Đời sống văn học nghệ thuật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5-khoá VIII: Mừng thì mừng, lo vẫn lo...

Thứ Hai, 30/12/2013, 08:00

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) cụ thể hóa những biện pháp của quốc sách Đổi mới về văn học nghệ thuật, đã tạo một bước chuyển biến lớn cho tiến trình văn học nước nhà. Đã có một sự bùng nổ về số lượng tác giả, tác phẩm. Bước đầu xóa bỏ tình trạng phiến diện trong cách nhìn hiện thực, tệ đơn điệu nghèo nàn về hình thức biểu hiện. Bước tiến ấy chưa từng có trong tiến trình văn học cách mạng nước nhà, mở ra nhiều khả năng cho phát triển, cho trưởng thành. Một số khả năng đó đã thành hiện thực.

1. Các mặt hiện thực cuộc sống được phản ánh, được suy ngẫm toàn diện hơn, khoa học hơn, do vậy mà trung thực và biện chứng hơn. Tệ nạn "tô hồng" lười biếng, gian trá bị loại bỏ. Những tác phẩm mê mải biểu dương những tốt đẹp của một hiện thực còn trong hy vọng, hoặc hiện thực hóa những hy vọng còn trong giả tưởng không còn ai tìm đọc. Một sự chối bỏ lặng thầm mà quyết liệt. Suốt 15 năm ấy không thấy ai nhắc đến. Tôi đoán chừng các tác giả của nó cũng vui vẻ mà quên đi.

Người tiên tiến ở nơi tiên tiến vẫn được văn chương tìm đến như sự khát thèm cái đẹp, cái tốt vốn có của nhà văn. Nhưng những thân phận bất hạnh của những cá nhân nhỏ bé giờ đây cũng được văn chương biết đến, có ý nghĩa như những dự báo tệ nạn do cơ chế xã hội. Những "đoạn trường tân thanh" hiện đại, trong xã hội định hướng XHCN đã thực sự là một biến động văn chương. Đó là kết tinh của sức mạnh hiện thực và lòng nhân ái. Biến động này bộc lộ khá rõ trong văn xuôi đầu thời kỳ đổi mới, gây được sức thu hút và cộng hưởng trong bạn đọc với các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp...

Một loạt tên tuổi mới xuất hiện và được bạn đọc chờ đợi: Bảo Ninh, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Nguyễn Việt Hà... Họ có nét riêng của lứa tuổi được học hành chu đáo trong hòa bình, lại có nét riêng của từng người và biết gìn giữ nét riêng ấy. Họ khác biệt so với hai lớp cha và anh trong tiếp nhận, lý giải đời sống.

Công chúng có thể không nhất trí trong cách đánh giá của họ, thậm chí phản đối, nhưng đều nhận là họ có năng lực khơi nguồn cho một hướng mới trong văn chương. Người gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư. Tác giả này mang một bản sắc Nam Bộ thấm đậm và một cách nhìn đời trực diện, bạo, mạnh, có sức lay động xã hội xa rộng, không cho ai yên ổn thỏa hiệp với băng hoại.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đọc tham luận tại Hội thảo khoa học toàn quốc "Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao: Thực trạng và giải pháp" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức (Tp HCM ngày 27 và 28/11/2013).

Những năm đầu đổi mới, văn đàn sôi động với các cây bút trẻ và hào hứng phục hồi những cây bút bị kỷ luật quá dài. Có lúc làm mờ cả những tên tuổi mực thước của làng văn. Dần dần, có một sự chừng mực trở lại. Bớt đi chút phấn khích nông nổi và sâu sắc lên rất nhiều trong việc nhận ra thực chất của tài năng văn chương và thực chất của những vấn đề xã hội. Không một tài năng thật sự nào bị dìm vào chìm khuất.

Đúng hơn có bị chìm ở nơi này thì sẽ nổi ở nơi kia. Nếu tính đa cực trong đánh giá văn chương, dù có gây rối loạn, vẫn có một ưu thế rõ ràng thì chính là ưu thế ấy. Đó là điều trước đây không dễ có. Tôi đã nghe một nhà văn Việt kiều nhận xét: Ở ta hiện nay, việc xuất bản sách vào loại dễ dàng nhất thế giới. Ngay các cuốn gọi là có vấn đề thì cũng được in ra rồi mới có nhận xét. Mà có thu hồi thì thực tế vẫn được lưu hành bằng cách này cách khác. Quả thật, tôi tự thấy ngạc nhiên khi nhận ra đúng tình thế ấy.

