Đồ Sơn ngoại chuyện

Thứ Tư, 02/01/2008, 14:00
Trại Sáng tác văn học đề tài " Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Báo CAND và Chi hội Nhà văn Công an phối hợp tổ chức (tại Đồ Sơn, Hải Phòng) đã kết thúc vào trung tuần tháng 10/2007. Sau một tháng dự trại, nhiều nhà văn đã cho ra đời những truyện ngắn, bút ký và những tập tiểu thuyết mới... Bài viết này chỉ kể lại đôi chuyện vui sau phút lao động nghệ thuật miệt mài của các nhà văn...

Lạc giữa vườn Lê Tảo

Trại viết văn Đồ Sơn có 5 người đẹp, đó là Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Tôn Phương Lan, Thu Trang và Trần Thanh Hà. Các chị Khuê, Lan, Trang nhoáng cái đã về Hà Nội, Hà thì ốm chưa xuống được nên chỉ còn lại người đẹp của bản địa là Đoàn Lê

Trại viết cũng có một "gã" vừa nhận giải A thơ tình của báo Văn nghệ trẻ. Đó là Vương Tâm. Cha này vốn làm báo nên rất "láu" trong mặt khai thác đề tài. Trong khi một số các nam nhà văn còn đang ngơ ngẩn vì sự thiếu vắng của mấy người đẹp Hà thành thì Vương Tâm đã độc hành trên phố biển rồi lạc vào vườn Lê Tảo lúc nào không biết.

Vườn ấy là vườn của hai chị em nhà văn Đoàn Lê và Đoàn Thị Tảo. Trong khu vườn ấy ngoài rất nhiều cây trái còn có các thiếu nữ rất xinh đẹp và hồn nhiên trên toan trên vải mà họa sĩ Đoàn Lê căn cơ tiết kiệm từng li vải một để tạo nên vẻ đẹp của thân thể người con gái. Tiếc là chỉ được gặp người đẹp trong tranh! Còn cái nàng "Thế là chị ơi... rụng bông hoa gạo" nữa... Vương Tâm cũng đã có những dòng cảm xúc riêng.

Như vậy là với cuộc đột kích này đã cho Vương Tâm có ngay bài viết về nhà văn Đoàn Lê trên báo Văn nghệ Công an. Anh còn một bài viết để dành về cây bút thơ Đoàn Thị Tảo nữa...

Công lênh đến vườn Lê Tảo là vậy mà Vương Tâm lại phải về Hà Nội rất sớm để bay đi Sài Gòn lo chuyện riêng cho con trai:

- Các bác mừng cho tôi. Cháu năm nay đã ba lăm tuổi...

Có người nói vui:

- Thế là sớm đấy. Bố nó ngót sáu mươi mới lập lại gia đình cơ mà!

Vương Tâm chỉ biết cười.

Các nhà văn tham gia Trại sáng tác Văn học "Vì ANTQ và bình yên cuộc sống" (Đồ Sơn 2007).

Bầu bệnh túi văn

Gần chiều phòng tôi ở bị kẹt mở. Lọt giữa khuôn cửa là một khuôn mặt màu nâu mật:

- Báo cáo Phan Quế, đã xong rồi nhé.

Tôi ngầm hiểu. Hôm qua nhà văn Nguyễn Quang Hà lên du ngoạn Hải Phòng. Nghe phong thanh ở trên ấy đang có trưng bày "Thời trang Huế" nên anh trai Bắc Giang con rể của sông Hương này đi là phải. Nhìn lại màu mặt anh chiều ấy tôi thấy mình nhầm. Nó không có màu da bánh mật của đồng đất trung du Bắc Bộ mà tím rặt một màu tím Huế.

Nguyễn Quang Hà có bệnh trọng về tiêu hóa đã lâu nên luôn phải đeo bên mình một cái túi thủ thuật của y học. Anh đến với trại viết văn công an lần này là lần thứ hai. Con người ấy cần cù như người cày khoán trên những trang giấy của mình. Trong trại lần anh có một truyện vừa mang cái tên rất lạ "Kính gửi nhà văn Ma Văn Kháng". Tôi đọc và nói vui với Nguyễn Quang Hà là "Đồng sàng đồng mộng đây"...

Vốn kiêng khem nào ngờ một bữa trưa Nguyễn Quang Hà trổ tài  trước bạn bè làm liền liền mấy chén "nước trắng" rồi sau đó cảm xúc quá anh đã biến năm ngón tay mình thành đũa để gắp canh rau ngót...

Hôm sau bọn tôi lên thăm.  Lúc này anh thợ cày Nguyễn Quang Hà  tỉnh táo như chưa hề có chuyện gì xảy ra rồi hồn nhiên, rất chân thành khoe với bạn bè:

- Ba ngày chín cái nhá...

 Sau mới tóe loe ra về lời khoe rất chi thật thà kia của Nguyễn Quang Hà. Thì ra đấy là thành tựu. "Ba ngày chín cái ấy” của anh là "chín cái văn xuôi" anh vừa vỡ vạc và hư cấu xong.

Thật mừng cho cái bầu bệnh đeo bên người đã mười năm rồi cứ trơ ra còn bầu văn của anh thì cứ ngày một đầy lên dần!

Hàng hơi có... thâm niên

Biển Đồ Sơn thật hào phóng. Ai muốn xuống đó mà vùng vẫy chẳng được. Hàng chục cây số ven biển đã được kè đá và xây bậc lên xuống. Chỉ mỗi tội là nước biển Đồ Sơn ngày mấy lần thay đổi màu. Đúng thôi. Biển ở giữa hai sông làm sao không giàu có phù sa cho được. Mà nhiều phù sa thì những người xuống tắm càng màu mỡ lên chứ sao.

