Điện ảnh với giờ vàng thế kỷ

Thứ Ba, 20/05/2008, 15:00
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một thời điểm ngàn năm có một, một giờ Vàng của thiên niên kỷ để quảng bá chiều sâu bề dày của lịch sử Việt Nam nói chung và văn hóa Thăng Long nói riêng. Phải làm gì cho điện ảnh dân tộc tiếp tục chiếm lĩnh giờ Vàng để quảng bá những hình ảnh đã bắt rễ sâu trong tâm thức Việt, góp phần làm nên giá trị Việt xưa nay?

Khán giả truyền hình hôm nay khi xem phim trong những "giờ Vàng" đã say sưa với những hình ảnh kiều nữ, đại gia, quan tham, tội phạm của xã hội bây giờ, hay những chuyện cung đình, hảo hán và liệt nữ của Trung Quốc, Hàn Quốc thời xưa, và có phần thờ ơ với những hình ảnh anh hùng và chiến trận của Việt Nam trong các phim truyện nhựa chiếu trong những dịp kỷ niệm lớn...

Phải làm gì cho điện ảnh dân tộc tiếp tục chiếm lĩnh giờ Vàng để quảng bá những hình ảnh đã bắt rễ sâu trong tâm thức Việt, góp phần làm nên giá trị Việt xưa nay?

Nếu như các Lễ Hội kỷ niệm các sự kiện vào các năm chẵn tốn kém hàng trăm tỉ chỉ đến được với khán giả trong nước một hai lần qua TV, thì các phim như "Đất nước đứng lên", "Hà Nội mùa đông 1946", "Giải phóng Sài Gòn", "Ngã ba Đồng Lộc", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Ký ức Điện Biên" đã được chiếu trong các rạp bãi và các kênh TV nhiều lần, phục vụ hàng chục triệu người xem trong cả nước.

Phim "Hà Nội 12 ngày đêm" và "Ký ức Điện Biên"được mời tham dự một số LHP Quốc tế lớn như Fukuoka, Ai cập, Locarno, Singapore. "Ký ức Điện Biên" còn được 5 nước châu Á trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản mua bản quyền khai thác từ 4 đến 15  năm để phát hành băng đĩa, chiếu rạp, chiếu TV, chiếu ở bệnh viện, máy bay và các nơi công cộng khác.

Như vậy, không thể nói rằng các phim kỷ niệm ra mắt xong là nằm đắp chiếu, không có người xem nên cần dẹp bỏ các dự án làm phim kỷ niệm quy mô như một luồng ý kiến xuất phát chủ yếu từ báo chí phía Nam. Tuy nhiên, để các dự án làm phim kỷ niệm chiếm lĩnh giờ Vàng một cách hiệu quả hơn, cần từ bỏ cách tư duy cứng nhắc trong chỉ đạo, sáng tác và quảng bá để tăng thêm các yếu tố nhân văn, nghệ thuật và thương mại hấp dẫn đông đảo người xem.

Các phim lịch sử của nước ngoài hấp dẫn khán giả không chỉ vì nghệ sĩ có tài năng, có sự đầu tư quy mô đồng bộ mà còn do họ thoát khỏi quan niệm tô hồng nhân vật và lệ thuộc vào chính sử.

Người Hàn Quốc chủ trương cho nghệ sĩ sáng tạo không câu nệ quá nhiều vào sử liệu, nhưng họ có một nguyên tắc là dù sáng tác tự do thế nào cũng phải luôn làm đẹp tổ tiên. Nghĩa là, các nhân vật lịch sử có thể hiện ra trên phim như những con người của đời thường rất chân thực, gần gũi, éo le, nhưng bối cảnh trang phục thì có thể hoành tráng hơn, lộng lẫy hơn thực tế lịch sử và toát lên từ  tất cả bộ phim phải là vẻ đẹp của tổ tiên.

Chúng ta ngược lại, xây dựng nhân vật thì luôn luôn muốn tô hồng, dựng tượng, còn các yếu tố tiểu tiết khác như bối cảnh phục trang lại luôn đòi chân thực như lịch sử, mà nhiều khi chính các nhà nghiên cứu lịch sử cũng chẳng biết thời đại đó người ta ăn mặc ra sao.

Khi xét duyệt một kịch bản phim về các nhân vật lịch sử như Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… các hội đồng nói chung có xu hướng muốn khai thác con người vĩ nhân cao đẹp, con người lịch sử lớn lao, không chấp nhận cách tiếp cận nhân vật từ phía đời thường với những chuyện buồng the và "hậu trường chính trị" hấp dẫn người xem.

Vì thế, kịch bản thể hiện Lý Công Uẩn vừa lo chuyện dời đô vĩ đại vừa phải đau đầu vì chuyện trong hoàng tộc có người đi ngược lại lợi ích nhân dân đã bị hội đồng thẩm định kịch bản lo rằng không phù hợp với một phim kỷ niệm.

Những chuyện lớn có thực mà sử sách ghi lại rành rành thì "ngần ngại", trong khi đó lại dồn hết trí lực và nhiệt huyết của cả giới khoa học để soi xét xem Lý Công Uẩn đi dép gì, ăn mặc có đúng kiểu không, toàn những thứ không có trong sử sách!