Một ngạc nhiên đáng mừng. Quả thật không tác phẩm nào bị mất quyền khai sinh. Đó là một thành tựu lớn. Ai cũng thấy, cũng mừng. Nhưng cũng phải nói luôn: Những hệ quả không mong muốn của nó cũng không nhỏ (xin được nói sau).

Đó là kết quả của giao lưu, hội nhập. Đó cũng là thành tựu của kỹ nghệ thông tin, truyền bá. Cốt lõi hơn, đó là kết quả của học vấn. Sự hiểu biết thế giới của lớp viết trẻ hiện nay nhanh, rộng và sâu hơn lớp cha anh. Sau hết, cũng phải tính đến sức bật trở lại của cái lò xo bị ép. Ta đã ngủ vùi quá lâu trong một phương pháp sáng tác đã cỗi. Khát khao cách biểu hiện mới đã là khao khát của mọi người viết. Thực tiễn ấy làm bùng nổ nhiều khác biệt, luôn gây tranh cãi và không thể tranh cãi, trong quan niệm nội dung, trong đánh giá hình thức.

Một điều đáng lưu tâm là nhân danh cái mới, nhân danh cách tân, người ta đã nhập vào không gian văn chương chúng ta cả những khuynh hướng lập dị, phá vỡ sự trong sáng của ngôn ngữ, lấy chửi bậy văng tục là tiêu chí của độc đáo, lấy vô nghĩa, bất khả tri làm đích đến của văn chương. Không biết do nhận thức hay do ác ý, có tạp chí thơ hải ngoại còn phát động các bậc văn nhân thi sĩ trong nước, nam cũng như nữ, chụp ảnh vùng bụng gửi cho cuộc thi hình ảnh rốn Lạc Hồng trong và ngoài nước. Tôi không rõ mối liên quan giữa rốn và thơ chỉ xin nêu như một ghi nhận.

2. Một tiến trình có ảnh hưởng sâu và rộng làm lay động nhiều quan niệm then chốt về xã hội, về văn hóa, về giáo dục... Ấy là sự đánh giá lại giá trị văn chương của quá khứ gần và của đương đại. Có những tác phẩm, tác giả, trào lưu từng bị lên án nay được phục hồi, được đề cao, được giải thưởng. Có thể vốc lên hàng vốc những thí dụ trong lĩnh vực này: Một bài: "Tây tiến"; một tập: "Thi nhân Việt Nam"; một tác giả: Vũ Trọng Phụng, một phong trào: Thơ Mới... Kết quả của tiến trình này là nền văn chương nước ta đã truy lĩnh lại được nhiều giá trị bị phí phạm, bị rơi vãi, bị ruồng bỏ. Một chủ trương ít ầm ỹ nhất nhưng lại tác động nhiều nhất trong sự làm giàu cho văn chương, làm phong phú tâm hồn người thưởng ngoạn và cổ vũ sâu sắc cho tinh thần sáng tạo, khẳng định lòng tin vào chiến thắng của Cái Đẹp.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tác phẩm văn chương kém chất lượng tràn ra thị trường, quảng cáo rất xa xỉ lời khen, in đẹp, trình bày sang... gây nhầm lẫn cho khách tiêu thụ trong nước và cả những thư viện ngoài nước, tạo nên bộ mặt dị dạng về văn chương đương đại Việt Nam. Tác hại nhỡn tiền là bạn đọc không biết dựa vào đâu để tìm được cuốn sách đáng đọc. Dựa vào nhà xuất bản thì giờ đây không còn nhà nào chuyên in văn chương và có trách nhiệm phân loại phẩm chất văn chương. Chờ ý kiến nhà phê bình thì lại gặp một hàng rào những lời quảng cáo. Cuối cùng đành trông vào ngoại hình quyển sách. In đẹp, giấy tốt, trình bày sang trọng ắt là sách quý. Cũng không phải. Việc ấy có tiền là xong trọn gói. Đành chọn cầu may. Nhưng đọc tới chín quyển vẫn chưa gặp văn chương, thì không biết có ai can đảm đọc đến cuốn thứ mười.

