Đua tài cùng tranh xuân

Thứ Hai, 15/02/2010, 10:15
Từ nhiều năm nay, chơi tranh tết đã trở thành một thú vui tao nhã của nhiều gia đình Việt Nam. Tiếp thu truyền thống từ tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình... nhiều họa sĩ thời nay đã thể hiện được trên tranh Tết những nét tươi sáng, sống động về chi tiết, màu sắc và đậm đà triết lý nhân sinh, tạo được sự đồng cảm của người xem. Chính điều đó đã đem lại không khí tươi mới cho thị trường tranh Tết...

Danh họa Bùi Xuân Phái cùng hình tượng "Ông đồ", "Lão say"

Những họa sĩ nổi tiếng trước đây như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Lưu Công Nhân, Lê Bá Đảng …đều có nhiều tác phẩm về mùa xuân, hoặc nhiều tranh bìa báo tết đặc sắc, để lại những ấn tượng khó quên.

Đặc biệt, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, ngoài hai mảng lớn trong sự nghiệp hội họa về Phố và Chèo, ông còn thường xuyên vẽ tranh xuân, tranh tết tặng bạn bè, trong đó nổi bật là hình tượng ông đồ. Có thể nói, năm nào Bùi Xuân Phái cũng vẽ ông đồ để tặng bạn, với nhiều bố cục khác nhau và chủ đề khá phong phú. Nguyên do là từ năm 1957, cảm xúc với nỗi buồn man mác do bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên gợi lên mà từ đó, mỗi dịp Tết đến xuân về ông đều vẽ tranh "ông đồ". Mỗi bức "ông đồ" của Bùi Xuân Phái đều có tên gọi khác nhau, thể hiện tấm lòng nhân hậu, kèm theo lời chúc của tác giả đề tặng bạn, với những chủ đề ẩn chứa tâm trạng, như "Ông đồ đắt khách", "Ông đồ ế hàng", "Ông đồ say"…

Cùng với bộ tranh "Ông đồ", họa sĩ Bùi Xuân Phái còn vẽ nhiều hình ảnh "Lão say". Có lẽ đây là sản phẩm của thời ông làm việc trên sân khấu chèo cùng nhà thơ Trần Huyền Trân.

Có một kỷ niệm vui: Vào chiều ba mươi tết Ất Mão (1975) khi ông đang say rượu thì nhà thơ Trần Lê Văn gợi ý: 

Nếu ông hứng bút thì ông vẽ "Lão say" trong lúc say. Ông vui vì vẽ. Tôi vui vì được tranh vẽ của ông.

Bùi Xuân Phái cười, gật đầu:

Ý ông hay đấy! "Lão say" vẫn ở trong tôi. Vảy bút là lão hiện ra, khó gì.

Vậy là bức tranh xuân "Lão say" hiện ra dưới bàn tay gày guộc, run rẩy của Bùi Xuân Phái với những nét hoạt kê dân gian rất lý thú. Có lẽ đây là bức tranh có chủ đề "Lão say" của Bùi Xuân Phái còn sót lại hiếm hoi ở gia đình nhà thơ Trần Lê Văn. Có thể xếp bộ "Lão say" vào mảng tranh Chèo độc đáo của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bởi lẽ, tranh Phố của ông thật hiếm người  trong khi tranh Chèo và tranh Tết của ông lại chủ yếu vẽ người với nhiều tâm trạng đời thường và những niềm vui ẩn sâu tinh tế.

Những kỷ lục tranh xuân

Sau này, nhiều họa sĩ cũng đã để lại những nét riêng, có phong cách nhất định trong tranh tết của mình như: Đinh Xế, Kim Bình, Nghiêm Xuân Quảng, Văn Dương Thành, Phan Cẩm Thượng, Thành Chương…Trong đó, ta có thể thấy họa sĩ Đinh Xế đã tạo được một kỷ lục đáng nể, với số lượng ấn phẩm về xuân lên tới 3.700.000 bản, trong vòng hơn 10 năm từ 1979 đến 1990. Ông là tác giả quen thuộc của những bộ tranh tứ bình, nhị bình, những bưu thiếp chúc tết được ấn hành rộng rãi toàn quốc.

Nhưng nếu nói về phong cách hiện đại thì kỷ lục tranh xuân, Tết ắt phải thuộc về họa sĩ Thành Chương. Ước có khoảng 100 trang bìa báo tết dùng tranh của Thành Chương được ấn hành từ mấy chục năm qua. Anh quan niệm tranh bìa báo Tết chỉ là một mảng nhỏ trong sáng tác của mình, trong khi thực tế, mỗi tranh bìa báo Tết của Thành Chương bao giờ cũng là một tác phẩm hoàn chỉnh, có tính xã hội và chất lượng nghệ thuật cao, bởi lẽ những bức tranh ấy vừa phải đẹp vừa phải tương đối dễ hiểu, khiến đông đảo bạn đọc có thể "cảm" được. 

Nếu tranh Tết trâu gắn với cái tên Thành Chương, thì tranh Tết gà lại thuộc về họa sĩ Trương Hán Minh, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Ông là họa sĩ lừng danh phương Nam về thể loại tranh thủy mặc, với hàng ngàn tranh phong cảnh và hoa. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh về chim, bướm, gà, kiến, tôm, cá…lồng trong các bức tranh về mùa xuân. Đặc biệt hình tượng gà và chim của ông thường khoáng hoạt, sinh động và toát lên cảm xúc bay bổng, lạc quan trong cuộc sống. Tranh của Trương Hán Minh thường được nhiều người mua về treo vào dịp xuân vì lẽ đó.

