Đừng đổ thêm dầu vào lửa

Thứ Hai, 24/08/2009, 09:00
Không biết với những người khác thì thế nào, chứ thực tâm tôi luôn luôn nghĩ: Cuộc sống dù vui, dù đẹp đến mấy, bao giờ cũng ẩn chứa những điều "phức tạp". Thậm chí, "phức tạp" gần như là một trong những "thuộc tính" của cuộc sống và vì thế, nó luôn cần đến sự lý giải và chung tay "gỡ rối" của mỗi con người.

Nói một cách hình tượng thì sự "phức tạp" như một thứ dây leo gai góc. Nó mọc tự nhiên và đan xen bên ngôi nhà cuộc sống. Chúng ta chấp nhận nó nhưng cũng phải luôn chú ý cắt tỉa, thậm chí là phát quang để nó không bít mất lối đi hoặc gây ảnh hưởng tới các sinh hoạt khác. Đặc biệt, đã là người ít nhiều có tri thức, chúng ta phải luôn xác định cho mình một yêu cầu nghiêm ngặt, là không được phép làm "phức tạp" thêm cho cuộc sống (vốn dĩ đã chồng chất những điều phức tạp), tạo gánh nặng và những áp lực không cần thiết lên cộng đồng xã hội.

Chúng ta đều biết, cuộc sống hiện tại của đại bộ phận người dân nước ta còn nhiều khó khăn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất - điều này Nghị quyết của Trung ương đã không ít lần đề cập tới. Vấn đề là trước thực tế không mấy vui vẻ ấy, chúng ta phải làm gì?

Tôi thực sự cảm thấy buồn khi nhận thấy, trên trang web của một số văn nghệ sĩ, trí thức, mặc dù bài viết tải lên nhiều, song để tìm ra được những ý kiến có giá trị thực tiễn quả cũng không phải là điều dễ dàng. Đa phần trong số ấy là những ý kiến vụn vặt, xuất phát từ những va chạm cá nhân (mà việc nếu có được giải quyết thì xã hội cũng chẳng vì thế mà... tốt đẹp hơn lên). Cũng có một số ý kiến đụng tới những vấn đề lớn hơn, mang tính bao quát hơn, song tiếc thay nó lại bị chèo lái bởi những cách nhìn còn thiên kiến, mang tính chủ quan áp đặt, và vì thế mà ít thuyết phục và khiến vấn đề càng trở nên... phức tạp.

Nói tới đây là tôi muốn nhắc tới trường hợp bài viết của nhà văn, dịch giả P.T. (có tên gọi "Thêm một lời khuyên chân tình" vừa được tải lên trang web của nhà văn Đào Hiếu). Trong bài viết này, tác giả "thật sự không hiểu nổi, vì sao ta không lên án một sự thờ ơ về chính trị trong thanh niên" mà lại "lên án người đang vật vã tìm đường kéo đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng kinh hoàng hiện thời".

Và những người mà ông P.T. muốn thế hệ thanh niên hiện nay "học tập", "noi gương" ấy không ai khác ngoài các nhân vật Nguyễn Tiến Trung, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định - những người đã bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) bắt giam về hành vi câu kết với các thế lực thù địch chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ôi chao, tưởng là nhà văn khuyên nhủ các bạn trẻ nên tu dưỡng đạo đức, lối sống, phấn đấu lao động, học tập như thế nào để có những đóng góp thiết thực cho xã hội, chứ khuyên họ "noi gương" những người như Lê Công Định, trong khi chính bản thân Lê Công Định đã viết bản tường trình thừa nhận những hành vi của mình là "vi phạm pháp luật Việt Nam", rằng anh ta "rất ân hận với những hành vi sai trái của mình" và "mong được Nhà nước xem xét cho tôi được hưởng lượng khoan hồng", thì quả là lời khuyên ấy rất... không bình thường. Nó càng làm cho vấn đề vốn đang từng bước được giải quyết thêm phần... phức tạp.

Một xã hội chỉ có thể trở nên trong sạch, bình ổn bởi ý thức của từng cá thể. Bác Hồ đã nói: "Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp". Có như thế thì mới có viễn cảnh "Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp".

Sẽ chẳng dẫn tới điều gì hay ho nếu như trên một số trang web, ai đó chỉ nhăm nhăm tìm cách đưa lên những hiện tượng xấu, những chuyện tiêu cực của ông A, bà B (không rõ thực hư ra sao) với "định hướng": Thế đấy, họ làm quan, họ sống như vậy, chúng ta là dân, chúng ta chẳng dại gì sống cho tử tế. Cách "định hướng" kiểu ấy vô hình trung sẽ khiến người đọc có cách nhìn bi quan về cuộc sống, thậm chí khơi dậy trong họ những quan niệm sống chụp giật, bất chấp đạo lý, và như vậy, công tác giữ gìn an ninh trật tự sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Hiện tượng đó dân gian ta gọi là "đổ dầu vào lửa". Chẳng cứ ở xã hội ta mà bất cứ xã hội nào, hiện tượng ấy đều bị lên án.

Nhà thơ Nga Evgheni Evtushenko có mấy câu thơ tôi nhớ như sau: "Nếu như anh còn quẫy lộn đôi khi/ Thì cũng chỉ như cây, lắc mình cho rụng lá/ Những ý nghĩ thoảng qua, dịu dàng, buồn bã/ Rằng việc chính của đời đâu phải mãi rung cây". Và nhà thơ kết luận: "Khó khăn chính là làm sao hiểu thấu/ Bản thân mình trong thế giới đổi thay/ Nhìn rõ hết mọi điều khi mùa thu rụng lá/ Khi đời đã trụi trần, đối diện với mình đây". Vâng, cái khó nhất là làm sao hiểu thấu mình, hiểu thấu đời và tìm được cách hành xử tích cực nhất, có ý nghĩa nhất cho xã hội, hơn là cứ tiếp tục "quẫy lộn" làm phức tạp thêm những vấn đề vốn dĩ cần được gỡ gạc một cách nghiêm túc, thận trọng

Nguyễn Trường Văn
.
.