Để trổ tài vẫn phải… đợi tuổi

Thứ Hai, 11/08/2008, 15:30
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc - 2008 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 16/8 tại TP Hải Phòng. Đây là lần thứ 3 cuộc thi được tổ chức (sau 2 lần tổ chức vào năm 1998 và 2003) nhằm phát hiện, khuyến khích và tôn vinh các nghệ sĩ trẻ có những đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói. Không ít hy vọng dồn vào cuộc thi này nhưng ngay trước thềm cuộc thi đã bộc lộ vấn đề của sân khấu kịch nói: sự thiếu hụt lớp diễn viên trẻ.

Tài năng nhưng liệu có… trẻ?

Theo ông Chu Thơm - Phó trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn  - đơn vị đứng ra tổ chức thì sẽ có khoảng 23 đơn vị trong và ngoài công lập với khoảng gần 100 diễn viên tham dự. Trong số đó, đơn vị phía Bắc chiếm số lượng áp đảo với khoảng 16 đơn vị.

Quy chế cuộc thi cho hay, thí sinh tham dự là những diễn viên có tuổi đời không quá 33. Theo khảo sát riêng của chúng tôi, trong số 30 diễn viên đã đăng ký dự thi thì chỉ có 5 diễn viên thuộc thế hệ 8X, còn có tới 25 người thuộc thế hệ 7X. Người trẻ nhất thì cũng sinh năm 1982, tức là đến nay cũng đã… 26 tuổi.

Hầu hết các diễn viên tham dự đều có độ tuổi… kịch trần. Trong số 4 gương mặt của Nhà hát Kịch Hà Nội, chỉ duy nhất một diễn viên sinh năm 1981. Thậm chí, cả 4 diễn viên của Đoàn Kịch nói Quân đội tham dự cuộc thi này đều thuộc thế hệ 7X...

Chúng tôi đặt một câu hỏi với ông Chu Thơm rằng liệu có diễn viên nào đã qua tuổi 33 rồi mà vẫn tham dự không? Ông Chu Thơm cười rằng: "Chúng tôi chỉ căn cứ vào hồ sơ mà các đoàn gửi lên và hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thực của các đoàn. Trong số các hồ sơ gửi về thì chưa có ai quá tuổi cả. Có thể họ khai trẻ hơn mà chúng tôi không biết. Nhưng chúng tôi không quá căng thẳng chuyện chênh một - hai tuổi làm gì, quan trọng là tìm ra được những tài năng trẻ, tâm huyết với sân khấu một cách thật sự".

Thế nhưng, ông Chu Thơm cũng công nhận sự chênh lệch tuổi tác tại cuộc thi này đã phản ánh một thực tế đáng buồn của sân khấu kịch nói Việt Nam là thiếu vắng những tài năng trẻ.

Trong số những diễn viên đăng ký tham gia cuộc thi lần này, có khá nhiều những gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước, đặc biệt qua các bộ phim truyền hình như Ngọc Dung, Kim Oanh, Kiều Thanh, Tiến Minh… Đó là với các diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật Trung ương.

Còn với các đơn vị địa phương, sự quen mặt của các diễn viên thể hiện qua các kỳ hội diễn sân khấu. Có điều kiện theo dõi Liên hoan Sân khấu toàn quốc gần đây nhất vào năm 2004 được tổ chức tại Hải Phòng, chúng tôi biết hầu hết những diễn viên đảm nhận những vai chính trong kỳ Liên hoan đó đều đăng ký tham dự. Tức là đã 4 năm trôi qua nhưng chưa thấy xuất hiện những gương mặt mới dù năm nào cũng có sinh viên tốt nghiệp và trở về công tác tại các đoàn.

Rõ ràng, với đặc trưng của ngành nghệ thuật biểu diễn, việc thiếu những gương mặt trẻ là việc đáng báo động. Cách đây chưa lâu, trong chương trình sân khấu truyền hình, một nữ nghệ sĩ đã xấp xỉ tuổi năm mươi vào vai một cô thiếu nữ. Dù diễn xuất của người nghệ sĩ này không có gì chê trách nhưng khuôn mặt (dù đã được trang điểm kỹ) vẫn khiến khán giả khó có thể chấp nhận.

Cơ hội nào cho các diễn viên trẻ?

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Chu Thơm không giấu nỗi ngậm ngùi: "Cơ hội cho diễn viên trẻ thể hiện ít quá" và khẳng định điều này phản ánh đúng thực trạng sân khấu hiện nay: khan hiếm những diễn viên trẻ, tài năng.

Chúng ta đang thiếu những diễn viên có thể kế cận lớp diễn viên tài năng như: Hoàng Dũng, Lê Khanh, Chí Trung, Anh Tú… Nguyên nhân chính của tình trạng này là tâm lý không tin tưởng vào diễn viên trẻ của lãnh đạo đoàn. Lớp diễn viên trẻ có người ra trường đã 10 năm cũng chưa bao giờ được giao vai chính. Tức là họ không được cọ sát mà luôn ngồi ở ghế dự bị.

Lý giải tình trạng này, các lãnh đạo đoàn đều cho rằng, mỗi năm, nhà nước chỉ cấp kinh phí cho dựng từ 1 đến 2 vở. Nếu giao vai chính cho diễn viên trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm thì khả năng thất bại rất cao. Thôi thì cứ chọn giải pháp an toàn, vai chính cứ phải giao cho những diễn viên nhiều kinh nghiệm.

