Điện ảnh rục rịch “để mắt” thời sự

Thứ Bảy, 14/10/2017, 07:04
Thời sự nóng bỏng luôn là một đề tài hấp dẫn nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với điện ảnh. Thời gian gần đây, màn ảnh rộng bắt đầu chú ý hơn đến mảng đề tài còn bỏ ngỏ này, dẫu số lượng lẫn chất lượng vẫn là những con số khiêm tốn.


Ra mắt đầu tháng 10, "Kẻ trộm chó" trở thành một làn gió lạ giữa phòng vé. Nghe cái tên, khán giả hiểu ngay bộ phim này phản ánh vấn nạn trộm chó đang nhức nhối ở nước ta. Đạo diễn Ngụy Minh Khang tâm sự, nỗi đau và ám ảnh ngày bé khi chứng kiến con chó cưng nhà mình bị cẩu tặc kéo lê dã man trên đường đã thúc giục anh lớn lên phải làm một bộ phim về vấn nạn này.

Những năm gần đây, bọn trộm cướp chó ngày càng hung hăng, trắng trợn khiến người dân phẫn nộ. Các vụ bà con hành hung đến chết cẩu tặc ngày một tăng. Tranh cãi về vấn đề ăn thịt chó cũng diễn ra nảy lửa.  Bởi đây được cho là nguyên nhân để bọn cẩu tặc "có đất dụng võ". Trong cơn sôi sùng sục ấy, "Kẻ trộm chó" thành hình. Nội dung phim xoay quanh hành trình của hai nhân vật làm nghề trộm chó là Ghẻ và Đen. Hành trình đó đi từ cái ác đến cái thiện và kết thúc phim là hành động giải cứu chó với thông điệp yêu thương, bảo vệ động vật.

Ngụy Minh Khang mong muốn, "Kẻ trộm chó" sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh, từ đó nâng cao nhận thức mọi người và dẹp bỏ vấn nạn này. Nhờ thông điệp nhân văn, giàu tính thời sự nên bộ phim đầu tay của đạo diễn Ngụy Minh Khang được các nghệ sĩ gạo cội và bạn bè đồng nghiệp hết lòng ủng hộ. NSND Hồng Vân, Minh Nhí, Lý Hùng, Tiết Cương, Lý Hương... người góp sức, người góp của để bộ phim ra đời.

Các diễn viên tham gia buổi thử vai phim "Em đẹp em có quyền".

"Em đẹp em có quyền" (đạo diễn Nguyễn Hoàng Vũ) vừa hoàn tất quá trình tuyển chọn diễn viên. Đây là bộ phim khai thác những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội làm tốn giấy mực báo giới thời gian qua. Bà Tưng, Kenny Sang, Quân Kun, Công chú Thủy Tề Tùng Sơn, Lệ Rơi… là thảm họa sống ảo nhưng không phải "bỗng dưng nổi tiếng" mà phía sau họ luôn có người giật dây, thậm chí chất chứa nhiều góc khuất bi kịch.Chính vì thế bộ phim xây dựng nên cuộc chiến giành lấy ngôi vị quán quân trên Facebook từ các nhãn hàng thời trang, làm đẹp của hai cô gái hot facebooker là Vivian và Christine.

Để chạm đến đích, họ phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả đánh mất chính mình. Kịch bản do Nguyễn Ngọc Thạch thực hiện. Bản thân anh cũng là một hot facebooker đình đám, theo dõi sát sao trào lưu mạng xã hội nên "Em đẹp em có quyền" được kỳ vọng sẽ ăm ắp hơi thở cuộc sống.

Sống ảo cũng là đề tài mà đạo diễn Victor Vũ hào hứng. Hồi năm 2015, anh từng công bố triển khai dự án "Trên 1000 like tôi sẽ chết". Mới nghe tên phim, công chúng đã vô cùng háo hức. "Trên 1000 like tôi sẽ...(làm gì đó)" là câu thách thức cửa miệng của giới "trẻ trâu" trên Facebook nhằm câu like, thu hút sự chú ý. Có những kiểu câu like không thể tưởng tượng nổi như: "Đủ 1000 like tôi sẽ uống một lít nước mắm", "Trên 1000 like tôi sẽ đốt xe", "Đủ 2000 like tôi sẽ rạch tay", "Trên 1000 like sẽ vừa lột quần áo vừa nhảy"...

Đỉnh điểm, có những vụ câu like gây nên tai họa khủng khiếp như vụ nữ sinh đốt trường, vụ cậu thanh niên tự thiêu rồi nhảy ùm xuống sông... Và "Trên 1000 like tôi sẽ chết" được kỳ vọng là bộ phim chạm đúng ung nhọt đang hủy hoại một bộ phận giới trẻ mê muội thế giới ảo. Tiếc là đến nay, không hiểu vì lý do gì, bộ phim vẫn nằm trên giấy.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì ấp ủ bộ phim khai thác về mặt trái gameshow truyền hình thực tế. Sở dĩ anh muốn làm một bộ phim châm biếm như thế bởi vài năm trở lại đây, tâm điểm ném đá của dư luận chủ yếu là các show thực tế trên tivi. Khi chương trình hài, chương trình dành cho trẻ em, các trò chơi nguy hiểm, bạo lực...  xuất hiện thì cũng là lúc hàng loạt vấn đề phản cảm, phi nhân văn, tào lao nhảm nhí xuất hiện khiến khán giả chịu không xiết. Nhưng ý định thực hiện một bộ phim như thế phải tạm gác lại bởi Phan Gia Nhật Linh sợ khán giả sẽ sốc khi kết cục phim quá bi đát.

