Đời ngựa xiếc

Thứ Hai, 03/02/2014, 08:01

Gần 15 năm, Liên đoàn Xiếc Việt Nam - Rạp Xiếc Trung ương mới có dịp tái ngộ khán giả Tp HCM. Suất diễn sáng cuối năm tại Công viên Gia Định, khán giả kín chỗ. Những gương mặt trẻ con háo hức bên phụ huynh. Tràng pháo tay liên tục giòn giã vang lên sau những màn biểu diễn ngộ nghĩnh của các chú chó, gấu, khỉ hay phút thót tim của trò xiếc trăn, giữ thăng bằng trên dây…

Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam - NSƯT Phạm Văn Xuyên mỉm cười hạnh phúc khi tấm lòng của người dân thành phố vẫn nồng hậu như thế. Đặc sản đoàn mang vào tái ngộ là những màn xiếc thú vui nhộn. Và đặc sắc nhất phải kể đến xiếc ngựa. Đã rất lâu rồi khán giả thành phố mới có dịp gặp gỡ lại những người bạn hiền lành mà mạnh mẽ này bởi xiếc ngựa đã vắng bóng ở Đoàn xiếc Tp HCM.

Hơn hai thập niên ngồi trên lưng ngựa, diễn viên và cũng là nhà huấn luyện thú Đình Trường đã quá quen thuộc với những chú ngựa xiếc. Nhìn những vết sẹo chi chít trên tay nghệ sĩ Đình Trường mới hiểu rằng tai nạn trong xiếc ngựa nhiều như thế nào. Anh cho biết: Với xiếc ngựa, có ngựa phi và ngựa làm trò. Trong ngựa phi có các động tác kỹ thuật như: đứng trên lưng ngựa, kéo lết người, nhảy dây, lắc vòng, xếp hàng trên lưng ngựa…Nhưng kỹ thuật nguy hiểm nhất là chui qua bụng ngựa hoặc cổ ngựa.

Khi chui qua bụng ngựa, nếu chui không khéo, dễ bị va đầu vào thành sân khấu dẫn đến bất tỉnh, choáng. Còn nếu người diễn viên chui qua cổ ngựa khiến sức nặng phía cổ lớn, con ngựa dễ bị hẫng chân, vấp ngã.

Nghệ sĩ Đình Trường tiết lộ cách để các diễn viên ít bị chấn thương và đau đớn, đó là khi bị ngã họ phải lăn người nhiều vòng. Vừa rồi, một nam diễn viên trẻ mới bị té ngựa gãy chân, phải "treo giò" hai tháng. Cô diễn viên trẻ của đoàn ngay trong hôm khai mạc cũng bị ngã, may mà chỉ xây xát nhẹ. Xiếc ngựa nguy hiểm nhưng không ít những "bóng hồng" cỡi trên lưng ngựa. Được nhắc đến nhiều nhất phải kể đến nghệ sĩ Ánh Tuyết của Đoàn xiếc Tp HCM.

Ở đoàn xiếc, chủ yếu là ngựa đực, đa số bị thiến. Đến giờ, những diễn viên đoàn xiếc vẫn còn kinh hãi câu chuyện về một con ngựa đang diễn bỗng lồng lộn lao thẳng ra sân khấu. Người diễn viên bị lôi xềnh xệch trên yên khi ấy là nghệ sĩ Chí Quang. Khán giả chạy tán loạn, con ngựa lồng lên, phóng như điên như dại về phía chuồng nuôi nhốt ngựa cái. Mùa động dục, không gì có thể kiềm lại bản năng "yêu đương" của những con tuấn mã. Con ngựa cái đến mùa động đực thường tiết ra một thứ mùi hấp dẫn mà khi ngựa đực ngửi thấy, lập tức nó lồng đến để gặp "nàng" cho bằng được. Thế nên, ngựa xiếc chủ yếu là con đực để dễ "hãm tình" bằng cách thiến.

Rất ít ngựa cái trong đàn vì với ngựa cái, khoản này đành bó tay. Một lý do nữa là ngựa cái gây cho những con đực lắm phen "giành tình" đến nỗi "sứt đầu mẻ trán", ra sân khấu phải lết cà nhắc. Sau lần bị kéo lê, cả người nghệ sĩ Chí Quang xây xát, ê ẩm. Thế mới biết chuyện "yêu đương" của mấy "chàng" ngựa gây ảnh hưởng nghiêm trọng với diễn viên xiếc thế nào.

Tiết mục xiếc ngựa trong chuyến lưu diễn của Rạp xiếc Trung ương tại Tp HCM.

Không chỉ nghệ sĩ mà ngựa cũng gặp tai nạn trên sàn diễn. "Nếu sàn hơi mấp mô, khó chạy, con ngựa dễ bị vấp té hoặc hẫng chân. Hoặc do tập luyện và lịch biểu diễn quá nhiều, ngựa thường bị bong gân, đau khớp" - Nghệ sĩ Chí Quang cho biết. Sàn diễn tròn, con ngựa thường chạy theo cái vòng đã định sẵn ấy. Vì chạy hơi nghiêng nên móng chân của nó thường mòn nghiêng sang một bên. Lâu ngày không mài giũa, cái móng chân méo lệch đó khiến con ngựa đi khập khiễng, lâu dần dẫn đến bệnh đau khớp. Vậy nên, cứ tầm một tháng, người huấn luyện lại mài giũa móng, anh em thường gọi vui là "làm nail cho ngựa".

