Đâu phải trò chơi

Thứ Hai, 24/08/2009, 15:30
Một nhà thơ từng được coi là "thần đồng" một thuở đã có lần tâm sự: "Thời của tôi, có không ít những mầm non thần đồng thơ, thần đồng văn... xuất hiện. Nhưng lớn lên thì rất nhiều người trong số họ hoặc đứt gánh hoặc bỏ cuộc. Nói chung, làm một cái gì cho đến đầu đến đũa... thật là khó, huồng hồ lại là văn chương. Hiện tượng này cho thấy: Địa hạt này luôn có nhiều biến động với nhiều thách thức, đổi thay phức tạp và không đơn giản như nhiều người lầm tưởng".

Một nhà văn cao tuổi có lần tâm sự: "Vì văn chương không phải trò chơi, nên những ai quá nôn nóng thành danh, quá nôn nóng nổi tiếng...sẽ không đi đến đâu cả. Cần phải coi sự viết như một quá trình tự thân. Lứa chúng tôi đã có không ít người bị tụt hậu, bị bất cập vì quá ỷ vào bản năng, kinh nghiệm và vì thành công quá dễ dàng.

Cho nên, bây giờ nếu làm một cuộc tổng kết nho nhỏ, tôi có thể khẳng định rằng: Những tác phẩm của họ chỉ là sản phẩm của một thời, không phải của một đời. Hay nói một cách khác: Giá trị những tác phẩm của họ chỉ là nhất thời, không phải nhiều thời. Hình như họ đã coi nhẹ tất cả và họ phải trả giá - một sự trả giá đương nhiên".

Nhà văn này còn tâm sự thêm: "So với ngày xưa, tuy số người viết văn, làm thơ trẻ bây giờ ngày một đông đảo và giỏi giang hơn, nhưng rất nhiều tác phẩm của họ lại rất giống các món ăn nhanh, ít chất văn, nhiều chất báo. Đôi lúc, tôi tự đặt ra câu hỏi: Không biết tuổi thọ tác phẩm của họ rồi sẽ tồn tại được bao lâu và tồn tại đến bao giờ? Và sau một thời gian nữa, không biết trong số họ liệu còn có bao nhiêu người "sống sót"? Theo tôi, văn chương không phải là thứ ăn xổi ở thì được".

Đây là hai tâm sự của hai nhà văn rất đáng lưu ý.

Cách nay vài tháng, trên một Blog cá nhân, có một nhà thơ đã lăngxê một cô bé 4 tuổi làm thơ. Đây là mấy câu thơ ứng khẩu mà tác giả của Blog  nói trên cho là…"khá ngộ":

Em được nghỉ bốn ngày
Em đi chơi với biển
Nhưng rồi trời đổ mưa
Thế là em quay lại…

Đây là 2 "câu thơ" chưa làm tròn "nhiệm vụ…kể". Có thể diễn xuôi (và đầy đủ) như sau: Em được nghỉ học bốn ngày. Mẹ em cho em đi chơi (hoặc nghỉ mát) ở biển. Nhưng vì tự dưng trời đổ mưa nên em (và cả nhà em) không đi nữa. Vậy có gì mà gán cho nó là… "khá ngộ"?

Nhưng "ghê răng" hơn cả là mấy "câu thơ" thuộc dạng...buột miệng của cô bé trên. Thú thực, sau khi đọc mấy "câu thơ" dưới đây, tôi thấy gai hết cả người:

Mẹ ơi!
Bia bố uống có hạn sử dụng
Thịt mẹ mua cũng có hạn sử dụng
Thế sữa ở ti mẹ đã hết hạn sử dụng chưa?

Một thống kê cách nay không lâu trong làng văn Trung Quốc - một đất nước có hơn một tỷ dân, cũng rất đáng lưu ý: Năm 2002, nước này có 1.000 nhà văn 8X. Đến năm 2006, nước này chỉ còn 10 nhà văn 8X còn tồn tại trong khi 990 nhà văn 8X khác lặng lẽ biến khỏi văn đàn. Như vậy là có đến 99% nhà văn 8X mất tích. Đến nay, 99% nhà văn 8X này làm gì, ở đâu, thì không ai biết. Rất có thể họ đã chuyển hướng hoạt động, mưu sinh mà không dính dáng gì đến văn chương nữa.

- Thế có lý do gì không?- Một người hỏi.

- Có chứ! Họ cảm thấy mọi thứ không dễ dàng như họ tưởng. Họ thấy mọi thứ thật khó khăn. Họ cảm thấy mình không vượt nổi cái bóng của mình - Một người trả lời.

- Thì có ai vượt nổi cái bóng của mình đâu! Lý giải thế là chưa thuyết phục cho lắm.

- Thế theo ông thì là bởi lý do gì?

- Cái chính là trong địa hạt này có nhiều thứ xương quá, khó gặm quá. Và cũng có thể họ đã có một xuất phát sai ngay từ nhận thức. Văn chương đâu phải trò chơi!

Đặng Huy Giang
.
.