Năm 2017, phòng vé Việt chứng kiến sự ra đời của loạt phim chạm tới hiện thực đời sống như "SOS Sói trắng" (khai thác đề tài ấu dâm), "Lô tô" (thân phận những người chuyển giới), "Dạ cổ hoài lang" (người Việt ở nước ngoài, xung đột khoảng cách các thế hệ)... 

Thị trường điện ảnh giờ đây không còn tình trạng khát phim Việt. Một tuần có một, hai phim ra mắt là chuyện thường. Chen chúc giữa tràn lan phim ngôn tình, hành động, kinh dị, hài hước.... khó nhớ hết tên, dòng phim dám nhìn thẳng vấn đề nhói buốt của đời sống luôn luôn có lợi thế PR. Thứ nhất, nó đang đi vào tâm bão dư luận, nhận được sự chú ý là đương nhiên. Công chúng tò mò: nhà làm phim sẽ thể hiện những vấn đề ấy trên màn ảnh rộng như thế nào?

Thứ hai, giữa các thể loại quá quen thuộc đến mức nhàm chán, phim đề tài xã hội trở thành một món ăn ít ỏi lạ miệng. Ngoài chạm được vào vấn đề mà nhiều người đang bức xúc, các bộ phim này được kỳ vọng sẽ làm tốt vai trò mà bấy lâu nay phim thuần giải trí, thị trường thường thiếu vắng: vai trò giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân.

Tuy nhiên điểm lại các bộ phim đã từng đi theo đề tài này thì số lượng còn rất ít ỏi. Rất nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng vẫn bị ngó lơ như: thói sống vô tâm, nạn tham nhũng, sống ảo, giao thông, nạn phá rừng, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, vấn đề tiêu cực trong giáo dục, y tế… Một đạo diễn cho biết, đề tài này rất khó để làm được phim điện ảnh hay nếu yếu tay. Khó cả khâu lên ý tưởng kịch bản, thực hiện cho đến khâu tiếp cận công chúng.

Phim "Kẻ trộm chó".

Khác với phim kinh dị, hài hước hay ngôn tình, người làm phim xã hội buộc phải có nhãn quan sâu rộng, vốn sống và trải nghiệm dày dặn. Đủ tâm và tầm thì bộ phim họ làm ra mới có chiều sâu, giàu sức lay động thức tỉnh lương tâm con người chứ không đơn thuần là một bộ phim phản ánh thực trạng hoặc tuyên truyền sáo rỗng. Đã vậy, không phải phim nào cũng mang về doanh thu thuận lợi để chiều lòng nhà sản xuất.

Hiện nay, nhiều phim nhanh nhạy nắm bắt vấn đề thời sự nóng hổi như một cái cớ để PR hòng tăng doanh thu chứ không hề theo đuổi vấn đề đó. Đơn cử như năm 2014, phim "Mất xác" (đạo diễn Đỗ Thành An) ăn theo vụ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi vứt xác phi tang. Chi tiết nhắc nhớ đến vụ án trong bộ phim này chỉ vụt qua thoáng chốc để rồi chuyện phim xoay sang hướng khác.

Cũng lấy vụ thẩm mỹ viện Cát Tường làm cảm hứng nhưng "Scandal 2: Hào quang trở lại" của Victor Vũ có vẻ sâu sát với hiện tượng các ngôi sao phẫu thuật thẩm mỹ và gánh chịu tai biến đến mất mạng. Và nếu cho rằng "Sắc đẹp ngàn cân" là bộ phim phản ánh tình trạng nghệ sĩ Việt phẫu thuật thẩm mỹ thì nó cũng chưa hẳn bởi đây là dự án Việt hóa tác phẩm vốn đã đình đám của Hàn Quốc cách đây nhiều năm.

Phim không chủ động khai thác chuyện thời sự. Nhưng có lẽ điểm rơi của phiên bản Việt hóa khá may mắn khi thời gian ra rạp cũng là lúc cậu ca sĩ Đức Phúc vừa "đập mặt làm lại" xong. Sức nóng chuyện Đức Phúc bỗng lan sang cho bộ phim này.

Hầu hết các phim điện ảnh Việt khai thác đề tài xã hội còn non tay. Phim xoáy sâu chủ đề nóng như "SOS Sói trắng" của đạo diễn Lê Hoàng là một ví dụ điển hình. Phim bị chê thiếu logic, ngô nghê và biểu đạt không tới. Hình ảnh cậu bé máu me bê bết chỗ kín cũng bị cho là phản cảm. Tâm lý kẻ thủ ác không được rõ ràng, nhất quán. Do đó, cũng khai thác nỗi đau ấu dâm nhưng "SOS Sói trắng" không thể làm nên thước phim cảm động và ám ảnh lòng người như "Hope" mà Hàn Quốc từng làm. "Kẻ trộm chó" vừa ra rạp mới đây cũng chưa nói lên sự khốc liệt và hệ lụy đau lòng của vấn nạn này. Những hình ảnh dễ gây ám ảnh gần như bị né hoặc quay sơ sài. Tâm lý hai kẻ trộm xuất hiện nhiều mâu thuẫn, không thuyết phục người xem thấy được chuyển biến tâm lý từ ác sang thiện.

Dù sao đi nữa những bước đi chập chững khai phá mảnh đất mới của phim Việt là điều rất đáng khuyến khích. Khán giả mong muốn cùng với thời gian và sự trải nghiệm, màn ảnh rộng sẽ có nhiều bộ phim mạnh dạn đi sâu vào hiện thực cuộc sống, nói lên "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" để hướng về một xã hội thiện lương.

Mai Quỳnh Nga
.
.