“Dự cảm” hay... “bói nhảm”?

Thứ Ba, 17/02/2009, 14:45
Những năm gần đây, cứ mỗi khi tết đến xuân về, các dịch vụ bói toán lại nở rộ như nấm sau mưa. Đã có không ít tờ báo lên tiếng nhắc nhở mọi người phải cảnh giác với các chiêu "làm ăn" này. Chỉ có điều, trong khi báo chí liên tiếp gióng lên những hồi chuông cảnh báo, thì đây đó, len lỏi trên những trang sách, người ta lại đọc thấy không ít những câu chuyện vẽ ra một bức tranh ảm đạm về... thế giới tâm linh, với những nhận định phải nói là hồ đồ, khiên cưỡng...

Cách đây ít năm, nhân đọc cuốn "Nguyễn Bính - thơ và đời" do một nhà xuất bản lớn ở phía Bắc ấn hành, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một nhà thơ - nhân đề cập tới cái chết đột ngột của Nguyễn Bính (đúng vào ngày tất niên năm ất tỵ, tức ngày 20/1/1966), đã trích dẫn hai câu trong bài "Nhạc xuân" của ông: "Giờ đây chín vạn bông trời nở/ Riêng có tình ta khép lại thôi" để bình luận rằng Nguyễn Bính viết vậy là "sái", rằng "đúng vào cái lúc muôn vàn hoa xuân bừng nở thì "tình ta khép lại" tức là đời ta khép lại". Và nhà thơ này đã buông lời cảm thán: "Ôi! Sao mà Nguyễn Bính dự cảm về cái chết từ sớm thế?". Có lẽ, đọc hai câu thơ trên, không ai có liên tưởng như vậy, bởi chủ đề của "Nhạc xuân" hoàn toàn là "nhớ cố nhân". Vả chăng, từ hai chữ "tình ta" mà hiểu sang thành "đời ta", là một cách suy luận... khiên cưỡng.

Tập sách "Nhớ Tuân Nguyễn" do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2008 là một cuốn sách công phu, tập hợp nhiều bài viết cảm động về văn nghiệp và cuộc đời của nhà thơ Tuân Nguyễn. Tiếc rằng, trong tập sách đã có một đôi bài còn thể hiện một cách nhìn nhuốm màu "định mệnh".

Có bài cho rằng, việc Tuân Nguyễn (vốn tên khai sinh là Nguyễn Tuân), đã đảo bút danh của mình cho khỏi trùng với nhà văn lớn Nguyễn Tuân, là "đã tự nhận thấy mình như một sự đảo ngược của số phận: Một người thì có đủ thứ vinh quang, một người thì gặp toàn ngiệt ngã".

Chưa dừng ở đó, có tác giả còn nói chắc như đinh đóng cột rằng, cái "cung chữ mệnh" của Tuân Nguyễn rất lạ, như một "thiên mệnh" không thể đảo ngược. Đối chiếu với việc ra đi ở tuổi "49 chưa qua, 53 đã tới" của Tuân Nguyễn, tác giả cho rằng cái chết vì tai nạn giao thông của ông là ứng với câu Kiều "Mệnh cung đang mắc nạn to". Thật là một cách suy luận chẳng có cơ sở gì. Bởi khi mất (năm 1983), Tuân Nguyễn - nếu tính cả tuổi mụ cũng mới chỉ 51.

Nhà thơ Tế Hanh, trong một bài thơ viết tặng Chế Lan Viên đã có mấy câu: "Giúp nhau làm Tuyển tập/ Anh đề bạt cho tôi/ Còn dặn: Cố gắng sống/ Cuối thế kỷ XX". Đây là lý do để một nhà văn, trong cuốn sách in ra năm vừa qua lấy làm "cơ sở" khẳng định: Tế Hanh đã có "dự cảm" về số phận mình. Ví dụ mà nhà văn này đưa ra là: Nhà thơ Tế Hanh chỉ thực sự "sống tỉnh táo" đến hết thế kỷ XX, còn sang thế kỷ XXI là ông chìm vào hôn mê.

Mấy câu Tế Hanh tâm sự với Chế Lan Viên: "Chúng ta không dùng lời/ Chúng ta không dùng mắt/ Nhưng vẫn nói với nhau/ Bằng cái ngoài thể xác" cũng được tác giả nói trên phân tích, giảng giải ra là: Tế Hanh "tiên lượng" được tình huống... hôn mê của mình.

