Để mỗi phục trang trong phim là một thông điệp văn hóa

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:38
Không chỉ những bộ phim nói về thời trang mới khiến khán giả quan tâm tới trang phục của nhân vật mà phục trang từ lâu đã luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của một bộ phim...


Gần đây, dư luận đang tranh cãi xung quanh việc một số nhân vật nữ trong bộ phim truyền hình "Thương nhớ ở ai" (phát sóng trên VTV3) mặc trang phục yếm mà không mặc áo ngực. Trước đó không lâu, ngay từ khi vừa ra mắt, bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" lại khiến khán giả trầm trồ vì bộ sưu tập áo dài đa dạng và độc đáo của các nhân vật trong phim... Nói như vậy để thấy, trang phục của nhân vật trong phim luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả và góp phần không nhỏ vào sự thành công của mỗi bộ phim.

Có thể nói, bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" vừa ra mắt khán giả đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận một phần lớn nhờ vào "cơn bão" áo dài xuất hiện trong phim. Bộ phim lấy bối cảnh Sài Gòn vào những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, giai đoạn lên ngôi của áo dài nhưng cũng là thời điểm mà những nét văn hóa phương Tây du nhập và ảnh hưởng đến phong cách của một bộ phận không nhỏ giới trẻ.

Sự mâu thuẫn ấy được lồng ghép trong câu chuyện của một gia đình có truyền thống làm nghề may Thanh Nữ. Đã từng nhiều đời làm nghề may áo dài nức tiếng Sài thành nhưng mọi chuyện trở nên rắc rối khi Như Ý, truyền nhân duy nhất của gia đình lại có đam mê âu phục...

Phim “Cô Ba Sài Gòn” góp phần tôn vinh tà áo dài truyền thống.

Điều đặc biệt của bộ phim là không chỉ mang tới một không gian áo dài đậm nét truyền thống ở trong phim mà ngay tại 2 buổi ra mắt phim ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các khách mời tham gia cũng đồng loạt diện áo dài họa tiết ấn tượng. Điều này không chỉ ghi dấu ấn riêng cho bộ phim mà còn truyền tải được thông điệp tôn vinh nét đẹp của áo dài truyền thống.

Không chỉ những bộ phim nói về thời trang mới khiến khán giả quan tâm tới trang phục của nhân vật mà phục trang từ lâu đã luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của một bộ phim. Trang phục phù hợp với nhân vật, hoàn cảnh, mang giá trị thẩm mĩ cao là mục tiêu mà bất kỳ một nhà sản xuất phim nào cũng hướng tới. Cùng với sự đầu tư kinh phí ngày càng lớn cho mỗi bộ phim thì sự "chịu chi" của đạo diễn vào trang phục cũng không ngừng tăng lên.

Cách đây không lâu, khi bắt tay vào thực hiện bộ phim "Tấm Cám: chuyện chưa kể", nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã mạnh tay chi cho riêng phần trang phục chiếm tới 1/10 chi phí đầu tư của bộ phim có vốn ban đầu là 20 tỷ đồng này. Phim sử dụng một ê kíp cố vấn thời trang bao gồm những tên tuổi như nhà thiết kế Thủy Nguyễn, Tùng Vũ, stylist Hoàng Anh, Lê Minh Ngọc và chuyên gia trang điểm Nam Trung. Ê kíp cũng đã mất hơn 3 tháng để nghiên cứu trang phục các triều đại xưa qua tài liệu lịch sử cộng thêm sự cố vấn của các chuyên gia để cho ra đời hơn 100 phác thảo thiết kế cho từng nhân vật.

Trang phục của mỗi nhân vật trong phim đều mang dấu ấn, màu sắc, kiểu cách, chất liệu phù hợp với tính cách và câu chuyện trong phim. Dù được đầu tư công phu và tốn kém như vậy nhưng sau khi tạo hình của các nhân vật trong "Tấm Cám: chuyện chưa kể" được công bố, trang phục của phim gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Đa phần đều cho rằng, váy áo của các nhân vật được cách tân sáng tạo không đúng với lịch sử thời trang, không ăn nhập với trang phục của người Việt trong bất kỳ triều đại phong kiến nào. Trang phục của Tấm, Cám và Dì ghẻ được cho rằng đã quá lộng lẫy, rườm rà so với thông thường. Những tranh cãi xung quanh áo tứ thân hay áo dài, lớp áo khoác mỏng, mấn đội đầu nhiều chi tiết trang trí...cũng khá tưng bừng trên báo chí và các trang mạng xã hội.

Cũng giống như "Tấm Cám: chuyện chưa kể", trang phục trong những bộ phim cổ trang luôn khiến đạo diễn đau đầu, tốn kém nhất mà cũng dễ bị "soi" nhất. Khi thực hiện bộ phim "Mỹ nhân kế", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã đặt ra yêu cầu cho nhà thiết kế trang phục Công Trí là tạo hình đẹp, giống phim kiếm hiệp nhưng vẫn phải mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Cuối cùng, sau nhiều ngày vất vả, 200 bộ trang phục được hoàn thành. Trong đó trang phục của 5 cô gái Kiều Thị, Lan Thị, Đào Thị, Mai Thị và Liễu Thị tượng trưng cho các tính cách khác nhau của mỗi người. Mặc dù được đầu tư tốn kém và kỹ lưỡng như vậy, nhưng trang phục của phim "Mỹ nhân kế" vẫn bị khán giả chê là hở hang, gợi cảm quá đà.

