Dễ người dễ ta

Thứ Hai, 09/05/2011, 08:52

Sinh thời, nhà thơ Lữ Giang từng có lần nói với chúng tôi: "Bây giờ in sách sao mà dễ. Hồi trước, muốn in một cuốn thơ, khó lắm".

Tôi hiểu lý do mà nhà thơ Lữ Giang nói câu nói này: Vào những năm bao cấp, việc xuất bản tác phẩm qua một nhà xuất bản nhìn chung rất khó khăn. Đơn giản vì mỗi nhà xuất bản, nhất là các nhà xuất bản chuyên về văn học mỗi năm chỉ có kế hoạch xuất bản chừng 20 - 30 đầu sách. Và tôi cũng biết thêm: Bản thân nhà thơ Lữ Giang cũng như nhiều nhà thơ thuộc thế hệ ông, cho dù đã làm nhiều thơ, có thơ đăng báo từ rất sớm, nhưng cũng phải sau nhiều năm chật vật mới có một vài bài thơ được chọn in trong các tập thơ in chung mang tên "Sức mới" hoặc "Hoa trăm miền".

Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, hồi còn là biên tập viên thơ ở tuần báo Văn nghệ có lần nêu kinh nghiệm: Muốn đăng thơ trên nhật báo, ít nhất phải gửi trước 4 ngày; muốn đăng thơ trên tuần báo, ít nhất phải gửi trước 4 tuần; muốn in thơ tại một nhà xuất bản, ít nhất phải gửi trước 4 năm… Đấy là "ít nhất", còn "nhiều nhất" thì không thể đo đếm được.

Ấy là cái khó trong việc xuất bản sách một thời.

Nhưng cũng nhờ cái khó ấy mà sinh ra những cái hay khác. Sách được in ra sẽ được biên tập kỹ và được in với số lượng đáng kể. Chưa kể, tác giả còn được hưởng nhuận bút với số tiền rất đáng kể. Chỉ cần được trả nhuận bút từ vài nghìn đồng trở lên, là tác giả đã có trong tay một tài sản lớn rồi. Và nếu ai được đăng một chùm thơ trên một tờ báo, một tạp chí danh tiếng, tuy rất khó, nhưng đi kèm cái sự khó ấy là gây được ảnh hưởng sâu rộng và nhanh chóng được người đọc biết đến.

Quanh đi quẩn lại đã hơn 20 năm, việc xuất bản sách không còn khó khăn gì mấy, nếu như không muốn nói là… dễ ợt. Bây giờ chỉ cần tạm biết làm thơ, tạm biết viết văn xuôi, hoặc có những tác phẩm na ná thơ, na ná truyện ngắn, na ná tiểu thuyết, lại không vi phạm một vài điều cấm kỵ và có tiền, là có thể xin được giấy phép và xuất bản ngay được trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tôi biết có một người, vì háo danh và ỷ mình có tiền, chỉ trong vòng ít năm đã cho in hàng chục tập thơ, hàng chục tiểu thuyết.

Nhưng cũng vì cái dễ ấy mà sinh ra khối cái dở khác. Sách được in ra sẽ được biên tập sơ sài và được in với số lượng rất hạn chế. Chưa kể tác giả còn không được hưởng một đồng nhuận bút nào. Rất nhiều trường hợp phải bỏ tiền. Nhìn chung, loại sách này không có độc giả và chúng bị biến thành rác rất nhanh. Đối với loại sách này, hình như chúng chỉ làm được mỗi một việc nhằm thỏa mãn cơn "tự sướng" của các cá nhân.

Vậy mà khối người vẫn thích. Vậy mà vẫn có khối người say mê. Nghe đâu trong ngày vui ra sách, có người còn mổ trâu (theo nghĩa đen) ăn mừng nữa kia.

Thì có sao đâu, chuyện thường tình
Có người mê tiền, người mê chữ
Cứ để thế mới là đời chứ
Xin mưa cứ to, xin nắng cứ nồng!

Có một nhà thơ sau khi biết chuyện này, đã ứng tác mấy câu thơ như vậy.

Còn tôi, mỗi lần nhớ đến cái thời còn chơi bi đánh đáo, mỗi lần tham gia một trò chơi nào, tụi trẻ chúng tôi thường thống nhất với nhau: Chơi theo kiểu gì cũng được. Không có gì phải băn khoăn, thắc mắc. Dễ người thì dễ ta, khó người thì khó ta thôi.

Rồi tự nhiên nhi nhiên, tôi liên hệ cái hiện tượng "dễ người dễ ta, khó người khó ta" với việc xuất bản sách thời trước với thời nay

Đặng Huy Giang
.
.