Về việc biên soạn các bộ sách toàn tập:

Để vừa “thuận”, vừa “lợi”

Thứ Bảy, 04/07/2009, 16:00
Mươi năm trở lại đây, việc biên soạn và xuất bản toàn tập tác phẩm của các tác giả văn chương đã được tiến hành ở khá nhiều nhà xuất bản (NXB). Việc này cho thấy kích thước bề thế của một nền văn học. Ý nghĩa thật trọng đại. Tuy nhiên, xung quanh việc làm toàn tập, cũng có nhiều việc phải bàn.

Ngoài những toàn tập tác giả cổ điển đã làm từ trước, nay được sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh hơn như toàn tập của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,… đã có nhiều tác giả hiện đại được tiến hành làm toàn tập như Tản Đà, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Bính, Nguyễn Công  Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng… Việc này cho thấy kích thước bề thế của một nền văn học.

Với các toàn tập văn chương hiện đại, chúng ta đã thật sự khẳng định được những đóng góp của người viết thời nay vào tiến trình văn mạch dân tộc. Chúng ta đã lưu giữ được, ngay từ rất sớm, toàn bộ tác phẩm của những tài năng đương đại giúp cho việc nghiên cứu sau này, tránh cho hậu thế nỗi xót xa của người xưa phải nhặt từng trang rách, chữ nát để dựng chân dung văn học cho nước nhà.

Ý nghĩa thật trọng đại. Tuy nhiên, xung quanh việc làm toàn tập, cũng có nhiều việc phải bàn.

Trước hết là "danh mục tác giả" được biên soạn toàn tập. Việc này có liên quan đến tiêu chí chọn lựa của người / nhóm / nhà xuất bản chủ trương. Tiêu chí có thể hẹp hay rộng. Thậm chí có thể khác biệt nhau về quan điểm đánh giá, từ nội dung đến nghệ thuật. Những khác biệt ấy  trong không khí văn chương hiện nay là việc bình thường, nó tạo nên sự sầm uất cho văn đàn, sự phong phú cho thị hiếu và chắc chắn, nó cổ vũ những khuynh hướng tìm tòi.

Sự tranh luận về giá trị các công trình toàn tập đó có thể xảy ra, kéo theo các hệ thống thẩm mỹ được trình bày, phổ biến, càng giúp bạn đọc thu nhận sâu sắc hơn phẩm chất văn chương đương đại. Điều cần tránh, có chăng, chỉ là sự công kích hay áp đặt.  Tiêu chí chọn lựa hình thành từ cá nhân hay nhóm các nhà nghiên cứu thường nhất quán và có tính hệ thống.

Trong những năm qua, Trung tâm Quốc học do Mai Quốc Liên chủ trương đã có một số toàn tập các tác giả cổ điển (mới chỉ dừng lại ở các tác giả cổ điển) bề thế, tin cậy, khắc phục được nhiều thiếu sót của các toàn tập trước.

Toàn tập do Nhà xuất bản Văn học chủ trương thường được tiến hành theo đơn đặt hàng của nhà nước, số bản in không nhiều nhưng danh mục các tác gia tiêu biểu từ thời có văn chương quốc ngữ đến nay thì khá phong phú. Các nhà xuất bản khác cũng ra toàn tập, không hệ thống và không đều kỳ, tuy mỗi toàn tập tác giả cũng sưu tập khá đầy đủ tác phẩm của người viết, đảm bảo chức năng sưu tập cho mai sau.

Điều thứ hai cần nói là "phạm vi sưu tập". Hầu hết soạn giả sưu tầm chọn lựa, quan niệm: Đã là toàn tập đương nhiên phải chứa đựng toàn bộ những tác phẩm đã in hoặc chưa in của tác giả.

Nhưng khi bắt tay vào việc, gặp phải những bài viết non lép, tác giả viết chạy bút nhằm đáp ứng một yêu cầu báo chí hay thời sự văn chương nào đó, mà khi sinh thời chính tác giả cũng không coi đó là văn phẩm đáng nói tới của mình thì những soạn giả thường tự loại bỏ.