Có một anh chàng khét tiếng trong làng văn vì bơi trên hồ Đại Lải. Vừa xuống Đồ Sơn chàng ta đã phăm phăm ra vùng vẫy. Nhìn chàng bơi xa đến lút cả mắt mà thấy kiêng nể. Cái anh chàng bơi trên biển Đồ Sơn để tôi chỉ nhìn thấy đầu như một cái chấm chính là nhà văn Đào Thắng.

Tuy vậy tôi vẫn không phục bằng hai vị này.

Một ông ngoài tám mươi, một ông ngót bảy mươi nếu về làng có khi phải tới hàng tiểu đoàn người gọi mình bằng ông bằng cụ. Vậy mà hầu hết các buổi chiều hai vị ấy đều rủ nhau dập dềnh dỡn sóng.

Nhìn nhị vị cao niên mình trần quần cộc một manh hòa mình trong biển cả rồi sau đó ưỡn mình đi về nhà nghỉ trên con đường ven biển Đồ Sơn, tôi tự hào nói với người bạn văn đi bên cạnh:

- Đáng phục chưa.

Bạn tôi hưởng ứng:

- Hàng này mới là hàng xịn đấy ông ạ.

Bất ngờ đằng sau có một tiếng cười rất trẻ và một giọng nói trong veo lọt vào tai tôi:

- Hàng tốt đấy nhưng hơi có thâm niên các chú ạ.

 Tôi không dám quay lại. Toát mồ hôi cho cả chính mình nữa.

Tôi chỉ kể cho các bạn nghe thôi đấy. Xin ai chớ nhẹ miệng nói cho nhà văn Lương Sĩ Cầm và nhà văn Trần Hữu Tòng biết là tôi rất có thể bị kiểm thảo tới vài trang giấy đấy.--PageBreak--

Chuyên gia di động

Năm nay đi trại nhà văn Mai Vũ đã được phép "thủ trưởng Oanh" cho mang theo điện thoại di động. Nghe nói đâu như đây là món quà "hối lộ" của con rể.

Nói chính xác hơn là trước khi đến trại văn anh đã có món liên lạc này rồi. Chả thế mà những ngày lên họp ở Chi hội Nhà văn Công an (66 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội) cứ thấy anh luôn luôn lúng túng và bận bịu về cái đồ mới được đeo ở cạnh thắt lưng này.

Không phải nhiều người gọi, nhiều người nhắn tin. Mai Vũ là người đang có "trọng trách" dần ở Chi hội Nhà văn Công an nên anh phải dùng điện thoại phục vụ cho công việc chung là đúng thôi. Phải cái của di động này thì bao nhiêu chức năng mà đầu óc cái người ngoài sáu mươi nhớ quên rất thất thường.

Biết tôi cũng có cái di động cùng hãng được con trai cả mới mua cho nên vừa ló mặt chào ngài Ngôn Vĩnh được một câu tôi đã bị Mai Vũ lôi xuống ghế bắt hướng dẫn cách sử dụng. Cái loại NOKIA này vốn thông dụng.

Nói thông dụng là thông dụng với người khác nhưng nào đã thông dụng với chúng tôi cho nên quả là một sự khó khi phải học "a lô" bằng máy. Tôi thành người hướng dẫn cho Mai Vũ cách sử dụng. Cũng chỉ được mấy đường là hết võ. Hôm ấy tôi bảo Mai Vũ: Mình hướng dẫn cho ông khác nào thằng thông manh chỉ đường cho thằng mù.

Xuống đến Đồ Sơn công việc của Mai Vũ bận nhiều. Anh là phần lãnh đạo đối ngoại. Mai Vũ tất bật với công việc lúc gác trên khi gác dưới. Có lúc anh còn lún sâu cả vào "Đặc nhiệm H88" có chú em đạo diễn Trung Thực giúp dàn cảnh, phân cảnh.

Việc hoa cả mắt, rã rời cả chân tay, luôn luôn hết lên lại xuống như thế thì làm sao mà Mai Vũ ôm khư khư mãi cái máy cố định cho được. Và tất nhiên cái máy di động của anh được bà xã tin tưởng trao cho đã phát huy hết công suất tuy thỉnh thoảng "chuyên gia" vẫn phải nhờ người nọ, người kia hướng dẫn cách bấm, cách tìm...

Đôi dòng hậu bút

Nhà văn trẻ Phan Đình Minh sau khi chụp lén một loạt chân dung của các nhà văn rồi tút về Hà Nội mãi mới mang ảnh xuống. Các khuôn trăng tròn méo cùng với vài lời của mình sẽ được chiềng thiên hạ nếu Văn nghệ Công an đồng ý cho in. Phải nói Minh là tay nháy nghiệp dư nhưng chân dung các nhà văn khi thành ảnh trông ra dáng ra phết. Riêng tôi - cái gã đàn ông đã 64 tuổi rồi mà sao Minh chụp trông cứ trẻ như thằng bé mới có... ba mươi.

Riêng tôi. Chắc mọi người cũng thế. Tình cảm thật nhiều. Nỗi nhớ cũng thật nhiều với nơi đã chăm sóc mình như người thân trong một tháng trời ở trại văn, đó là Nhà nghỉ dưỡng Hải Yến, Đồ Sơn - Bộ Công an:

Cảm ơn nhà nghỉ Đồ Sơn
Hẹn rồi mai mốt sẽ còn về thăm...

.
.