Từ cách xử lý thiếu bình tĩnh trong thi hành công vụ của một CSGT ở Thanh Hoá:

Dư luận cảm thông, vì sao?

Thứ Năm, 15/08/2013, 08:00

Tính đến nay, đã hơn hai tuần trôi qua kể từ ngày Đại úy Trần Ngọc Hoàng (Đội Cảnh sát Giao thông, Công an Tp Thanh Hóa) trong lúc thực thi công vụ đã dùng súng bắn đạn cao su làm bị thương hai người dân vi phạm luật giao thông, dư luận vẫn không ngớt bàn tán, bày tỏ thái độ về vụ việc trên. Có thể nói, đây là một vụ việc có nhiều điểm lạ mà từ đó, các cán bộ, chiến sĩ công an có thể rút ra nhiều bài học trong cách xử sự của mình với dân và trước dân...

Cái lạ thứ nhất: Mặc dù là người gây ra sự cố, song Đại úy Trần Ngọc Hoàng lại được chính gia đình nạn nhân, cụ thể ở đây là bà Đỗ Thị Huyền, mẹ đẻ anh Lê Văn Ngọc - người bị Đại úy Hoàng bắn bị thương ở bả vai - chủ động ngỏ lời xin lỗi: "Thay mặt gia đình, tôi xin nhận lỗi với đồng chí cảnh sát giao thông". Không những vậy, vị lãnh đạo ở cơ quan anh Ngọc công tác cũng nhận xét hành vi vi phạm luật giao thông, trêu chọc, khiêu khích người thực thi công vụ của nạn nhân Lê Văn Ngọc là một việc làm "không thể chấp nhận được".

Cái lạ thứ hai: Mặc dù đến nay, cách xử lý vụ việc của Đại úy Trần Ngọc Hoàng đã được lãnh đạo Công an địa phương và các cục, vụ chức năng của Bộ Công an nhận xét là "chưa cần thiết", là "không đúng quy định", bản thân Đại úy Hoàng đã bị đình chỉ công tác một tháng để phục vụ điều tra, song qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều người dân lên tiếng bày tỏ sự cảm thông với việc làm "thiếu bình tĩnh" của Đại úy Hoàng. Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, một người luôn có những phát biểu thể hiện thái độ quyết liệt, "sắt thép" trong nhiều vấn đề, ngày 29/7 vừa qua, trên báo Đất Việt online cũng đã bày tỏ sự cảm thông: "Pháp luật không cho phép người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ bừa bãi, tuy nhiên cũng cần thông cảm cho anh CSGT vì quá bức xúc trước những hành vi khiêu khích của đối tượng vi phạm nên đã nổ súng".

Cảnh Đại uý Trần Ngọc Hoàng truy đuổi hai người dân vi phạm luật giao thông.

Sở dĩ, để bạn đọc, gia đình và lãnh đạo nơi công tác của "nạn nhân" có thái độ trên, không thể không nói tới những hành vi gây nhiều ức chế, phản cảm của "nạn nhân" Lê Văn Ngọc và một người bạn của anh khi tham gia giao thông; cũng như cách xử sự gây được nhiều thiện cảm với người dân trước khi nổ súng của Đại úy Trần Ngọc Hoàng… được thể hiện rõ trong băng clip mà người đi đường ghi lại được.

Ở đây, chúng ta hãy cùng ôn lại vụ việc qua những hình ảnh ghi lại trên clip và lời kể của các nhân chứng: Vào hồi 16h ngày 16/7, trong khi đang điều khiển giao thông tại ngã tư Nguyễn Trãi - Trần Phú, Đại úy Trần Ngọc Hoàng phát hiện có hai người đàn ông điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ nên đã dùng xe máy đuổi theo. Thấy Đại úy Hoàng tuýt còi ra hiệu lệnh dừng xe, hai người này có dừng lại một chút rồi bất thần rú ga bỏ chạy. Vừa chạy, họ vừa lạng lách, đánh võng như trêu chọc, thậm chí có lúc còn ép xe CSGT vào dải phân cách, không cho vượt lên. Sự bức xúc lên tới đỉnh điểm khi người đàn ông ngồi sau xe cầm mũ bảo hiểm trên tay, đánh với về phía Đại úy Hoàng, đồng thời buông những lời châm chọc. Khi Đại úy Hoàng sờ bao súng đeo bên hông, có ý dọa thì người cầm lái lên tiếng khích: "Ngon thì lên đây mà bắn này". Nghĩ rằng, nếu mình không nổ súng thị uy thì sẽ làm "mất thế" của người chiến sĩ công an, Đại úy Hoàng đã cho nổ ba phát súng chỉ thiên. Hai người đàn ông nói trên vẫn không thay đổi cách hành xử. Khi tới chân Cầu Bố, tranh thủ lúc hai người kia đi xe chậm lại, Đại úy Hoàng tiếp tục… nổ súng. Phát đạn đã khiến anh Lê Văn Ngọc bị thương vào vai trái, người bạn của anh (tên là Tô Thế Kỷ) bị thương nhẹ ở má trái.

Không thể nói cách xử trí của Đại úy Trần Ngọc Hoàng trong vụ việc trên là đúng, là tối ưu, song sự tận tụy vì công việc của anh thì mọi người đều nhận thấy rõ (khi xem clip nói trên). Cách anh xuống xe, giơ tay chào và lo lắng hỏi xem tình trạng thương tích của nạn nhân ra sao, rồi đầy trách nhiệm trong việc xin được đưa các "nạn nhân" vào viện, và khi lời đề nghị đó không được các nạn nhân chấp thuận, anh đã chủ động gọi cho đồng nghiệp tới lập biên bản vụ việc… Phải nói, không phải ai rơi vào hoàn cảnh này cũng có cách xử sự như vậy.

Chính vì lẽ ấy mà mặc dù có việc làm đáng trách, song Đại úy Trần Ngọc Hoàng cũng đã ít nhiều gây được thiện cảm trong dư luận và việc họ cảm thông với hành động "thiếu bình tĩnh" của anh cũng là lẽ đương nhiên.

Giá như Đại úy Trần Ngọc Hoàng kìm chế được mình, tìm phương án khác, như một độc giả đề xuất là ghi lại biển số xe của hai người đàn ông nói trên hoặc điện báo cho đồng nghiệp hỗ trợ thì hình ảnh của anh trong vụ việc này trọn vẹn biết bao

Lê Huy Văn
.
.