Đâu rồi những tài năng âm nhạc nhí?

Chủ Nhật, 04/07/2021, 15:50
Gần đây, khi các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình vắng bóng, khán giả mới có thời gian nhìn lại và đặt câu hỏi: Đâu rồi những tài năng âm nhạc nhí? Rất nhiều cái tên được kỳ vọng “sẽ làm nên chuyện” sau cuộc thi nhưng dường như các em đã không vượt qua được cái bóng của chính mình...


Những quán quân đang ở đâu?

Nhiều khán giả vẫn còn nhớ chiến thắng “ngoạn mục” của Quang Anh trong cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” năm 2013. Bằng tài năng thiên bẩm và sự nỗ lực vượt bậc, cậu bé đến từ Thanh Hóa đã vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký” để giành ngôi vị Quán quân của cuộc thi. Quang Anh được đánh giá là “hiện tượng” âm nhạc nhí với con đường âm nhạc rộng mở phía trước. Sau cuộc thi, Quang Anh lựa chọn tạm dừng hoạt động showbiz để tập trung vào việc học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Sau thời gian dài vắng bóng, gần đây, Quang Anh đã bắt đầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, trở lại với nghệ danh mới là Quang Anh Rhyder. Cậu bé 12 tuổi ngày nào giờ đã bước vào tuổi đôi mươi với rất nhiều thay đổi về ngoại hình. Vẻ đáng yêu, trong sáng của Quán quân “Giọng hát Việt nhí” được thay thế bằng hình ảnh có vẻ phong trần, bụi bặm hơn. Có lẽ, đây là điều tất yếu bởi theo thời gian, những cô bé, cậu bé sẽ lớn lên và phải định hình phong cách âm nhạc, hình ảnh mới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những sản phẩm âm nhạc mới của Quang Anh Rhyder như ca khúc “Anh đã quen với cô đơn rồi mà”, “Em là ai”, MV “Chia sẻ lên”… lại không nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.

Sau thời gian dài vắng bóng, Quang Anh - Quán quân “Giọng hát Việt nhí” 2013 đã quay trở lại thị trường âm nhạc nhưng chưa gây được sự chú ý của công chúng.

Một số khán giả cho rằng, chưa thể quen với phong cách mới của Quang Anh Rhyder bởi hình ảnh cậu bé Quang Anh ngày nào vẫn còn in đậm trong tiềm thức của họ. Một Quang Anh mới hơn, trưởng thành hơn đã xuất hiện nhưng những sản phẩm âm nhạc của Quang Anh Rhyder chưa thực sự bứt phá hay có sự khác biệt mạnh mẽ trong thị trường âm nhạc đang thay đổi từng ngày. Tôi cho rằng, Quang Anh mới “quay trở lại đường đua” và chưa thể khẳng định chắc chắn bất cứ điều gì qua một vài sản phẩm âm nhạc. 

Điều đáng tiếc là Quang Anh đã không tận dụng được “bệ phóng” từ vị trí Quán quân chương trình “Giọng hát Việt nhí” để xây dựng tên tuổi và khẳng định tài năng trong showbiz. Vì gián đoạn quá lâu nên khán giả cũng cần có thời gian để làm quen với phong cách âm nhạc, hình ảnh mới của Quang Anh Rhyder. Chia sẻ với báo giới, Quang Anh cho biết: Anh đã quyết định Nam tiến để phát triển sự nghiệp. Xu hướng âm nhạc mà anh theo đuổi là những bản nhạc mạnh mẽ có sự pha trộn từ âm nhạc điện tử, trong đó có nhiều phong cách như Rap, HipHop, Ballad, Pop, House… Hy vọng, trong thời gian tới, Quang Anh Rhyder sẽ khẳng định được tài năng bằng những sản phẩm âm nhạc mới của mình.

Tương tự như Quang Anh, cậu bé Đức Vĩnh từng được coi là “Thần đồng âm nhạc” khi giành ngôi vị cao nhất trong chương trình “Việt Nams Got Talent” năm 2015 ở tuổi lên 9. Với thần thái tỏa sáng, lối diễn xuất tự nhiên, Đức Vĩnh đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả khi thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân ca, làn điệu chèo, chầu văn, quan họ, hát xẩm… Sau khi đăng quang “Việt Nams Got Talent” 2015, “Cậu bé Thị Mầu” Đức Vĩnh còn tham gia và giành quán quân trong chương trình “Tuyệt đỉnh song ca nhí” do Đài truyền hình Vĩnh Long tổ chức năm 2017. 

Được biết, sau những cuộc thi kể trên, Đức Vĩnh cùng mẹ và chị gái chuyển vào Sài Gòn sinh sống để em có điều kiện phát triển niềm đam mê nghệ thuật. Ngoài việc học văn hóa, Đức Vĩnh có nhận show diễn nhưng hạn chế và chị gái cũng kiêm luôn việc làm bầu show. Nhìn chung, so với thời điểm đăng quang “Việt Nams Got Talent” 2015, Đức Vĩnh chưa có sản phẩm âm nhạc nào đáng chú ý. Con đường phát triển âm nhạc của em trong tương lai cũng chưa được định hình rõ nét. Câu chuyện của Đức Vĩnh chắc chắn không phải là chuyện mang tính cá biệt của những tài năng âm nhạc nhí.

