Để các em "yêu sử qua từng câu chuyện nhỏ"

Thứ Hai, 21/04/2014, 08:00
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉ lệ chọn môn Sử thấp nhất trong tất cả các môn, thậm chí nhiều trường có tỉ lệ là 0%. Con số trên khiến cho những người quan tâm đến giáo dục lo lắng nhưng không hề ngỡ ngàng. Câu chuyện về dạy và học môn Sử đã trở thành chuyện "nhiều kỳ, dài tập" bởi kỳ thi đại học năm nào môn Sử cũng ồ ạt điểm 0. Như một cách khơi nguồn yêu sử cho thế hệ trẻ, bộ sách "Sử ta - chuyện xưa kể lại" của NXB Kim Đồng là tâm huyết của những người đã và đang đồng hành với những mầm non của đất nước.

"Sử ta  - chuyện xưa kể lại" do nhóm tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tín và Phó giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng biên soạn. Bộ sách gồm 4 tập phục dựng lại lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời điểm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai tập đầu tái hiện lại hình ảnh từ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang đến triều đại nhà Lê đã ra mắt hồi tháng 6-2013. Hai tập cuối vừa ra mắt vào cuối tháng 3 năm nay.

Không khô khan về mặt số liệu, kiến thức lịch sử, bộ sách gồm 205 câu chuyện đan xen giữa truyền thuyết, sự tích lẫn chuyện thật, người thật thú vị hấp dẫn với tuổi nhỏ, đi vào các nhân vật để làm sống lại những câu chuyện lịch sử xa xưa. Vì theo các tác giả, "Lịch sử, đó cũng chính là cuộc đời. Cuộc đời được ghi lại với những dấu ấn đặc biệt của một dân tộc, một đất nước và của những con người lịch sử". Đặc biệt, tiêu chí lựa chọn của cuốn sách không chỉ dừng lại ở lịch sử chiến tranh mà còn lồng ghép cả lịch sử văn hóa, xã hội… Đó là sự tích bánh chưng, bánh giầy; sự tích dưa hấu; chuyện về chiếc áo dài bên cạnh chuyện An Dương Vương dựng thành Cổ Loa, hai bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, Lý Thường Kiệt đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng…  Dù ở thể loại nào, các câu chuyện cũng được trình bày một cách ngắn gọn theo lối kể chuyện duyên dáng, dí dỏm kèm theo hình vẽ sinh động.

Ông Nguyễn Quốc Tín đánh giá, tuy đi sâu vào những câu chuyện nhưng bộ sách vẫn có những sự kiện, điểm nhấn đáng chú ý được sắp xếp khéo léo chứ không sa đà vào việc kể chuyện suông. Về thắc mắc có một số chuyện sử hấp dẫn, giai thoại về các nhân vật mà bộ sách không đưa, ông Nguyễn Huy Thắng cho biết dù có những câu chuyện rất hay nhưng nhóm tác giả đành phải lược bỏ để đảm bảo cho mạch truyện liên kết bền chặt xuyên suốt 4 tập không bị lan man.

Nhóm tác giả (ôm hoa) giao lưu với các bậc phụ huynh và học sinh tại buổi ra mắt hai tập cuối bộ sách "Sử ta - Chuyện xưa kể lại".

Tham gia buổi ra mắt sách có rất đông các em học sinh và phụ huynh. Bộ sách nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc nhỏ vì dễ đọc, dễ hiểu. Có em còn viết một bài cảm tưởng dài gửi nhóm tác giả. Làm được điều này bởi những người biên soạn bộ sách đều là những người có nhiều năm gắn bó với các em. Ông Nguyễn Huy Thắng cho biết: "Đầu thế kỷ 21, nhu cầu trang bị kiến thức lịch sử cho thiếu niên nhi đồng đã cho ra đời nhóm tác giả gồm Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng. Cả ba chúng tôi đều là nhà khoa học, từng làm ở Báo Hoa học trò, Thiếu niên Tiền phong, NXB Kim Đồng… do đó rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em.

Trước thực tế sách lịch sử dành cho thiếu nhi đang khan hiếm, kém hấp dẫn và nặng nề, lại bị thử thách trước hàng loạt các thiết bị giải trí nghe nhìn, mạng Internet, chúng tôi đã bắt tay biên soạn nhiều đầu sách lịch sử cho thiếu nhi. Có thể kể đến như: "Thủ đô, rộng dài đất nước theo năm tháng", "Từ kinh đô đến thủ đô", "Những nhân vật tên còn trẻ mãi", "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", "Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa"…".

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những câu chuyện của bộ sách khiến cho hình dung niên đại các triều đại phong kiến bị rời rạc. Đây cũng là cái khó cho nhóm biên soạn vì nếu thêm vào niên đại, chỉ dẫn… thì vô tình khiến bộ sách trở nên khô khan, khó đọc. Điều này nằm ngoài ý muốn ban đầu của nhóm tác giả. Để khắc phục, trong lần tái bản sau, nhóm tác giả sẽ cố gắng tóm tắt niên biểu của các triều đại và đặt riêng trong phần phụ lục để bạn đọc tham khảo.

