Điện ảnh Việt Nam: Cất cánh từ lịch sử

Thứ Tư, 16/02/2005, 07:07

Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa tổ chức trao giải thưởng cuộc thi viết kịch bản phim về đề tài lịch sử, chuẩn bị cho dịp đại lễ kỷ niệm Thủ đô tròn ngàn năm tuổi. Kết quả cuộc thi này được đánh giá là sự “khơi nguồn dòng phim về lịch sử của Điện ảnh Việt Nam” - một dòng phim từ trước tới nay vẫn được xem là một dòng nước... cạn.

Sau 2 năm phát động với “hứa hẹn” giải nhất lên tới 100 triệu đồng, ban tổ chức đã nhận được 36 kịch bản của các tác giả tham dự tự do và 6 đề cương nhận được kinh phí đầu tư trực tiếp để trở thành những kịch bản phim hoàn chỉnh.

Kinh đô Thăng Long - mảnh đất biểu thị cho sự phát triển, là nơi anh tài hội tụ và thăng hoa của đất trời Nam Việt. Tám đời vua nhà Lý khởi đầu bằng việc định đô tại Thăng Long của Lý Công Uẩn đã có 8 kịch bản dự thi. Sự phồn thịnh của nhà Trần với ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông gắn với hào khí Đông A và những ông vua vô tư nhất trong lịch sử nền quân chủ Việt Nam (cứ sểnh ra là... đi tu), có nhiều kịch bản nhất, trong đó có 8 kịch bản viết về nhân vật Trần Thủ Độ - kiến trúc sư của nhà Trần.

Cũng có khá nhiều kịch bản phản ánh về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với chân dung của 2 anh kiệt là Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Rồi đến những cuộc binh biến phân tranh Đàng trong, Đàng ngoài của triều Lê - Trịnh, Trịnh-Nguyễn phân tranh với Quang Trung - Nguyễn Huệ đại thắng tiêu diệt 20 vạn quân Thanh...

Qua cuộc thi này, Ban tổ chức cũng nhận ra rằng, có rất nhiều tác giả có vốn kiến thức sâu sắc, am hiểu về lịch sử nước nhà, yêu mến và tự hào về lịch sử dân tộc, nên đã xây dựng được những kịch bản hết sức công phu. Tác giả Lê Khôi (77 tuổi) ở Đà Nẵng - người đoạt giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi - đã gửi đến 4 kịch bản về 3 triều đại Hồ - Trần - Lê với độ dài 36 tập. Nhà văn Hoàng Quốc Hải - người đã được độc giả biết đến với bộ tiểu thuyết triều Trần cũng đã chuyển thể thành kịch bản dự thi và đoạt giải ba cho phần Bão táp cung đình...

Trong khoảng 2.000 năm lịch sử trở lại đây, dân tộc ta đã trải qua nhiều mốc thời đại đáng ghi nhớ. Nhưng với điện ảnh nước nhà, số phim đáng giá mà chúng ta đã làm mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một nhà phê bình điện ảnh từng nói: “Trong khi sân khấu đã có trong tay vài tác phẩm điểm xuyết, còn điện ảnh vẫn coi như tay trắng!”. Âu cũng là một nhận định không hoàn toàn phi lý!

Đạo diễn, NSND Hải Ninh đã nói một cách lạc quan rằng, trước thềm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và từ kết quả của cuộc thi viết kịch bản phim lịch sử, chính là một dịp tốt nhất để Điện ảnh Việt Nam xóa đi nỗi mặc cảm của chính mình với khán giả trong nước. Làm thế nào để dân ta phải biết sử ta, phải hiểu và xây dựng sự tôn kính trong lòng dân Việt với các bậc tiền bối; chứ không thể để cảnh dân ta lại đi “thông” sử Tàu và yêu mến, tôn sùng vua Càn Long, Đường Minh Hoàng,... hơn Lê Lợi, Quang Trung...

Trong lịch sử Việt Nam cũng không thiếu những nhân vật lỗi lạc, những bậc hiền tài, danh nhân văn hóa, hết lòng vì dân vì nước như Quốc tướng Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Tuy nhiên, làm thế nào để có những bộ phim hay, để điện ảnh cất cánh bay lên từ lịch sử, chứ không chỉ đơn thuần là sự minh họa lịch sử, vẫn là một thử thách lớn với những nhà biên kịch và các nhà làm phim Việt Nam.

Chúng ta cũng đã từng làm phim lịch sử và đã từng thất bại. Có nhiều lý do, nhưng trong đó có một lý do là ta chưa biết tập hợp lực lượng và huy động sức dân. Làm phim cũng giống như điều binh ra trận. Có binh hùng tướng mạnh, xe tốt, ngựa tốt nhưng cũng phải có người biết tập hợp, tổ chức lực lượng, chuẩn bị về mọi mặt và biết “điều binh khiển tướng”. Để làm được các tác phẩm quy mô, hoành tráng về đề tài lịch sử, các nhà làm phim nước ta không có cách gì khác hơn là phải tôn trọng lẫn nhau để cùng làm việc tập thể. Việc làm này có thể giúp ngành điện ảnh trả bớt đi phần nào món nợ “kếch sù” đối với lịch sử

Hà Vy
.
.