Nhưng sự thực, một số lãnh đạo đoàn nghệ thuật đã không có được cái tâm với lớp trẻ và cái tầm để nhìn ra những tài năng. Họ chưa học cách mở lòng để cho lớp trẻ phát huy hết khả năng của mình. Lãnh đạo đã vậy, các diễn viên anh chị cũng chưa thật sự tạo điều kiện giúp đỡ các diễn viên nếu không muốn nói là đã từng có chuyện diễn viên lớn tuổi làm khó cho diễn viên trẻ khi họ được giao vai dài hơi hơn mình.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ chính các diễn viên trẻ. Chưa được giao vai chính, thay vì trau dồi nghề nghiệp và bản lĩnh sân khấu, các diễn viên nhao đi làm phim truyền hình, đóng quảng cáo, dẫn chương trình truyền hình...

Không ít diễn viên được đào tạo là diễn viên kịch nói nhưng chỉ thấy họ thấp thoáng trên sân khấu kịch, còn chủ yếu thời gian chạy show kiếm tiền. Bên cạnh số ít diễn viên có bản lĩnh nghề nghiệp, có khả năng làm tròn vai ở nhiều lĩnh vực thì đã có diễn viên bị hỏng nghề.

Với đặc trưng của phim truyền hình như có thể lồng tiếng, quay lại, khiến diễn viên lười biếng, không thuộc lời thoại, cảm xúc bị ngắt quãng… Việc thành công trong một vài bộ phim truyền hình khiến một số diễn viên tự huyễn hoặc mình, tưởng mình là ngôi sao, không chịu trau dồi nghề nghiệp. Chính họ đã tự làm mất đi cơ hội của mình khi về với sân khấu.

Xây dựng tư duy tin tưởng vào lớp trẻ với các lãnh đạo đoàn và mỗi diễn viên phải tự biết trau dồi, nuôi dưỡng đam mê là điều cần có ở sân khấu kịch hiện nay.

NSƯT, Thượng tá Trần Nhượng, Trưởng đoàn Kịch nói CAND: "Tạo điều kiện hết mức nhưng cũng thẳng thắn và nghiêm khắc với diễn viên trẻ"

Tại cuộc thi lần này, Đoàn Kịch nói CAND cử 3 diễn viên tham dự là Hoàng Lan, Trịnh Huyền và Thanh Ngân. Tôi cho rằng đây là cơ hội quý báu để các diễn viên trẻ thể hiện và khẳng định tài năng của mình.

Ngoài Hoàng Lan, Trịnh Huyền là 2 diễn viên có kinh nghiệm diễn xuất, từng được giao những vai diễn phức tạp thì Thanh Ngân là diễn viên trẻ, mới ra trường.

Với Đoàn Kịch nói CAND, lãnh đạo đoàn luôn xác định phải tạo điều kiện để bồi dưỡng lớp diễn viên kế cận bằng cách giao những vai chính, vai khó cho các diễn viên trẻ.

Nhưng đôi khi tôi thấy diễn viên trẻ ngày nay chưa thật sự say nghề thì phải. Dường như các em có quá nhiều cái phải quan tâm. Ít khi thấy các em tranh thủ sàn tập, mạnh dạn xin đóng những vai phù hợp như lớp diễn viên chúng tôi ngày xưa.

Chúng tôi luôn tạo điều kiện ngoài giờ tập và biểu diễn của đoàn, các em có thể đi đóng phim, tham gia diễn hài… để tăng thu nhập, nhưng dứt khoát lên sân khấu phải diễn nghiêm túc.

Với những em mắc bệnh "ngôi sao", chúng tôi thẳng thắn góp ý để các em biết mình đang ở đâu. Có em tự ái nhưng tôi tin phải làm thế các em mới tiến bộ được.

Diễn viên Kim Oanh (Đoàn Kịch 1, Nhà hát Tuổi Trẻ): "Tôi đi thi để biết mình đang ở đâu"

Tôi được đào tạo là diễn viên sân khấu vì vậy tôi rất hào hứng tham dự cuộc thi này. Trước hết, phải cám ơn Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tạo cơ hội cho những người trẻ chúng tôi có cơ hội thể hiện tài năng vì nếu đợi tới Liên hoan Sân khấu toàn quốc thì lớp trẻ chúng tôi luôn bị xếp sau để bảo toàn chỉ số an toàn.

Các cụ có câu "Gái ba mươi tuổi đã toan về già" nhưng có lẽ không đúng với nghề biểu diễn, nếu không muốn nói đấy mới là giai đoạn thanh xuân của nghề.

Tôi cho rằng, việc các em trẻ chưa mạnh dạn tham dự cũng là điều dễ hiểu vì các em còn ít kinh nghiệm, chưa đủ tự tin để thi thố. Trong khi tham dự những cuộc thi như thế này, mỗi diễn viên phải thể hiện được cái riêng, cái tinh hoa nhất.

Cho tới thời điểm này, tôi đã hoàn tất tiểu phẩm của mình là vai Mêđê trong vở kịch cùng tên, chỉ đợi đến ngày "xuất chiêu" mà thôi.

Không quá quan trọng chuyện giải thưởng, tôi đi thi để được gặp gỡ bạn bè, trao đổi kinh nghiệm, xa hơn là biết mình đang ở đâu, xem mình có khả năng chinh phục khán giả, đồng nghiệp và các thầy trong Ban giám khảo - những người mà tôi tin họ sẽ biết tôi cần phát huy hay bổ sung gì trong diễn xuất

Khánh Thảo
.
.