Đỗ Phấn "vắng mặt" để hiện diện văn đàn

Thứ Năm, 22/07/2010, 08:23
Khi tiểu thuyết "Vắng mặt" lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Bách Việt, không ít người tự hỏi, tác giả của nó, Đỗ Phấn là ai thế nhỉ? Mặc dù đã xuất bản vài ba tập truyện ngắn và tản văn, nhưng Đỗ Phấn vẫn là một gương mặt tương đối xa lạ với độc giả. Nhưng nói về một Đỗ Phấn họa sĩ thì rất nhiều người quen tên, quen mặt, quen tác phẩm của anh.

Viết văn là một cuộc chơi tay ngang của Đỗ Phấn, dù anh tâm sự văn chương làm anh mê mẩn từ tấm bé, hơn cả hội họa. Vì tay ngang nên cũng ít nhiều ngần ngại, Đỗ Phấn cứ viết xong thì để vào ngăn kéo, xem như là văn bản những cuộc tự trò chuyện với chính mình. Nhưng khi đã đến được với công chúng thì xem chừng các trang viết của Đỗ Phấn cũng biết cách để chiếm hữu tình yêu của họ.

- Thưa họa sĩ Đỗ Phấn, người ta nói vẽ là công việc tự do hơn viết. Trải nghiệm cả hai công việc này rồi, anh thấy sao?

+ Theo tôi thì viết còn tự do hơn là vẽ. Vẽ là công việc vất vả cả về trí óc lẫn chân tay, rồi lại phải có chỗ để bày nó ra cho công chúng thưởng thức. Vẽ không có những nguyên tắc theo kiểu văn chương, mà phụ thuộc vào cảm xúc của mỗi người. Thoạt nhìn thì vẽ có vẻ tự do hơn, nhưng thực tế thì văn chương xưa vẫn nằm trong vùng dễ hiểu, dễ cảm thụ hơn vẽ.

- Vậy thì vẽ hay là viết cho người sáng tạo nhiều công chúng hơn, thưa anh?

+ Tôi tin là nhà văn có nhiều công chúng hơn họa sĩ. Cứ thử làm một phép toán thế này: Tôi đã có 35 năm cầm cọ, đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, và triển lãm của mình cũng là tương đối người xem. Nhưng khi tôi giở băng ghi hình ra lẩm nhẩm đếm thì có một tổng kết thế này: Mỗi cuộc triển lãm đông nhất là có khoảng 300 người xem. Khai mạc có khoảng 100 người đến dự, và một tuần diễn ra triển lãm thì có thêm khoảng 200 công chúng nữa. Trong khi đó một tiểu thuyết "bét" ra tôi cũng phải có hơn 300 bạn đọc. Cuốn "Vắng mặt" của tôi bên Công ty Bách Việt người ta in 2.000 cuốn. Công chúng văn học theo tôi là trực tiếp hơn công chúng hội họa. Họ đọc sách mình và họ  có thể hiểu được những điều mình viết nhanh hơn khi mình vẽ.

- Về cuốn tiểu thuyết "Vắng mặt" của anh, tác phẩm vừa lọt vào chung khảo giải văn Bách Việt, tôi đọc và suy nghĩ thế này: Nhân vật chính trong tiểu thuyết của anh cảm giác như bị vong thân, bị suy tàn, hiển hiện đấy mà như đã vắng mặt từ lâu trong đời sống rồi. Tôi nhận ra cái đời sống ấy, những con người ấy, thành phố ấy và những câu chuyện trong sách của anh, mình đang gặp đâu đây hàng ngày. Cho dù anh có nói ngay phần đầu tiểu thuyết là anh "hư cấu" thì tôi vẫn tin rằng thực ra anh chỉ sắp xếp lại những câu chuyện thật của cuộc đời để làm nên tác phẩm của mình thôi, anh nghĩ sao?

