Dịch giả đặc biệt của “Triệu phú khu ổ chuột”

Thứ Bảy, 04/07/2009, 11:00
Thật kỳ diệu, một cô gái chưa học xong lớp 8, do bệnh hiểm nghèo mà không thể tiếp tục đến trường, chỉ nhờ tự học tiếng Anh đã trở nên suất sắc trong vai trò dịch giả. Trước khi đến với con đường dịch thuật, Bích Lan đã nhiều năm làm cô giáo dạy Anh văn của trường "tư thục tại gia".

Vừa qua, đại diện báo Tuổi trẻ đã về tận nơi ở của chị để trao cho chị giải thưởng "Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống". Tôi có may mắn được đi cùng các đồng nghiệp và được nghe kể thật nhiều về Nguyễn Bích Lan…

Câu chuyện cảm động về cuộc đời cô gái bé nhỏ ở vùng quê lúa Thái Bình mặc dù đã 20 năm mang trong mình căn bệnh rối loạn dưỡng cơ quái ác dẫn đến suy tim, nhưng bằng nghị lực phi thường, chị đã vươn lên, trở thành dịch giả của 15 cuốn sách đã được xuất bản. Hiện Nguyễn Bích Lan đang bắt tay vào dịch tiểu thuyết "Triệu phú khu ổ chuột" - tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim đoạt giải Oscar 2008...

Tôi về quê Nguyễn Bích Lan ở thôn Kiều Trai, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà (Thái Bình) vào một ngày hè oi ả. Lúa trên đồng vẫn còn nhiều thửa chưa gặt và đường làng vàng óng rơm phơi. Căn nhà nhỏ của mẹ con chị Lan nằm bình lặng ngay bên đường chính dẫn vào làng.

Đó là một ngôi nhà bình dị như bao nhiêu ngôi nhà khác ở miền quê đồng bằng Bắc Bộ: nhà lợp ngói, có thềm cao, trước cửa là vườn rau xinh xắn xanh tươi, cây mít trĩu quả, một ao nhỏ thả bèo... Điều đặc biệt có lẽ là trong vườn trồng rất nhiều hoa lan: giò treo trên cây, để trên thềm sân, gốc cây - đó là loài hoa Nguyễn Bích Lan yêu quý. Chị vẫn dành thời gian chăm sóc và nhìn ngắm chúng mỗi ngày, mỗi khi dừng lại nghỉ ngơi giữa những trang sách chi chít chữ.

Nguyễn Bích Lan được báo trước có khách về thăm, nên gia đình chị đã tất bật đi chợ từ rất sớm để chuẩn bị cơm trưa như thói quen hiếu khách vốn có của người dân quê. Nguyễn Bích Lan ra đón chúng tôi ở thềm nhà trong trang phục đơn giản, dáng hình gầy gò bé nhỏ xanh mướt như một nhành liễu, cảm giác chỉ một cơn gió thổi qua cũng có thể làm chị... ngã.

Và quả thực, trước lúc chúng tôi về không lâu, chị đã bị ngã chỉ vì một cái vỗ vai nhẹ động viên của một người quen ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Chị bảo rằng, bây giờ chị sợ nhất là bị ngã, bởi vì mỗi lần ngã, đầu thường đập mạnh xuống đất hoặc va vào đồ vật rất đau, choáng váng, có thể bị chấn thương, không đọc sách, dịch sách... được nữa.

Hiện, Nguyễn Bích Lan đang dịch tiểu thuyết "Triệu phú khu ổ chuột" - cuốn tiểu thuyết gây xôn xao văn đàn và đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên vừa đoạt giải Oscar năm 2008.

Bích Lan đến với công việc dịch thuật một cách tình cờ từ sự gợi ý của người thân. Năm 2002, chị gửi bản dịch cuốn "Đừng nghi ngờ tình yêu của anh" (Australia) đến NXB Phụ Nữ và cuốn sách đã đến tay độc giả ngay trong năm đó. Những năm tiếp theo, Bích Lan liên lục hoàn thành các đầu sách mới như "Không có chỗ cho tình yêu" (Mỹ), "Vũ điệu trái tim" (Mỹ), "Hứa yêu" (Mỹ); "Lẻ Loi" (Mỹ); "Tro tàn của Angela" (Ai Len); "Mạch buồn", "Từ sông Nile đến sông Jordan" (Israel) và mới đây là "Nghìn khuôn mặt của đêm" (Ấn Độ), "Người đàn ông đào hoa"…