Một vài nhà sử học khả kính còn có ý cho rằng nếu không biết Lý Công Uẩn đội mũ thế nào, cầm đũa ra sao thì phim "không khả thi", tốt nhất không nên làm phim vội mà nên dừng lại nghiên cứu cho chính xác. Trong khi đó, họ lại ngợi ca những bộ phim lịch sử của nước ngoài mà chính các nghệ sĩ sáng tác  ra nó nói thẳng rằng họ chủ yếu là bịa đặt cả câu chuyện và áo quần mũ mãng.--PageBreak--

Cái quan niệm vừa đòi dựng tượng đài nghệ thuật cho nhân vật lịch sử vừa bắt các nghệ sĩ vụ thực một cách vô căn cứ đã tước đi của các nghệ sĩ nhiều khoảng không gian sáng tạo mênh mông, tước đi của nhân vật những chiều kích nhân văn gần gũi và tước đi của khán giả nhiều tình tiết éo le hấp dẫn.

Mặc dù các nhà làm phim lịch sử của ta không được đầu tư như các nền điện ảnh khác, lại phải đối mặt với những đòi hỏi "năm cha ba mẹ" không giống ở đâu, nhưng  phim lịch sử Việt Nam lại luôn bị so sánh với  phim nước ngoài để dè bỉu chê bai. Thậm chí, người ta còn đòi một phim lịch sử Việt Nam được đầu tư bằng một phim hạng bét của Hàn Quốc phải có giải Oscar, thì mới xứng đáng được đầu tư như thế!

Các phim lịch sử như "Anh hùng" của Trương Nghệ Mưu, "Thích khách" của Trần Khải Ca được đầu tư vài chục triệu đôla đã có phim nào được đề cử Oscar chưa? Đạo diễn lừng danh người Nhật Kurosawa với 50 tuổi nghề đã nhận được giải Oscar danh dự vào 1990, nhưng phim lịch sử "Ran" của ông cũng chỉ được đề cử giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Oscar 1985. Chỉ là đề cử mà thôi.

Hiện nay, cái thách đố lớn nhất với những người tham gia dự án làm phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" là cùng lúc phải đối mặt với hai đòi hỏi ngược chiều nhau: đòi hỏi phải "dựng tượng tô hồng" như quan niệm trước đây và đòi hỏi phim phải hay, phải hấp dẫn người xem hiện thời.

May mà, gần đây một vị lãnh đạo cao cấp của Hà Nội khi góp ý chi tiết cho kịch bản đã  bày tỏ rõ thái độ không ủng hộ loại phim làm theo kiểu cũ ấy, mở đường cho loại phim kỷ niệm giàu tính nghệ thuật hấp dẫn khán giả. Theo định hướng này, những yếu tố sử thi, nhân văn giàu tính nghệ thuật đã có trong kịch bản sẽ phải được bổ sung nâng cao và nhấn mạnh thêm. Định hướng mới đó đã tạo cho bộ phim một cơ hội lớn để đi đến thành công.

Một Lý Công Uẩn thiền sư không thể tán gái trên phim theo lối các nhân vật của Tự lực văn đoàn, nhưng một Lý Công Uẩn Hoàng đế mang tầm vóc nhân vật sử thi có thể được tái hiện trong cả những chuyện  tình lãng mạn éo le như các nhân vật hoàng đế trong các phim Trung Quốc.

Miễn sao trong mớ nhằng nhịt những quan hệ trần thế đó, Lý Công Uẩn nói riêng và các nhân vật lịch sử mà ta muốn tôn vinh nói chung vẫn vượt lên với tầm vóc văn hóa lớn của mình để thực hiện những khát vọng lớn lao cao đẹp vì danh dự và lợi ích của triều đại và dân tộc.

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một thời điểm ngàn năm có một, một giờ Vàng của thiên niên kỷ để quảng bá chiều sâu bề dày của lịch sử Việt Nam nói chung và văn hóa Thăng Long nói riêng. Các phim truyền hình Hàn Quốc đã chiếm lĩnh giờ Vàng của ngày để thực hiện xuất sắc sứ mệnh ngoại giao văn hóa, đưa văn hóa Hàn Quốc đến với nhiều khán giả thế giới.

Phim lịch sử Việt Nam cần chiếm lĩnh giờ Vàng của thế kỷ để đến với khán giả trên thế giới dưới nhiều hình thức. Chúng ta đã bỏ nhiều tiền để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình quốc tế, không thể bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh tổ tiên và văn hóa dân tộc qua các bộ phim lịch sử trong dịp Đại lễ này.

Nếu nhân danh vì chất lượng để kéo dài thời gian hoàn thành phim tới sau Đại lễ là đánh tráo mục đích đầu tư cho việc làm phim. Các hoạt động văn hóa khác chỉ chủ yếu phục vụ người trong nước, chỉ có điện ảnh có cơ hội mang văn hóa Việt Nam tới khan giả nước ngoài.

Vì vậy, không thể đem các hoạt động sân khấu, ca nhạc và lễ hội để thay thế cho điện ảnh. Càng không thể chỉ làm một phim về Trần Thủ Độ, người đã kết thúc vương triều Lý, để kỷ niệm một Thăng Long 1000 tuổi do chính nhà Lý đã khai sinh

Đỗ Minh Tuấn
.
.