Dấu ấn Ngọc Hương

Thứ Ba, 02/01/2018, 09:18
Giới sân khấu Cải lương và người ái mộ bàng hoàng xúc động trước tin NSƯT Ngọc Hương (vợ của soạn giả Thu An), đào chánh Cải lương lừng lẫy một thời đã qua đời vào đêm 30-11-2017, ở  tuổi 75.


Hành trình nghệ thuật

NSƯT Ngọc Hương tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hương, sinh năm 1942 tại Bến Tre trong một gia đình nghệ sĩ nhà nòi. Cả ông, bà nội đều là nghệ sĩ nổi danh của gánh Hát bội Kiến Lương xưa kia. Thân phụ là nghệ sĩ Nguyễn Văn Hay (còn có tên gọi khác là Hai Nhỏ), là kép chánh, là thầy tuồng của gánh Hát bội Kiến Lương. Nhờ vậy mà ngay từ nhỏ, cả bốn anh chị em của Ngọc Hương gồm: chị cả là NS Kim Giác (vợ của cố NSƯT Hoàng Giang), người anh kế là NS Hoàng On và cô em gái là NS Ngọc Lan đều được học ca, học đờn và vũ đạo ngay trong đoàn hát do ông bà nội và phụ thân truyền dạy.

Tuy nhiên, nhận thấy Hát bội đang mất dần khán giả, đời nghệ sĩ Hát bội gặp nhiều khốn khó, nên cha của Ngọc Hương định hướng cho bốn anh chị em theo nghệ thuật Cải lương vì lúc bấy giờ, loại hình kịch hát dân tộc này đang hưng thịnh.

Năm 1952, mới 10 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Hương được giới thiệu ca vọng cổ trước khi mở màn cho Đoàn Cải lương Nam Phi. Năm 12 tuổi, Ngọc Hương được giao đóng vai hoàng tử Ân Hồng, Ân Giao trong vở tuồng “Trụ Vương - Đắc Kỷ”.

NSƯT Ngọc Hương.

Nhờ có làn hơi mùi mẫn và động tác vũ đạo đẹp, cô đào nhí Ngọc Hương đã nổi danh, được công chúng tán thưởng nồng nhiệt và nhiều đoàn hát bắt đầu chú ý lăng xê. Ban đầu, ông bầu Răng của gánh hát Thanh Hương đã mời Ngọc Hương về hát vai Nghi Xuân trong vở tuồng “Phạm Công -  Cúc Hoa” và vai đào nhí trong vở Cải lương “Alađin và cây đèn thần”.

Đến năm 1956, cô đào Ngọc Hương được bà bầu Chín Bia của Đoàn Cải lương Nam Phong mời ký hợp đồng. Tại gánh Nam Phong, nhờ sự tận tâm “chỉ giáo” của nghệ sĩ kiêm thầy tuồng Giáo Út, Ngọc Hương lần lượt thành công qua các vai diễn: Hoàng tử Ngọc Giao trong vở tuồng “Hoàng cung trong sóng gió”, Bạch Vân Phi trong tuồng “Tìm con trong đảng cướp”, Tiết Quỳ trong tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc”; Đắc Kỷ trong tuồng “Khoét mắt Khương Hoàng Hậu”… được báo giới và công chúng lúc bấy giờ đánh giá là một nghệ sĩ trẻ thanh sắc lưỡng toàn, có phong cách ca ngâm - diễn xuất chững chạc, điêu luyện.

Đầu thập niên 1960, ông bầu Ba Bản (chủ hãng đĩa Hoành Sơn, trưởng đoàn hát Thủ Đô) mời Ngọc Hương thu thanh những bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên để xuất bản thành đĩa hát và đảm nhận vai đào chánh trong các vở tuồng do gánh Thủ Đô dàn dựng. Năm 1962, danh tiếng Ngọc Hương được biết đến nhờ thành công vai nữ chánh trong các vở tuồng: “Nửa bản tình ca”, “Thuyền ra cửa biển”, “Hai chiều ly biệt”... trên sân khấu đại bang Kim Chưởng.

Cuối năm 1962, với phần hóa thân tài tình nhân vật Châu Bích Lệ trong vở tuồng “Ảo ảnh Châu Bích Lệ” do cố soạn giả Thu An biên soạn, Ngọc Hương cùng với NSƯT Ánh Hồng vinh dự nhận HCV giải thưởng Thanh Tâm, do ký giả Trần Tấn Quốc (bút hiệu Thanh Tâm) sáng lập năm 1957 - 1958 dành cho sân khấu Cải lương.

Cũng trong năm 1962, Ngọc Hương kết hôn với soạn giả Thu An, có con trai đầu tên là Nguyễn Phong Kỳ, sau này là nhạc sĩ trong ban nhạc của đoàn Hương Mùa Thu và một cô con gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Nhan (sinh năm 1969) hiện đang định cư ở nước ngoài. Sau năm 1975, vợ chồng soạn giả Thu An - Ngọc Hương thành lập Đoàn Cải lương Hương Mùa Thu và Ngọc Hương tiếp tục đảm đương nhiều công việc quan trọng cho đến khi đoàn hát này giải tán (những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước).

