Đời là một chuỗi nghi ngờ

Thứ Sáu, 09/06/2006, 10:00
Vợ Thành bắt rất nhạy cái đỏ mặt của chồng. Chị không tin anh chỉ mang có thế. Chị cố hình dung. Hẳn phải là rất bí mật, rất phạm pháp, ít ra là phạm luật vợ chồng nên anh mới lúng túng như vậy. Cơn điên đạt tới giới hạn. Chị đẩy tới một cuộc cãi vã. Thành cũng không nhớ mình đã nói những gì. Nhưng nỗi sợ trong anh tăng lên rõ rệt. Anh nghĩ vì lo cho mình nên vợ mới quá  như vậy. Phải.

Thế là đã 4 ngày. Gọi hỏi, đầu dây phía sân bay vẫn “dịu dàng không chịu nổi”: Thưa ông, nếu nhận được tín hiệu tìm thấy hành lý của ông, chúng tôi sẽ lập tức thông báo. Thành phát điên lên. Tại sao, tại sao, tại sao? Có cái gì đó không hiểu được ở đây. Ông hàng xóm, chạm cách một cái với Thành, 65 milylít rượu màu hổ phách tọt một cái vào trong cổ họng. Nở một nụ cười rất tươi, chắc cậu không để tiền ở trong đó chứ. Không có kim cương hạt soàn chứ? Vậy thì cứ việc uống. Đã có luật quốc tế. Tiền đền có khi lại hơn cả tiền mất, ông ạ. Thành phát điên lên. Anh muốn đấm cho ông bạn vàng một quả. Ông bạn thì vẫn, tọt một hớp nữa, hồn nhiên: Một đống quần áo vớ vẩn này. Một đống sách báo vớ vẩn này. Tớ biết. Tớ rất biết cậu. Rồi sẽ được đền bù. Mấy ngàn đô cơ đấy. Việc gì phải nghĩ cơ chứ? Cậu sẽ chết vì bệnh nghĩ thôi.

*  *  *

Chiếc vali không hiểu nỗi sốt ruột của chủ. To tướng, bằng da mềm, có trọng lượng 32 cân rưỡi, đang nằm chình ình trong kho của sân bay S cách ông chủ nó 10 ngàn dặm và 3 đường biên giới. Nó không biết tại sao nó lại bị tách ra khỏi ông chủ của nó lâu đến như vậy. Một mình trong cái kho tối tăm, rất cô độc cộng với nỗi khó chịu bên trong ruột vì có một chiếc cặp bìa cứng bọc đai thép. Nó nín nhịn, gồng mình chịu đựng trong 3 ngày. 3 ngày đó nó cố vận dụng toàn bộ trí nhớ, đọc to lên những khẩu hiệu, lời răn dạy của các đấng, các nhà đạo đức học từ mấy ngàn đời, thậm chí hình dung ra trước mắt cả một chữ nhẫn to đùng để tự nhủ mình. Nhưng sang đến ngày thứ tư thì nó không chịu được nữa. Nỗi nhớ ông chủ giày vò nó. Thần giao cách cảm mách bảo ông chủ cũng đang điên lên về nó. Nó muốn hét lên, nổ tung ra để phá tan cái kho tối tăm. Nó ước, giá ông chủ để trong lòng nó một khối nổ. Nhưng tất cả là im lặng bất tận.    

*  *  *

Viên hải quan có nước da vùng cận nam thế giới đi đi lại lại. Theo luật pháp của nước mình ông ta được phép mở vali nếu có nghi ngờ. Hàng trăm ngàn chiếc vali, đủ các kích cỡ, kiểu dáng, trọng lượng mỗi ngày đi qua cửa khẩu S này. Không một chiếc nào không bị soi chiếu. Những thiết bị tối tân đã giúp cán bộ hải quan như ông nhìn rõ bên trong từng chiếc vali ấy. Những chú chó nghiệp vụ sẽ được đem đến ngửi nếu bên trong chiếc vali nào bị tình nghi. Đã không ít kẻ đem theo trong vali ma túy, chất gây nghiện, bom mìn, dao súng và bị phát hiện. Sau đó thay vì bay lên cao thì hành khách sẽ đi thẳng đến những cánh cửa nặng nề.

Song, sân bay S hôm ấy quá đông hành khách và nhiều người đến làm thủ tục muộn nên việc kiểm tra không thể làm kỹ càng như mọi ngày. Nở một nụ cười rất tươi, cô nhân viên sân bay có giọng nói vùng Italy đưa trả lại tấm thẻ lên tàu cho Mr. Thành. Thành cười đáp lại bằng thứ tiếng Anh rất điệu nghệ của châu Ávà ung dung bước tới khu vực cách ly. Anh không biết rằng chiếc vali của mình sau đó đã nằm trong tầm ngắm của viên hải quan có nước da vùng cận nam thế giới.

Ông ta giải thích với điều độ sân bay rằng, chuyến bay không thể chậm trễ, nhưng chiếc vali của Thành cũng không thể bay theo chuyến bay vì cán bộ của ông ấy không dám chắc bên trong nó là những thứ gì. Họ bảo rất đáng nghi ngờ.

