"Đẻ" nhiều nên mới chóng... quên

Thứ Sáu, 08/04/2011, 08:46
Trong làng văn Việt Nam, một trong những kỷ lục viết nhanh thuộc về nhà văn Nguyễn Công Hoan với tác phẩm "Bước đường cùng". Cuốn tiểu thuyết dày tới 250 trang in này (khổ 13 x 19cm) được nhà văn hoàn tất chỉ trong vòng có… 16 ngày (từ ngày mùng 1 tới ngày 16 tháng 7 năm 1938). Vì nhà văn viết gần như liên tục, lại trên một chiếc bàn cao quá tầm tay nên sau khi sách hoàn thành, ông đã bị sái bả vai bên phải. Sau này, mỗi khi trái gió trở trời, chỗ đau ấy lại tái phát.

Trước đấy, các truyện dài của Nguyễn Công Hoan thường được thực hiện theo phương thức cuốn chiếu. Nghĩa là ông viết tới đâu thì đưa in báo tới đấy, in xong kỳ này mới viết tiếp kỳ khác. Riêng với "Bước đường cùng", ông viết trọn cả truyện rồi mới đưa in.

Thời kỳ này, Nguyễn Công Hoan đang trong "tầm ngắm" của mật thám Pháp. Trước khi bắt tay viết "Bước đường cùng", ông đã khiến chính quyền thực dân "nóng mắt" vì tham gia Ban trật tự của cuộc biểu tình lớn nhân ngày Quốc tế Lao động 1- 5 ở khu Đấu Xảo, Hà Nội. Nha Học chính Bắc Kỳ đã nhận được lệnh phải đổi ông ra dạy học tại Trà Cổ.

Để chính quyền thực dân không đánh hơi thấy, Nguyễn Công Hoan dặn Nhà in Tân Dân (nơi xuất bản tiểu thuyết "Bước đường cùng") không quảng cáo sách trước. Cho đến khi Báo Tin tức (của Đảng Cộng sản Đông Dương) có bài biểu dương cuốn sách và nhiều Hội ái hữu thợ thuyền xin chuyển cuốn tiểu thuyết thành kịch để công diễn thì chính quyền thực dân mới… tá hỏa.

Trước khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai nổ ra (năm 1939), ở Việt Nam, chỉ có báo in mới phải đưa kiểm duyệt trước, còn sách thì cứ in, in xong nộp 6 quyển (trong 6 quyển này, một quyển đưa vào Thư viện Trung ương, một quyển đưa vào Sở Mật thám, một quyển gửi sang Pháp, một quyển đưa vào Thư viện thuộc địa...). Chỉ những sách động chạm tới nền thống trị của chính quyền thực dân mới bị cấm.

Theo hồi ký của Nguyễn Công Hoan thì lệnh cấm này không do quan Toàn quyền ra nghị định cấm ở toàn xứ Đông Dương, mà sách in ra ở địa phương nào thì do quan thủ hiến ở địa phương ấy cấm trước. Bởi thế mà với tiểu thuyết "Bước đường cùng", người ra lệnh cấm trước nhất là Thống sứ Bắc kỳ. Tiếp đó là Khâm sứ Trung kỳ, Thống đốc Nam kỳ, rồi đến Lào, Campuchia (bấy giờ còn gọi là Cao Miên). Vì lệnh cấm phát ra lần lượt ở từng xứ, trong khi việc phát hành sách "chạy" trước, nên khi lệnh tới nơi thì sách cũng đã phát hành được tới… 5.000 cuốn. Thật là, "Bước đường cùng" mà "bước" được tới vậy cũng là quá mãn nguyện rồi.

Vì khả năng viết nhanh, viết nhạy như thế, lại vốn bình sinh rất ham công tiếc việc nên cả đời cầm bút, Nguyễn Công Hoan đã để lại một di sản văn học đồ sộ. Có điều, ông không sao nhớ được chính xác mình đã cho in được bao nhiêu cuốn. Trước đây, để ghi nhớ, ông mua một cuốn lịch con. Hễ có truyện ngắn nào được in ra, ông ghi ngày báo in vào đấy. Với sách xuất bản, ông lưu lấy một bản, dùng giấy bóng kính bọc lại cẩn thận. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông đếm thử là mình đã in được bao nhiêu cuốn. Thế rồi, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cuốn lịch và tủ sách bị thất tán. Sau này, các nhà báo hỏi chuyện, Nguyễn Công Hoan cho biết ông đã xuất bản được 20 cuốn truyện dài, trong khi thực tế, một nhà nghiên cứu ở Viện Văn học - sau nhiều năm dày công sưu tầm, tra cứu từ nhiều nguồn - đã cho biết là Nguyễn Công Hoan có tới 30 cuốn truyện dài được in (nhiều gấp rưỡi con số tác giả cung cấp). Điều ấy cho thấy, Nguyễn Công Hoan quả là một "triệu phú" trong làng văn. Bởi chỉ những người có văn nghiệp thật dư dả mới có thể đãng trí bỏ sót tới… 10 cuốn truyện dài như thế

Lê Hữu
.
.