Đạo diễn Việt Đặng:

Dệt kết có hậu cho thước phim cuộc đời

Thứ Sáu, 18/07/2014, 08:00
Anh hay bày nhiều việc cho mình - việc có tên lẫn không tên. Nhưng việc nào cũng mang cái cốt cách của kẻ trót nặng nợ với nghệ thuật. Lại chạy đủ tứ phương, lên rừng xuống biển, vào hang cùng ngõ hẻm để nhìn. Với anh dứt khoát không thể là cái nhìn bề mặt, mà nhìn phải thấy được nỗi đau thân phận của con người. Rồi anh chìa tay với họ bằng chính cái nghiệp trót mang: điện ảnh.

1. Một buổi chiều, trời mưa tầm tã, hãng phim nơi góc hẻm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP HCM nhấp nhô những chiếc áo mưa lướt thướt. Chỉ lác đác vài khán giả. Đúng giờ, chiếc máy chiếu cần mẫn bắt đầu hắt bóng bộ phim "Những đứa trẻ thiên đường" trên màn hình. Trong ánh sáng yếu ớt, cuối hàng ghế của phim trường, một nữ khán giả đeo kính râm chăm chú xem phim. Khi các đạo diễn, nhà biên kịch tham gia phân tích bộ phim cho khán giả đã ra về, người phụ nữ đeo kính râm xin gặp anh. Lúc này, ánh sáng của phòng khách hắt vào, anh thoáng nhíu mày khi thấy vết bầm sau lớp kính. Người phụ nữ đẩy gọng kính, bẽn lẽn cất tiếng:

- Dạ, em biết đeo kính râm thế này là không hay. Nhưng mắt em có vấn đề, mong anh thông cảm.

- Chị tìm tôi có chuyện gì không?

Người phụ nữ không trả lời mà hỏi lại:

- Ít khán giả đến xem như vầy mà anh cũng chiếu phim sao?

- Dù chỉ có một người đến xem, chúng tôi cũng chiếu và có giao lưu hẳn hoi - Anh cười.

- Thú thật với anh, nếu không có bộ phim của anh thì có lẽ bây giờ em đã đi tìm cái chết.

Anh giật mình, trố mắt:

- Tại sao chị lại nghĩ quẩn vậy?

Giọng người phụ nữ chực khóc:

- Số em khổ. Mọi người dường như không ai yêu thương em. Em bế tắc, không biết bấu víu vào đâu, chỉ muốn chết quách đi cho xong đời. Tình cờ lên mạng, em biết được buổi chiếu phim của anh. Em tự hỏi trên đời này vẫn còn người tốt sao? Làm gì còn. Nhưng em vẫn muốn đến xem để coi người ta tốt như thế nào hay chỉ là trò lừa bịp, rao giảng đạo đức giả. Xem xong tìm cái chết cũng chưa muộn. Nhưng bộ phim và chính anh buộc em chấm dứt ý định đó.

"Cô gái đó tên Phương, sau này cô ấy xin làm cộng tác viên tại Nha Trang cho dự án chiếu phim miễn phí phục vụ cộng đồng của chúng tôi, đặc biệt là chiếu cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghiện, công nhân, tội phạm, những người bế tắc trong cuộc sống…" - đạo diễn Việt Đặng cho biết. Ngay cái thuở khai sinh dự án chiếu phim cho cộng đồng cách đây 4 năm, ít ra nó đã cứu vớt được một con người.

Đạo diễn Việt Đặng (hàng ngồi - thứ ba, từ trái sang) và các học viên cai nghiện trong một buổi chiếu phim tại Trường Giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm số 1, tỉnh Đăk Nông.