Nhà phê bình Từ Sơn khi làm toàn tập Hoài Thanh đã có lời thưa "Cùng bạn đọc": "Trong công việc sưu tầm biên soạn, tôi luôn luôn giữ vững một nguyên tắc căn bản: tôn trọng những trang viết của Hoài Thanh đã in thành sách, đăng trên báo hoặc còn ở dạng di cảo để lại trong các quyển vở, sổ tay và thư từ mà  gia đình còn giữ được. Điều này có nghĩa là những trang in trong tuyển tập này Hoài Thanh vốn viết như thế nào thì giữ nguyên như vậy".

Nhưng chỉ mấy dòng sau, ông đã phải viết: "Một số bài, một số đoạn viết của Hoài Thanh chúng tôi không đưa vào Toàn tập nếu xét thấy không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể hiện nay, dù trước đây các bài, đoạn viết ấy đã được in trên sách báo".

Nghĩa là: Toàn tập mà vẫn không là toàn tập. Những bài "không phù hợp với lịch sử cụ thể” vẫn bị bỏ ra. Mà những bài ấy thì không biết là ít hay nhiều, là quan trọng hay không quan trọng khi xét tầm vóc tâm hồn trí tuệ tác giả. Hơn nữa cái "hoàn cảnh lịch sử cụ thể" ấy nó rất linh hoạt và nhiêu khê.

Nước ta trong già nửa thế kỷ vừa qua lại lắm đổi thay, thành ra mỗi giai đoạn lại có thể sản sinh ra một thứ "toàn tập" khác biệt nhau của cùng một tác giả. Chân dung tâm hồn, tầm vóc trí tuệ và quan điểm xã hội của tác giả cũng không còn nhất quán và sẽ bị xuyên tạc theo từng toàn tập như thế.

Vậy cách làm của nhà văn Từ Sơn và nhiều ông bà khác cùng quan điểm đó đã là tối ưu chưa?

Theo quan điểm của tôi, nếu phải in tất cả những gì đã viết, kể cả những bài kém, những quan điểm lạc hậu mà chính tác giả khi còn sống đã từ bỏ, thì quả thật không có ích gì cho người thưởng thức mà còn làm giảm tầm vóc của tác giả.

Lúc đó "toàn tập" chỉ có giá trị như một kho tư liệu giúp người nghiên cứu lần ra quá trình hình thành sự nghiệp với tất cả những bước trồi trụt của tác giả. Còn nếu chủ trương: "Toàn tập" cũng cứ loại bớt những gì là non kém hoặc đã bị thời gian và công chúng vượt qua như nhiều người biên soạn hiện nay đã làm với nhiều toàn tập thì cũng cần nói rõ và chỉ nên coi là "toàn tập gần đủ" hay "tuyển tập mở rộng".--PageBreak--

Công việc "khảo dị văn bản" luôn luôn phải đặt ra và phải thực thi tỉ mỉ chính xác. Công việc này tốn nhiều thời gian nên nhiều soạn giả chỉ ghi chú sơ sài, thiếu chính xác. Mà đã không chính xác thì không ai dám dựa vào đó để nhận định. Xin lấy ví dụ ngẫu nhiên nhân một cuốn đang  đọc: "Nguyễn Bính toàn tập".

Cuốn này do chính con gái ông thực hiện. Thi phẩm Nguyễn Bính từ những năm ba mươi đến nay được in rất nhiều lần, ở nhiều nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc. Bản nọ so với bản kia có nhiều câu, chữ khác biệt và không ít câu hoặc đoạn khi thêm khi bớt. Trong các bản đó chắc chắn có bản được tác giả coi là bản chính. Thường là bản in khi tác giả còn sống (đã xem lại và sửa chữa) và tự đưa in.

Soạn giả nên chọn bản này làm căn cứ để đưa vào toàn tập. Cần so sánh và đưa vào mục khảo dị những khác biệt thấy ở các bản khác. Cần ghi rõ năm in và nhà xuất bản của các bản đó. Với bài "Lỡ bước sang ngang", soạn giả Hồng Cầu chú thích là "in theo bản in của nhà in Lê Cường, xuất bản 1940", nhưng ngay câu thứ 7 của bài, in: "Hôm nay xác pháo đầy đường" là đã chạy sang bản của Hội Nhà văn xuất bản năm 1957, bản này do chính tác giả đưa in. Lẽ ra soạn giả phải chọn bản này để đưa vào toàn tập  và từ đó mà làm khảo dị với bản Lê Cường 1940 và các bản khác. Ở câu thứ 10, "Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây", thấy chú thích "Có bản in là…".