Nhà báo Nguyễn Như Mai cho biết, nhóm tác giả đặt tên bộ sách là "Sử ta - chuyện xưa kể lại", "chuyện" chứ không phải là "truyện". Bởi vì "chuyện" thì mang tính chất khoa học, xác thực hơn là "truyện". "Chuyện xưa kể lại" là một cách đặt tựa nhằm dẫn dắt bạn đọc, khiến cho họ có cảm giác như đó là những câu chuyện cổ tích mà hằng đêm bà hay kể cho cháu nghe, mẹ kể cho con nghe. Những câu chuyện có dung lượng ngắn, độc lập mà liên kết xuyên suốt với nhau trong một câu chuyện lớn về sử Việt, rất thích hợp để ông bà, cha mẹ đọc cho trẻ nghe trước khi đi ngủ. Nó rất gần gũi, dễ đi vào tâm trí và mang đến những rung động cảm xúc như lòng tự hào dân tộc, căm thù quân xâm lược, yêu quê hương đất nước...

Một tiết dạy sử ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp - Dạy nghề huyện Văn Yên, Yên Bái (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

"Lịch sử của ta có rất nhiều câu chuyện ly kì, hấp dẫn mà nếu là nhà làm phim tài ba thì đây là kho kịch bản vô tận để cho ra đời vô số bộ phim hay. Đó là bí ẩn của hoa văn trên trống đồng, bí ẩn của những vị vua thời Hùng Vương, cuộc đời đầy sóng gió của những giai nhân, anh tài kiệt xuất chưa được hé mở… Chính yếu tố đó kích thích sự hứng thú, tò mò cho các bạn trẻ - những người thích tìm tòi, khám phá. Bạn đọc sẽ trở thành thám tử đi tìm xem sự thật nằm ở đâu trong câu chuyện ấy, điều bí ẩn là gì. Vì vậy chúng tôi xây dựng nên những câu chuyện lịch sử thú vị mang tính chất gợi mở là chính. Từ đó khơi dậy cho bạn đọc cảm hứng để tiếp tục cuộc hành trình vén tấm màn bí ẩn của lịch sử" - nhà báo Nguyễn Như Mai nói.

Lâu nay nói về sách lịch sử, người đọc sẽ nhanh chóng mường tượng ra những cuốn sách dày cộm, khô khan đầy rẫy số liệu. Các nhà nghiên cứu vẫn quen theo lối viết kinh viện, hàn lâm. Loại sách này thích hợp cho việc nghiên cứu, làm luận văn. Riêng những chuyện kỳ bí bên lề của lịch sử lại chưa được khai thác nhiều và xếp đặt chưa có lớp lang, có mạch truyện. Nhiều nhà giáo đánh giá, cách dạy và học trong nhà trường hiện có rất nhiều bất cập. Ở đây không phải tại lỗi của bộ môn Lịch sử mà bởi cách biên soạn sách giáo khoa, cách dạy và học.

Với giới trẻ, sách giáo khoa lịch sử cũng không khác gì loại sách nghiên cứu kinh viện, hàn lâm trên. Nhiều em xem việc học thuộc môn Sử là một kiểu tra tấn não bộ bởi quá nhiều sự kiện, số liệu rời rạc buộc phải nhồi nhét vào đầu. Bản thân lịch sử có rất nhiều điều thú vị cần kiến giải, khám phá với nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên với cách học thầy đọc - trò chép và coi sách giáo khoa như là "thánh thư", là tiêu chuẩn duy nhất để phân xét đúng sai, chấm điểm thì rõ ràng không ổn. Lịch sử cần có cái nhìn đa diện để thấy rõ bản chất của vấn đề. Điều này cho phép người học có quyền tìm hiểu theo cách của họ, thầy cô giáo chỉ là người định hướng để các em tìm hiểu. Sự chủ động này khiến các em hứng thú hơn kiểu học vẹt cứng nhắc như hiện nay.

Từ bộ sách trên, trong buổi giao lưu với nhóm tác giả, nhiều em học sinh  mong muốn nhà trường đừng bắt các em phải học thuộc lòng. Các em thích học theo cách kể lại câu chuyện lịch sử như bộ sách đã làm, có dẫn dắt, có tình tiết, kịch tính. Chỉ cần các em kể cho nhau nghe trên lớp, nhớ được mạch chuyện thì sẽ có thể nắm được sự kiện lịch sử đó. Là cố vấn của các chương trình truyền hình như: "Ai là triệu phú", "Vì bạn xứng đáng", "Đường lên đỉnh Olympia"… nhà báo Nguyễn Như Mai kể rằng: "Mỗi lần có câu hỏi đại loại như bạn hãy cho biết ngày, tháng, năm đó là ngày nào, diễn ra sự kiện gì hay sự kiện này diễn ra ngày, tháng, năm nào, bao nhiêu quân tham chiến… là tôi bảo chương trình xóa đi. Bản thân tôi nhiều khi còn không nhớ nổi chứ nói gì người chơi.

Tất nhiên cũng có những mốc thời gian quan trọng phải nhớ nhưng đừng bao giờ nhồi nhét vào đầu người ta những con số rối ren, nhiều khi không giúp ích được gì. Cái người ta cần là nắm được bản chất và hồn cốt của sự kiện, mốc thời gian đó". Từ ý kiến của các em học sinh, nhóm tác giả bộ sách đề xuất: Sau mỗi bài học trong sách giáo khoa, nên có thêm một câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến bài học để các em tìm hiểu, nắm trọng tâm bài học

Nguyễn Trang
.
.