Với "Triệu phú khu ổ chuột" của tác giả Vikas Swarup, Bích Lan bắt đầu dịch từ tháng 4, chị dự kiến đến ngày 24/6 này sẽ hoàn thành để cuốn sách kịp ra mắt độc giả vào tháng 7 tới. Trước đây, Bích Lan thường làm việc 6 tiếng mỗi ngày, nhưng với "Triệu phú khu ổ chuột", chị tăng tốc lên 8 tiếng mỗi ngày, trung bình chị dịch mỗi tiếng 1 trang.

Đó là sức làm việc kỳ diệu đối với một người mang trong mình căn bệnh rối loạn dưỡng cơ dẫn đến suy tim độ 2 và có cân nặng chưa đầy 30 kg, thân hình ốm yếu chỉ còn da bọc xương. Giờ đây, nếu muốn dùng ngón tay chỉ vật gì, chị phải dùng tay kia nâng cánh tay còn lại lên mới chỉ được. Đôi tay chị không đủ sức bê bát cơm lên ăn, muốn cầm đũa gắp thức ăn đưa vào miệng chị cũng phải làm như vậy. Đứng lên ngồi xuống phải có mẹ đỡ, tắm gội phải có mẹ giúp...

Thế mà, ngày nào chị cũng làm việc miệt mài bên máy tính. Bích Lan thường lên mạng tìm những cuốn sách hay để đọc, rồi liên lạc với tác giả hoặc NXB để mua bản quyền. Đến nay, trong số 15 cuốn sách đã xuất bản thì có đến 10 cuốn là do chị tự tìm nguồn bản thảo, dịch và liên lạc với các NXB trong nước.

Nơi đầu tiên in tác phẩm dịch của Nguyễn Bích Lan là NXB Phụ Nữ và hiện Bích Lan vẫn rất trung thành với địa chỉ này. Bởi vì theo như chị tâm sự: "Đó là nơi khởi đầu, là nơi đã trân trọng và trao cho mình một cơ hội vì đã không xét gì đến trình độ, học vấn mà chỉ quan tâm đến chất lượng bản dịch. Đó cũng là nơi in những cuốn sách thiên về tình cảm nội tâm của người phụ nữ nên mình rất muốn gắn bó lâu dài".

Cho đến nay, Bích Lan vẫn là dịch giả đặc biệt của Việt Nam không chỉ vì hoàn cảnh đặc biệt của chị mà còn vì chị là một dịch giả hiếm hoi của Việt Nam thường liên lạc với tác giả của các cuốn sách mà chị đang dịch để nhờ họ giải đáp cho những vấn đề trong cuốn sách đề cập mà chị chưa hiểu. Phần lớn các dịch giả vẫn làm việc theo kiểu "đơn phương" chứ hầu như chưa tạo ra được sự "tương tác" độc đáo kiểu này.

Nhiều cuốn sách do chị dịch có tác giả đóng vai trò là người đồng hành rất đắc lực và hiệu quả. Không những thế, họ còn chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống, quan niệm về cuộc sống. Khi biết hoàn cảnh bệnh tật của Bích Lan, nhiều tác giả nước ngoài đã rất cảm thông, khâm phục, sẵn sàng giúp đỡ Bích Lan vô điều kiện về vấn đề bản quyền. Bích Lan cũng nhận được một số cuốn sách do chính các tác giả nước ngoài gửi tặng và chị luôn coi đó là món quà quý giá trong cuộc sống.

Cũng nhờ giữ liên lạc với một số NXB có danh tiếng trên thế giới mà khi có sách mới, đại diện của họ cũng gửi e-mail thông báo cho Nguyễn Bích Lan, vì thế giờ đây Nguyễn Bích Lan không phải quá vất vả và tốn nhiều thời gian cho việc lên mạng săn tìm nguồn sách để dịch.

Chị vui vẻ cho biết: "Giờ đây mình làm không hết việc. Một số NXB trong nước cũng đặt hàng nhưng mình không đủ sức làm hết được. Mình đặt ra mục tiêu mỗi năm dịch khoảng 4 cuốn, trong đó có một cuốn sách dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt như mình. Đó là những cuốn sách đầy tính nhân văn...".