Kỹ thuật "làm nail" được nghệ sĩ Đình Trường học từ hồi anh tham gia lưu diễn cùng đoàn ở Đài Loan. Ngựa của nước bạn là những con ngựa nhập từ Châu Mỹ, châu Âu giá lên tới cả trăm nghìn đôla. Do đó, việc chăm sóc ngựa rất tỉ mỉ. Họ có nguyên một đội ngũ chuyên "làm nail" cho ngựa. Móng con ngựa được mài giũa cho phẳng, lấy hết chỗ da bị chai. Cuối cùng đánh một lớp dầu bóng giữ móng.

Với ngựa xiếc, người diễn viên cưỡi trên lưng nó cũng chính là chủ, là người trực tiếp đặt tên, chăm sóc và huấn luyện nó. Sự thân thiết ngoài đời dẫn đến sự thăng hoa trên sân khấu. Mỗi lần nghệ sĩ Đình Trường chạy xe hay cất giọng từ xa, con Lộc và con Tài đã hí vang trời, chân lồng lên, đuôi quẫy mừng rỡ, dẫu ngày gặp gỡ đầu tiên, chính nó đã tặng cho người chủ những cú đá trời giáng, những cú cắn bầm thịt. Nghệ sĩ Chí Quang có một "mối tình" sâu đậm với con ngựa của mình. Con ngựa đực Mông Cổ, bờm trắng, đẹp như một cậu trai đương xuân. Mỗi lần cho nó ăn, tắm táp hay vuốt ve, chải lông cho nó, anh thủ thỉ với nó đủ chuyện trên đời. Cả chuyện anh thầm yêu trộm nhớ cô đồng nghiệp xinh đẹp. Nó nhâm nhi cỏ lắng nghe anh kể, chăm chú như người bạn. Nhiều lần nó đầy bụng, bỏ ăn, anh lại lo sốt vó, trắng đêm túc trực từng hơi thở con vật yếu ớt.

Theo chuyến lưu diễn miền Nam lần này là hai con Tài và Lộc, đều là giống ngựa lai lấy về từ Trung Quốc. Ngựa Việt quá nhỏ bé để thành ngựa xiếc. Tài và Lộc năm nay đều đã 7 tuổi, cái tuổi phơi phới sức sống trong đời ngựa. Mới về đoàn, luyện tập được khoảng một năm là hai con đã chu du biểu diễn khắp nơi. Con Tài có cái mặt mà anh em trong đoàn gọi là "lấc cấc". "Nó ngông lắm, lại khó bảo. Còn con Lộc lại hiền, dễ bảo. Đặc biệt Lộc rất nhạy cảm. Tôi dạy nó chạy chậm, chạy nhanh không được, thầm rủa: "Con này láo thật, dạy hoài mà không chịu làm theo". Vậy là bỗng nhiên, Lộc cúi đầu như người biết lỗi.

Mình tập nó theo bước đi, thấy mình bước chậm nó bước chậm; mình đi hơi nhanh tí là nó bước nhanh. Mình khen thì nó có vẻ mừng rỡ lắm. Những con nhạy cảm như con Lộc thì dễ huấn luyện, thuộc bài nhanh nhưng dễ bị chi phối bởi ngoại cảnh. Tập trên sân khấu, mình phải mở nhạc nhỏ, rồi từ từ chỉnh cho lớn dần. Ánh sáng cũng vậy, đầu tiên là ánh sáng yếu rồi điều chỉnh mạnh hơn. Phải mất vài tháng Lộc mới quen chạy trên nền nhạc sôi động và ánh sáng mạnh. Còn con Tài thì đặt đâu nó cũng không sợ, thậm chí cưỡi nó dạo phố, xe cộ nườm nượp nó cũng coi như không" - Nghệ sĩ Đình Trường tâm sự.

Xiếc ngựa phi đòi hỏi tốc độ và sự sôi động cho nên đã không diễn thì thôi, chứ diễn là rất "máu nghề". Những tưởng chỉ có người diễn viên khi xa sân khấu mới nhớ ánh đèn chói lòa, nhớ tiếng nhạc rộn rã hằng đêm. Vậy mà ngựa cũng nhớ nghề! Các anh em trong đoàn xiếc kể rằng, dịp Tết, đoàn được nghỉ dài ngày. Ngựa chỉ ăn rồi rong chơi nên con nào con nấy mập ra. Ra năm, đến khi huấn luyện, vừa thả là chúng đã ào ra sân khấu, chân tung cẫng lên, chạy loạn xạ, hí váng trời đất. Con nào con nấy phấn khích tột độ trong ánh sáng, tiếng nhạc quen thuộc tưng bừng. Anh em nhìn nhau cười, để mặc chúng thỏa thích chạy nhảy cho thỏa những ngày nhung nhớ sàn diễn.

Khoảng 10 năm nữa, Tài và Lộc sẽ đủ tuổi "về hưu". Một đời gắn bó với đoàn xiếc, mang đến cho thiên hạ bao trò vui, đến tuổi "nghỉ hưu", chúng vẫn được phụng dưỡng tuổi già cho đến khi về với đất. Nói như NSƯT Phạm Văn Xuyên, không ai nỡ giết thịt đồng nghiệp của mình. Đời nó gắn bó với anh em nghệ sĩ, hưởng những thăng hoa, tủi nhục, đau đớn trên sàn diễn, nó như người bạn, như người em hiền lành. Khi chết đi, người bạn diễn đó được chôn ở bãi đất trống gần Rạp xiếc.

Con ngựa màu trắng của nghệ sĩ Chí Quang đã chết trong cơn đau đớn tức tưởi, quằn quại. Khi người ta mổ xác, họ phát hiện trong dạ dày nó một sợi thép dài. Nỗi ân hận nặng trĩu. Từ ngày nó chết, anh không gắn bó với nghiệp xiếc ngựa nữa, cũng như mối tình với cô diễn viên xiếc trên lưng ngựa ngày nào đã chia xa trong nước mắt…

Phan Thi Uyên (Xuân 2014)
.
.