Dựng 100 kiệt tác sân khấu thế giới: Cuộc phiêu lưu mạo hiểm?

Thứ Tư, 02/04/2008, 16:30
Những người lạc quan thì cho rằng, dự án dựng 100 kiệt tác sân khấu này là một bước ngoặt quan trọng của sân khấu Việt Nam, góp phần xua đi không khí ảm đạm, buồn tẻ của sân khấu nước nhà những năm gần đây. Song cũng có ý kiến cho rằng, nói dàn dựng những kiệt tác sân khấu thế giới để góp phần "chấn hưng" sân khấu nước nhà chỉ là một cách nói "văn vẻ" mà thôi.

Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức lễ khởi công vở kịch nổi tiếng của Schiller "Âm mưu và tình yêu". Đây là "tiếng súng mở màn" cho một dự án sân khấu lớn nhất từ trước tới nay: Dàn dựng 100 tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới.

Những người lạc quan thì cho rằng, dự án này là một bước ngoặt quan trọng của sân khấu Việt Nam, góp phần xua đi không khí ảm đạm, buồn tẻ của sân khấu nước nhà những năm gần đây. Song cũng có ý kiến cho rằng, nói dàn dựng những kiệt tác sân khấu thế giới để góp phần "chấn hưng" sân khấu nước nhà chỉ là một cách nói "văn vẻ" mà thôi.

Từ một gợi ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trong một buổi làm việc với Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị này đã lập một đề án, trong đó là kế hoạch dựng 100 tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới.

Theo đó, trên cơ sở bộ sách "100 kiệt tác sân khấu thế giới" đã được NXB Sân khấu ấn hành, bắt đầu từ nay đến năm 2020, lần lượt các vở diễn sẽ được dựng và giới thiệu đến khán giả với tiến độ 4-6 vở mỗi năm. Đây là một dự án dài hơi và với Nhà hát Tuổi trẻ, phải chăng là một việc quá sức?

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu, đến nay đã có khoảng 40 tác phẩm sân khấu có giá trị của nước ngoài được dàn dựng ở Việt Nam. Một thực tế không thể phủ nhận, đó là những vở diễn được đầu tư cao, diễn viên tập luyện vất vả nhưng lại rất... kén người xem. Thông thường thì lượng khán giả sẽ tập trung trong... hai đêm, đó là đêm tổng duyệt và đêm đầu tiên công diễn.

Khán giả chủ yếu được tiếp nhận khi vở diễn ấy được chiếu trên tivi hoặc đài phát thanh. Những vở diễn này cũng chủ yếu được dàn dựng ở sân khấu miền Bắc, bởi sân khấu miền Nam mang đặc tính "vui là chính" không có "đất" cho loại hình này.

Vì thế, những vở diễn như: chùm bi kịch "Hamlet", "Otenlo", "Romeo và Juliette", "Macbect" của W.Shakepeare; "Lôi Vũ", "Người tốt thành Tứ Xuyên" của Tào Ngu; "Hedda Gabler", "Nhà búp bê" của Henrik Ipsen, "Bà tỉ phú về thăm quê" của F.Duerrenmat; "Con cáo và chùm nho" của G.Fighereido, "Vườn thiên đàng" (phóng tác từ truyện "Câu chuyện của một bà mẹ" của Andersen)... mặc dù được đầu tư dàn dựng công phu nhưng không diễn được nhiều buổi như mong đợi.

Trên sân khấu thế giới, những vở diễn trên trải qua nhiều thế kỷ vẫn có sức cuốn hút lạ thường đối với các thế hệ khán giả, nhưng xem ra tình hình không được sáng sủa trên sân khấu nước nhà. Cách đây 3 năm, khi Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở "Con cáo và chùm nho" - vở diễn được đánh giá cao và được sự hưởng ứng của đông đảo... khách mời.

Đến khi công diễn và bán vé thì lại rất chật vật, ngoài ra còn phải áp dụng cả những "chiêu" giảm giá, khuyến mại mà tình hình cũng không mấy được cải thiện.

Hình như gần đây khán giả Hà Nội cũng đang có xu hướng tìm đến các nhà hát mỗi dịp cuối tuần để thư giãn, giải trí. Chính vì thế các chương trình "Đời cười" đã thành thương hiệu và "nguồn thu" chủ yếu của Nhà hát Tuổi trẻ. Những "Con cáo và chùm nho", "Vườn thiên đàng", "Nhà búp bê"... chỉ được diễn xen kẽ mà thôi.

Dù cho có kịch bản tốt, đạo diễn "phù thủy", diễn viên tài ba khổ luyện nhưng vẫn không biến sân khấu thành "thánh đường nghệ thuật" như chúng ta từng có ở thế kỷ trước. Ngay như vở "Bà tỉ phú về thăm quê" từng gây tiếng vang lớn trên sân khấu của hơn 40 nước trên thế giới và năm 2006 được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng nhưng cũng vẫn là vở diễn "kén" khán giả và hiện giờ còn quá ít người biết đến.

Giữa bối cảnh ấy, để dựng "100 kiệt tác sân khấu thế giới", các đơn vị nghệ thuật cần phải tính đến "đầu ra" của tác phẩm (chứ không thể ngồi trông chờ nguồn kinh phí của Nhà nước) vì mỗi vở diễn đều phải đổ vào đó không ít tiền bạc (ít nhất là khoảng 400 triệu theo mức được đầu tư). Cần phải có cả một chiến dịch PR, quảng bá để những vở diễn này đến gần hơn với khán giả, để "kéo" họ trở lại sân khấu trong khi hiện nay, sân khấu cũng đang trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí khác.