+ Cái chuyện đề từ cho cuốn "Vắng mặt" rằng đây là một tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu thì cũng bắt đầu từ một nỗi sợ ở tôi thôi. Người viết chuyên nghiệp ai mà chả hiểu tiểu thuyết là hư cấu. Nhưng tôi là người viết nghiệp dư, tôi cứ đề thế "cho lành", để tránh những phiền hà. Không ít bạn bè đọc sách thì tưởng tôi viết về chuyện thật của họ.

- Trong tiểu thuyết của anh có rất nhiều trang viết về đàn bà và sex một cách khá thẳng thừng. Là họa sĩ "đá ngang" sang văn chương, anh đang được nhiều người gọi vui là "nhà văn trẻ". Vậy sex trong tác phẩm của nhà văn trẻ Đỗ Phấn khác với sex trong tác phẩm của các nhà văn trẻ khác ở điểm nào?

+ Tôi cho rằng có một cái khác cơ bản giữa tôi và các nhà văn trẻ khác trong việc đề cập vấn đề sex. Nhiều nhà văn trẻ hiện nay khi sáng tác họ dùng tình dục như một cứu cánh. Còn tôi thì không như vậy. Tình dục chỉ là một cách giúp tôi đi đến một chủ đề khác, là cảm giác vong thân, vắng mặt của con người, như bạn đã nói ở câu hỏi trước. Tôi muốn đẩy cho nhân vật chính của mình rơi vào trạng thái ê chề đến mức vắng mặt, và sex chính là một phương cách hiệu quả để tôi biểu đạt chủ đề ấy.

- Trong thực tế, khi nào thì cảm giác "vắng mặt" xuất hiện nơi anh?

+ Nói thật là cảm giác "vắng mặt" xuất hiện trong tôi đã từ lâu lắm. Thời trẻ tôi học Trường đại học Xây dựng, rồi bỏ lửng tôi đi học Đại học Mỹ thuật. Ra trường, làm giảng viên mỹ thuật, tôi tự thấy mình cứ ngơ ngơ thế nào ấy, không nhập được vào đời sống. Rồi tôi bỏ dạy học vì chán chường. Đồng nghiệp cứ tưởng tôi đã chuyển đến nơi nào lương cao hơn. Thực ra tôi ở nhà, vẽ tự do.

- Trong việc viết văn, ai có ảnh hưởng tới anh nhất?

+ Tôi không những không có một người thầy văn chương nào mà còn ngại ngần đến mức không dám mang văn của mình cho người viết chuyên nghiệp đọc. Thảng hoặc tôi mới đưa những trang viết của mình cho vài người bạn tôi chơi thân thiết để họ đọc và góp ý. Việc mang tiểu thuyết "Vắng mặt" dự thi giải Bách Việt với tôi là hoàn toàn bất ngờ. Một anh bạn nhà văn sau khi đọc mấy cuốn tản văn và truyện ngắn của tôi thì khuyên tôi viết tiểu thuyết. Tôi mới nói thực rằng, tôi đã viết tiểu thuyết rồi, nhưng cứ để đấy thôi, chả dám cho ai xem. Bạn tôi xem xong thì ngấm ngầm mang gửi dự thi giải Bách Việt. Việc sách của mình lọt vào chung khảo giải Bách Việt khiến tôi rất bất ngờ. Vui nhất là sách của mình được độc giả đón nhận, chia sẻ, trong đó có thành viên ban giám khảo.

- Được biết sắp tới anh sẽ tiếp tục xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết nữa, cũng về đề tài trí thức thành thị. Vì sao anh lại quan tâm đến đối tượng này trong tác phẩm của mình?

+ Khi viết tôi thường viết những gì mình trải nghiệm. Tôi quan tâm đến đề tài trí thức thành thị vì chính tôi đang sống và hoạt động ở trong "khu vực" đó. Hàng thế kỷ qua đời sống đô thị của ta có thể im lìm, ít biến động, nhưng trong khoảng vài ba chục năm nay thì tốc độ thay đổi rất mạnh mẽ. Trong sự phá vỡ ấy có nhiều cái hay nhưng cũng có không ít cái dở. Nhìn ra thế giới thì đây cũng là vấn đề chung của nhiều đô thị khác nhau. Chẳng hạn, khi đến Hà Lan tôi cũng được chứng kiến cảnh nhiều người bỏ đô thị về quê vì không chịu được sự xâm lăng về văn hóa, nhân khẩu, khi làn sóng những người ở nông thôn ồ ạt đổ về thành phố.