Thoạt nghe, hẳn có bạn đọc cũng sẽ phân vân với những ý kiến này. Kỳ thực, nếu đọc trọn vẹn bài thơ, ta sẽ thấy việc Tế Hanh viết mấy câu thơ trên là hoàn toàn bình thường, bởi khi ấy, bạn ông - nhà thơ Chế Lan Viên đã rơi vào tình cảnh "Anh nửa tỉnh nửa mê/ Mắt nhìn nhưng chẳng nói" (bởi ung thư phổi đã di căn). Hơn nữa, nhà thơ Tế Hanh bị đột quị vào hồi tháng 5/1999, thời gian đâu đã bước sang thế kỷ XXI?

Trong tập "Hồi ký song đôi" (NXB Hội Nhà văn ấn hành cách đây ít năm), nhà thơ Huy Cận có kể lại chi tiết: Một tháng trước khi mất, nhà thơ Xuân Diệu bỗng nhiên ngồi trệt giữa phòng nói với ông: "Trong hai đứa mình, đứa nào chết trước là sướng, đứa nào ở lại sau chắc khổ lắm".

Từ chi tiết ấy, có cây bút trẻ đã liên hệ với chuyện khúc mắc sau này trong gia đình ông để mà cho rằng, Xuân Diệu đã "dự báo" được vấn đề, trong khi, trích dẫn câu nói trên của Xuân Diệu, ý Huy Cận chỉ muốn nói: Việc Xuân Diệu mất đi đã để lại cho ông nhiều hụt hẫng, nhớ tiếc. Thì ông chẳng đã viết: "Quả thật, sau đám tang của Diệu, liền trong nửa năm, tôi nghe trong người tôi, trong tâm hồn tôi như hẫng đi, và thấy như cuộc đời hư lãng". 

Trong cuốn "Nguyễn Đình Thi - bí mật cuộc đời" (NXB Văn học ấn hành năm vừa qua), một tác giả có nhắc tới việc có ông nhà văn khi xem tử vi cho Nguyễn Đình Thi đã nói chắc như đinh đóng cột rằng "ông Thi có làm đến tể tướng thì cung Điền vẫn cứ bị phá tan hoang. Cuối đời khéo chừng chết thui thủi một mình trong một toa tàu phiêu dạt nào đó như văn hào L.Tolstoi". Sau lời "phán" này, tác giả chua thêm mấy dòng: "Phen này thì chắc ông thầy tướng số LP bị mẻ cả hàm răng. ấy vậy mà...Vó câu phi qua trước cửa được bao lâu...Cuộc đời lạ lùng thay", như thể thừa nhận sự chính xác của lời "phán" nói trên.

Trước hết, cần phải nói ngay: Việc đại văn hào Nga L.Tolstoi ở tuổi ngoài tám mươi vẫn tìm cách "thoát ly" gia đình tuy có thật, song ta nên nhớ ông không phiêu bạt mà đi có chủ đích, và khi ông mất, không phải ông "thui thủi một mình" mà quây quần bên ông là khá nhiều người. Giới báo chí và cảnh sát cũng luôn bám theo từng bước tình hình sức khỏe của Tolstoi. Còn với nhà văn Nguyễn Đình Thi, một số sự kiện liên quan đến cuộc đời ông cũng đâu có gì ứng với lời "phán" nói trên? 

Việc nhà văn Vũ Bão đột ngột ra đi sau khi tham dự lễ hợp long cầu Bãi Cháy đúng trưa ngày 30/4/2006 cũng được một tác giả "khai thác" theo hướng... tâm linh. Người này cho rằng, vì ông từng là tác giả phần lời của cuốn truyện tranh viết về cuộc tấn công thần tốc của quân đội ta trong mùa xuân 1975 nên việc ông ra đi nhằm ngày 30/ 4 là có gì "linh ứng".

Một tác giả khác thì suy diễn, cái tên Vũ Bão đã vận vào đời ông nên số ông khó tránh được việc phải ra đi...trên đường. Lại có người viết trên sách rằng "ông Vũ Bão được trời xui đất khiến chọn cách đi, không gian đi "hướng đông" như thế", và đó là cách ra đi "nhẹ nhàng nhất mà con người từng biết". Thật là tán nhăng tán cuội. Nào ai nói rằng, việc mất đột ngột trên đường, lại không kịp dặn dò người thân là một sự ra đi “trong thế nhẹ nhàng nhất mà con người  từng biết"?  Quả đây là chuyện tôi nghe... lần đầu.

Đúng lúc, đã đến lúc chúng ta phải canh chừng với những lời nhận định quá ư vô lối đang ngày càng xuất hiện một cách tự do, thoải mái trên thị trường sách báo hiện nay...

Phạm Nhật Linh
.
.