Diễn viên dòng phim cổ trang: Vừa thiếu vừa yếu

Thứ Hai, 21/05/2012, 08:00
Thời gian vừa qua, phim cổ trang được sản xuất khá nhiều nhưng ít diễn viên khẳng định được tài năng ở lĩnh vực phim đặc biệt này, nếu không muốn nói là còn khiến chất lượng phim sụt giảm. Tiêu biểu như phim "Anh chàng vượt thời gian". Bên cạnh bối cảnh phim đơn điệu thì diễn xuất vô hồn của các diễn viên đã kéo phim xuống hàng "thảm họa phim Việt"...

1. Một dự án phim đang thu hút sự quan tâm của những người yêu điện ảnh hiện nay là phim "Thạch Sanh" được làm theo kỹ xảo 3D. Tuy nhiên, theo đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu thì hơn một tháng qua, đoàn làm phim đã ráo riết tìm người đóng vai chính Thạch Sanh nhưng vẫn chưa có kết quả. Không chỉ vai Thạch Sanh mà ngay cả vai công chúa trong phim cũng chưa chốt vào danh sách cuối cùng. Trước phim "Thạch Sanh", một loạt những bộ phim cổ trang Việt Nam đã ra mắt khán giả. Tuy nhiên, nhiều "hạt sạn" trong phim đã được khán giả chỉ ra, trong đó "sạn" có nguyên nhân chủ yếu là diễn viên vào vai chưa phù hợp.

Phía nhà sản xuất phim "Thạch Sanh" cho biết, tiêu chuẩn để chọn diễn viên đóng vai Thạch Sanh là: Diễn viên nam có khuôn mặt hiền lành, tuổi từ 18 đến 25, cao từ 1m75 trở lên, ngoại hình đẹp, biết diễn xuất, có phẩm chất đạo đức tốt, đam mê nghệ thuật... Thiết nghĩ, tiêu chuẩn như thế không phải là quá ngặt nghèo. Nhưng đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu nhăn nhó: "Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi, thử vai vài người nhưng chưa chọn được. Người đáp ứng được mặt này lại thiếu mặt khác". Đạo diễn phim băn khoăn bởi từ trước đến nay, trong truyền thuyết, Thạch Sanh vốn được định hình trong lòng nhân dân là một hình tượng đẹp, anh hùng. Nếu chọn không đúng người sẽ gây phản cảm với người xem và phản ứng không tốt trong dư luận.

Dù đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng Lý Hùng vẫn là gương mặt sáng giá để vào vai Hoàng đế Quang Trung trong phim “Tây Sơn hào kiệt”.

Không phải chỉ riêng đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu mà nhiều đạo diễn khác khi bắt tay vào thực hiện những bộ phim cổ trang, bên cạnh mối lo lắng về phục trang, bối cảnh thì mối quan tâm nhất của họ có lẽ vẫn là làm thế nào để chọn được những diễn viên phù hợp. Không giống như những thể loại phim khác, phim cổ trang thuộc dạng kén diễn viên nhất. Khi chọn diễn viên, bên cạnh tiêu chí về tài năng diễn xuất thì một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là dung mạo, thần thái của diễn viên phải phù hợp với nhân vật. Trong buổi ra mắt phim "Long thành cầm giả ca", đạo diễn Đào Bá Sơn đã chia sẻ rằng, ông đã mất rất nhiều thời gian và thử qua nhiều diễn viên mới chọn được diễn viên Quách Ngọc Ngoan cho vai diễn Tố Như trong phim. Bởi sau khi hóa trang, ở Quách Ngọc Ngoan có được cái thần thái nho nhã của người làm văn chương, đúng với hình dung về thi hào Nguyễn Du. Cũng như trong một loạt phim cổ trang làm về vua Lý Công Uẩn nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các đạo diễn đã phải đau đầu để chọn được diễn viên có thể đảm nhiệm vị vua anh minh này. Việc chọn ai vào vai Lý Công Uẩn ngày ấy đã từng là đề tài được dư luận quan tâm và bàn tán sôi nổi.