“Kể từ ngày 11-9 đến nay, sân bay bọn em ai nấy mắc chứng nghi ngờ” - Cô gái tươi như hoa và nói giọng miền Italy đã mấy lần nói với anh chồng người Do Thái như vậy sau những ngày làm việc căng thẳng ở sân bay. Chồng cô nhún vai mỉm cười bảo với cô, không phải chỉ từ 11 tháng 9 mà từ trong tiềm thức, từ hàng vạn năm trước, con người tất thảy đều mắc chứng nghi ngờ. Nhưng, em ơi anh là thằng yêu cuộc sống, những người đem theo bom, đem ma túy là những thằng điên. Nghe anh nói chị cũng thấy yêu đời thêm một chút. Chị hiểu anh, chị biết nhiều năm nay anh không  dám nhìn lên màn hình mỗi khi thế giới chiếu cảnh tra tấn con tin. Thậm chí anh bị màu da cam ám ảnh.      

* *  *

Theo lẽ thường và đúng pháp luật, thì viên hải quan có quyền mở tất cả những vali của hành khách một khi có nghi ngờ dù chủ nhân của nó có mặt hay không. Dĩ nhiên, sau đó mọi tài sản còn nguyên kèm một thư xin lỗi.

Nhưng lần này, ông ta không dám mở. Chiếc vali không mấy lớn nhưng rất nặng bên trong lại còn thêm chiếc cặp khóa số phản quang khiến cho ông quá bứt rứt: Tại sao khách lại không xách tay. Nó được làm ra để đựng máy tính cơ mà? Cái gì trong đó? Khi nào thì nó tự phát nổ hay sẽ là khi ông động vào dãy số khóa? Ông đã ước giá như pháp luật cho phép đập vỡ nó ra.

Chiều. Sau khi đã xếp chiếc vali vào gian kho đặc biệt, ông trở về nhà, trong bữa tối, ông thở dài nói với vợ: Thật là điên rồ. Thế giới đã lên cơn điên toàn phần. Không thể hiểu được tại sao hàng vạn người cứ hối hả đi từ nơi này đến nơi nọ, hàng vạn thứ này thứ nọ theo con người từ đông sang tây và ngược lại, từ tây sang đông. Vợ ông, hất chiếc tạp dề, nở nụ cười lộ hai hàm răng trắng như thuốc đánh răng đã được kiểm nghiệm, bảo: Em chỉ yêu mình, chỉ biết có mình nên em không đi đâu, không chuyển hàng hóa từ đông sang tây và ngược lại. Nghe vợ nói, ông không biết nên vui hay nên buồn. Chỉ biết có một người cũng đồng thời là một gánh nặng cho người đó? Cái trĩu nặng trong lòng vì việc chưa hoàn tất không biến mất mà còn như nặng thêm. Ông tợp một hớp cái chất lỏng màu hổ phách rồi bước vào phòng ngủ. Trong mơ ông tưởng tượng đến cái hạn chót mà sân bay của ông phải đền tiền, và ông sẽ chủ bị sa thải nếu không giải mã được câu chuyện khó hiểu này trước thời hạn.--PageBreak--

Ngày thứ 6.

Thành đã hết sốt ruột. Anh cũng không ngờ mình có thể chấp nhận phương án đền bù nhanh chóng đến vậy. Tuy nhiên, phải đợi thêm một số ngày nữa mọi việc mới hoàn tất. Trong những ngày ấy không ít lần Thành lại thấy tiếc. Anh mất ngủ, trằn trọc, dằn vặt vò đầu bứt tai, nhiều lúc mồ hôi túa ra ướt đẫm đầu tóc. Vợ anh vặn hỏi, vậy có gì trong đó mà anh phải sợ? Anh bảo, chẳng có gì quốc cấm cả. Vợ anh bảo, làm sao thuộc hết những hạng mục người ta quy định cấm. Chị dẫn ra hàng ngàn ví dụ. Ông B này, chị A này... mang thứ này thứ kia này, ở nước này bảo được, đến nước kia thì bị giữ lại này. Lung tung lắm. Anh bảo, anh chẳng mang gì nhiều, tất nhiên là có mấy cuốn sách mà anh ao ước từ lâu. Chị bảo sách mà không từng bị cấm đó à?

Lại dẫn ra ví dụ, cuốn này ở nước này khen hay, ở nước khác bảo nó là nguồn gốc gây ra rối loạn. Anh tức tối gắt, thế giới chưa bị điên đến thế! Chị cũng to lời. Vẫn thế, vẫn thế chỉ có anh là ngu không biết thôi. Đem gì thì không đem, đem mấy cái đó vừa nặng vừa vô vị. Chị tức tối hỏi tại sao chiếc máy tính đắt tiền anh lại để trần xách tay chứ không đặt nó trong chiếc cặp khóa số? Anh đỏ mặt. Anh không muốn giải thích với chị rằng anh thích viết thư cho mấy người bạn trong lúc ngồi chờ, trong lúc ngồi trên máy bay. Anh bảo bay Boeing đời mới chỉ sau cất cánh là có thể dùng máy tính và điện thoại di động. Anh không kể là anh đã viết và gửi một thư khá mùi mẫn với Maureen, người phụ nữ tuyệt vời xinh đẹp cùng làm việc với anh trong nửa năm trời ở cái xứ đầy tuyết này.