Bây giờ, những cuộc gọi của anh em vừa mới ra trại cai nghiện liên tục gọi về cho anh. Đôi khi đó là cuộc gọi đầy uất nghẹn: "Em về nhà nhưng ai cũng đuổi dù em năn nỉ, van xin đủ kiểu. Ba má bảo cái thứ nghiện đi trại như mày khác gì đi tù, làm nhục mặt gia đình, tổ tiên với chòm xóm. Mấy năm trời em ở trại, chẳng có ai lên thăm. Họ coi em như người chết rồi. Nhưng giờ ra trại, không về nhà, em biết đi đâu hả anh?". Câu hỏi nhức nhối của họ khiến anh không thể khoanh tay làm ngơ. Bởi ít ra điều anh mong khi mang những bộ phim đậm tính nhân văn vào trại cai nghiện là giúp họ tìm lại nẻo thiện khi ra trại. Bây giờ, họ đã làm được. Vậy thì khi nẻo thiện họ về quá gập ghềnh, anh phải là người gỡ những sợi gai định kiến. Và anh đang gỡ bằng những bộ phim. Họ - người lầm lạc với nàng tiên nâu - trở thành nhân vật chính trong loạt phim tài liệu của anh. Hãng phim của anh trở thành nơi tá túc của những diễn viên đặc biệt như thế. Đó là Vũ, là Thanh Xuân…

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên đạo diễn Việt Đặng đến với họ trong trại cai nghiện. Để chuẩn bị cho dự án chiếu phim mỗi tháng một suất trong trại không phải là điều dễ. Sau buổi chiếu, nghe được tâm sự của học viên cai nghiện, nhận được kịch bản do chính họ viết về cuộc đời mình là điều cực khó. Đạo diễn Việt Đặng phải chạy đôn chạy đáo lo phần khách mời, MC và làm việc với ban lãnh đạo của trại. Hôm chiếu phim là những khuôn mặt gầy gò bất cần. Phim bắt đầu, vẫn có những khuôn mặt ngáp ngắn ngáp dài hoặc xì xào bàn tán. Khác với vẻ mặt lo lắng của những vị khách mời đến giao lưu, khuôn mặt đạo diễn Việt Đặng tĩnh lặng. Tôi biết anh tin vào việc mình làm. Họ sẽ xem "Đứa con kẻ tử thù", họ sẽ thấy mình trong đó, một thanh niên hư đọa nhúng mình vào tội lỗi vì cuộc sống đầy bế tắc, gia đình đổ vỡ. Và điều anh tin đã đúng.

2. Cậu thanh niên của vùng quê nghèo Tam Kỳ, Quảng Nam năm nào đã không còn ngập ngừng giữa phố hội Sài Gòn nữa. Cái duyên gắn phận anh với những dự án điện ảnh nhân văn đến từ lòng ham mê với nghiệp diễn. Ngay từ khi còn học lớp 4 trường làng, Đặng Quốc Việt đã được vào vai cậu bé liên lạc trong vở kịch câm mang tên "Ánh sáng cách mạng" do người thầy của mình tự biên. Đến năm lớp 8, Việt tự mình viết lại kịch bản này để dự thi văn nghệ của trường và lần này vở gây tiếng vang lớn.

Ba mẹ Việt không hài lòng. Họ chỉ muốn Việt gắn bó với con đường của một nhà khoa học. Riêng Việt muốn thi vào điện ảnh nhưng dạo đó, 4 năm Trường Sân khấu - Điện ảnh ở TP HCM mới có khóa tuyển diễn viên một lần. Năm 1990, Việt tính gửi hồ sơ nhưng trường chưa có khóa thi. Vậy nên anh nhắm mắt thi đại vào ngành Cơ khí Thủy sản của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. "Xui sao lại… đậu!". Hai năm đại học, những buổi diễn văn nghệ không bao giờ vắng mặt Việt càng làm ngọn lửa kịch nghệ trong anh bùng cháy. Sau khi xem Việt diễn, một người bạn đưa cho anh mẩu báo nhăn nhúm: "Tao thấy mày tài năng, hợp với Trường Sân khấu - Điện ảnh đấy. Sắp tới trường có tuyển khóa mới. Thi coi sao?".