Đi tìm “công thức” để thành công 

Đánh giá một cách công bằng thì cũng có những tài năng bước ra từ sân chơi âm nhạc nhí đã thành danh sớm. Trong danh sách này phải kể đến Phương Mỹ Chi (Á quân “Giọng hát Việt nhí” 2016), Hồ Văn Cường (Quán quân “Thần tượng âm nhạc nhí” 2016), Thiên Khôi (Quán quân “Thần tượng âm nhạc nhí” 2017), Thiện Nhân (Quán quân “Giọng hát Việt nhí” 2014). Tuy nhiên, con số này là quá ít so với số lượng vài chục cuộc thi âm nhạc nhí được tổ chức trong nhiều năm. Bên cạnh đó, phần lớn những ca sĩ nhí này theo đuổi dòng nhạc dân ca và vẫn chủ yếu hát theo bản năng sẵn có.

Liệu tài năng nhí Đức Vĩnh có thể tỏa sáng trong tương lai?

Một thực tế phải thừa nhận là, sau cuộc thi, tỷ lệ thí sinh ở những mùa đầu có nhiều em thành danh hơn so với thí sinh tham gia ở những mùa sau. “Công thức chung” của những giọng hát nhí thành danh là phải “Nam tiến” bởi Sài Gòn và thị trường âm nhạc miền Nam có “nhiều đất dụng võ hơn” so với thị trường miền Bắc. Ngoài ra, tài năng nhí phải có “người đỡ đầu”, định hướng con đường phát triển âm nhạc chuyên nghiệp. Phương Mỹ Chi may mắn được ca sĩ Quang Lê nhận làm con nuôi, hỗ trợ phát triển sự nghiệp. Tương tự như vậy, ca sĩ Phi Nhung nhận Hồ Văn Cường làm con nuôi, ca sĩ Cẩm Ly trợ giúp Quán quân “Giọng hát Việt nhí” Thiện Nhân khi lên Sài Gòn lập nghiệp… 

Tên tuổi, mối quan hệ sẵn có của các nghệ sĩ thành danh, sự quản lý bài bản, chuyên nghiệp là yếu tố hậu thuẫn vô cùng quan trọng cho những tài năng nhí phát triển. Ngoài ra, nếu không có được sự giúp đỡ từ các nghệ sĩ lớn thì “hậu phương gia đình” với sự đảm bảo vững chắc về tài chính sẽ giúp tài năng nhí thuận lợi phát triển sự nghiệp. Rõ ràng, không phải ai cũng có được sự may mắn này.

Bên cạnh những thuận lợi, việc nổi tiếng sớm khiến các em cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn cần có sự định hướng và hỗ trợ giải quyết từ người có kinh nghiệm. Đó là áp lực từ sự nổi tiếng và hào quang từ danh xưng “tài năng”, “thần đồng”… khiến các em đôi khi không thoát ra được cái bóng của chính mình. Không ít sao nhí dính lùm xùm đời tư: Phương Mỹ Chi từng bị tố vô ơn với cô ruột, hét cát – xê cao hay gần đây nhất là lùm xùm giữa Hồ Văn Cường và mẹ nuôi Phi Nhung gây xôn xao trên mạng xã hội… Ngoài giọng hát hay, để trở thành một nghệ sĩ chân chính, các em cần phải được đào tạo cách ứng xử văn hóa, xây dựng đạo đức nghề nghiệp, cách giữ gìn hình ảnh nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, vì là tài năng nhí nên khi tham gia cuộc thi, phần lớn các em ở độ tuổi nhỏ, chưa trưởng thành. Khi vào tuổi dậy thì, các em nam phải đối mặt với “khủng hoảng vỡ giọng”. Chất giọng trong trẻo thuở bé không còn nữa, thay vào đó là giọng trầm, khàn. Nếu không được định hướng, rèn luyện hằng ngày thì có thể tài năng, giọng hát đó sẽ bị mất đi. 

Tôi cho rằng, không chỉ là sân chơi, các cuộc thi âm nhạc nhí là nơi tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới cho thị trường âm nhạc trong tương lai. Tài năng âm nhạc thường phát lộ sớm và nếu được đào tạo, bồi dưỡng trong môi trường chuyên nghiệp sẽ giúp các em có cơ hội tỏa sáng. Tuy nhiên, nếu chỉ phát hiện mà không được đào tạo, nuôi dưỡng thì đó chính là sự lãng phí tài năng. Hiện vẫn chưa có sự gắn kết giữa các cuộc thi tìm kiếm tài năng với quá trình đào tạo tài năng. Tìm kiếm tài năng âm nhạc, đơn giản là một gameshow giải trí còn sau cuộc thi, tài năng đó về đâu là câu chuyện khác. Cuộc thi là điểm tựa, là bệ phóng nhưng để thành công sau cuộc thi, từ tài năng nhí thành tài năng thực sự là một chặng đường dài, giống như đã có được hạt giống tốt nhưng không có môi trường tốt thì chưa chắc hạt giống đó đã trở thành một cái cây khỏe mạnh.

Tôi cho rằng, vì sự phát triển lâu dài của âm nhạc Việt, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo tài năng được phát hiện qua các cuộc thi. Cần tạo mảnh đất tốt để những hạt giống này có điều kiện nảy mầm và phát triển. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay, trong bối cảnh bão hòa các chương trình giải trí thì gameshow tìm kiếm tài năng nhí cũng đã “biến mất” và như thế, một trong những công cụ hữu hiệu để phát hiện tài năng cũng đã không còn nữa.

Tường Phạm
.
.