Như một tất yếu, khi đời sống đô thị thay đổi thì đời sống của người trí thức cũng có những thay đổi. Vì trí thức là đối tượng gắn liền với đô thị. Người trí thức của ta nếu mấy chục năm trước đây họ yên tâm với đời sống, công việc và đồng lương, thu nhập của mình thì nay họ không còn yên tâm với điều đó nữa. Trí tuệ của người trí thức trước đây được dùng vào một việc duy nhất là chuyên môn thôi thì giờ đây môi trường hoạt động của họ rộng hơn. Nó đối lập với chất lượng trí tuệ. Không còn hình mẫu người trí thức cổ, nghĩa là có kiến thức sâu rộng, uyên bác về chuyên môn của mình. Dường như trí thức ngày nay hời hợt hơn, và mục tiêu của họ cũng cụ thể hơn, không chung chung như trước kia nữa.

Theo tôi để vẽ chân dung người trí thức hôm nay quả thật là rất khó. Đó là khuôn mặt nhiều biến ảo, đa dạng và phức tạp.

- Tôi đã từng đọc ở đâu đó một ý kiến anh nói về hội họa, rằng anh mới chỉ có những"sản phẩm" hội họa thôi, chứ thực ra chưa có tác phẩm hội họa đúng nghĩa. Vậy thì với tác phẩm văn học mà anh đã viết, anh có dành cho nó một nhận xét bớt khắt khe hơn không?

+ Tôi nói về hội họa không chỉ của tôi mà là của phần lớn các họa sĩ Việt Nam. Chúng ta mới chỉ là làm ra những "sản phẩm" hội họa để trang trí, để phục vụ chính trị là chính. Câu hỏi đặt ra thế nào là một tác phẩm hội họa đúng nghĩa đây? Theo tôi, một tác phẩm đích thực phải thỏa mãn các yếu tố về tư tưởng, về cái đẹp, về tính nhân văn, về tính đại chúng. Cứ theo những tiêu chí này, nhìn một cách khách quan tôi thấy mỹ thuật của ta chưa có tác phẩm đúng nghĩa. Nhưng với tác phẩm văn học thì tôi lại có cái nhìn rộng rãi hơn. Vì tính chất đại chúng của văn chương dễ đạt được hơn là của hội họa.

- Bỏ công việc giảng dạy để vẽ và viết tự do, anh có bị áp lực về chuyện "miếng cơm manh áo" như nhiều văn nghệ sĩ khác không?

+ Tôi không gặp áp lực ấy. Vì nhu cầu của tôi rất đơn giản. Tôi không thích xe hơi, nhà lầu. Mỗi năm tôi bán vài ba cái tranh để tự lo cho đời sống của mình. Việc bán tranh tôi hoàn toàn không mặn mà lắm. Tôi có lẽ là họa sĩ duy nhất ở Việt Nam không bao giờ gửi tranh ở các gallery.

- Với những tác phẩm văn học đã xuất bản và ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc, anh có dự định gì trong tương lai với việc viết không?

+ Tôi không có dự định gì với việc viết cả. Viết lâu dài hay không viết nữa là hoàn toàn phụ thuộc vào tâm lý của tôi. Tôi vẫn nói rằng viết văn chỉ là để dạo chơi thôi, nhưng thực tế công việc rất nhọc nhằn. Vẽ cho tôi khoái cảm lớn hơn và trực tiếp hơn là viết. Tôi chỉ thực sự hưởng thụ được chút ít niềm vui khi đã viết xong và ngồi chỉnh sửa lại bản thảo của mình.

- Xin cảm ơn họa sĩ Đỗ Phấn

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.