Để tiếng cười là “mười thang thuốc bổ”

Thứ Ba, 09/03/2010, 15:15
Tấu hài có thể được coi là "đặc sản" của sân khấu TP HCM hơn 20 năm qua. Một thời gian dài, nhiều chương trình ca múa nhạc không thể thiếu vắng các danh hài trong những tiết mục "cù" khán giả. Nhiều điểm vui chơi còn chèo kéo các danh hài với cátsê cao để thu hút người xem.

Một cuộc chạy đua vì tiếng cười trên sân khấu hài đã khiến cho loại hình nghệ thuật này ngày càng rơi vào tình trạng xô bồ, hỗn tạp. Giờ đây đã xuất hiện tình trạng khán giả quay lưng với tấu hài. Ngay những sân khấu chuyên diễn tấu hài cũng thưa vắng khán giả. Một số cặp diễn hài có tiếng tăm đã phải chuyển nghề, hoặc có nhóm không còn được mời diễn dẫn tới sự tan rã trong nuối tiếc... Vì sao vậy?

1. Hài... bát nháo

Đúng là một thời người ta còn kêu lên "Ra ngõ là gặp tấu hài", bởi lẽ các nhóm hài xuất hiện ngày một nhiều, và hành nghề khắp nơi. Ở TP HCM có  khoảng 60 nhóm tấu hài đã làm mưa làm gió ở hàng trăm điểm ca nhạc khác nhau. Nhiều nhóm tấu hài diễn mãi những tiết mục cũ, hoặc tấu "cương" không có kịch bản, đã tạo nên tình trạng tùy hứng chạy theo thị hiếu rẻ tiền, gây tiếng cười nhạt nhẽo.

Thậm chí có nhóm đã thoại những câu nói thô tục. Nếu ai đó từng xem những tấu hài như "Yêu quá sức", "Yêu qua mạng", "Kẻ cắp trái tim", sẽ được nghe các câu thoại thật sự tục tằn, đại loại: "Mẹ em bị ung thư phao câu còn lâu mới khỏi", hoặc: "Anh đến gấp em đang ở… truồng"…

Nhìn chung, nhiều nghệ sĩ chuyên tấu hài đã phải công nhận sân khấu hài đang bị nguội lạnh vì sự nhàm chán về những "trò quậy". Người quản lý Sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng xác nhận, hiện các sân khấu hài đang bị giảm sút khán giả một cách trầm trọng. Theo anh, nguyên nhân chính là các nhóm diễn hài đã không chịu đầu tư về kịch bản, hoặc nghệ thuật dàn dựng để phục vụ khán giả.

Tiết mục hài “Tuổi thơ đường phố”.

Ngay cả Hoài Linh, người vừa đoạt giải Mai Vàng đầu năm 2010, trong dăm năm qua cũng đã thể hiện sự lặp lại mình. Không ít nhóm diễn hiện bí tiết mục mới nên chỉ còn chiêu thức là đem chính hình hài xấu xí của mình làm... trò cười, hoặc mang khuyết tật của người khác để giễu nhại, hòng lấy tiếng cười nhạt nhẽo của khán giả. Khi được góp ý, có nghệ sĩ còn biện bạch rằng:

- Tôi giễu cái thân mình chứ đâu có giễu người khác mà ý kiến, ý cò.

Hiện tượng khá phổ biến là họ diễn những động tác giễu người có tật mắt lé, răng vẩu, khập khiễng chân, nói lắp hoặc lùn, béo... Có thể nói, nhiều diễn viên hài đã phạm vào điều tối kỵ trong nghệ thuật, đó là sự xúc phạm đồng nghiệp...

Cũng vì sự bế tắc trong phương án khai thác nội dung mới, các nhóm hài chỉ dùng một vài tiết mục quen thuộc đi diễn tại hàng chục tụ điểm khác nhau, nên có hiện tượng nghệ sĩ vừa bước chân ra sân khấu đã có khán giả diễn theo và còn nhắc lời thoại trước cho diễn viên, rồi cười khoái trá, bởi họ đã quá thuộc tiết mục và tỏ thái độ chán ngán thật sự.

Lại còn chuyện, nghệ sĩ khi diễn vở tự cắt bớt chi tiết để nhanh chóng chạy sang tụ điểm khác. Nghệ sĩ hài Tiểu Bảo Quốc tâm sự:

- Làm tấu hài phải diễn theo lệnh của bầu sô. Có đêm nhiều tiết mục thì họ hối thúc mình diễn nhanh lên, dành thời gian cho tiết mục khác. Nhưng khi có "sao" nào chạy sô trễ, thì họ lại đẩy mình ra, bắt cứ diễn dây dưa để câu giờ, chờ "sao" đó tới.

Anh còn cho biết thêm:

- Đi tấu hài cũng là một nghề kiếm sống, nhưng nhiều lúc tôi cảm giác mình không được tôn trọng.

Để tránh hiện tượng nhàm chán của tấu hài, nhiều nghệ sĩ đã gồng mình tổ chức một chương trình hài "liên khúc", theo kiểu ghép một số tiết mục để tạo được một nội dung nhất định nhằm lấy lại tiếng cười của người xem. Có thể kể ra một loạt live show hài trong thời gian qua của các nhóm Bảo Chung, Kiều Oanh, Hoàng Sơn, Hoài Linh, Việt Hương…

Nhưng tất cả vẫn không thể tránh được sự lặp lại và gượng gạo trước người xem với nhiều mảng miếng quá thô thiển và bỡn cợt trên sân khấu. Nhiều diễn viên, kể cả những người nổi tiếng, nhiều khi không đưa ra tình huống hài, mà chỉ bịa lời chọc ngoáy dẫn đến tiếng cười không "ăn" với vai diễn, nhiều tiếng cười vô nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ và ý nghĩa giáo dục cộng đồng.