Vợ Thành bắt rất nhạy cái đỏ mặt của chồng. Chị không tin anh chỉ mang có thế. Chị cố hình dung. Hẳn phải là rất bí mật, rất phạm pháp, ít ra là phạm luật vợ chồng nên anh mới lúng túng như vậy. Cơn điên đạt tới giới hạn. Chị đẩy tới một cuộc cãi vã. Thành cũng không nhớ mình đã nói những gì. Nhưng nỗi sợ trong anh tăng lên rõ rệt. Anh nghĩ vì lo cho mình nên vợ mới quá  như vậy. Phải. Những quyển sách anh mang có nội dung thật đáng sợ. Người ta vẫn bảo thế. Sự thật và chân lý nằm trong đó. Nó đáng sợ cho tất cả những người thích giấu giếm không ưa chân lý. Anh hoảng hồn tự nhủ, biết đâu cái bọn ấy ở quốc gia nào cũng vô cùng nhiều? Anh bỗng ân hận đã mang theo nó. Đọc và hiểu nó đã khó, phổ biến nó càng khó. Bây giờ, nếu mất hẳn thì mới không sao, bị khui ra, bị mời lên, không được nhận về mà còn bị nhốt vào nhà kín thì chết. Nỗi sợ càng làm mặt anh đỏ thêm. Vợ càng nghi. Chị không kiềm chế được nữa với tay cầm điện thoại.

Đó là ngày thứ 10. Còn một ngày nữa là hạn chót.

*  *  *

Giây phút chờ chuông đổ sao mà dài như thế kỷ. Thành suýt nữa đấm cho vợ một quả vào đầu. Anh không muốn gọi sớm. Anh muốn chờ đến hạn chót, để được khẳng định rằng nó đã mất hẳn. Anh muốn nó đã lạc tới châu lục nào đó nơi người ta không thể đọc được cái ngôn ngữ dùng trong 20 cuốn sách anh để trong vali, và giờ đây người ta đã quẳng vào nước biển.

*  *  *  

Thì chuông reo.

“Alô. Chị là ai... Cho tôi nói trực tiếp với anh Thành...”. Thành cầm máy. “À, thế à, vâng... cảm ơn chị, khi nào thì...vâng. Cảm ơn chị”. Một phút tim ngừng đập. Cả Thành và vợ. Thành thì tỉnh lại ngay. Vợ, thì anh phải pha cho một chén cà phê nóng. Cả hai cùng im lặng cho đến 21 giờ.

Chuông điện thoại lại đổ. Nghe xong.Vợ chồng Thành lao ra. Chiếc xe hàng không xuất hiện ở cửa. Trời rét như cắt, lại thêm mưa phùn. Cô gái hải quan trong bộ đồ màu tím than mặt tươi như hoa, đặt chiếc vali lên bàn cân: 32 cân rưỡi. Đủ phải không ạ. Ký vào đây giùm em”.

Xách chiếc vali vào. Anh hồi hộp nhìn theo tay vợ cắt dây đai. Chị cuống đến mức không kịp mở lần lượt. Thành cũng không gàn mặc dù anh hơi xót cái dây vali rất đẹp. Mở. Anh vồ lấy, đếm. Đủ 20 cuốn. Đủ tên tuổi các tác giả mà anh kính trọng. Anh thở hổn hển vì mừng. Ra ban công anh hét to lên cho đã. Đúng lúc đó thì vợ anh phang cho anh một nhát vào đầu bằng chiếc muôi inốc. Anh ngất xỉu. Chị vừa sợ vừa tức lôi vào. Rồi pha một cốc cà phê. Khi tỉnh dậy cũng là lúc anh bị vợ gí chiếc cặp khóa số vào mặt. Anh mua cái này cho con đĩ nào, nói ngay. Thế ra bà đợi mày ngần ấy ngày, trông nom săn sóc cả nhà mày là để mày đi sung đi sướng, để mày có tiền mua son mua phấn mua của nợ đời cho những con bỏ mẹ nào. Thảo nào mày lo sợ cuống cuồng.

Thành hổn hển. Anh giải thích rằng anh mua cho chị. Nhưng chị không tin, chị bảo cho chị sao phải để riêng trong cặp khóa số? Anh bảo anh không muốn những đồ phụ nữ lại để lẫn với sách thánh hiền. Chị bĩu môi. Chị bảo vải thưa che mắt thánh. Có bao giờ anh mua cho tôi một thứ gì đâu, kể từ ngày cưới. Anh không thể giải thích rằng kể từ khi anh ra khỏi biên giới, sống gần Maureen, gần người xứ sở khác anh mới biết rằng phụ nữ Việt Nam là quá khổ.

Nhưng vợ Thành không thèm nghe nữa. Chị hất tung những cuốn sách mà anh ôm trong lòng, bước qua đống son phấn và những đồ trang sức chị chạy bổ ra đường giữa trời đêm mưa rét

Trần Thị Trường
.
.