vụ án Năm Cam.

Hiện nay, công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, tạo niềm tin rộng khắp về sự minh bạch và tử tế. Tại sao từ đòn bẩy của "Hồ sơ tình án", người xem không có quyền chờ đợi dự án tương tự như bộ phim "Hành động liêm chính" của Hồng Kông từng cổ vũ giá trị văn minh của quan trường! Bộ phim "Hành động liêm chính" lấy chính tư liệu từ hoạt động thanh lọc công chức thoái hóa biến chất, khiến mỗi tập phim thuyết phục ở từng chi tiết.

Khi được hỏi, từ câu chuyện của những tội phạm cao cấp như Đinh La Thăng, thì liệu có làm được những thước phim lôi cuốn không? Hầu hết, các nhà biên kịch và các đạo diễn đều hứng thú, nhưng lại e ngại về biên độ… an toàn, nếu muốn khắc họa đầy đủ cá tính nhân vật! Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất lại cho rằng, muốn đưa lên màn ảnh nhỏ những  vụ chống tham nhũng thành công thì nhất định phải có cái bắt tay giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ các vụ việc được thẩm định và kết luận rõ ràng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể triển khai thành một kịch bản thú vị với những chi tiết thuyết phục dựa trên sự thật. Đạo diễn Nguyễn Lâm nhấn mạnh: "Nếu làm được loạt phim như "Hành động liêm chính" của Hồng Kông, thì tôi tin không khí quan trường sẽ được cải thiện đáng kể!".

Trào lưu game show hát ca nhảy múa cũng đã đến lúc hạ nhiệt, một món ăn thay thế mới cho khán giả như bộ phim "Hồ sơ tình án" rất cần thiết. Bởi lẽ, ngoài tính giải trí, điện ảnh cũng hỗ trợ con người tăng sức đề kháng trước mọi biểu hiện tiêu cực của xã hội. Sau bộ phim "Người phán xử", đạo diễn Trần Chí Thành tiếp tục bấm máy bộ phim "Đánh tráo số phận" với tâm niệm: "Phim hình sự hành động được nhiều nước khác làm rất hay. Nếu chúng ta sa đà vào đánh đấm sẽ không được như nước ngoài bởi kinh phí không cho phép. Vì thế cần tìm hướng đi riêng theo kiểu đấu trí.

Làm điều này không đơn giản chút nào. Nếu chiều theo khán giả, mỗi tập khai thác nhiều cao trào thì chỉ có thể làm vài tập là đuối. Phim truyền hình dài mấy chục tập nên phải biết nuôi câu chuyện như thế nào để đủ sức hấp dẫn đến tập cuối cùng. Muốn được vậy, mỗi tập phim phải có những lúc trầm, lúc nhấn mới thu hút khán giả được. Làm phim hình sự hành động khá cực vì thường xuyên phải quay đêm nên tốn kém và vất vả.

Việc đánh đấm để tạo hiệu quả cần nghiên cứu nhiều hơn chứ không phải đánh đấm giống nhau. Phe chính nghĩa đánh đấm được phép sáng tạo, rõ ràng, còn giang hồ đâm chém đôi lúc tôi hơi lăn tăn. Tôi nghĩ phải làm thế nào để vừa đẹp mắt vừa không bị phản tác dụng. Nhưng điều quan trọng nhất để tạo nên bộ phim hình sự hấp dẫn phải bắt đầu từ kịch bản tốt. Kịch bản nhiều màu sắc, khai thác sâu, tạo được những tình huống bất ngờ sẽ tạo nên sự tò mò cho khán giả".

Tuy Hòa
.
.