Phim “Thương nhớ ở ai” tạo được sự chú ý của khán giả còn bởi những tranh cãi về trang phục áo yếm của các nhân vật nữ.

Ngoài ra, khán giả còn cho rằng, những trang phục của phim cũng không ăn nhập với thời kỳ nào trong lịch sử phát triển của trang phục dân tộc. Chưa kể, tạo hình của nhân vật Kiều Thị với trang sức đính giữa trán được cho là giống Ấn Độ, hoa văn trên các mẫu trang sức của các nhân vật bị chê là lộn xộn.

Không ít bộ phim lịch sử của Việt Nam bị khán giả phản ứng vì sử dụng trang phục không phù hợp. Phim "Mỹ nhân" của đạo diễn Đinh Tháo Thụy là một ví dụ. Đây là bộ phim được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng để tái hiện thời kỳ Trịnh - Nguyễn. Tuy nhiên, ngay khi những hình ảnh đầu tiên được công bố, khán giả nhanh chóng nhận ra bộ quan phục do diễn viên Châu Thế Tâm mặc in hình giống nhân vật Vua Sư tử trong phim nổi tiếng "The Lion King" của Walt Disney. Điều đó cho thấy, việc làm phim lịch sử thiếu cẩn trọng, khá cẩu thả của ê kíp làm phim.

Phục trang trong phim "Thạch Sanh" cũng bị phản ứng mạnh vì quá hiện đại. Vòng tay, dây thắt lưng, giày da quá đẹp của nhân vật chỉ có được ở thời điểm công nghệ thuộc da phát triển với kỹ thuật sơn bóng và đóng khoen tinh xảo. Nhiều bộ phim lịch sử của Việt Nam bị khán giả "chê" vì trang phục nhân vật trong phim tương đối giống với phim cổ trang Trung Quốc.

Số ít những bộ phim như "Long Thành cầm giả ca", "Huyền sử thiên đô" được đánh giá là tôn trọng lịch sử, có giá trị thẩm mỹ và mang đậm văn hóa Việt. Các nhà làm phim thừa nhận, thiết kế và lựa chọn trang phục cho phim cổ trang là vấn đề đau đầu.

Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim lịch sử nên không có kho lưu trữ trang phục cổ trang để tham khảo. Ngoài ra, chưa có nhiều tư liệu nghiên cứu về y phục của các thành phần xã hội quá các thời kỳ lịch sử. Sự cẩu thả về trang phục không chỉ khiến bộ phim thất bại về mặt hình thức mà còn giảm hiệu quả của nội dung và thông điệp, ảnh hưởng đến doanh thu của phim

Tại sao trang phục trong phim Việt thường mắc lỗi? Có vô vàn lý do để lý giải cho tình trạng này. Nhưng đa phần các nhà làm phim đều đổ lỗi do kinh phí. Hoặc đôi khi là tâm lý lạm dụng thích mặc đẹp của đạo diễn, diễn viên nên đã cố tình biến bộ phim thành sàn diễn thời trang thay vì sự tiết chế phù hợp với nhân vật, bối cảnh.

Trở lại với câu chuyện mà bộ phim "Thương nhớ ở ai" đang mắc phải. Trước những phản ứng của khán giả cho rằng, hình ảnh các nhân vật nữ mặc áo yếm mà không mặc áo ngực trong phim có phần hơi phản cảm, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng, bộ phim kể câu chuyện về những người phụ nữ ở làng quê Bắc Bộ giai đoạn 1954 - 1975. Thời đó, đa phần những người phụ nữ Việt Nam chưa biết tới áo ngực là gì. Bởi vậy, những phản ánh trong phim là hoàn toàn chân thực. Hình ảnh này tương đồng với nội dung và bối cảnh mà kịch bản phim đưa ra...

Tuy nhiên, khách quan mà nói, những cảm nhận của khán giả là có thật và khá chính xác. Những giải thích của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng không phải là không có lý. Xét tới tiêu chí trang phục cho nhân vật trong phim là phù hợp, chân thực và thẩm mĩ thì có lẽ ê kíp làm phim "Thương nhớ ở ai" để lại một điều đáng tiếc hơn là sai sót. Bởi đôi khi, không phải cái gì bê y nguyên từ hiện thực đưa vào phim cũng mang lại giá trị thẩm mĩ như mong muốn. Giá như vẫn trên nền chất liệu hiện thực ấy, các nhà làm phim chỉ cần sử dụng một vài "tiểu xảo" thì sẽ vẫn tôn trọng hiện thực mà tránh được cảm giác phản cảm cho khán giả.

Chính vì thế, trang phục luôn có một vị trí quan trọng góp phần làm nên thành bại của mỗi bộ phim. Lịch sử phim ảnh trong nước cũng như thế giới đã cho thấy, khi trang phục trong phim thành công không chỉ ghi dấu ấn được trong lòng khán giả mà thậm chí, có những trang phục còn bước từ trong phim ra với đời sống. Nhưng trên tất cả, trang phục trong phim không chỉ là thời trang mà còn là thông điệp văn hóa.

Khánh Thảo
.
.