Và, không phải đạo diễn nào cũng thành công khi "chọn mặt gửi vàng" cho đứa con tinh thần của mình. Khi bộ phim "Lục Vân Tiên" hoàn thành, bên cạnh nhân vật Lục Vân Tiên do diễn viên Chi Bảo đảm nhiệm khiến khán giả khá hài lòng thì nhân vật Kiều Nguyệt Nga do Hồng Ánh thủ vai vẫn khiến khán giả thấy "gợn gợn". Không ai bàn cãi về khả năng diễn xuất của diễn viên Hồng Ánh nhưng ở Hồng Ánh vẫn chưa toát lên được cái mềm mại, đài các mà khán giả vẫn hình dung về Kiều Nguyệt Nga như trong áng thơ của cụ Đồ Chiểu.

Hơn 20 năm trôi qua, nhiều thế hệ diễn viên mới ra đời nhưng dường như hiếm nghệ sĩ nào khẳng định được tên tuổi với dòng phim cổ trang này. Thế nên mới có chuyện, năm 2008, khi bắt tay vào làm phim "Tây Sơn hào kiệt", đạo diễn Lý Huỳnh đã không còn lựa chọn nào khác đành phải bắt Lý Hùng "trẻ hóa" để vào vai Quang Trung vì theo ông: "Ngoài Lý Hùng, tôi không biết chọn ai". Dù khi đó, Lý Hùng đã béo và già đi nhiều so với thời vàng son trước đó. Quả thực, để vào vai Quang Trung, ngoài hình thức, khả năng diễn xuất thì tài võ lược là một điều kiện cần thiết, vì thế, không ai làm tốt hơn Lý Hùng.

2. Thời gian vừa qua, phim cổ trang được sản xuất khá nhiều nhưng ít diễn viên khẳng định được tài năng ở lĩnh vực phim đặc biệt này, nếu không muốn nói là còn khiến chất lượng phim sụt giảm. Tiêu biểu như phim "Anh chàng vượt thời gian". Bên cạnh bối cảnh phim đơn điệu thì diễn xuất vô hồn của các diễn viên đã kéo phim xuống hàng "thảm họa phim Việt". Nhân vật vua do Huỳnh Anh Tuấn hóa thân, gương mặt hóa trang quá hiện đại mà hành động cũng rất nhàm chán. Suốt nhiều tập chỉ thấy cảnh ôm ấp các cung nữ. Thủy Hương vào vai hoàng hậu quá cứng. Kim Hiền cũng còn quá nhiều nét hiện đại trên gương mặt, diễn xuất...

Bộ phim "Huyền sử thiên đô" sau khi phát sóng cũng khiến khán giả không mấy  hài lòng. Đơn giản như ở hai nữ diễn viên chính. Không ít người cho rằng nhan sắc của Thu Quỳnh chưa thật sự nổi bật để hóa thân vào vai công chúa. Còn vẻ đẹp quá hiện đại của siêu mẫu Bebe Phạm khi vào vai Giáng Bình, hồng nhan tri kỷ của vua Lý Công Uẩn lại càng khiến người xem thấy khiên cưỡng, khó thuyết phục...

Việc diễn viên vào vai những nhân vật cổ xưa chưa được khán giả hài lòng bởi họ đã đóng phim với tư thế, tác phong của người hiện đại. Thế mới có chuyện, ở nhiều phim cổ trang Việt Nam, cung nữ đi lại như người mẫu trên sàn diễn thời trang, anh hùng hảo hán lại hành động ẻo lả như ca sĩ Hàn Quốc... Chưa kể, với những cảnh quay cận cảnh, cử chỉ cần sự chính xác, tinh tế như viết thư pháp hay đọc sách thì nhiều diễn viên lộ rõ điểm yếu của mình.

Trước thực trạng thiếu diễn viên đóng phim cổ trang, đã từng có khóa đào tạo 3 tháng cho diễn viên chuyên biệt cho dòng phim này. Hai giảng viên chính là NSND Hoàng Dũng và NSƯT Minh Hòa, nhà thư pháp Trần Quang Đức, nghệ nhân Vũ Giỏi... Tuy nhiên, thời gian 3 tháng có lẽ mới chỉ là giải pháp tình thế,  đáp ứng được yêu cầu sơ đẳng nhất. Còn để có được một bộ phim cổ trang đích thực thì cần chiến lược dài hơi

Khánh Thảo
.
.