Đọc “Bức tường mảnh chai” của Trần Thị Nương

Thứ Tư, 29/03/2006, 07:19

Trần Thị Nương đến với thi ca như một cái nợ - cái duyên nợ của sự mê say tìm kiếm không mệt mỏi: Mặt trời người - tỏa sáng cánh đồng em… Tôi đã đọc tập thơ "Bức tường mảnh chai" của Trần Thị Nương với sự cảm nhận như vậy.

Bức tường mảnh chai là sự bứt phá trên hành trình đổi mới thơ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sau  sáu tập thơ đã in trước đây của một cây bút vừa lắng sâu thâm trầm, vừa tinh tế. Không sâu lắng thâm trầm không thể viết nổi: Mặt người thật ở đằng sau…/ Nghìn gương chiếu hậu, nghìn bầu trời riêng… Và không “tinh tế” cũng không thể viết nổi: Vô duyên chợt chạm bã trà/ Đã thừa luênh loãng lại ba tấc trời. Đó là hai phẩm chất đan xoắn trong hồn thơ Trần Thị Nương, để có một sức sống mãnh liệt cho cuộc tìm kiếm của một đời thơ: Mặt trời Người – tỏa sáng cánh đồng em

Bức tường với những “mảnh chai nhọn hoắt”, “cứa vào không gian” là hình tượng thơ ẩn dụ như một thử thách nghiệt ngã đối với sự sống. Nhưng “sự sống không bao giờ chán nản”, trên bức tường ấy, đâu đây vẫn “lan óng mềm” và hoa bầu vẫn “cười hồn nhiên”. Hình ảnh thơ đó không chỉ phản ánh sức sống bất diệt của tạo vật và con người trước khắc nghiệt của quy luật sinh tồn, mà sâu xa hơn còn là một thông điệp tác giả muốn nhắn gửi tới mọi người về sự nuôi dưỡng một ý chí vươn lên mạnh mẽ trước sóng gió bão táp của cuộc đời.

Phải chăng Trần Thị Nương luôn luôn mong ước “Trên bức tường mảnh chai”, “dây bầu xanh thanh thản”, nên mạch cảm xúc thơ của chị cứ trải ra, trải ra: Đom đóm bay bay qua bức tường mảnh chai/ Gặp dây bầu bật lên thành đốm lửa… và mặt trời đi qua bức tường mảnh chai/ Trổ những nụ nắng ngần/ Hóa thành dây ánh sáng? Tôi đồ rằng, những dây bầu xanh với sức sống mãnh liệt trong sự thăng hoa của tâm hồn “hóa thành dây ánh sáng” đó đã soi rọi, dẫn Trần Thị Nương dũng cảm dấn thân vào cái nghiệp thi ca càng đắng đót càng lắm ngọt ngào trong cuộc kiếm tìm không mệt mỏi trên cánh đồng thi ca của riêng mình. Đó là cánh đồng đòi hỏi người thơ phải lao tâm khổ tứ mới mong gặt hái được một mùa vàng lấp lánh con chữ:

Tháng năm gieo chữ âm thầm/ Li ti… nuôi cả mạch ngầm đất đai (Có một cánh đồng).

Cánh đồng ấy nếu say mê dốc hết tâm huyết “truân chuyên nuôi dưỡng”, không quản gian lao khổ ải, mang nặng đẻ đau, thì sẽ là một cánh đồng huyền diệu, tựa như “Chân mây vừa bắc cầu vồng trong mưa”. Bởi “Rừng bao cây gọi rừng thưa/ Giấy bao nhiêu chữ cho vừa nhân gian?”.

Đây là một quan niệm thơ thấm đẫm tính nhân văn: Chỉ có vì con người, vì nhân gian thì trên “cánh đồng giấy trắng”, thơ ca mới “bật chồi đơm hoa”. Đúng như Nguyễn Văn Siêu đã từng nói: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người. Loại không đáng thời là loại chuyên chú ở văn chương”.

Trần Thị Nương đã thành công ở một số lát cắt cuộc đời trong cuộc tìm kiếm những “Mặt trời Người” của mình - những Mặt người thật ở đằng sau như chị đã phát hiện. Cảm thức của chị về những “mặt người” đó thể hiện khái quát ở ba loại người với những nét chấm phá đầy ấn tượng: Loại người “bừng nét gương hoa”, loại người “hằn dấu phân vân” và loại người “ảo thuật đời thường”. Những nét chấm phá đó đã làm nổi bật lên một dòng người “chảy túa ban mai” để đi đến một sự cảm nhận thấu đáo cái bản chất của những “Mặt người thật ở đằng sau”.

Cảm động biết bao khi Trần Thị Nương tỏ lòng biết ơn chân thành người mẹ chồng mà chị coi như mẹ đẻ với niềm mong ước thấm đẫm lòng hiếu thảo “Ước làm cau ngát mùa hoa/ Sum suê trầu thắm mặn mà mẹ têm” (Dâng mẹ). Bởi mẹ đã cho con “người đàn ông cương trực” mà mẹ đã nuôi dưỡng “dòng sữa của cánh đồng gió thốc” để con được vừa làm người đi bộ vừa bay…

Cũng có lúc Trần Thị Nương cảm thấy “cô đơn”. Cái phẩm chất cô đơn khó lấp đầy của thi sĩ.

Ta chẵn thế mà sao ta lẻ thế/ Ngày mỗi ngày nghìn cây số không nhau” (Chẵn lẻ).

Không mở rộng lòng lắng nghe và đón đợi, không thể nhận chân ra mình sâu lắng đến thế này: “Có lúc chẵn khía vào ta đau khổ/ Có lúc lẻ loi – hạnh phúc tràn đầy”…

Quang Hoài
.
.