Dấu ấn Ngọc Hương

Khi đề cập đến thân thế và sự nghiệp của NSƯT Ngọc Hương, có ba điều mà đồng nghiệp, báo giới và người ái mộ luôn nhắc tới. Trước hết là nhớ tới soạn giả Thu An. Ông vừa là người thầy, vừa là người bạn đời hết lòng yêu thương NSƯT Ngọc Hương. Đa phần những vai diễn, những bài vọng cổ do NSƯT Ngọc Hương thể hiện thành công trên sân khấu và băng đĩa từ trước đến nay đều do soạn giả Thu An sáng tác.

Đồng thời, NSƯT Ngọc Hương có nhiều vai diễn ấn tượng trên sân khấu như: Quốc Hương trong vở “Tiếng trống sang canh”, Châu Bích Lệ trong “Ảo ảnh Châu Bích Lệ”, Công chúa Yên Lang trong “Hai chiều ly biệt”, Chu Sơn Anh Đài trong “Nắng chiều trên sông Dịch”, Oanh Kiều trong “Gánh cỏ Sông Hàn”, bà mẹ trong vở “Con cò trắng”.v.v…

Đây là những nhân vật làm sáng thêm tên tuổi NSƯT Ngọc Hương trên sàn diễn Cải lương. Hơn nữa, chất giọng ngọt mùi, đầy thương cảm khiến cho mọi người luôn nhớ tới NSƯT Ngọc Hương. Sức hấp dẫn trong giọng ca của người nghệ sĩ xứ Đồng Khởi - Bến Tre là âm vực cao và trong trẻo, nhưng khi ca những đoạn lâm ly tình cảm nghe cũng khá mùi mẫn, êm tai.

NSƯT Ngọc Hương ca theo kỹ thuật và phong cách riêng của mình, không bị ảnh hưởng, bắt chước những giọng ca của những nữ nghệ sĩ đàn chị. Khi ca, bà không phô diễn kỹ thuật sắp nhịp lắt léo trong lòng câu, bà ca như không cần chú ý đến nhịp và thường lên cao bằng giọng mũi. Từng lời thoại câu ca được bà nhấn nhá một cách tự nhiên tùy theo tình huống, tâm trạng của nhân vật. Cách ca của bà khó có người bắt chước, vì muốn ca giống NSƯT Ngọc Hương đòi hỏi người ca phải có làn hơi sung mãn và phong phú.

Giọng ca vàng của nữ nghệ sĩ tài danh này từng chiếm lĩnh hầu hết các bộ đĩa tuồng, đĩa bài ca lẻ có giá trị nội dung và văn chương sâu sắc. Hầu hết các tác phẩm ấy được tái bản và phổ biến rộng rãi trong lòng công chúng suốt mấy mươi năm qua.

Liên danh Thanh Hải - Ngọc Hương một thời lừng lẫy trên sân khấu.

Chất giọng của NSƯT Ngọc Hương ca tân cổ rất hợp với “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài; thu tuồng trong băng đĩa thì ăn ý với NS Hùng Cường; hát sân khấu lại hợp với “Vua Tao Đàn” Thanh Hải, cùng với NS Út Hiền và NSƯT Thanh Tuấn.

Ở từng thời điểm khác nhau, họ có những thành công vang dội. Nếu ở sân khấu Kim Chưởng, liên danh Thanh Hải - Ngọc Hương trở thành bộ đôi ăn khách trong các vở tuồng: “Hán Đế biệt Chiêu Quân”, “Hai chiều ly biệt”…; thì dưới bảng hiệu Hương Mùa Thu, Ngọc Hương - Út Hiền trở thành một liên danh khó tách rời nhau.

Về sắc diện cả hai đều đẹp sắc sảo dưới ánh đèn sân khấu, về giọng ca thì đó là một sự hòa hợp kỳ diệu. Giọng ca của Ngọc Hương cao vút, ngọt ngào, tình cảm; còn giọng ca của Út Hiền vừa êm dịu, lại vừa trầm buồn, sâu lắng. Với sân khấu Hương Mùa Thu, người ái mộ bị mê hoặc bởi cặp diễn viên xứng đào xứng kép Út Hiền - Ngọc Hương qua các vở tuồng như: “Lá của rừng xanh”, “Cô gái sông Đà”, “Người anh khác mẹ”, “Con cò trắng”, “Gánh cỏ sông Hàn”, “Chuyến đò thương”, “Tiếng còi sa mạc”…

Riêng với NSƯT Thanh Tuấn, khi lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Hương Mùa Thu, chính NSƯT Ngọc Hương đã làm đòn bẩy, đưa Thanh Tuấn lên đỉnh cao nghệ thuật trong thập niên 70 của thế kỷ XX. Phải chăng nhờ hội đủ những tiêu chuẩn của một cô đào Cải lương (cả thanh lẫn sắc), nên NSƯT Ngọc Hương luôn tỏa sáng khi cùng ca cùng diễn với các ngôi sao ăn khách của sân khấu Cải lương.

Dẫu đời người không ai thoát khỏi quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”, nhưng sự ra đi của NSƯT Ngọc Hương là một mất mát không sao bù đắp được cho gia đình và cho loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát của dân tộc. Bà là một nghệ sĩ có những đóng góp đáng kể cho di sản nghệ thuật truyền thống của quê hương Nam Bộ. Tài năng và những cống hiến của cố NSƯT Ngọc Hương luôn được mọi người nhớ đến. Nhớ đến giọng ca nữ ăn khách thuộc hàng bậc nhất của làn đĩa nhựa và sàn diễn Cải lương thời hoàng kim.

Phạm Thái Bình
.
.