Dịch mỗi cuốn sách, Nguyễn Bích Lan như thấy mình lạc vào một thế giới khác, một nền văn hóa, lịch sử hoàn toàn mới cho chị cơ hội khám phá, tìm hiểu. Nhưng chị đặc biệt yêu mến văn hóa Ấn Độ và đến nay chị đã dịch thành công cuốn "Nghìn khuôn mặt của đêm" của tác giả Githa Hariharan (NXB Phụ nữ).

Chị cho biết, khi đại diện của Công ty Nhã Nam gửi cho chị một danh sách đầu sách mà công ty này đã có bản quyền, chị lập tức chọn ngay "Triệu phú khu ổ chuột" dù biết rằng mình có thể gặp những khó khăn trong quá trình tiếp cận cuốn sách.

Hiện Bích Lan đang bước vào giai đoạn "nước rút" của quá trình chuyển ngữ cuốn sách. Chị gác lại nhiều việc, nhiều mối liên hệ với bạn bè để chỉ tập trung vào cuốn sách. Chị làm việc mọi lúc có thể và làm nhiều hơn về đêm, bởi vì dạo này ở quê chị ban ngày thường xuyên mất điện.

Một số bạn bè gợi ý cho Bích Lan nên mua một chiếc máy phát điện nhỏ để chủ động hơn trong công việc và làm việc một cách điều độ, khỏi ảnh hưởng đến sức lực vốn đã quá đỗi mong manh của chị. Vậy mà chị đã lên kế hoạch dịch hai cuốn sách tiếp là "Speaking of Love" của tác giả Angiela Young và "Đường đến Nabend" của Willia Woodreff sau khi "Triệu phú khu ổ chuột" hoàn thành.

Thật kỳ diệu, một cô gái chưa học xong lớp 8, do bệnh hiểm nghèo mà không thể tiếp tục đến trường, chỉ nhờ tự học tiếng Anh đã trở nên suất sắc trong vai trò dịch giả. Trước khi đến với con đường dịch thuật, Bích Lan đã nhiều năm làm cô giáo dạy Anh văn của trường "tư thục tại gia".

Đã có nhiều học sinh trong vùng thi vào các trường đại học khối có ngoại ngữ đã đậu điểm cao với sự kèm cặp của "cô giáo" Bích Lan. Nhưng đến một ngày, sức khỏe của chị quá yếu, không thể đứng lớp được, chị đành phải từ chối không nhận học sinh nữa, nhưng vẫn có nhiều em tha thiết xin theo học.

Đến khi tận mắt chứng kiến những cú ngã như trời giáng của cô giáo, biết là cô quá yếu chúng mới chịu thôi để cho cô nghỉ ngơi. Thế nhưng, bên trong con người bé nhỏ với những bước chân run rẩy kia lại là một Bích Lan có cá tính mạnh mẽ và một nghị lực phi thường.

Trước khi ra về, tôi chào Bích Lan: "Chị giữ sức khỏe nhé! Hy vọng một ngày kia khi y học hiện đại sẽ tìm ra cách chữa căn bệnh của chị...". Không ngần ngại, không âu sầu, Bích Lan trả lời ngay: "Mình không hy vọng có thể chữa khỏi căn bệnh này mà chỉ mong có thể "sống chung" với nó. Hy vọng là đến thế hệ sau người ta sẽ tìm ra cách chữa trị để những người không may mắc căn bệnh như mình không phải chịu nỗi đau thân thể như mình phải chịu hôm nay".

Khi viết bài này, tôi có được nghe phong thanh về bản hợp đồng giữa Bích Lan và Công ty Nhã Nam, trong có có một nội dung đặc biệt, đó là một điều khoản liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh của dịch giả, theo kiểu "Nếu như tôi không kịp hoàn thành cuốn sách này...".

Thế nhưng khi nhấc điện thoại lên hỏi anh Vũ Hoàng Giang - Phó giám đốc Công ty Nhã Nam về chuyện này thì anh Giang phủ nhận. Anh nói: "Nhã Nam hoàn toàn tin tưởng ở Bích Lan và không có điều khoản đặc biệt nào cả..."

Việt Hà
.
.