Điêu khắc vườn Hà Nội: Tượng cũng cần thở

Thứ Ba, 31/10/2006, 10:30

Sự rườm rà trong kết cấu là điều dễ gặp tại bất cứ vườn tượng nào ở Hà Nội. Nhiều người liên tưởng rằng, vườn tượng mà xếp đều san sát như “nghĩa địa” thế hẳn sẽ khiến tượng không còn không gian… để thở.

Hẳn nhiều người vẫn nhớ không khí hồ hởi của các nhà điêu khắc cùng khách dự khi khai trương một vườn tượng ở bên cạnh tháp Bút, vườn hoa Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm cách đây một năm. Thế mà giờ đây người xem đã trở nên  thờ ơ vì những bức tượng ấy không gây ấn tượng gì đặc sắc, hơn nữa  lại “bị” bày san sát, lổn nhổn trong một diện tích rất hẹp. Thành phố cho bày thì cứ bày, chất lượng ra sao thì còn nhiều chuyện phải bàn. Thậm chí, một số tượng đã gãy đổ cũng chẳng có ai quan tâm, đoái hoài, tựa như họ coi đó là những tảng đá… hoang phế!

Cùng  cảnh với cụm tượng ở vườn hoa Ngọc Sơn, còn có những cụm tượng ở công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, công viên Bách Thảo, công viên Hàng Đậu… cũng đều bị nhận sự bàng quan hàng chục năm nay, không nâng cấp, không đổi mới và phó mặc cho thời gian. Vậy đã đến lúc, ta cần phải suy nghĩ lại loại hình này, bởi  điêu khắc vườn là một nhu cầu thiết yếu của chúng ta, là những điểm nhấn mỹ cảm làm cân bằng tâm hồn con người trong quá trình đô thị hóa ồ ạt.

Có lẽ cụm tượng sinh hoạt được thiết kế sớm nhất ở công viên Thống Nhất. Tại đây một số tượng đã tạo được dấu ấn nhất định mặc dù chúng cũng chỉ thuộc những môtíp quen thuộc như “Thiếu nữ tóc dài”, “Chiến sĩ khoác súng”, “Mẹ con”, “Chị em”… Riêng tác phẩm điêu khắc “Chị em kéo co”  thu hút khá nhiều người xem. Hơn nữa, vị trí được bày của nó cũng gây được sự chú ý của mọi người. Còn lại một số tượng sinh hoạt khác lại khô cứng và nhàm.

Sau này, những cụm tượng có sức truyền cảm nghệ thuật cao hơn, được tổ chức ở công viên Bách Thảo, thì lại bày đặt nặng nề. Ở đây, nghệ thuật sắp đặt bị loại trừ, dường như nhà tổ chức không quan tâm giá trị của từng tác phẩm độc lập, nên để chúng co cụm lại trong một không gian chật hẹp. Vì lẽ đó, ánh sáng của từng tác phẩm không được hắt lên vẻ lấp lánh mà chúng lại triệt tiêu nhau tạo nên cảm giác khó thở.

Tuy vậy, bức tượng “Tình yêu” của một điêu khắc gia Trung Quốc và bức tượng “Suối tóc” lại nổi trội lên bởi được bày cách xa nhau và cách xa những mảng những khối, xen kẽ cả sắt thép nặng nề. Đối diện với cụm tượng này ở sát bên hồ thì tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị lại có dấu ấn khác biệt và có sức truyền cảm đúng với nghĩa làm giảm stress cho tâm lý người xem trước nhịp sống đô thị hiện đại. Hơn nữa, sự giản dị trên cơ sở lắp ghép và biến tấu của 7 modun như 7 nốt nhạc vậy vừa tạo hình nhuần nhị, dễ chịu và có sức ngân nga lãng đãng bên hàng liễu rủ.

Mới đây, tại vườn hoa Hàng Đậu người ta dựng lên một tác phẩm gần với tượng phù điêu 2 mặt, mang chủ đề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tác phẩm đặc sắc, gây ấn tượng mạnh nhưng lại  quá lớn so với công viên Hàng Đậu nhỏ bé. Nó chính là tượng quảng trường hơn là tượng vườn.

Thật ra, các điêu khắc gia của ta hiện nay có thể tham khảo các vườn tượng được gọi là thành công của một số bậc tiền bối. Trước hết có thể kể đến vườn tượng Điềm Phùng Thị ở Huế. Cũng vẫn với 7 modun ghép và biến tấu của mình, từ hình người chắp tay, bổ sung một số modun, bà tạo nên một ông quan, hoặc bớt đi lại thành bông hoa đáng yêu… Đó là thế giới chữ cái đặc sắc triết lý phương Đông. Tại nhà vườn, biệt thự số 1 phố Phan Bội Châu, TP Huế là một mẫu vườn tượng. Tuy vậy cái khéo là bà đã bày đặt có nghệ thuật tạo nên cảm giác dễ chịu với 175 tác phẩm.

Còn mới đây, nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm Văn Hạng đã thiết kế vườn tượng đầu tiên ở thành phố Đà Lạt. Những tác phẩm của ông được bày khá phong phú và đa dạng về ngôn ngữ thể hiện. Có tác phẩm hiện thực như “Người thiếu phụ và con thơ” nhưng cũng lại có nhiều tác phẩm có tính biểu cảm cao bởi những hình khối lớn và những nét tạc, chém mạnh mẽ, tạo xúc cảm dào dạt như “Bầu sữa khổng lồ”…

Những công trình trên đáng để các nhà điêu khắc tham khảo trong quá trình sáng tác tượng thích hợp với những vườn hoa ở thủ đô, tránh đi sự lãng phí và sự đơn điệu bấy nay.

Không riêng gì Hà Nội, ngay ở TP HCM cũng gặp phải sự rườm rà trong kết cấu một vườn tượng.Ví dụ 40 tác phẩm tượng ở vườn hoa Tao Đàn được bày khá lộn xộn, áp  đặt trong một vườn nhỏ, mà theo ý kiến của nhiều nhà phê bình mỹ thuật thì ở những nơi như công viên Tao Đàn hay vườn hoa Ngọc Sơn cũng vậy, chỉ nên có 4 hoặc 5 tượng được chọn lọc với kích cỡ độ cao thích hợp thì sẽ tạo được sự chú ý của người xem. Bởi lẽ có người liên tưởng rằng, vườn tượng mà xếp đều san sát như “nghĩa địa” thế hẳn sẽ khiến tượng không còn không gian… để thở

Vương Tâm
.
.