2. Hài thả nổi?

Ngay từ năm 2003, các nhà chức trách đã từng cảnh báo về sự xuống cấp cả về nội dung và nghệ thuật diễn xuất của tấu hài. Thậm chí, ông Phạm Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM đã phát biểu mạnh mẽ rằng, nếu vẫn không chấn chỉnh được tấu hài thì sẽ có kế hoạch tạm ngưng hoạt động một số nhóm. Không thể lạm dụng tiếng cười bằng nhiều tiểu phẩm quá yếu về mặt thẩm mỹ.

Ấy vậy mà cho đến nay, mọi chuyện vẫn không thể xoay chuyển, tấu hài trên sân khấu vẫn tồn tại với những tiếng cười rẻ tiền. Cho dù hiện nay khán giả đã thể hiện sự mệt mỏi và không còn tha thiết với những nội dung vô bổ nữa, và tưởng như tấu hài đã hết thời trên sân khấu, thì ai dè tấu hài lại nhảy vô vào từng nhà qua các kênh truyền hình. Đặc biệt, đã xuất hiện kênh hài và kênh karaoke.

Nếu trước đây, với các chương trình "Trong nhà ngoài phố" hoặc "Gặp nhau cuối tuần", hay sau này là "Gala cười", "Siêu thị cười" thì cũng chỉ một tuần một lần, nhưng nay, hầu như tất cả chương trình tấu hài được tung lên sóng 24/24 giờ mỗi ngày. Trong đó, nhiều chương trình nội dung lộn xộn, bát nháo. Diễn viễn hài thả sức diễn "cương", giống như ở các tụ điểm tấu hài ngoài trời mà thôi.

Vậy có hẳn tấu hài lâu nay bị thả nổi và không thể kiểm soát được? Người xem hoàn toàn có thể trả lời được câu hỏi này, bởi thực tế tấu hài hiện vẫn còn không ít tiết mục thô tháp và dung tục, xuất hiện ở bất kể hình thức sân khấu nào, từ nhỏ đến lớn và ở mọi nơi.

Đặc biệt vào dịp tết, nhiều nhóm tấu hài đã lấy tiêu chí "Làm một mùa tết ăn hết bốn mùa", do vậy các nhóm hài vừa chạy sô vừa tìm cơ hội cắt tỉa tiết mục để kịp chạy đuổi các tụ điểm diễn trong thành phố. Có diễn viên gọi là ăn khách, chỉ trong một ngày tết diễn tới 15 sô, mới thấy họ diễn vội đến mức nào. Nhóm nghệ sĩ BC chẳng hạn, có lần diễn vội vàng, họ chỉ dành khoảng 6 phút cho một tiết mục.

Khán giả còn chưa kịp vỗ tay, họ đã nhanh chân rút lui để chạy sang tụ điểm khác, cũng với tiết mục vừa diễn. Nếu có dịp đảo qua các sân khấu ngoài trời, càng thấy rõ cái láo nháo của tấu hài. Trên thực tế, tình trạng tấu hài tự tung tự tác, "tự nhiên chủ nghĩa" đã kéo dài hơn chục năm nay, vượt qua tầm kiểm soát dù có lúc khá gắt gao của các nhà quản lý. 

3. Tấu hài về đâu?

Nói các nghệ sĩ hài là những người "làm dâu trăm họ" - thật đúng. Khán giả có thể cười hả hê, khen đấy nhưng lại có thể chê hết lời, bởi nhiều lời tấu, hoặc chi tiết trong kịch bản không thể thô hơn và không thể tùy tiện hơn… Để lấy lại sự tin yêu của người xem, không ai khác, trước hết đòi hỏi phải từ sự nỗ lực đổi mới chính mình của những nghệ sĩ thuộc các nhóm tấu hài. Về điều này, nghệ sĩ Hữu Lộc, Sân khấu Nụ cười mới tâm sự:

- Tấu hài là để kiếm sống, nhưng muốn giữ nghề thì phải diễn kịch. Sắp tới không chỉ anh Hoài Linh mà cô Kim Ngọc, Hiếu Hiền… cũng muốn thử sức mình trong các vở kịch mới.

Ba năm qua, Sân khấu Nụ cười mới đã tỏ ra đúng hướng khi đóng góp tích cực vào việc gỡ thế bí và nhàm chán của tấu hài, với 10 live show và hơn 20 vở hài kịch. Thực ra, hơn 10 năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã mở ra khuynh hướng xã hội hóa tiếng cười sân khấu ở Hà Nội.

Đó là những kịch ngắn vui và có ý nghĩa nhân văn, với tiếng cười phê phán tế nhị và hóm hỉnh, thông qua các đêm "Đời cười". Hiện nay, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ vẫn kiên trì giữ vững cách khai thác kịch mục và nghệ thuật diễn xuất tài hoa, đậm chất hoạt kê dân gian, tạo nên nội dung lành mạnh, hữu ích.

Để tháo gỡ hiện tượng tiếng cười lành mạnh đang bị tàn lụi, các nhóm hài cần phải có sự đổi mới. Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, nếu các nhóm hài chịu ngồi lại để hợp sức và cùng đầu tư dựng một chùm kịch ngắn thì sân khấu hài sẽ nâng dần chất lượng.

Và cũng đã đến lúc các nhà chức trách phải cùng chia sẻ với các nhóm tấu hài, theo kiểu xã hội hóa hiện nay, để tìm cách tháo gỡ, sao cho tiếng cười trong tấu hài thực sự là "mười thang thuốc bỏ" như dân gian ta vẫn nói

Lưu Cường
.
.