Trong túi lúc ấy vỏn vẹn 35 ngàn đồng, anh và người bạn nhảy tàu đi chui vào TP Hồ Chí Minh dự thi. Xúi quẩy sao, tên anh vần V nên nằm phía cuối danh sách, cả tháng liền mới đến tên. Tranh thủ một tháng tá túc, ngày nào anh cũng cọc cạch trên chiếc xe đạp cà tàng mượn đỡ đến xem các bạn thi để học hỏi. Giọng trọ trẹ xứ Quảng, vẻ quê kệch nghèo nàn khiến chàng thanh niên thu mình như con ốc giữa đám bạn thành thị giàu sang. Mỗi lần gửi xe cho bác bảo vệ, Việt hay lủi vào một chỗ vắng, lúi húi gập ống quần lấm lem vệt dầu nhớt dây xích để chiếc quần kaki duy nhất trông tươm tất. Xem thi, anh rúc mình vào một góc ít ai để ý.

Đến lượt mình, do không chuẩn bị sẵn nên phần thi của Việt là một tình huống do chính các thầy ra: Một anh sinh viên đại học sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp bỗng nhận được thư báo mẹ bệnh nặng phải về gấp. Anh phải thể hiện được sự đau khổ, sự ngạc nhiên lẫn khó xử, loay hoay chọn lựa nên ở hay nên về… Cầm bức thư đạo cụ, những cảm xúc khó tả bất thần ùa đến khiến anh khuỵu xuống. Đến bây giờ, anh cũng không rõ mình đã diễn như thế nào để tràng pháo tay của các thầy cô vang lên anh mới bừng tỉnh. Đợt đó, anh đậu thủ khoa. Trường Đại học Thủy sản cũng chính thức… "đuổi học" cậu sinh viên Đặng Quốc Việt. Chuyện động trời đến tai ba anh, ông điên máu phán thẳng một câu: "Từ nay, tao từ mặt thằng Việt". May mà cái án từ mặt chỉ "có hiệu lực" đúng một năm.

Ngay khi mới khăn gói vào trường điện ảnh, anh được mời đóng một vai thứ trong phim "Ngọc trảng thần công" của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Tiếp đó là một vai diễn khác trong phim nhựa "Đứa con kẻ tử thù" của đạo diễn Quốc Long. Ra trường, anh học thêm nhiếp ảnh để mở tiệm tìm thu nhập học thêm khóa đạo diễn. Mải miết với những chặng đường cho đến khi anh nhận ra rằng, sao mình phải đi nhiều đường vòng cho đam mê quá vậy? Và để những bạn trẻ yêu điện ảnh sớm biến ước mơ của mình thành hiện thực, anh không ngần ngại trang bị cho họ những hành trang bằng vốn liếng của chính mình.

Mỗi lần gặp lại nghe anh say sưa kể về dự án mới. Nghe anh kể hôm nay, hôm sau đã thấy dự án khởi động rồi. Nào là dự án cà phê sạch, ẩm thực xanh, nhiếp ảnh… Sắp tới đây, dự án điện ảnh cộng đồng còn kết hợp với Hãng phim Trẻ và Thành đoàn chiếu phim, mở khóa dạy cảm thụ và sáng tạo tác phẩm điện ảnh cho công nhân, sinh viên.

Anh chẳng hề kêu gọi tài trợ mà lấy doanh thu sản xuất phim của hãng để phục vụ cho những dự án "vác tù và hàng tổng" của mình. Cũng may, vợ anh cũng là diễn viên, có máu nghệ sĩ nên mới có thể cùng chồng vi vút những dự án "phiêu" như thế. Câu cửa miệng của anh: "Cứ cộng thêm cho cộng đồng được một giá trị nào thì hay giá trị ấy". Và trong thước phim cuộc đời của bao phận người long đong, với anh có hạnh phúc nào bằng khi được trở thành người dệt nên cái kết có hậu cho họ

Mai Quỳnh Nga
.
.