Đừng để chữ “tác” thành chữ “tộ”

Thứ Năm, 17/06/2010, 10:58
Có một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là một số tòa báo do phát hành quá "cấp tập" nên có phần buông lơi việc soát lỗi morát, khiến báo in ra, lỗi nhiều như trấu. Với những bài viết mang tính thông tấn, có thể có những chữ bị in sai song người đọc vẫn đoán, vẫn luận ra được. "Đau" nhất là trường hợp in sai thơ, bởi chữ nghĩa thơ ca lắm khi không theo cách suy luận thông thường, cho nên có khi xảy một ly, đi một dặm, chỉ một cái dấu thôi mà ngữ nghĩa thành ra khác hẳn.

Nói tới đây là tôi nhớ tới trường hợp nhà thơ Xuân Diệu từng "ấm ức" khi câu thơ "Một chiếc xe, đạp băng vào bóng tối" của ông bị in thành "Một chiếc xe đạp, băng vào bóng tối". Nhà thơ lão luyện tay nghề này cho rằng, mấy chữ "đạp băng vào bóng tối" thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện cái quyết tâm xông pha vào nơi lửa đạn của người làm thơ. Và cũng chính Xuân Diệu cũng đã hơn một lần lên tiếng cải chính thay cho Tố Hữu khi câu thơ "Người đi quấn áo chen chân" của Tố Hữu mấy lần bị in sai thành "Người đi quần áo chen chân", một câu thơ theo Xuân Diệu là vụng về, tối nghĩa (làm sao quần áo lại chen chân được?).

Tác giả Hoàng An, trong cuốn "Vui vui... chuyện làng văn" (NXB CAND, 2007) cũng có kể lại câu chuyện liên quan đến nhà văn Hoàng Quốc Hải. Một câu (không thấy tác giả nói rõ là văn hay thơ) có vẻ kiểu cách là "Em buồn như một chiều quan tái", không hiểu nhầm lẫn thế nào và từ ai mà khi in ra, nó đã bị biến dạng thành "Em buồn như một chiếc quan tài". Nghe mà... rợn người! Bản thân người viết bài này trước đây cũng từng tận mắt trông thấy câu thơ của một nữ thi sĩ nổi tiếng bị in mất một chữ, thành ra đã bị suy diễn thành một câu thơ có phần... dung tục.

Chẳng là, bài thơ nói về một cuộc tình và khi người phụ nữ chia tay người mình yêu, không giấu được cảm xúc, chị đã "Và tự nhiên nước mắt.../ Bỗng bơ vơ chảy tràn". Câu thơ là vậy, nhưng khi in ra, không hiểu từ đâu lại bị mất một chữ, thành ra chỉ còn "Và tự nhiên nước.../ Bỗng bơ vơ chảy tràn". Tôi nhớ, khi ấy, nữ thi sĩ có tiếng là nhạy cảm, tinh tế này đã rất rầu lòng trước việc câu thơ nghiêm ngắn của mình đã bị in ra thế ấy.

Người làm báo chỉ mong khi ấn phẩm của mình tới tay bạn đọc, không để xảy những lỗi đáng tiếc (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Tuy nhiên, nếu nói về việc thơ bị in sai một cách "nghiêm trọng", mặc dù tòa báo chỉ để sai một chữ và cắt câu, xuống dòng không đúng chỗ ở... một điểm thôi, thì trường hợp của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có thể được coi là ví dụ khá tiêu biểu. Chẳng là lần ấy, một tờ báo ở Hà Nội cho in bài thơ "Chiều tàn sen" của anh. Khổ thơ đầu được trình bày như sau:

Cuối thu những ngọn heo may trườn qua đê
Sông Hồng vào phố
nhao nhác những vòm xanh
hiu hiu cà phê vườn sen Tây Hồ nức nở

