Điện ảnh với việc quảng bá hình ảnh đất nước: Cảnh đẹp cần có… phim hay

Thứ Sáu, 23/05/2008, 11:00
Từ lâu các nước láng giếng đã khai thác và phát huy triệt để thế mạnh của phim ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước. Trong khi ngành điện ảnh của ta vẫn lình xình với mấy hình ảnh xưa cũ và khô cứng mà không phát huy được thế mạnh "rừng vàng, biển bạc" vốn có...

Thời gian qua, Ban vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long đã phải rất nỗ lực để đưa Vịnh Hạ Long trở lại danh sách bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Vì mắc một số sai phạm trong cách tuyên truyền quảng bá, mà Vịnh Hạ Long cũng suýt trượt khỏi cuộc đua này.

Cuộc đua còn dài và sẽ còn nhiều thay đổi. Nhân đây mới thấy việc quảng bá hình ảnh đất nước không thể cứ rầm rộ hô hào, băng rôn quảng cáo nhiều mà được, đôi khi gây phản ứng ngược.

Từ lâu các nước láng giếng đã khai thác và phát huy triệt để thế mạnh của phim ảnh để quảng bá. Trong khi ngành điện ảnh của ta vẫn lình xình với mấy hình ảnh xưa cũ và khô cứng mà không phát huy được thế mạnh "rừng vàng, biển bạc" vốn có.

1. Những con sông thơ mộng cùng núi non hùng vĩ của các địa danh như Giang Tô, Triết Giang (Trung Quốc), nơi quay biết bao bộ phim nổi tiếng như "Phi thiên vũ", "Anh hùng", "Hồng lâu mộng", "Thái bình thiên quốc" được biết bao thế hệ người xem không chỉ của châu Á mà cả thế giới ngưỡng mộ.

Hay loạt phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc "Bản tình ca mùa đông", "Nàng Dae Chang Kum", "Huyền thoại lữ khách", "Truyền thuyết Ju Mong"... cũng tạo nên những cơn sốt du lịch Hàn Quốc tới thăm các cảnh trí trong phim như: Ngọn núi Hwang mae với đồng cỏ xanh ngút ngàn, tới đảo Jeju, Jaebudo đẹp đẽ thơ mộng trên biển Đông...

Các nước láng giếng như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... từ lâu đã dùng phim ảnh như một công cụ hữu hiệu quảng bá đất nước. Ngành du lịch và điện ảnh của họ đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Phim ăn khách, những địa điểm quay trở thành điểm du lịch lý tưởng.

Các nhà làm phim thì khai thác triệt để thế mạnh thiên nhiên trong nước, sau đó với cách quy hoạch tốt và nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước mà dần hình thành nên những trường quay, những tổ hợp phim trường thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Không chỉ "khoe" hình ảnh đất nước thanh bình, cảnh quan tươi đẹp mà họ còn khéo léo lồng vào phim hình ảnh đất nước hùng mạnh, thiên đường mua sắm với những sản phẩm đáng tin cậy, sành điệu và thời trang.

2. Trong bộ phim "Chuyện của Pao", các nhà thiết kế mỹ thuật và đạo diễn đã rất kỳ công khi bỏ nhiều thời gian tìm kiếm khắp núi rừng Tây Bắc và kết quả thật mỹ mãn khi họ chọn được những khung cảnh mờ sương, cánh đồng hoa cải vàng, lấp ló phía xa là ngôi nhà sàn xinh xắn cùng bức tường đá rêu phong.

Những cảnh trong phim "Dòng máu anh hùng" tái hiện những dãy nhà kiến trúc thuộc địa cổ kính, những chiếc ôtô, xe lửa hồi đầu thế kỷ XX cũng thật kỳ công. Cảnh đàn trâu đông đúc trên bạt ngàn ruộng ngập trắng nước trong phim "Mùa len trâu" cũng gây ấn tượng mạnh đối với người xem.

"Mê thảo - thời vang bóng" thì khai thác vẻ đẹp liêu trai của cây đa, bến nước, dòng sông hiền hòa. Những ngôi nhà cổ kính của Hội An trong phim "Áo lụa Hà Đông" hay "Dòng máu anh hùng" thật đẹp và quyến rũ. "Tuyết nhiệt đới", "Hoa dã quỳ" thì lấy bối cảnh những cánh đồng hoa, những con đường uốn khúc bên rừng thông Đà Lạt. 

Những phim kể trên đều có yếu tố ngoại hoặc do tư nhân đầu tư, nên các cảnh quay đã được chăm chút rất nhiều. Những đạo diễn Việt kiều cũng góp phần làm ra những bộ phim đậm chất quê hương, với những góc nhìn đầy tinh tế về cội rễ dân tộc, phát hiện được những nét đẹp mà chính người trong nước hàng ngày khó nhìn ra. Tuy nhiên các bối cảnh đều phải gỡ bỏ ngay sau khi quay xong, nên nếu có vì cảnh trong phim mà đến thăm quan sẽ phần nào bị thất vọng.

Một vài bộ phim trong nước như "Blouse trắng", "Giã từ dĩ vãng", "Thung lũng hoang vắng", "Đời cát"... cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm các khuôn hình đẹp. Nhưng đó là con số quá nhỏ so với hàng ngàn địa danh trên cả nước. Vấn đề kinh phí đang bó chân các đoàn làm phim, nhiều đạo diễn đã phải sửa kịch bản để chạy theo bối cảnh cho phù hợp với số tiền làm phim.