Đến câu thứ 13, "Đêm qua là trắng ba đêm", chú thích "nhiều bản in là…". Kiểu chú thích này còn gặp trong hầu hết các bài thơ.

Ô hay! "Có bản", là bản nào, thuộc năm nào, "nhiều bản" là những bản nào, thuộc những năm nào, không chú rõ thì làm sao người đọc có thể tìm mà so sánh. Và từ sự so sánh ấy mà tìm hiều dòng tâm tư của tác giả, phép ứng xử của ông trước thời cuộc, tất nhiên, cả những yếu tố liên quan đến quan niệm thẩm mỹ, đến bút pháp thơ…

Lại có bài như bài "Cây bàng cuối thu" trong tập "Tâm hồn tôi", soạn giả cho biết (ở trang 99) là "in theo bản in Lê Cường 1940", nhưng cuối bài lại chú thích: "Bản in Lê Cường 1940 không có hai câu kết". Vậy hai câu kết trong toàn tập là lấy từ bản nào. Nhiều bài khác cũng rơi vào tình trạng này. (Thời trước, Qua nhà…) Soạn giả, con gái Nguyễn Bính, lại là nhà thơ, mà làm sách cho bố còn như thế, kể cũng tiếc lắm. Tiếc cho một lần in công phu, bề thế. Không dễ gì có lại (Sách được nhà nước đặt hàng)

Lại có những câu thơ mà chính tác giả đã sửa, nhiều bản đã in theo bản sửa, mà lần in toàn tập này lại lấy trở lại từ bản chưa sửa. Điều này, trong nhiều lẽ, là có thể chấp nhận nhưng cần nói rõ vì sao lại muốn phục hiện bản xưa.

Kể cả phục hiện những đoạn đã cắt bỏ. Việc này đòi hỏi năng lực thẩm định của người biên soạn. Nhưng cần làm. Bởi việc đó tạo giá trị học thuật cho toàn tập, biến nó thành cuốn sách gốc của tác giả, đủ thông tin và độ tin cậy cho việc tra vấn và nghiên cứu sau này. Các NXB cũng nên coi đây là một đòi hỏi với các soạn giả toàn tập (ở ta, lúc này sao làm soạn giả dễ thế!).

Phải coi việc thực hiện một "toàn tập" là tiến hành công trình nghiên cứu một sự nghiệp văn chương. Ngoài bài nói đầu có tính "phàm lệ" nêu rõ cách thức xử lý văn bản, nguyên tắc sắp xếp, và những ứng xử bất thường, nếu có; thì trong tập sách cần có bài giới thiệu sự nghiệp văn chương của tác giả ứng với nội dung toàn tập.

Từ cái nhìn bao quát, toàn diện cả một đời bút mực, người viết có cơ hội đính chính những nhận định phiến diện, thiên lệch và cả những thành kiến về tác giả mà nhiều khi chỉ là hệ lụy từ một sự kiện cụ thể hay một chặng đời nào đó mà thôi.

Thực tiễn tiến trình văn chương nước ta hơn một nửa thế kỉ qua rất cần những đính chính ấy. Hình như việc làm cho rõ diện mạo tâm hồn, và tầm nghĩ của tác giả toàn tập, mới chỉ ghi nhận được ở vài ba trường hợp như Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Tản Đà.

Có lẽ cũng do điều kiện thuận lợi của soạn giả: họ đều là con trai tác giả và đều là các nhà phê bình nghiên cứu. Ưu thế ấy không thể có ở nhiều tác giả khác nhưng chính nó lại gợi ý một mô hình ưu thế cho việc làm toàn tập tác giả văn chương Việt Nam hiên đại, đó là sự phối hợp ở mức sâu sắc giữa nhà nghiên cứu với thân nhân tác giả.

11/6/2009

Vũ Quần Phương
.
.