Thoạt đọc mấy câu này, tôi giật mình bởi thông tin "Sông Hồng vào phố" và "thảm cảnh" sau đó: "nhao nhác những vòm xanh/ hiu hiu cà phê vườn sen Tây Hồ nức nở". Là người cư ngụ ở một phố ven sông (thuộc phường Chương Dương, Hà Nội) từng chứng kiến cảnh nước lên, rồi nước rút, tôi thực sự "ngán" cho sự bàng quan của mình. Có lẽ nào, trên mạn Tây Hồ vỡ đê, "sông Hồng vào phố" mà mình chẳng biết tí ti gì hay sao? Thôi thế là sông Hồng đã "nối" với hồ Tây, thật đúng như những điều mà Truyền hình Việt Nam đã cảnh báo trước đây! Đặc biệt có một dòng "dường như đầu sướt mướt lã chã rơi chầm chậm vào đêm", tôi cố hiểu cái ý "đầu... rơi chầm chậm vào đêm" là nghĩa làm sao, cuối cùng đành phải tạm giải thích: Chắc tác giả muốn nói những cái đầu người ngụp lặn, lẩn chìm vào dòng nước trong đêm tối (hơn là hình dung ra cảnh có một ông Quan Vân Trường vác thanh đại đao đi qua).

Với bấy nhiêu nỗi lo ngại, băn khoăn, tôi toan tìm gặp các biên tập viên của tòa báo  để hỏi, thì vừa hay, lại gặp nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - tác giả bài "Chiều tàn sen" nói trên. Khi tôi vừa nêu thắc mắc thì Nguyễn Linh Khiếu rút ngay từ cặp ra ký tặng tôi tập thơ "Mùa thiêng" và nhờ tôi "kêu" (đính chính) giùm. Thì ra, bài thơ "Chiều tàn sen" (1 trong số 50 bài trong tập thơ ấy), những câu mà tôi "sửng sốt" nguyên là thế này: "Cuối thu những ngọn heo may trườn qua đê sông Hồng vào phố", cả câu kéo dài như vậy, chứ không phải in tách ra thành "Cuối thu những ngọn heo may trườn qua đê" là một câu, rồi "Sông Hồng vào phố" là một câu khác. Còn chỗ "dường như đầu sướt mướt đều lã chã rơi chầm chậm vào đêm" thì báo đã để in sai chữ ("đều sướt mướt" chứ không phải "đầu sướt mướt"). Cả bài thơ của tác giả do thế, chẳng có cái gì liên quan đến chuyện nước lụt, vỡ đê cả. Tòa báo nọ in bài này trong trang thơ "rút từ tập thơ".

Thật ra, không riêng gì tờ báo nói trên mà khá nhiều tờ báo hiện nay thường xuyên mắc lỗi... với thơ. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn từng có số phải đính chính lỗi in sai ở cả một... chùm thơ của một nữ tác giả. Vấn đề là người biên tập phải chú ý rà soát, đối chiếu bản thảo thật kỹ trước khi báo đưa in. Ngay như trên ấn phẩm VNCA vừa rồi, chỉ thiếu chút nữa thì hai chữ "Minh ơi" (trong câu thơ "Quá trưa, bác gọi: Minh ơi/ Sớm nay, Cương đã đi rồi... lạ chưa" - bài "Tiễn bác Lý Biên Cương" của nhà thơ Trần Nhuận Minh) sẽ bị in ra thành "Mình ơi". Nếu như vậy thì ý nghĩa của câu thơ khác hẳn, và tứ thơ hẳn qua đó cũng bớt... thiêng! Rất may là lỗi trên đã được phát hiện kịp thời, không thì khi báo phát hành, nhà thơ Trần Nhận Minh - dẫu có bài được in - chắc cũng chẳng lấy làm mặn mà. 

Tôi tán thành với ý kiến của nhà văn Tô Hoài khi ông cho rằng: Đối với thơ, Ban biên tập báo nên trực tiếp kiểm tra đến khâu cuối cùng, đặc biệt là phải luôn đối chiếu với chính bản gốc của tác giả

Phạm Thành Chung
.
.