Tác phẩm kém chất lượng tràn ra thị trường, thì tác giả kém tài năng cũng tràn vào các hội nghệ thuật, nghiệp dư hóa nhiều sinh hoạt học thuật, làm rối nhiều tiêu chí văn chương, hạ thấp ngưỡng văn hóa các ấn phẩm. Tính từ Trung ương tới các hội địa phương thì mỗi năm cũng có tới dăm sáu trăm nhà văn được khai sinh mỗi năm. Ấy là chưa kể những vị in danh thiếp rồi nhưng chưa kịp vào hội.

Có lẽ chưa thời kỳ nào nước ta lại lắm giải thưởng văn chương như lúc này. Ngoài các giải ở Trung ương, còn có giải theo đề tài của của các ngành, các đoàn thể, các bộ... Nơi nào cần tuyên truyền cho công việc của mình, từ tăng thu thuế đến giảm sinh đẻ, đều treo giải văn chương. Lại còn giải cấp tỉnh, cũng tương tự ban bệ như vậy. Đúng ra đó phải là điều mừng. Nó khích lệ người viết. Vậy mà, đến nay thì giải thưởng gần như không còn mấy thuyết phục đối với người chọn sách. Lỗi không phải ở nhiều giải mà ở sự xét giải, ở việc áp dụng đúng tôn chỉ, mục đích của giải. Kể ra thì nhiều, chỉ xin lấy làm ví dụ từ một vài giải thưởng lớn:

- Giải tặng cho tài năng văn chương thì không nên tặng cho công tích cán bộ, công tích này đã có giải thưởng khác.

- Không thể một tác phẩm mà tặng hai giải cấp quốc gia, một phía khoa học, một phía nghệ thuật (nó là khoa học nghiên cứu về một ngành nghệ thuật thì thưởng vì khoa học).

- Cũng không thể một tác giả đã được giải Nhà nước và đã tạ thế mà ít năm sau lại được truy tặng thêm giải cao hơn, dù không in tác phẩm nào thêm sau khi mất.

- Ban giám khảo các cấp cần tập hợp những ai biết định giá. Còn đại diện các cấp hành chính nên đưa vào Ban tổ chức giải, là ban có quyền quyết định giải trên kết quả của Ban giám khảo.

3. Sự nảy sinh khái niệm cởi trói hay tự cứu là minh chứng cho sự xóa bỏ, ít hoặc nhiều, những ràng buộc, những cấm đoán đối với người cầm bút. Mặt khác, nó cũng xác nhận sự hiện hữu trước đó một khung hoạt động văn chương chật hẹp, gây bức bối cho người sáng tạo. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một kết luận chính thức xác nhận những gì đã đổi thay, những gì cần chuyển hướng và cả những gì cần lưu giữ, bảo vệ. Khó tìm được tiếng nói chung đánh giá văn học sử.

Hiện nay, biên độ khác biệt của sự đánh giá thành tựu văn chương qua hai cuộc kháng chiến là rất lớn. Có nhà phê bình coi thái độ tự phê phán của các nhà văn tiền chiến khi nhập vào cách mạng đều là giả dối hoặc cơ hội (!). Một nhận xét nghiệt ngã, hơn nữa thiếu cái nhìn biện chứng, khoa học về tình hình xã hội và tâm trạng, hoài bão, lý tưởng của lớp văn nhân trí thức hồi ấy. Ở một cực khác, có người cho rằng, giá trị nào đã được xác định trong quá khứ đều phải giữ nguyên bất biến, không được quyền đánh giá khác đi. Những nhận định đó có thể do ngây thơ, do hạn hẹp kiến thức nhưng cũng có thể là một dụng ý, dùng thủ pháp cực đoan làm rối tung các tiêu chí, phá vỡ các luận bàn.

Nước đục thì xóa hết mọi sâu nông. Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn những năm qua có sới lên một số vấn đề thiết cốt, khêu gợi tranh luận. Nhưng khi thắt lại ý kiến, các tòa soạn lại chọn kiểu kết luận để ngỏ, có tính nước đôi. Có khi để một kết luận tình thế ở chỗ cần một kết luận nguyên tắc. Đây là một hình thức ứng xử dân chủ hay thực chất lại là sự thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh?

Chúng ta ít tranh luận quá. Lý luận phê bình của chúng ta mười lăm năm qua, theo cảm nhận hạn hẹp của tôi, cứ như bà ốm nghén, lắm kiêng khem mà đợi mãi vẫn chưa sinh nở.

25/11/2013

Vũ Quần Phương
.
.