Vả lại, đứng trước những vở diễn mang cái mác "kịch bản ngoại", tâm lý tiếp nhận của khán giả Việt vốn khá e dè. Xem ra, còn quá nhiều việc phải làm trước một dự án lớn nhất từ trước đến nay của sân khấu Việt Nam.

Nói như NSND Đình Quang thì: "Phải có "quy hoạch" và đây không nên là dự án của riêng Nhà hát Tuổi trẻ mà phải là công việc chung của cả giới sân khấu". Nhưng trước mắt, ta hãy cứ chờ đến tháng 5 tới đây, khi "Âm mưu và tình yêu" được công diễn và khi chưa có "thu hoạch" cụ thể, tạm thời cứ coi đây là tín hiệu vui cho nền kịch nghệ nước nhà.

Đạo diễn - NSND Lê Hùng: "Chúng tôi sẽ khắc phục!"

Xin nói ngay rằng, dựng một vở cổ điển thì các nhà hát bình thường và các nhà hát địa phương không gánh nổi: riêng kinh phí cho nó vào khoảng 1 tỉ, chưa nói đến việc tập trung tập luyện hàng tháng trời. Trong 2 trích đoạn vừa rồi của "Âm mưu và Tình yêu" tôi dàn dựng, riêng tiền trang trí sân khấu - chưa đầy đủ đâu - mà chúng tôi đã phải chi mất 400 triệu! Sau này, trong một số vở diễn khác, tôi dự định còn mời cả... dàn nhạc giao hưởng cùng tham gia biểu diễn.

Tôi cũng đang tính cách để huy động sự giúp đỡ ủng hộ từ phía các cơ quan, đơn vị, các đại sứ quán (như đã làm với vở "Nhà búp bê"), những người yêu sân khấu... Nói theo cách hiện nay là "xã hội hóa" đấy. Đã có những doanh nghiệp đã hứa là sẽ tài trợ cho chúng tôi dựng vở. Vì thế, nếu nói dự án này có phần quá sức với chúng tôi cũng đúng, bởi vì theo tôi bản thân những "sản phẩm" đến từ nước ngoài đối với người Việt Nam đều là quá sức.

Chúng tôi sẽ khắc phục trở ngại này bằng cách huy động nhân lực từ sân khấu cả nước, bởi tôi biết có rất nhiều diễn viên đang "khát" vai diễn kinh điển. Các diễn viên của các đoàn bạn như nghệ sĩ Hoàng Dũng, Minh Vượng, Thu Hà, Chiều Xuân... mà tôi dự định mời sẽ đem đến cho mỗi vở diễn một bộ mặt mới, tránh đi sự nhàm chán bởi những gương mặt và phong cách quen thuộc.

Khi khán giả đã được xem những vở kịch kinh điển của thế giới, thì trình độ và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả được nâng lên. Trong bối cảnh hiện tại của sân khấu Việt Nam là quá thiếu những kịch bản mang tầm vóc thời đại, thì đây là cơ hội để các tác giả sân khấu phải tự phấn đấu để có được những tác phẩm hay.

Bởi nếu họ viết dở, chắc hẳn họ hải tự xấu hổ với khán giả của mình khi khán giả đã được xem những vở diễn mang tầm quốc tế. Cũng có thể xem đây là một "ngoại lực" để thúc đẩy sự phát triển của sân khấu nước nhà.

NSND Lê Khanh: "Sân khấu phải có chỗ cho những vở diễn như thế!"

Khán giả Việt Nam phần lớn chưa được tiếp cận với những vở diễn kinh điển của thế giới, hoặc chỉ xem lác đác vài vở. Bẵng đi một thời gian khá dài, khán giả cũng không được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, khiến người ta phải suy ngẫm. Đi đôi với sự thiệt thòi ấy của khán giả là sự thiệt thòi của nghệ sĩ chúng tôi khi không được sống trong một không khí nghệ thuật thực sự.

Chúng ta đang dàn dựng những vở diễn ngăn ngắn kiểu... cười ngay, cười luôn, dễ hiểu và dễ quên để duy trì đời sống sân khấu và đời sống nghệ sĩ. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang "nghiệp dư hóa" sân khấu nước nhà.

Ngay như bố tôi là NSND Trần Tiến, từ lâu rồi ông không đi xem kịch nữa, bởi vì thế hệ cụ luôn so sánh với kịch ngày xưa, và vì thế ông không chấp nhận cách làm việc hiện nay. Nhưng khi tôi mời cụ đi xem vở "Nhà búp bê", cụ rất cảm động và nói: "Sân khấu phải có chỗ cho những vở diễn như thế!".

Dự án dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu đã đem lại niềm vui, sự hào hứng cho không chỉ tôi và các bạn diễn của tôi. Người ta cũng nói rằng, chắc chúng tôi phải giàu lắm mới dám thực hiện dự án này. Nhưng chẳng nhẽ cứ phải đợi đến khi giàu mới dám vươn đến một loại hình sân khấu có vị thế, mà thực sự thì chúng ta lại chẳng bao giờ giàu một cách đúng nghĩa.

Chỉ đơn giản là chúng tôi muốn được làm việc một cách chuyên nghiệp, muốn sống hết mình với vai diễn, bởi vì chúng tôi là những nghệ sĩ chuyên nghiệp

Việt Hà
.
.