Trước đây, họa sĩ Lê Bá Đảng nổi tiếng là "vua" vẽ ngựa nhưng ông vẽ quanh năm chứ không chỉ vẽ vào ngày Tết. Hồi còn ở Pháp, khoảng những năm đầu thập niên 50 (của thế kỷ trước), ông vẽ và bán tranh ngựa nhiều đến nỗi có tin đồn vui rằng "Họa sĩ Lê Bá Đảng không phải là nghệ sĩ vẽ ngựa mà là nhà chuyên môn buôn bán súc vật". Tranh ngựa của ông đủ dáng đứng, nằm, hay… phi với các màu đen, đỏ và cách bố cục rất phong phú.

Họa sĩ Lê Bá Đảng kể, ông từng có dịp làm sách tranh ngựa trắng in nổi, trên một thứ giấy trắng làm bằng tay, không mầu sắc, với cái tên "Tám con ngựa" kèm với thơ như phụ đề ngắn. Khi đem sách ra thị trường ông rất lo... ế, nhưng không ngờ  bán hết veo, thậm chí sách còn được chọn bày trong tủ kính ở Thư viện Quốc gia Paris. Chưa hết, sau đó, tranh mẫu chuyển sang in màu đẹp và được nhiều người đặt mua trước, với hợp đồng vẽ lên tới hàng trăm bản. Có lúc ông khôi hài nói:

Ngựa đưa tôi vào đời ăn no mặc ấm. Vợ con thơi thới ra một tí, nhà cửa tốt hơn chuồng ngựa.

Đặc biệt, sau này khi gia đình ông chuyển sang sinh sống tại Mỹ, có người buôn tranh đã đến mặc cả sở hữu độc quyền với ông: Chỉ vẽ tranh ngựa cho họ đứng bán. Ông đã từ chối vì cảm thấy mình bị ràng buộc chẳng khác gì... trâu ngựa. Đến nay, Lê Bá Đảng vẫn không hiểu vì sao họ lại thích tranh ngựa của ông đến thế. Có thể nói hoạ sĩ Lê Bá Đảng đạt kỷ lục vẽ và bán được nhiều tranh ngựa nhất trong giới họa sĩ người Việt.

Họa sĩ Văn Dương Thành đang hoàn thiện một bức tranh xuân

Hướng về thủ đô ngàn năm

Hình tượng Hổ từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc của nghệ thuật dân gian Việt Nam và được coi là biểu tượng về một sức mạnh thiêng liêng, trừ diệt ma quỷ và được coi trọng trong tín ngưỡng. Tranh Hổ thuộc dòng tranh thờ của làng nghề Hàng Trống hàng trăm năm qua.

Các họa sĩ ngày nay tuy ít khai thác hình tượng Hổ trong tranh về đề tài mùa xuân, bởi tính tín ngưỡng, nhưng với các họa sĩ chuyên vẽ con giáp hằng năm lại luôn luôn tìm ra cách thể hiện sức mạnh trong thiên nhiên và sự sáng tạo lớn lao trong công cuộc đấu tranh sinh tồn của người lao động, thông qua muôn vàn hình ảnh quen thuộc. Hiếm có năm nào triển lãm tranh về mùa xuân lại nở rộ và rộn ràng như năm nay.

Mới chớm tiết xuân, đã có 8 họa sĩ TP HCM trưng bày 150 bức tranh đón chào năm 2010, với những chất liệu phong phú vẽ về các đề tài như: "ngày mùa", "tết", "chợ hoa", "xe hoa", "cổng làng", "gia đình đoàn tụ"…Đó là triển lãm chủ đề "Mùa Xuân" được tổ chức vào trung tuần tháng 12 năm 2009 của các họa sĩ: Nguyễn Thị Tâm, Lý Khắc Nhu, Nguyễn Thế Hùng, Cao Thị Được, Trần Quang Dinh, Huỳnh Phương Thị Đài Trang, Nguyễn Hoàng Thịnh Trị và Đỗ Minh Hiếu.

Tiếp đó, đúng vào ngày tết dương lịch 2010, hoạ sĩ Văn Dương Thành đã cho trưng bày bộ tranh có tên "Ấn tượng Thăng Long" với 20 bức sơn dầu khổ lớn tại Hà Nội. Đề tài của phòng tranh tập trung về phong cảnh và con người Hà Nội, với niềm vui trong mùa xuân bất tận đang ngày một đổi thay trên mảnh đất Tràng An thanh lịch và thơ mộng. Chưa hết, chỉ một ngày sau đó, trong Lễ hội hoa Đà Lạt - 2010, một bức tranh thêu khổ lớn về Hà Nội với hoa sen của các họa sĩ và nghệ nhân thuộc công ty XQ đã được hoàn thành, kịp thời trao tặng cho thành phố Hà Nội…

Những cuộc triển lãm về đề tài mùa xuân trên đã báo hiệu cho một năm nhiều thành công của giới mỹ thuật...

Vương Tâm (VNCA Xuân 2010)
.
.