Mấy năm gần đây, số đầu phim tăng lên nhưng cảnh trí trong phim vẫn vậy. Các ngôi làng như Tây Mỗ, (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm), Thụy Hương, Hương Gia (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn) - Hà Nội do giữ được nhiều nét đặc trưng của làng quê nông thôn, lại thuận tiện đi lại nên gần 10 năm nay được đoàn làm phim quần thảo, phim nào cũng góp vài ba cảnh.

Nhưng trên hết, phải thừa nhận chưa bộ phim nào thực sự có tiếng vang, đủ mạnh để hút khán giả, kể cả phim có đầu tư nước ngoài. Ít có du khách nào ấn tượng về một Phanxipăng hùng vĩ hay một Vịnh Hạ Long thơ mộng qua phim ảnh nước nhà. Các địa danh dường như vẫn "tiềm ẩn" theo các bộ phim.--PageBreak--

3. Lấy bối cảnh chính ở Việt Nam, không ít bộ phim đã làm say lòng người như trong phim "Người tình". Dòng Hậu Giang hiện ra mênh mang và thơ mộng, có con đò cũ nơi "người tình" bắt gặp người đàn ông của mình. Ngôi nhà của "người tình" mang đậm dấu ấn văn hóa xưa với lối kiến trúc Pháp ở thị xã Sa Đéc 130 tuổi, rồi rạp Ê Đen ở Sài Gòn cũng làm không ít người muốn được một lần ghé thăm.

Còn phim "Đông Dương" với khung cảnh di sản văn hóa thiên nhiên vịnh Hạ Long tuyệt đẹp cũng đã thu hút không ít du khách đến thăm quan sau khi phim đoạt giải Oscar. Bộ phim "Người Mỹ thầm lặng" với những cảnh quay Sài Gòn, Hà Nội cũng góp phần nhỏ đưa Việt Nam đến gần với thế giới.

Tuy nhiên, các đoàn làm phim nước ngoài cũng đã gặp không ít khó khăn khi quay tại Việt Nam như thủ tục hành chính rườm rà, cở sở hạ tầng thì yếu kém và hơn cả là chưa có chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế.

Nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là Thái Lan đã áp dụng chính sách hoàn thuế lên đến 20% khiến họ trở thành lựa chọn số 1 của nhiều nhà làm phim. Ngoài việc thu về một khoản ngoại tệ không nhỏ, Thái Lan còn quảng bá được hình ảnh đất nước ra khắp thế giới.

Những phim "Ngày mai không bao giờ chết", "Kiến lửa" từng được dự kiến quay ở Việt Nam, nhưng sau khi cân nhắc các điều kiện, đoàn làm phim đã lại chọn Thái Lan, và đặc biệt bộ phim "Khi đất trời đổi thay" của đạo diễn Oliver Stone có cốt truyện hoàn toàn ở Việt Nam mà vẫn chọn quay ở Thái Lan.

Đạo diễn Oliver Stone vẫn còn đang cân nhắc giữa Việt Nam hay Thái Lan để bấm máy bộ phim "Làng Hồng" nói về vụ thảm sát Mỹ Lai, dù rằng ông đã mất khá nhiều thời gian khảo sát ở Việt Nam.

Việc thu hút các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam không chỉ làm tăng nguồn thu, mà còn là dịp để các nhà làm phim trong nước học hỏi kinh nghiệm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và là dịp để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với Cục Điện ảnh về việc xây dựng đề án thu hút các đoàn làm phim nước ngoài thực hiện các cảnh quay tại Việt Nam. Qua đó sẽ cân nhắc và xem xét việc nới lỏng một số giấy phép. Đã có nhiều dấu hiệu tích cực trong năm 2007.

Bộ phim "Việt Nam mến yêu" của Đài Truyền hình Asahi (Nhật Bản) với những cảnh quay dọc theo những địa danh du lịch nổi tiếng: chợ nổi Cái Bè, Mũi Né, Hội An, Bát Tràng đã thu hút nhiều khán giả Nhật Bản, tạo nên "cơn sốt" Việt cho nhiều bạn trẻ Nhật Bản vùng Kansai.

Đầu năm nay, Hãng Pollyfilm thuộc Đài Truyền hình ZDF của Đức cũng đã khởi quay bộ phim "Việt Nam - Con tàu mơ ước" lấy bối cảnh là hang Sửng Sốt, đảo Titốp ở Vịnh Hạ Long, chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ phim đã giới thiệu được phần nào cảnh đẹp quyến rũ, con người hiếu khách, thân thiện và nền văn hóa giàu truyền thống, bản sắc của Việt Nam.

Bộ phim "Uống chung một dòng nước" dài 20 tập do 6 đài truyền hình các nước tiểu vùng sông Mê Kông phối hợp sản xuất đã ra mắt vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng giới thiệu những nét đẹp thanh bình, thơ mộng về cảnh quan và văn hóa của người Việt Nam.

Cuối năm 2007, đài truyền hình CNN đã tiến hành những cảnh quay đầu tiên cho phim quảng bá du lịch Việt Nam. Điểm nhấn của phim là những cảnh quay tại Hạ Long như hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, đảo Quan Lạn...

Đạo diễn Veronica khi quay cảnh những chiếc thuyền câu thả trôi trên vịnh cùng với cảnh sắc nên thơ đã có cảm giác được sống trong cảnh thần tiên, thủy mặc trong tranh. Đây là đoạn phim sẽ được phát vào các giờ vàng trên truyền hình CNN vào tháng 10 tới. Chính phủ đã chi gần 4,7 tỉ đồng để thực hiện chương trình quảng cáo này.

Thế mới biết cái giá để đưa được hình ảnh đất nước ra thế giới không nhỏ chút nào. Thiết nghĩ ở đây cũng có một phần trách nhiệm của các nhà làm phim trong nước

Tường Hương
.
.