Đâu rồi "sân chơi" của các em?

Thứ Hai, 05/09/2011, 14:45
Trước đây, từng có lúc tôi đã nghĩ: Trẻ em thời nay tuy về vật chất sướng hơn trẻ em của hai, ba chục năm về trước, song cũng có không ít điều "thua thiệt". Chúng ít có thời gian rảnh rỗi để nhấm nháp, tận hưởng dư vị cuộc sống. Tất cả đều nháo nhào lao vào vòng xoáy học đường như một thứ robot, để rồi sau này, nhìn lại, hẳn không ít người phải ngạc nhiên đặt câu hỏi: Vậy ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì?

Có lúc tôi còn nghĩ, làm trẻ con thời nay muôn bề khổ hơn người lớn. Cụ thể, làm học sinh còn khổ hơn làm công chức ở các đơn vị hành chính - sự nghiệp. Bởi nghĩ vậy nên tôi rất tâm đắc với những ý kiến của nhà văn, Tiến sĩ Phan Hồng Giang khi ông đúc kết trong bài viết có tên gọi "Đừng làm mất tuổi thơ hồn nhiên của các em" bằng những dòng như sau: "Nếu người lớn được Luật Lao động bảo đảm cho quyền được làm việc 8 giờ/ ngày (chưa kể nhiều vị ở các cơ quan hành chính - sự nghiệp còn đến muộn về sớm, ngồi tán chuyện hàng giờ quanh bàn nước cơ quan, buổi trưa thì mới ngoài 11 giờ nhiều vị công bộc của dân, miệng ngậm tăm, thủng thẳng về cơ quan… thư giãn) thì các công dân tí hon của chúng ta lại phải làm việc - học tập đến 10 - 12 tiếng/ ngày. Tôi không cường điệu chút nào: Này nhé, với các em học 2 buổi/ ngày thì thời gian học ở trường đã vào khoảng 8 giờ rồi, bảo đảm bằng đủ số giờ lao động nghĩa vụ của người lớn rồi, thế mà chiều tối về nhà, vừa ăn vội bữa cơm là ngồi ngay vào bàn giải quyết đủ loại bài tập Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Địa… mụ mị cả người, có hôm đến 11 giờ đêm vẫn chưa làm xong bài tập".

Việc các em nhập học từ giữa tháng 8 đã khiến ngày khai trường giờ chỉ mang ý nghĩa thủ tục.

Ấy là nói về chuyện học hành, về chuyện vui chơi giải trí thì nghịch lý thay, so với người lớn, trẻ em cũng lại gặp không ít điều thua thiệt. Trước đây, rành rành ai cũng biết: Tết Trung thu là của các em. Ngày Tết Trung thu, Bác Hồ còn gửi thơ cho các em "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng". Còn bây giờ, với không ít người, thử hỏi Tết Trung thu thực chất là của ai, dành cho ai? Không biết từ lúc nào, vào dịp Trung thu, các bậc phụ huynh, thay vì lo tổ chức vui chơi cho con em mình ở nhà, họ lại lo mua sắm bánh trái để lễ lạt các sếp hay "kính biếu" thầy cô giáo. Việc báo chí phản ánh trên thị trường từng xuất hiện những hộp bánh Trung thu có giá bán tới gần chục triệu đồng thì thử hỏi: Mấy ai mua bánh ấy với mục đích để con em mình ăn?

Trước đây, trong bài "Còn đâu là cổ tích?", tôi từng đưa dẫn ý kiến của một đầu nậu sách: "Móc túi trẻ con là dễ nhất". Quả thật, "đánh mắt" sang thị trường xuất bản, ta sẽ thấy câu nói tàn nhẫn ấy hóa ra lại chính xác biết bao! Có cơ man là đầu sách được in ấn màu mè, giấy má đẹp và giá bán không hề rẻ, vậy mà nội dung thì… ôi thôi, được biên soạn ẩu tả hết chỗ nói. Thậm chí, với những cuốn truyện cổ tích nổi tiếng thế giới, các đầu nậu thoải mái tự tung tự tác cắt gọt, cải biên, sao cho nội dung "khác" với những cuốn sách dịch trước đấy (nhằm đỡ tiền bản quyền). Vậy là cuối cùng, trẻ em… lãnh đủ. Các bậc phụ huynh cứ thấy những cuốn sách có tên có tuổi, in ấn màu mè, bắt mắt là mua. Họ có đọc kiểm tra nội dung đâu để biết rằng con em mình đang từng ngày từng giờ phải "xơi" những món ăn tinh thần… rởm như thế!

"Sân chơi" dành cho trẻ em ngày càng bị xâm lấn, thu nhỏ đến tội nghiệp. Để kết thúc bài viết này, tôi xin nêu ra đây như một tiếng chuông cảnh báo về một hiện tượng rất đáng buồn hiện nay, nhất là khi ngày khai giảng năm học mới bắt đầu: Ấy là việc con em của chúng ta đang dần dà bị tước đi một ngày hội rất thiêng liêng: Ngày khai trường. Nếu như trước đây, chúng ta từng thuộc lòng những bài thơ, áng văn nói về cảm xúc hồi hộp, rưng rưng của lứa tuổi học trò chờ đến ngày tựu trường (như đoạn văn đầy cảm xúc của nhà văn Thanh Tịnh mà nhiều bậc phụ huynh đến nay hẳn còn nhớ: "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám bây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường") thì nay cảm xúc đã phai nhạt đi rất nhiều. Học sinh đã được nhận lớp và vào học chương trình chính thức do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định từ giữa tháng 8. Việc các em tập trung dưới sân trường, chứng kiến nhà trường tổ chức lễ khai giảng vào ngày mùng 5 tháng 9 như thông lệ chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục. Nó không tạo cho các em một cảm xúc rưng rưng, xao xuyến, hồi hộp như xưa nữa, bởi làm sao có tâm trạng ấy khi các em đã thông thuộc bạn bè, thầy cô và lao vào không khí học tập tới hơn nửa tháng rồi?

Xin các bậc quản lý giáo dục lưu ý cho điều này. Nhiều giáo viên khi nghe tôi đặt vấn đề cũng thừa nhận đó là một trong những điều họ cảm thấy băn khoăn, day dứt. Mượn cách nói của nhà văn Phan Hồng Giang, tôi cũng xin được nhắc lại ý kiến của mình: "Đừng làm mất ngày khai trường của các em"

Phạm Thành Chung
.
.